Replay 2019: Niềm cảm hứng từ chiếc ô tô
Thế là đã bước sang năm 2020, năm khởi đầu của một thập kỷ mới với bao dự định và kế hoạch. Nhìn lại năm 2019, nền công nghiệp ô tô Việt đã có bước tiến nhảy vọt đem lại niềm cảm hứng cho rất nhiều người.
“Trùng sinh từ tro tàn”
Quay ngược thời gian vào khoảng hơn 10 năm trước khi Vinaxuki băt đầu thay đổi hướng đi, quyết định sản xuất một chiếc xe “made in Việt Nam” thay vì nhập khẩu. Ông Bùi Ngọc Huyên, người sáng lập và đứng đầu tập đoàn Vinaxuki đã quyết định vay mượn, đầu tư để tự sản xuất xe ô tô và tăng dần tỷ lệ nội địa hóa của chiếc xe.
Theo kế hoạch của ông, Việt Nam có thể học tập các nước mạnh về ô tô tại châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc… đầu tư vào khâu học tập thiết kế sau đó dần tăng tỷ lệ nội địa hóa, tự chế tạo thân vỏ. Nếu quá trình này diễn ra thuận lợi thì trong khoảng 13-15 năm, tỷ lệ nội địa hóa ô tô tại nước ta có thể đạt 60-70%.
Kế hoạch rất khả quan nhưng vào năm 2008 cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã khiến nhiều doanh nghiệp phá sản, các hoạt động kinh tế bị trì trệ. Các ngân hàng dần mất niềm tin vào việc sản xuất ô tô. Trong khi đó, số tiền Vinaxuki vay ngày càng lớn và dần biến thành nợ xấu. Kế hoạch sản xuất chiếc ô tô Việt chính thức thất bại khi ông Bùi Ngọc Huyên tuyên bố phá sản.
Và tròn 10 năm sau, năm 2018, VinFast một lần nữa thắp lên ước mơ của người Việt. Giấc mộng tự sản xuất ô tô từ tro tàn đã hồi sinh khi ông Phạm Nhật Vượng công bố bản phác thảo các mẫu xe mới sau đó là những bước đi thần tốc như xây dựng nhà máy, chiêu mộ các “tướng tài”…
Hãy đặt niềm tin vào những giấc mơ…
Chỉ sau hơn 1 năm công bố kế hoạch sản xuất xe ô tô mang thương hiệu Việt, VinFast đã chính thức trao đến tay người tiêu dùng phiên bản thương mại đầu tiên. Lô xe khoảng 650 chiếc VinFast Fadil đã được bàn giao cho những khách hàng đặt mua xe từ thời điểm giới thiệu bản concept. Ngay sau đó là một số lượng giới hạn những chiếc LUX A2.0 và LUX SA2.0 được bàn giao tới các nhân vật đặc biệt.
Nếu tính từ khi lần đầu tiên những chiếc xe concept của VinFast được giới thiệu tới công chúng toàn thế giới thì chỉ hơn nửa năm phiên bản thương mại đã xuất hiện. Điều này có thể ví như sự kỳ diệu khi VinFast hoàn toàn bắt đầu từ con số 0. Một thương hiệu hoàn toàn non trẻ chưa từng sản xuất ô tô hay có nhà máy của riêng mình. Chỉ trong hơn 1 năm, nhà máy cũng hãng tại Hải Phòng đã đi vào hoạt động, các bản kế hoạch, hợp tác liên tiếp được công bố trở thành tiền đề để chiếc xe Việt xuất hiện.
Hiện tại, chúng ta có thể thấy những chiếc ô tô mang logo VinFast chạy trên đường phố, trên khắp các nẻo đường của mảnh đất hình chữ S. Giấc mơ về chiếc xe “made in Việt Nam” đã trở thành sự thật. VinFast đã “không phụ” những người đã tin tưởng, ủng hộ hãng từ khi kế hoạch mới nhe nhóm công bố cho đến ngày sản phẩm đầu tiên được bán ra.
Video đang HOT
Như chúng ta đều thấy, trước đây có bao nhiêu người phủ nhận về một kế hoạch sản xuất xe ô tô mang thương hiệu Việt. Thậm chí có không ít nhận xét rằng “chúng ta sẽ chẳng thể tự sản xuất được ô tô”, “Việt Nam chưa đủ tầm để sản xuất ô tô”,…
Thời điểm VinFast công bố kế hoạch sản xuất xe ô tô mang thương hiệu Việt đã nhận về bao sự hoài nghi từ người dân, từ những người trong ngành. Nhưng hãng xe này đã vượt qua sự phủ nhận đó, vượt qua được định nghĩa “người Việt không thể tự sản xuất xe ô tô” và chứng minh rằng Việt Nam hoàn toàn có thể cho ra đời một chiếc xe của riêng mình.
