“Rèn” cán bộ biết cười, sa thải người kém năng lực
Để cán bộ gần dân hơn, Đồng Tháp đã cho tháo tấm kính tại các phòng một cửa; tổ chức ngày thứ 6 nghe dân nói; quy định cán bộ phải biết cười với dân… Đồng Tháp cũng đang thử nghiệm việc đánh giá công chức qua phần mềm, nhận trả hồ sơ qua bưu điện…
Đổi mới để gần với dân
Liên tiếp 1-2 năm trở lại đây, tỉnh Đồng Tháp được xem là một trong những tỉnh đi đầu trong việc cải cách thủ tục hành chính và thực hiện nhiều mô hình gần với dân, như: tại TP Cao Lãnh, Chủ tịch UBND thành phố Lê Thanh Hải cho tháo tấm kính tại các phòng một cửa để người dân đến liên hệ công việc thuận lợi hơn, người dân không phải cúi gầm đầu trao đổi với cán bộ… Ngoài ra, thành phố này còn cho tuyển thêm cán bộ đóng chốt trước phòng một cửa để sẵn sàng hướng dẫn người dân khi họ đến liên hệ công việc.
Sau một thời gian thực hiện việc tháo dỡ kính tại các phòng một cửa, đã ghi nhận sự hài lòng của người dân. Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp – ông Lê Minh Hoan – đã chỉ đạo các địa phương khác thực hiện học tập theo cách làm của TP Cao Lãnh.
Tại buổi họp giao ban báo chí 6 tháng đầu năm 2014, ông Lê Minh Hoan nêu quyết tâm thay đổi lề lối làm việc của cán bộ
Ông Lê Vĩnh Tân – nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, nay là Phó Trưởng Ban kinh tế Trung ương, nêu quan điểm: cán bộ không đủ chuẩn, không biết cười, không đồng cảm với dân thì nên nghỉ việc. Thể hiện rõ quyết tâm này, Đồng Tháp đã xây dựng kế hoạch “nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức từ cấp tỉnh đến cấp xã đến năm 2015″.
Theo đó sẽ sa thải các cán bộ, công chức cấp xã không đạt chuẩn. Riêng 30 xã nông thôn mới sẽ có 100% cán bộ đạt trình độ đại học. Tỉnh dự kiến chi hơn 30 tỉ đồng để nâng cao chất lượng cán bộ, công chức cấp xã, trong đó 12,5 tỉ đồng là tiền chi trả chế độ cho những người nghỉ việc.
Ngoài ra, để chính quyền gần dân hơn, Tỉnh ủy Đồng Tháp vừa có văn bản chỉ đạo cho nhân rộng mô hình “ngày thứ sáu nghe dân nói” tại xã Tân Thành, huyện Thanh Bình ra nhiều địa phương khác. Theo đánh giá bước đầu, mô hình này rất được người dân đồng tình, với chính quyền có dịp nghe dân nói, phản ánh những tâm tư nguyện vọng của người dân… Tuy nhiên, ở một số nơi, do trình độ của cán bộ còn hạn chế, chưa nắm vững về chủ trương, chính sách của Đảng hoặc có nhiều ý kiến của người dân vượt tầm nên chỉ mang tính chất ghi nhận rồi kiến nghị, chưa thể giải quyết thấu tình đạt lý cho người dân.
Vừa qua, tại buổi họp giao ban báo chí, ông Lê Minh Hoan cũng cho biết, để giảm bớt phiền hà cho người dân, Đồng Tháp đang thực hiện thí điểm việc nhận và trả hồ sơ cho người dân qua hệ thống bưu điện. Mô hình này bước đầu đang được thử nghiệm trên địa bàn TP Cao Lãnh.
Video đang HOT
Người dân thành phố Cao Lãnh sẽ có 2 phương án lựa chọn: gửi hồ sơ và nhận kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính đều tại nhà; hoặc trực tiếp đi nộp hồ sơ tại bộ phận một cửa, còn kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính sẽ được chuyển phát đến tận nhà người dân.
“Nâng cấp” cán bộ từ việc đánh giá bằng phần mềm
Tại buổi họp với các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương, Bí Thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan một lần nữa nhắc lại quyết tâm của Đồng Tháp trong việc thực hiện cải cách, từng bước xây dựng một chính quyền biết phục vụ nhân dân là trọng tâm. Do vậy, tư duy, trình độ của mỗi cán bộ là quan trọng. Đây cũng là lí do Đồng Tháp đang thử nghiệm việc đánh giá công chức qua phần mềm.
