Rêu phong thành cổ Sơn Tây
Những gốc cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi mọc trên tường và cổng tạo nét rêu phong, cổ kính cho thành cổ Sơn Tây ở ngoại thành Hà Nội.
Thành cổ Sơn Tây được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 3 (1822) với nghệ thuật kiến trúc độc đáo của các hạng mục như tường thành, cổng thành, kỳ đài, đoan môn, vọng cung,… . Đây được đánh giá là một trong những tòa thành nổi tiếng, tiêu biểu và đẹp nhất miền Bắc.
Công trình được thiết kế theo hình tứ giác có diện tích khoảng 16 ha với tường thành được xây bằng đá ong cao khoảng 4,5 m.
Vật liệu xây dựng thành chủ yếu bằng đá ong (là loại vật liệu xây dựng đặc thù của vùng Sơn Tây).
Riêng với 4 cổng thành: Tây, Đông, Nam và Bắc (cửa Hữu, cửa Tả, cửa Tiền và cửa Hậu) được xây bằng gạch cổ.
Theo thư tịch cổ thì thành Sơn Tây được xây dựng rất kiên cố với nhiệm vụ chính là để bảo vệ vùng đất phía tây bắc Thăng Long xưa.
Theo thời gian và những biến động lịch sử, thành cổ Sơn Tây bị đổ nát khá nhiều. Hiện nay chỉ còn lại một số đoạn tường thành, cửa Tiền, cửa Hậu, hai khẩu thần công và một số phế tích như vọng lâu, nền điện Kính Thiên…
Xung quanh thành là hào nước rộng tới hơn 25 m, sâu khoảng 4 m và dài 1.792 m được nối ra sông Tích.
Video đang HOT
Trước đây bốn cửa đều có cầu gạch bắc qua hào nước. Nhưng hiện nay chỉ có hai cửa chính là cửa Tiền và cửa Hậu có cầu bắc qua hào nước dẫn vào cổng thành.
Phía trong thành hiện nay vẫn còn một số hạng mục kiến trúc như: Vọng lâu (cột cờ) cao 18 m, vọng cung, điện Kính Thiên, hai ao sen phía trước khu nghi lễ (điện Kính Thiên), trong đó một số công trình đã được phục dựng.
Hiện nay, thành cổ Sơn Tây chỉ còn giữ lại được 3 cổng thành là: Nam, Bắc và Tây với vẻ rêu phong, cổ kính.
Những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi mọc bên đường bao quanh thành, trên tường và phía trong thành cũng góp phần không nhỏ tạo nên sự rêu phong, cổ kính của tòa cổ thành này.
Sự cổ kính và cảnh vật thanh bình của thành cổ Sơn Tây biến nơi đây thành điểm chụp ảnh cưới lý tưởng của các cặp uyên ương.
Theo VNE
Những thành cổ nổi tiếng ở Việt Nam
Những tòa thành cổ với tường cao, hào sâu, cung điện, đình, đài là nơi lưu giữ các giá trị quý báu về phong cách kiến trúc, văn hóa, lịch sử của Việt Nam.
1. Hoàng thành Thăng Long
Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích tiêu biểu gắn liền với hơn 1000 năm lịch sử của kinh thành Thăng Long -Hà Nội. Nơi đây là kinh đô của Việt Nam thời Lý, Trần, Lê và chứa đựng nhiều giá trị văn hóa lịch sử quan trọng của Việt Nam nói chung, của Hà Nội nói riêng.
Kinh thành Thăng Long được xây dựng theo mô hình Tam trùng thành quách gồm: vòng ngoài cùng gọi là La thành hay kinh thành, vòng thành thứ hai là Hoàng Thành, giữa hai lớp thành này là nơi sinh sống của cư dân, lớp thành còn lại là Tử cấm thành hay Cấm thành hay Long Phượng thành là nơi ở của nhà vua, hoàng hậu và các thành viên trong hoàng tộc.
Sau hơn 1000 năm thăng trầm cùng với lịch sử dân tộc, kinh thành xưa với những lầu son, gác tía không còn nữa, nhưng dựa trên những dầu tích còn lại, người ta có thể nhận thấy nơi đây từng tồn tại một quần thể kiến trúc đồ sộ, in đậm dấu ấn văn hóa, kiến trúc, xã hội của người Việt Nam.
Ngày nay, một số kiến trúc còn sót lại bao gồm cột cờ Hà Nội, Đoan Môn, Hậu Lâu, Cửa Bắc...Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 2010.
2. Thành nhà Hồ
Nằm ở địa phận tỉnh Thanh Hóa ngày nay, Thành nhà Hồ (tên khác là thành Tây Đô, thành An Tôn, thành Tây Kinh hay thành Tây Giai) từng là kinh đô của Việt Nam dưới thời Hồ Quý Ly. Thành có quy mô lớn, là công trình xây dựng bằng đá kiên cố duy nhất còn lại ở Đông Nam Á và là một trong số ít những thành lũy bằng đá còn lại trên thế giới.
Thành nhà Hồ gồm 3 bộ phận, La thành, Hào thành và Hoàng thành. La thành là vòng ngoài cùng, chu vi khoảng 4 km. Hào thành được đào bao quanh bốn phía ngoài nội thành, cách chân thành theo các hướng khoảng 50 m. Công trình này có nhiệm vụ bảo vệ nội thành.