Có lẽ sẽ còn cần nhiều thời gian hơn nữa để nền công nghiệp ô tô Việt phát triển. Tuy nhiên, những cái tên như Thaco Trường Hải, TC Motor ( Hyundai Thành Công), VinFast… đã và đang dần đưa những điều “không tưởng” thành hiện thực. Chúng ta có niềm tin lớn vào một ngày mai có thể nhìn thấy những chiếc xe mang thương hiệu Việt Nam chạy tại các quốc gia khác, trong khu vực Đông Nam Á hay thậm chí vươn tới thị trường châu Âu.
Theo Oto
Những dấu ấn nổi bật của thị trường ô tô Việt Nam 2019
Triển lãm ô tô Việt Nam hoành tráng, nhiều tên tuổi "siêu sang" góp mặt, sự bùng nổ của thị trường xe nhập...Đó chính là những dấu ấn tạo nên một năm 2019 nhiều thăng trầm của thị trường ô tô Việt Nam.
1. Thương hiệu Việt chính thức gõ cửa
Ngày 6/3/2019, nhân dân cả nước Việt Nam đã có cơ hội được tự hào với thế giới khi chiếc ô tô mang thương hiệu Vinfast đầu tiên đã chính thức lăn bánh sau khi rời khỏi nhà máy tại Hải Phòng và hoàn tất khâu kiểm định khắt khe tại nhiều nước châu Âu. Sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên sau màn xuất hiện tại Paris Motor Show 2018, người hâm mộ nước nhà có cơ hội được chứng kiến mẫu Vinfast Lux SA2.0 "bằng xương bằng thịt".
SUV đầu tiên của Việt Nam - Vinfast Lux SA2.0
Phát biểu trong giây phút lịch sử, bà Lê Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup kiêm Chủ tịch Công ty VinFast xúc động phát biểu: "Với việc hoàn thành sản xuất chiếc xe SUV Lux SA2.0 đầu tiên, VinFast khẳng định tất cả các khâu trong quá trình sản xuất tại nhà máy đã cơ bản vận hành, sẵn sàng cho việc sản xuất thử trước khi đi vào sản xuất hàng loạt. Chúng tôi đang đi đúng hướng và luôn kiên định với mục tiêu tạo ra các sản phẩm đẳng cấp, góp phần đưa tinh thần Việt, thương hiệu Việt vươn tầm quốc tế, đồng thời chung tay cùng các doanh nghiệp trong nước thúc đẩy công nghiệp nói chung và sản xuất ôtô nói riêng".
2. Vietnam Motor Show 2019 thành công ngoài mong đợi
Diễn ra trong khuôn khổ 5 ngày của Tháng 10 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), TP.HCM, Triển lãm Ô tô Việt Nam 2019 được coi là một sự kiện thành công của thị trường ô tô trong năm 2019 khi kết thúc rực rỡ với hơn 200 nghìn lượt khách tham quan.
Tiếp nối sự thành công của những sự kiến trước, VMS 2019 mang tới cho các khán giả màn trình diễn của hơn 100 mẫu xe đến từ 15 hãng ô tô danh tiếng trong và ngoài nước, đặc biệt là sự xuất hiện của nhiều giải pháp công nghệ mới trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang bao phủ khắp nơi trên thế giới.
Gian hàng hoành tráng của Audi tại VMS 2019
Các hãng xe tên tuổi mang đã mang tới những model xe thuộc dạng "trùm cuối" của mình, có thể kể tới như mẫu Audi A8L, Mercedes G 63 AMG, Lexus LS 500H,... Ngoài ra, khán giả cả nước đã có cơ hội được tận mắt chiêm ngưỡng những mẫu concept ý tưởng với công nghệ độc đáo như xe điện tự cân bằng Honda Uni-cub sử dụng hệ dẫn động Honda Omni Traction, mẫu xe van Toyota TJ Cruiser cùng thông điệp "Bảo vệ môi trường vì một Thế giới tốt đẹp hơn", Lexus LF1 Limitless sử dụng pin nhiên liệu, Audi e-tron và đặc biệt nhất chính là mẫu concept GT-PHEV từ Mitsubishi cùng ngôn ngữ thiết kế Dynamic Shield đặc trưng.
Sự thành công của VMS mùa 2019 chính là sự ủng hộ mạnh mẽ tới Hiệp hội Các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) cùng Hiệp hội các nhà Nhập khẩu Ô tô chính hãng Việt Nam (VIVA) để tiếp tục cống hiến cho những kỳ triển lãm tiếp theo.
