Rét về, lại nhớ bánh tiêu
Chiếc xe đạp cũ kỹ chở tủ kính nhỏ phía sau, bên trong xếp đầy những chiếc bánh màu vàng, thơm phức mùi vừng nếp… Với nhiều người, nỗi nhớ mùa đông Hà Nội đã gắn với hình ảnh và hương vị “ bánh tiêu Sài Gòn”.
Chiếc bánh tiêu vàng ươm, thơm ngậy trong tiết trời đông Hà Nội – Ảnh: Phan Thanh
Chiều nay, khi đã xa Hà Nội, tôi lại thèm được cảm nhận cái lạnh mùa đông Hà thành, rồi tạt qua cổng trường “Nhân văn” ngồi quây quần cùng bạn bè, thổi phù phù, cắn miếng bánh tiêu thơm nóng trong miệng và chuyện trò rôm rả. Với tôi, bánh tiêu không chỉ là món quà quen thuộc, nó dường như trở thành nỗi nhớ, những kỷ niệm về những người bạn thân thuở hàn vi và nỗi nhớ mùa đông Hà Nội.
Người ta nói bánh tiêu không phải gốc Hà thành. Bánh có nguồn gốc từ Sài Gòn và “di cư” ra Bắc chỉ ít năm nay. Nhưng bởi dễ tìm và cũng không kén người thưởng thức, món bánh đất phương Nam đã nhanh chóng chiếm được sự yêu thích của nhiều người và trở thành món quà quen thuộc khắp từng ngõ ngách, góc phố thủ đô.
Thời sinh viên hình như luôn để trong lòng mỗi người một nỗi nhớ thường trực, để khi có điều kiện ai cũng thấy xốn xang trong lòng. Với tôi, kỷ niệm thời sinh viên thật giản dị với những chiều hè tụ tập trà đá, cùng lũ bạn thân đạp xe vòng quanh hồ Gươm, thưởng thức cà phê Đinh hay mỗi chiều đông gió bấc được ngồi quanh góc bánh tiêu cổng trường…
Video đang HOT
Có thể dễ dàng gặp những chiếc xe đạp cũ kỹ chở chiếc tủ kính nhỏ có dòng chữ “ bánh tiêu Sài Gòn” phía sau trên bất cứ con phố nào. Không cần tiếng rao, không ồn ã nhưng hàng bánh tiêu luôn đông khách. Mấy nghìn đồng có thể đủ cho bữa sáng nhẹ hoặc làm ấm bụng bất kỳ cô cậu học sinh, sinh viên nào trong cái giá lạnh mùa đông.
Giản dị như chính cách mà người ta đặt tên cho nó, bánh tiêu rất dễ làm với những nguyên liệu dễ có. Tuy vậy, cũng không mấy người tự làm món bánh này vì nó dễ tìm, dễ mua trên khắp Hà Nội.
Chị chủ hàng bánh tiêu “của chúng tôi” bảo bánh được làm từ bột mì. Qua quá trình nhào, trộn và ủ rất cẩn thận, bột được đem ra nặn thành những chiếc bánh mỏng, dẹt. Bánh tiêu có khuôn hình gần giống bánh dầy truyền thống nhưng không có nhân, vỏ có một lớp vừng phủ thơm phức.
Bánh tiêu rán xong căng phồng, như có túi khí bên trong. Chiếc bánh vàng ruộm, nhẹ, mềm và thơm nức mùi bột mì, vừng trắng. Bánh tiêu phải được thưởng thức lúc còn nóng kèm với tương ớt… Đó thật là một điều thú vị, làm chiều lạnh ấm hẳn lên trong cảm nhận của mỗi người.
Góc quán bánh tiêu mở quanh năm trên nhiều góc phố Hà Nội, nhưng có lẽ chỉ đến mỗi dịp mùa đông quán mới hút khách, tập nập hẳn. Có lẽ bởi đây cũng là một loại bánh ngọt rán, ăn nhiều dễ ngán. Nhưng chính cái vị ngậy béo từ vừng và bột mì, cái thơm phức, nóng hổi ấy lại làm nên sự đặc biệt và cuốn hút bất kỳ người thưởng thức nào…
Theo Tuổi Trẻ
Hương mùi già chiều tất niên
Chẳng biết từ bao giờ người Việt Nam đã coi việc tắm chiều cuối năm như một thứ nghi lễ. Cùng với việc dọn dẹp trang hoàng nhà cửa, ai cũng muốn thân thể mình sạch sẽ. Và nước lá hoa mùi không chỉ cho người ta được sạch sẽ gột rửa bụi trần, mà còn như được tắm rửa tinh thần.
