Rầy nâu bùng phát sau 10 năm khống chế
Một số vùng lúa nguyên liệu ở ĐBSCL đang phải đối phó với tình trạng sâu, bệnh hại lúa phát triển dữ dội. Khi lúa bắt đầu trổ đòng, việc phun thuốc trừ sâu, bệnh có thể để lại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nguy hiểm trên gạo.
Sau hơn 10 năm khống chế tốt, nguy cơ dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá (VL-LXL) có thể bùng phát trở lại, do tập quán canh tác tạo điều kiện thuận lợi cho rầy phát triển.
Rầy nâu, đạo ôn lan tràn
Kiểm tra ruộng lúa để phát hiện sâu, bệnh hại ở huyện Châu Thành, Long An. Ảnh: T.H
Ngay đầu vụ hè thu năm nay, Quảng Trị đã có gần 4.000ha bị nhiễm rầy, gấp đôi vụ đông xuân vừa qua. Đây được xem là đợt dịch bùng phát có tính đột biến so với những năm trước. Huyện Gio Linh là địa phương bị nhiễm rầy lớn nhất tỉnh Quảng Trị, đến thời điểm này toàn huyện đã có trên 50% số diện tích lúa bị nhiễm rầy. Mật độ bình quân từ 2.000 đến 3.000 con/m2, chỗ nhiễm nặng là 7.000 đến 8.000 con/m2.
Gặp phóng viên khi vừa đi xịt thuốc trừ rầy nâu cho gần 2ha lúa hè thu muộn của gia đình về, ông Nguyễn Văn Đẫy (ngụ huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang), than rằng rầy nâu nhiều quá, lại mưa nắng thất thường nên việc xịt thuốc không biết có hiệu quả không. Đây là đợt thứ 3 trong vụ mùa lần này, rầy nâu xuất hiện trên cánh đồng của ông Đẫy với số lượng dày đặc.
Điều khiến ông Đẫy lo lắng hơn nữa là hiện tại, một số ruộng lúa đã làm đòng, trổ bông nhưng do rầy nâu tấn công mạnh, ông Đẫy phải xịt thuốc. “Xót lúa sắp tới kỳ thu hoạch mà còn bị rầy, tui phải xịt. Mà xịt lúc này lại sợ lúa ngậm thuốc” – ông Đẫy băn khoăn chia sẻ.
Theo Cục BVTV, trong tháng 7, một số dịch bệnh hại lúa tiếp tục gia tăng so với cùng kỳ năm ngoái như sâu cuốn lá nhỏ hại lúa, rầy nâu, rầy nâu trắng hại lúa, bạc lùn sọc đen… Diễn biến thời tiết bất lợi càng khiến cho sâu, bệnh hại lúa có điều kiện phát triển nhanh, mạnh hơn trong những năm qua.
Video đang HOT
Đến thời điểm hiện tại, đã có gần 49.200ha lúa bị rầy nâu – rầy lưng trắng gây hại, tăng đến 20.252ha so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khoảng 4.500ha thiệt hại nặng. Rầy nâu phần lớn gây hại tại vùng lúa các tỉnh phía Nam với hơn 40.500ha bị nhiễm.
Cùng với rầu nâu, bệnh đạo ôn lá hại lúa cũng đang hoành hành tại một số tỉnh ĐBSCL. Diện tích nhiễm đạo ôn trên cả nước hiện đã ở mức hơn 41.350ha, tăng 7.400ha so với tháng trước. Riêng các tỉnh phía Nam đã có 41.200ha nhiễm bệnh và gần 500ha bị gây hại nặng.
Ngoài ra, sâu cuốn lá nhỏ và bệnh VL-LXL cũng đang khiến nhiều bà con “đau đầu”, trong đó, đã có gần 57.200ha xuất hiện sâu cuốn lá nhỏ, tăng 31.100ha so với tháng trước, tăng hơn 25.330ha so với cùng kỳ năm trước, có đến 11.200ha bị hại nặng.
Do mất cân đối giống lúa?
Cũng theo Cục BVTV, sau hơn 10 năm khống chế tốt dịch hại, năm nay, dịch rầy nâu và bệnh VL-LXL hại lúa tái bộc phát từ giữa vụ hè thu. Nguyên nhân là do mất cân đối về cơ cấu giống lúa nhiễm rầy, nhiễm bệnh VL-LXL, điển hình là diện tích trồng giống lúa kháng rầy yếu OM5451 tăng nhanh tại nhiều tỉnh ĐBSCL.