3. Thay đổi cách tính lệ phí trước bạ xe bán tải
2019 có lẽ là một năm buồn của thị trường bán tải khi Nghị định 20/2019 về việc tăng lệ phí trước bạ cho dòng xe van và xe pick-up chính thức có hiệu lực từ hồi Tháng 4 vừa qua. Cụ thể, với điều luật sửa đổi của Nghị định mới, thuế trước bạ lần đầu của các dòng xe bán tải đã tăng lên bằng 60% mức thu của ô tô con. Với mức tăng này, thuế trước bạ cho các dòng xe bán tải gấp thêm từ 2-3 lần so với con số 2% ban đầu, lần lượt là là 7,2% tại Hà Nội, Đà Nẵng... và 6% tại các tỉnh thành khác, khiến chi phi khách Việt phải bỏ ra mua xe tăng thêm hàng chục triệu đồng.
Bán tải Mitsubishi Triton 2019
Cụ thể sau Tháng 4, mức giá lăn bánh của một số mẫu bán tải phổ biến như Mitsubishi Triton đã tăng thêm 36,5 triệu đồng, Ford Ranger là 31,5 triệu đồng, Mazda BT-50 là 34 triệu đồng, ...
Tuy nhiên, điều này có lẽ vẫn không ảnh hưởng tới doanh số của phân khúc "hot" này khi theo số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm doanh số phân khúc này đã đạt 14.291 chiếc, vượt trội so với con số 7.654 ghi nhận tại cùng kỳ năm 2018.
4. Một năm của ô tô nhập khẩu
Theo số liệu tới hết ngày 15/12/2019, thị trường Việt Nam đã đón nhận hơn 136.000 chiếc xe được nhập khẩu nguyên chiếc từ nước ngoài, tăng hơn 82% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, Thái Lan và Indonesia là 2 quốc gia chính đóng góp trong sản lượng này với hơn 117.200 chiếc, đạt tới 86% tổng sản lượng xe nhập tại Việt Nam.
Mitsubishi Xpander - chiếc MPV nhập khẩu đã và đang làm mưa làm gió tại thị trường Việt Nam
Lý giải cho điều này, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết trong năm 2019, các doanh nghiệp đã đáp ứng được đầy đủ các quy định trong nghị định 116 về điều kiện sản xuất kinh doanh ô tô nhập khẩu. Ngoài ra, một số dòng ô tô con còn được giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dòng xe dung tích nhỏ theo quy định của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.
5. Sự lộ diện của các ông lớn trong lĩnh vực siêu xe
Sau sự xuất hiện của các tên tuổi "siêu sang" như Lamborghini, Bentley, Rolls-Royce... thị trường ô tô Việt Nam trong năm 2019 chính thức đón chào sự xuất hiện của 2 tên tuổi mới là Aston Martin và Ferrari với showroom chính hãng tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Vào tháng 3/2019, Thương hiệu xe sang Anh Quốc - Aston Martin chính thức khánh thành showroom đầu tiên cùng với 2 mẫu xe phân phối đầu tiên tại Việt Nam là Vantage và DB11 có giá lần lượt là 14,9 tỷ và 15,7 tỷ đồng. Tiếp đà phát triển, phân khúc siêu xe tiếp tục đón nhận showroom chính hãng đầu tiên của "ngựa Ý" Ferrari với tổng diện tích 2.240 mét vuông tại Khu chế xuất Tân Thuận, Quận 7, TP.HCM, chuyên kinh doanh hạng mục siêu xe đã qua sử dụng và dịch vụ bảo dưỡng - sửa chữa chính hãng.
Mẫu Ferrari Tributo đầu tiên tại Việt Nam
Đây chắc chắn là một bước đi quan trọng để thị trường ô tô Việt Nam tiếp tục tin tưởng vào một tương lai xuất hiện của nhiều hơn các tên tuổi lớn như McLaren hay Bugatti.
Những dấu ấn trong năm 2019 đã mở ra những hi vọng của thị trường ô tô Việt Nam năm 2020 và chúng ta có cơ sở để tin rằng nó sẽ khởi sắc hơn.
Theo Tuoitrethudo
Bảng giá xe Mazda3 và Mazda3 Sport mới nhất: Giảm giá bán 20 triệu đồng Thaco Trường Hải vừa tung ra chương trình ưu đãi đặc biệt lên đến 20 triệu đồng, cùng quà tặng là bộ phụ kiện cao cấp cho khách hàng khi bộ đôi Mazda3 và Mazda3 Sport. Bảng giá xe Mazda3 và Mazda3 Sport mới nhất năm 2020: Giảm giá 20 triệu đồng. Để đáp ứng nhu cầu của các khách hàng mong muốn...