Đã qua rồi cái tuổi háo hức đón Tết vì có bộ quần áo mới, được ăn bánh chưng hay chắt bóp từng đồng mừng tuổi, song ở lứa tuổi nào Tết cũng thiêng liêng bởi nó chứa đựng những giá trị tâm linh cao cả. Với tôi, Tết chỉ thực sự đến khi ngoài vườn những luống rau mùi bắt đầu trổ bông, cho ra những nụ vàng li ti, tỏa hương thơm ngát khắp nhà.
Như đã thành lệ, năm nào cũng vậy dù bận bịu với việc gói bánh, sắm sửa thực phẩm hay dọn nhà đón Tết thì mẹ cũng không quên chuẩn bị nồi nước mùi già cho cả nhà tắm trước giao thừa. Trước đây, khi cả gia đình còn sống ở quê thì từ đầu đông mẹ đã xới một khoảng đất tầm ô chiếu bên trái nhà gieo mùi vừa làm rau ăn và cũng là để mùi kịp "già" đúng Tết.
Lên thành phố, thói quen của mẹ vẫn không thay đổi. Từ 23 tháng Chạp ra chợ sắm đồ chuẩn bị cúng ông Công, ông Táo mẹ đã "ngó nghiêng" xem có bán mùi già hay chưa. Gần đến Tết hơn, xen lẫn với số thực phẩm mẹ mang từ chợ về thế nào cũng có bó mùi già cành lá xanh đậm, khắp thân "chi chít" những trái mùi tí xíu. Mẹ về tới cửa hương thơm đã bay ngào ngạt.
Ngày cuối năm, bận rộn đủ đường, song tối 30 mẹ không quên chuẩn bị một nồi nước lá mùi thật lớn pha nước tắm cho cả nhà. Mẹ nói, nước mùi già sẽ "tẩy" hết mệt mỏi, vướng bận và lo toan. Tắm lá mùi chính là "nghi thức" tầy trần đón năm mới theo cách nói của mẹ. Hương mùi già lưu lại rất lâu, ba ngày Tết khắp nhà tôi vẫn thơm thoang thoảng hương mùi. Chính bởi thế, trong ký ức của tôi cứ khi nào thấy phảng phất mụi hương ấy là thấy Tết.
Tắm nước mùi già mỗi dịp đón năm mới không chỉ là tục lệ của riêng mẹ mà cả làng nhà nào cũng thế. Từ 30 Tết, từ nhà ra ngõ nơi đâu cũng thơm nức hương mùi. Bọn trẻ chúng tôi cả ngày có lăn lộn xem bố gói bánh chưng, thập thò cửa bếp hít hà món ăn mẹ chuẩn bị đón Tết hay lê la hết nhà nọ về nhà kia để khoe Tết nhà đứa nào to hơn thì tối đến cũng không quên về nhanh để tắm nước lá mùi chuẩn bị đón giao thừa.
Lớn lên tôi càng thấy tục lệ đó mai một dần. Dường như cuộc sống bận rộn, đủ đầy các loại sữa tắm, nước hoa thơm đã khiến người ta bỏ đi tập tục tắm lá mùi vốn đã lách cách. Dù vậy, với nhà tôi tập tục đó vẫn không hề thay đổi trong suốt mấy chục năm. Mỗi dịp Tết đến, Xuân về ngoài việc tấp nập chuẩn bị nhà cửa, thực phẩm thì đun nước mùi già cho cả nhà đã trở thành niềm vui của mẹ. Hơn thế nữa, hương mùi già đã đi vào tiềm thức của anh em tôi, gắn liền với Tết cổ truyền dân tộc mà suốt cuộc đời này dù sống ở đâu chắc chắn nó sẽ không bị mai một.
Theo PNO
Những món ăn đường phố được yêu thích nhất tại Mỹ Đó là kem, pizza, hot dog... Cùng chúng tôi khám phá xem khẩu vị của người Mỹ thế nào nhé! 1. Falafel Mở màn cho danh sách này là falafel - món khai vị làm từ đậu xanh, dầu ô liu, vừng, nước chanh và tỏi rất phổ biến ở Lebanon và Isarael. Theo một số công thức cũ như trong Kinh Thánh...