Liên quan đến vấn đề đánh giá công chức, Sở Nội vụ tỉnh Đồng Tháp cho biết, theo kết quả đánh giá công chức năm 2013 ở tỉnh Đồng Tháp, số công chức cơ quan hành chính nhà nước ở cấp tỉnh có tỉ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là 40,63%, cấp huyện là 36,15%, cấp xã là 31,20%; hoàn thành tốt nhiệm vụ ở cấp tỉnh là 55,45%, cấp huyện là 61,52%, cấp xã là 61,63%. Các số liệu này thể hiện, số công chức được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và không hoàn thành nhiệm vụ rất ít.
Nói về thực trạng này, ông Lê Minh Hoan cho biết, đây không chỉ là thực trạng diễn ra tại Đồng Tháp mà có thể thấy ở hầu khắp các địa phương trong cả nước. Như Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận xét, có tới 30% công chức “không có cũng được”, bởi họ không mang lại bất cứ hiệu quả công việc nào. Để việc đánh giá khách quan, không còn vị nể, nhìn mặt đánh giá như bao năm qua cũng như giúp cho cấp sử dụng và cơ quan, đơn vị quản lý điều chỉnh, bổ sung cho quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng… tỉnh Đồng Tháp thực hiện việc đánh giá cán bộ qua phần mềm máy vi tính.
Hiện tại tỉnh Đồng Tháp đang dồn lực thực hiện đề án tái cơ cấu nền nông nghiệp của tỉnh để nâng cao đời sống và thu nhập cho bà con nông dân
Cũng theo báo cáo của Sở Nội vụ, hiện phần mềm đánh giá công chức đang được thử nghiệm cấp tỉnh và huyện, trong đó với cấp tỉnh áp dụng cho các Phó Giám đốc Sở và tương đương, các Trưởng phó phòng, tất cả công chức; cấp huyện áp dụng cho các Phó chủ tịch, các Trưởng phó phòng và tất cả các công chức.
Sau hai tháng thực hiện đề án cho thấy vẫn còn nhiều công chức (kể cả lãnh đạo) chưa tham gia thực hiện việc đánh giá qua phần mềm nên Sở Nội vụ đã đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo các cấp thực hiện nghiêm túc.
Quyết tâm “rèn” cán bộ biết cười và phục vụ nhân dân; nâng cao trình độ quản lý cán bộ, công chức; tạo cơ chế thuận lợi cho DN phát triển, gắn kết bền chặt với người dân theo cơ chế thị trường… là những nhiệm vụ trọng tâm mà Đồng Tháp đã thực hiện trong mấy năm qua. Và những nhiệm vụ này đươc Đảng ủy, Ủy ban tỉnh Đồng Tháp tiếp tục kiện toàn, thực hiện song song với những nhiệm vụ khác trong thời gian tới. Đây là “đòn bẩy” giúp Đồng Tháp hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh, chính trị xã hội bền vững, thực hiện thành công đề án tái cơ cấu nền nông nghiệp của tỉnh trong giai đoạn 2014 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Nguyễn Hành
Theo Dantri
Bộ trưởng Thăng chê trách các nhà thầu Trung Quốc, Hàn Quốc
Trước tình trạng các nhà thầu Trung Quốc, Hàn Quốc thi công chậm chạp tại nhiều dự án giao thông, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã thẳn thắn chê trách và chỉ đạo phải giám sát đặc biệt. Bộ trưởng đặt ra yêu cầu hàng đầu là năng lực và hiệu quả công việc.
Mặc dù đã phân công chuyên trách các dự án khu vực phía Nam, nhưng trong bối cảnh chất lượng công trình luôn "nóng" nên người đứng đầu ngành giao thông vận tải (GTVT) đã đặt ra một lịch công tác dài ngày và đích thân thị sát, kiểm tra các dự án giao thông vùng đồng bằng Sông Cửu Long.
Tại Dự án xây dựng cầu Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp), vừa đặt chân đến công trường, Bộ trưởng Đinh La Thăng liền nhắc nhở: "Công trường kiểu gì thế này? Đây là dự án sử dụng vốn ODA mà cứ như là công trình đang giãn tiến độ thi công theo Nghị quyết 11 về cắt giảm đầu tư công. Không thấy khí thế làm việc đâu cả, chủ đầu tư phải tổ chức lại công trường ngay!".