Toàn bộ tường thành và bốn cổng chính được xây dựng hoàn toàn bằng những phiến đá vôi màu xanh, vuông vức, xếp chồng khít lên nhau mà không cần chất kết dính vẫn đảm bảo độ bền vững. Qua hơn 600 năm cùng những biến cố thăng trầm của lịch sử và tác động của thời tiết, hệ thống tường thành còn khá nguyên vẹn, dù thời gian xây dựng rất gấp gáp, chỉ trong khoảng 3 tháng.
Tuy nhiên, trải qua hơn 600 năm tồn tại, hầu hết công trình kiến trúc bên trong Hoàng thành đã bị phá hủy. Những dấu tích nền móng của cung điện xưa giờ vẫn đang nằm ẩn mình phía dưới những ruộng lúa của người dân quanh vùng.
3. Thành cổ Bắc Ninh
Được xây dựng từ năm 1805 dưới triều vua Gia Long nhà Nguyễn, thành cổ Bắc Ninh được các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong nước đánh giá là một công trình kiến trúc nghệ thuật quân sự tiêu biểu. Tòa thành hình lục lăng trấn giữ cửa phí Bắc kinh thành Thăng Long từng là một trong 4 ngôi thành đẹp nhất Bắc Kỳ.
Thành có diện tích 545.000m2, tường cao hơn 4m đắp bằng đất đá, sau thay bằng gạch đá, chu vi dài hơn hơn 2.000m, xung quanh có hào nước sâu bạo bọc. Trong Thành có sắp xếp các bộ phận gồm Doanh trấn thủ, Đài bác vọng, kho thuốc súng, nhà Công đồng. Thời nhà Nguyễn, Thành Bắc Ninh là trung tâm bộ máy cai quản hành chính hai tỉnh Bắc Ninh - Thái Nguyên.
Dấu tích còn lại của Thành Bắc Ninh là ba cổng thành, một phần bờ thành và dãy hào sâu, 2 khẩu súng thần công, trong đó nổi bật là cổng tiền với đài gác vọng, cột cờ cao gần 20 mét. Không giống với những thành cổ khác được quan tâm trùng tu, bảo về, thành cổ Bắc Ninh hiện nay vẫn chưa được chú ý tu bổ, tôn tạo để xứng đáng với giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc của mình.
4. Thành cổ Quảng Trị
Tọa lạc tại trung tâm thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị, khi nhắc đến tên thành cổ này, người ta sẽ nghĩ ngay đến một trong nơi đã chứng kiến cuộc chiến tranh khốc liệt, là nơi hy sinh của biết bao người con đã ngã xuống vì độc lập của tổ quốc.
Thành Cổ Quảng Trị được xây dựng từ thời vua Gia Long và đến thời vua Minh Mạng mới hoàn thiện, kéo dài gần 28 năm (1809-1837). Thành lúc đầu được đắp bằng đất, đến năm 1837 vua Minh Mạng cho xây lại bằng gạch.
Khuôn viên Thành có dạng hình vuông, bên ngoài thành có hệ thống hào rộng bao quanh. Bốn góc thành là 4 pháo đài cao nhô hẳn ra ngoài. Thành có 4 cửa: Tiền, Hậu, Tả, Hữu Xây vòm cuốn, rộng 3,4m, phía trên có vọng lâu, mái cong, lợp ngói, cả 4 cửa đều nằm chính giữa 4 mặt Thành.
Do phải gánh chịu một khối lượng bom đạn khổng lồ trong chiến tranh nên từ sau hoà bình lập lại, Thành cổ chỉ còn dấu vết của một số đoạn thành, lao xá, cổng tiền, hậu... Thành cổ Quảng Trị giờ đây là nơi giáo dục truyền thống yêu nước và là điểm thu hút hấp dẫn khách tham quan trong nước và bè bạn quốc tế.
5. Thành cổ Sơn Tây
Nằm ở thị xã Sơn Tây, cách Hà Nội khoảng 40km, thành cổ Sơn Tây là tòa thành quân sự đầu tiên và duy nhất được xây dựng bằng đá ong của Việt Nam, được vua Minh Mạng cho khởi công vào năm 1822.
Được xây theo kiểu Vauban - kiểu công trình quân sự lấy theo tên kỹ sư Vauban người Pháp, thành có bốn cổng chính, mỗi cổng ở phía trên đều có lầu canh (Vọng lâu) và chỉ có một lối ra vào. Trong thành, các công trình được xây dựng theo kiểu đối xứng trên trục trung tâm Nam - Bắc. Chính giữa là Vọng cung nữ là nơi nghỉ của vua mỗi khi đi tuần và là nơi để các quan trong trấn hằng năm tới tế lễ hoặc bái vọng mỗi khi có chiếu chỉ
Trải qua gần 200 năm thăng trầm cùng lịch sử, bị nhiều cuộc chiến tranh và thời gian tàn phá, Thành cổ Sơn Tây phần lớn đã bị phá hủy, chỉ còn lại tường thành, cửa tiền, cửa hậu, hai khẩu thần công và một số phế tích như Vọng lâu, nền điện Kính Thiên, giếng nước...
Theo ngôi sao
Hình ảnh những phát hiện quý, quan trọng tại Điện Kính Thiên Lần khai quật gần đây nhất tại khu trung tâm của Hoàng thành Thăng Long, còn gọi là cấm thành (vòng trong cùng trong 3 vòng thành) của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội và Viện Khảo cổ học, đã phát hiện nhiều di tích cực kì quan trọng. Kiến trúc quần thể di tích nằm dọc theo...