Ông Nguyễn Hồng Sơn – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) thông tin, từ giữa vụ hè thu năm nay, dịch rầy nâu và bệnh VL-LXL đã tái bộc phát. Hiện tại, hầu hết các tỉnh ĐBSCL đều có bệnh VL-LXL trên các trà lúa hè thu và trên một số diện tích lúa thu đông đã xuống giống…
Để hạn chế dịch bệnh lan rộng, Bộ NNPTNT khuyến cáo các địa phương phải xác định thời vụ xuống giống lúa thích hợp cho từng vùng, trên cơ sở kết quả bẫy đèn xác định rầy nâu trên đồng, đồng thời ưu tiên sử dụng các giống lúa có khả năng chống chịu tốt với rầy nâu và bệnh VL-LXL.
Người trồng lúa cũng phải tuân thủ kỹ thuật “1 phải 5 giảm”, đặc biệt giảm lượng giống lúa gieo sạ còn 80-100 kg/ha/vụ và giảm lượng phân đạm. 40 ngày đầu sau khi xuống giống, cần chăm sóc lúa kỹ bằng các biện pháp điều tiết nước hợp lý, phát triển các thiên địch có lợi bằng các công nghệ sinh thái như trồng hoa ở bờ ruộng…; thường xuyên thăm đồng để phát hiện sâu, bệnh hại và có biện pháp xử lý kịp thời.
Giải pháp tốt nhất là gieo sạ né rầy Trong vụ lúa hè thu vừa qua, dịch rầy nâu đã gây thiệt hại hơn 300.000ha lúa ở ĐBSCL. Ông Trần Ngọc Thể – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hậu Giang cho biết, khi lúa nhiễm rầy nâu với mật độ từ hai tới ba phần trăm thì bà con cần quản lý chặt rầy nâu trên ruộng lúa này, phun thuốc tiêu diệt ngay không để chúng di chuyển sang nơi khác. Tuy nhiên, giải pháp tốt nhất là gieo sạ né rầy, hoặc là mật độ gieo sạ hay sử dụng phân bón vừa phải, hợp lý, tránh để cho lúa quá xanh tốt, nếu bón phân quá nhiều cũng làm cho rầy nâu phát triển mạnh hơn. Biện pháp cuối cùng là khi mật độ rầy nâu tăng quá cao, không kiểm soát được, nguy cơ lúa bị cháy rầy, thì sử dụng thuốc bảo vệ vệ thực vật theo phương pháp 4 đúng.
Theo Danviet
SOS: Bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá tấn công lúa vụ hè thu
Sau 10 năm phát sinh rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá (VLLXL) trên lúa tại các tỉnh Nam Bộ được kiểm soát, nhưng đến năm 2017 dịch bệnh này lại tái phát và có nguy cơ bùng phát thành dịch, gây hại vụ lúa hè thu 2017 cũng như những vụ lúa tiếp theo...
Cảnh báo trên được đưa ra tại diễn đàn: Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề: Biện pháp phòng chống rầy nâu và bệnh VLLXL trên lúa tại các tỉnh Nam Bộ, do Trung tâm Khuyến nông quốc gia, phối hợp Sở NNPTNT TP.Cần Thơ tổ chức ngày 5.7 tại Cần Thơ.
Nguy bùng phát thành dịch
Lãnh đạo Trung tâm, cục, nhà khoa kiểm tra tình hình bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá gây hại tại ruộng lúa của nông dân xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: H.C
Ông Trần Văn Khởi nhấn mạnh: Sau diễn đàn này các địa phương cần chỉ đạo nông dân thực hiện nghiêm túc lịch gieo sạ tập trung, né rầy theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật "3 giảm 3 tăng", 1 giảm 5 phải", quản lý dịch hại tổng hợp, giảm mật độ gieo sạ và lượng phân đạm. Các chi cục, trung tâm khuyến nông cử cán bộ kỹ thuật bám sát đồng ruộng, nắm bắt tình hình phát sinh gây hại của rầy nâu, VLLXL, để có giải pháp kịp thời.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Trần Văn Khởi- quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, cho biết: Rầy nâu và bệnh VLLXL đã phát sinh và gây hại nghiêm trọng thành dịch tại các tỉnh, thành phía Nam kể từ năm 2006. Qua hơn 10 năm, dịch rầy nâu và bệnh VLLXL được kiểm soát tốt, liên tục bị đẩy lùi qua các vụ lúa. Tuy nhiên, trong vụ hè thu 2017 rầy nâu và bệnh VLLXL tái phát, mật độ rầy nâu trên đồng tăng, có một số diện tích bị cháy cục bộ, mức độ phân bố bệnh khá rộng từ các tỉnh ĐBSCL đến miền Đông Nam Bộ.
Theo báo cáo của 22 chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật, tình hình phát sinh gây hại của rầy nâu và bệnh VLLXL trên lúa đang diễn biến phức tạp. Trong vụ hè thu 2017 này, diện tích lúa nhiễm rầy là 32.790ha (tăng 12.761ha so với cùng kỳ 2016), chiếm 1,85% diện tích gieo sạ, trong đó có 3.234ha nhiễm nặng. Toàn vùng hiện có 8.291ha nhiễm bệnh VLLXL (tăng 8.262ha so với cùng kỳ 2016) chiếm 0,47% diện tích gieo trồng, trong đó diện tích nhiễm nặng 3.039ha, diện tích mất trắng 30ha. Ổ dịch xuất hiện ở các tỉnh Đồng Tháp, Long An, An Giang, Hậu Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng, Lâm Đồng, Tây Ninh và Đồng Nai.