Bộ trưởng Đinh La Thăng trên công trường cầu Vàm Cống
Sau khi nghe chủ đầu tư là Tổng Công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Cửu Long CIPM) và nhà thầu báo cáo tình hình thi công dự án, cũng như khả năng hoàn thành sớm hơn theo kế hoạch đề ra là tháng 10/2017, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu không được chủ quan về tiến độ khi nhà thầu Trung Quốc thi công.
"Tất cả các dự án giao thông tại Việt Nam mà Tổng Công ty Cầu đường Trung Quốc đã và đang thi công đều bị chậm tiến độ, vì vậy không thể chủ quan được. Lúc đầu họ làm rất nhanh, nhưng sau đó họ đưa ra nhiều lí do gây chậm tiến độ, ở dự án này có thể sẽ vì nước lớn hay do mưa nhiều nên không thi công được... Chúng ta không nói xấu nhà thầu nước bạn, nhưng thực tế thi công là vậy nên chủ đầu tư phải có giải pháp giám sát để đảm bảo tiến độ và chất lượng dự án" - Bộ trưởng Đinh La Thăng lưu ý.
Dẫn chứng thêm về việc này, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhắc đến Dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai, tại dự án này nhà thầu Trung Quốc thi công gói thầu A7: "Lúc mới triển khai dự án thì gói thầu A7 làm nhanh nhất nhưng sau đó thì họ ì ra không làm, thậm chí chủ đầu tư phải sang Trung Quốc để thúc thầu nhưng chậm vẫn hoàn chậm".
Trong khi đó, ở Dự án xây dựng cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu (dự án khi hoàn thành sẽ nối liên 2 tỉnh Đồng Tháp và TP Cần Thơ - PV) được thực hiện bởi nhà thầu thi công và Tư vấn giám sát (TVGS) của Hàn Quốc. Bộ trưởng Đinh La Thăng ghi nhận những nỗ lực của các đơn vị thực hiện dự án khi thi công vượt tiến độ so với hợp đồng, nhưng vị Bộ trưởng này tỏ ra khó chịu trước việc TVGS "lụy" nhà thầu và chủ đầu tư.
Trên công trường, khi Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu đánh giá tổng thể về tiến độ và chất lượng dự án thì đại diện TVGS không chủ động đưa ra ý kiến mà lại quay sang trao đổi với nhà thầu rồi mới trả lời Bộ trưởng. Cho rằng TVGS có "vấn đề" nên Bộ trưởng Đinh La Thăng chê trách: "Ông phải đưa ra những ý kiến đánh giá độc lập của mình chứ sao lại quay sang hỏi nhà thầu? Tôi trả lương cho ông chứ đâu phải nhà thầu trả lương cho ông". Lúc này, TVGS tỏ ra lúng túng!
Việc thi công vẫn bị nhắc nhở không được chủ quan dù tiến độ cầu Vàm Cống và cầu Cao Lãnh đang khả thi
Cũng bàn về tiến độ, dù các đơn vị thi công đã lập kế hoạch chi tiết nhưng Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu chủ đầu tư phải giám sát chặt chẽ cả về con người, thiết bị và đồng tiền đối với nhà thầu, vì đơn vị thi công cầu Vàm Cống tuy có tiếng tăm nhưng đã từng có "tiền lệ" chậm tiến độ tại Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
"Giám đốc dự án phải là người có năng lực thực sự, là người có thể điều hành dự án tốt nhất chứ không phải là người mà khi hỏi đến cứ lớ ngớ nhìn nhà thầu và chủ đầu tư để "xin" ý kiến. Dù là nhà thầu và tư vấn nước ngoài nhưng không đáp ứng được công việc thì phải thay" - Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng chỉ rõ, các nhà thầu Trung Quốc và Hàn Quốc tham gia nhiều dự án giao thông đều làm rất chậm, thậm chí không đủ khả năng thi công nên phải bỏ dở công việc. Ngay như Dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai được đấu thầu quốc tế, nhà thầu tham gia đều là nhà thầu mạnh của nước ngoài như Hàn Quốc và Trung Quốc, nhưng quá trình thi công các nhà thầu này đã bộc lộ nhiều yếu kém.
Châu Như Quỳnh
Theo dantri
Bão Thần Sấm, chiều 19.7: Móng Cái cây đổ ngổn ngang May mắn không có thiệt hại về người nhưng hàng chục cây xanh bị đổ, hơn chục ngôi nhà bị tốc mái... là những thiệt hại đầu tiên ghi nhận được do Bão Thần Sấm, tính đến đầu giờ chiều 19.7. Theo báo cáo nhanh của UBND TP Móng Cái, tính đến tính đến 13h ngày 19.7 Móng Cái đã di dời được...