Về nguyên nhân rầy nâu và bệnh VLLXL lan rộng, ông Lê Quốc Cường - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam cho biết: Do chưa có biện pháp kiểm soát chặt chẽ lịch mùa vụ gieo sạ dẫn đến gieo sạ không tập trung; nông dân có tập quán sạ dày, bón nhiều phân đạm, phun thuốc trừ phổ rộng, phun sớm trước 40 ngày sau sạ... Mất cân đối về cơ cấu giống lúa nhiễm rầy, nhiễm bệnh VLLXL, điển hình là giống OM5451 đã gia tăng nhanh diện tích gieo trồng ở nhiều tỉnh ĐBSCL; rầy nâu di trú nhiễm virus với tỷ lệ khá cao...
Biện pháp phòng chống rầy nâu, VLLXL
Trước tình hình nguy cơ rầy nâu và bệnh VLLXL có khả năng bùng phát, đặc biệt là trong vụ hè thu 2017, cũng như những vụ tiếp theo, các ý kiến tại diễn đàn đã đưa ra nhiều giải pháp, kinh nghiệm phòng chống rầy nâu và bệnh VLLXL rất tích cực.
Để phòng trừ rầy nâu, VLLXL trong thời gian qua, Cục Trồng trọt đưa ra giải pháp tích cực, đó là bà con nông dân nên gieo sạ đồng loạt né rầy trên diện rộng; vệ sinh đồng ruộng và bảo đảm thời gian cách ly giữa 2 vụ lúa tối thiểu 20 ngày; xử lý hạt giống trước khi gieo bằng các loại thuốc được phép sử dụng; xuống giống sau cao điểm rầy nâu vào đèn 3-5 ngày. Khi cần thiết phải tiến hành trừ rầy nhập cư, bảo vệ cây lúa giai đoạn sau sạ 30 ngày đến khi thu hoạch, quản lý các loại dịch hại khác; quản lý nước và quản lý phân bón.
Bà Nguyễn Thị Phong Lan- Trưởng bộ môn Bảo vệ thực vật Viện Lúa ĐBSCL khuyến cáo: Để phòng chống rầy nâu, VLLXL thì mỗi địa phương phải có lịch thời vụ, ấn định khoảng thời gian gieo sạ thống nhất theo hướng dẫn của Cục Trồng Trọt. Thời gian gieo sạ không kéo dài quá 2 tháng mỗi vụ, tính thời gian giãn cách 3 tuần lễ giữa 2 vụ lúa để cày ải phơi đất. Theo dõi, đo đếm và tính toán mật độ số rầy hàng ngày, sử dụng số liệu bẫy đèn của địa phương làm cơ sở để khuyến cáo thời điểm gieo sạ, tham khảo với các thời điểm dự báo rầy di trú của Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam. Giống lúa sử dụng phải có tính chống chịu rầy nâu, bệnh VLLXL và có chất lượng cao. Đồng thời nên áp dụng kỹ thuật "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm" trong canh tác thâm canh lúa để giảm chi phí giá thành, giảm áp lực sâu bệnh hại, tăng năng suất và chất lượng, hiệu quả sản xuất.
Thống nhất các giải pháp trên, TS Hồ Văn Chiến- nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam đưa ra giải pháp quản lý rầy nâu, VLLXL là ứng dụng "Công nghệ sinh thái", bằng các loài hoa: xuyến chi, sao nhái, trâm ổi, lạc dại, mè trồng trên bờ ruộng. Theo TS Chiến, thời gian trồng các loại hoa trên tốt nhất là từ 10 - 15 ngày trước khi gieo sạ lúa. Hoa xuyến chi, lạc dại, sao nhái dễ trồng và dễ thích nghi được ở điều kiện đất trồng và khô hạn, có rất nhiều hoa, trồng 1 vụ có thể chăm sóc và phát huy tác dụng nhiều vụ về sau.
"Trồng hoa sớm, có thiên địch cư trú sớm, quần thể một số đối tượng thiên địch quan trọng trong ruộng sinh thái: Nhóm nhện có sự di chuyển qua lại từ bờ ruộng xuống ruộng và ngược lại phong phú nhất, bọ rùa, kiến 3 khoang, bọ xít mù xanh và nhóm ong ký sinh thường xuyên có mật số cao hơn so với đối chứng. Sự khác biệt có ý nghĩa của nhóm thiên địch thường xuất hiện vào các giai đoạn sung yếu nhất trong ruộng lúa"- TS Chiến nhấn mạnh.
Theo Danviet