Rau rìu là rau gì mà khi nhắc đến người Quảng Ngãi lại rưng rưng?
“Không rau ăn tạm lá rìu/ Không cha không mẹ nương chìu người dưng”. Rau rìu là thế đấy! Nó đơn sơ đến mức chỉ được nhắc đến như một loại rau để “ăn tạm”. Dẫu vậy, lại khiến lòng tôi cứ nhớ hoài không nguôi về một loại rau đã từng theo mình một thời ấu thơ…
Nhắc đến rau rìu, tôi lại nhớ về những ngày mưa gió “sụt sùi” của tháng 9, tháng 10 âm lịch. Khi những vạc rau muống ngoài vườn bị nước mưa nhấn chìm cũng là lúc ông nội tôi xách chiếc mủng tre ra đồng nhổ rau rìu về ăn “tạm”. Rau rìu ngày ấy nhiều vô kể, chúng mọc xen lẫn với cỏ dại trên những bờ ruộng, gò đất sát nhà, nên chẳng khi nào nội tôi sợ thiếu rau.
Rau rìu luộc lên, chấm mắm cái rồi ăn kèm với cơm nóng.
Rau rìu mà ông nội hái về, thường được bà nội tôi luộc hoặc nấu canh. Bên mâm cơm đơn sơ, đạm bạc ngày mưa cùng ông bà nội ngày ấy, thường chẳng khi nào thiếu vắng dĩa rau rìu luộc nóng hổi cùng chén mắm cái dằm ớt thật cay. Ngày còn nhỏ, tôi thường chẳng mặn mà với mấy thức rau, nhưng riêng rau rìu, phần vì thấy lạ, phần thì nghe ông nội “rủ rê”, tôi tò mò nhấm thử, rồi đâm ra “ghiền” luôn từ đó.
Video đang HOT
Rau rìu có vị ngọt thanh và hơi nhớt, nên ngoài luộc, còn rất hợp vị để nấu canh với cua đồng. Những lần thèm canh cua đồng nấu rau rìu, nội lại cầm chiếc gàu nhôm ra cánh đồng trước nhà bắt cua, hái rau. Cua mang về được nội rửa sạch bùn, gỡ mai, lấy gạch bỏ riêng ra chén. Mình cua được nội tách đôi, gom bỏ vào cối rồi giã nhuyễn. Thịt cua sau khi giã nhuyễn, nội dùng miếng vải rây lược bỏ xác, chỉ lấy nước cốt rồi mang đi nấu canh.
Riêng những con cua có càng to, nội lặt riêng càng ra rồi để nguyên cho vào nồi. Chờ cho nước cua vừa sôi, nội bỏ từng nhúm rau rìu vào rồi đợi nước canh sôi bùng lại lần nữa thì tắt bếp. Nội bảo, lúc nấu canh rau rìu chỉ nên để lửa riu riu và gạt rau về một phía cho riêu cua dễ kết dính, cũng không nên để nước sôi quá lâu kẻo làm rau rìu mềm nhũn, sẽ mất ngon.
Vậy là với nguyên liệu có sẵn ngoài đồng, cả nhà tôi khi ấy được ngồi quây quần bên mâm cơm với nồi canh cua rau rìu dân dã, thơm nức mũi. Những vá canh ngọt đượm thịt cua kèm theo mớ rau rìu dai dai chan cùng cơm trắng khiến nồi cơm chẳng mấy chốc đã hết veo.
Thưởng thức xong nồi canh rau rìu; nội vớt mớ càng cua đỏ au dưới đáy nồi rồi bẻ ra và gỡ lấy phần thịt trắng phau cho tôi cùng các em. Đơn sơ, mộc mạc vậy thôi, mà mâm cơm ấm cúng ngày mưa ở nhà nội tôi ngày ấy cứ “quấn quýt” trong tâm trí tôi mãi đến bây giờ.
Bây giờ, rau rìu không còn mọc trên bờ ruộng, gò đất nhiều như xưa. Tôi cùng chẳng còn ông nội kề bên để lại được cùng ông đội chiếc nón tơi ra đồng bắt cua, nhổ rau rìu về nhặt nhạnh, rửa sạch cho bà nấu canh. Vậy nên, khi bắt gặp ở góc chợ quen mà mình thường ghé, có cụ bà mang rau rìu ra bán rồi chào mời: “Ăn rau rìu không con?”, khóe mắt tôi tự dưng thấy cay cay… Rau rìu ơi, làm sao về được ngày xưa?
Theo Ý Thu (Báo Quảng Ngãi)
Quảng Ngãi: Hiệu quả bất ngờ từ mô hình chăn nuôi kết hợp
Thời gian qua, các cấp Hội ND huyện Minh Long (Quảng Ngãi) đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động hội viên tham gia phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi. Nhờ đó, nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, chăn nuôi đã đem lại hiệu quả cao và vươn lên làm giàu.
Gia đình ông Lê Tấn Viên (ở thôn Sơn Châu, xã Long Sơn, huyện Minh Long, Quảng Ngãi) là một trong những hộ phát triển mô hình chăn nuôi bò từ nhiều năm nay. Ban đầu, ông chỉ nuôi một vài con, sau đó, ông mạnh dạn vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, cùng với ít vốn của gia đình, ông đầu tư vào xây chuồng và mua bò cái để nuôi.
Hiện tại, trong chuồng ông có 8 con bò cái sinh sản, mỗi năm đàn bò nhà ông sinh thêm 7 - 8 con bê con. Những con bê cái được ông lựa chọn làm giống để tiếp tục nhân đàn, số còn lại ông nuôi vỗ béo và bán thịt. Mới đây, ông mới bán đươc 3 con bê, thu về được hơn 40 triệu đồng.
Nhờ chú trọng phát triển kinh tế từ chăn nuôi bò, đời sống của gia đình ông Lê Tấn Viên (ở thôn Sơn Châu, xã Long Sơn) ngày càng đi lên. Ảnh: Huỳnh Phúc
Ngoài chăn nuôi bò, ông Viên con đào ao thả nuôi khoảng 400 con cá trê. Cứ 6 tháng, ông xuất bán một lứa, với giá 100.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, ông thu lãi hơn 10 triệu đồng.
Một mô hình cũng khá hiệu quả khác là mô hình trồng keo, nuôi heo, bò va nuôi cá diêu hồng của gia đình ông Đoàn Quốc Hoan (ở thôn Sơn Châu, xã Long Sơn, huyện Minh Long). Với mô hình này, từ hai bàn tay trắng, đến nay, gia đình ông đã vươn lên trở thành hộ có kinh tế khá giả ở địa phương, kinh tế gia đình ngày càng ổn định. Hiện tại, gia đình ông Hoan đã trồng được vài ha keo, nuôi khoảng 3.000 con cá diêu hồng, vài con bò và lợn sinh sản. Hàng năm, trừ hết chi phí, ông cũng thu lãi được 50 triệu đồng.
Bà Đinh Thị Bình - Chủ tịch Hội ND huyện Minh Long cho biết, để tạo điều kiện cho hội viên nông dân trên địa bàn huyện có nguồn vốn phát triển kinh tế, những năm qua, Hội ND huyện đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho hơn 1.300 hội viên nông dân vay vốn, nâng tổng dư nợ đến nay hơn 45 tỷ đồng.
Nguồn vốn này đã thúc đẩy phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi ở huyện phát triển mạnh và có sức lan tỏa trong nông dân, đa số nông dân đồng tình hưởng ứng. Cũng nhờ phong trào này, đời sống kinh tế của nhiều hộ gia đình phát triển đi lên.
Theo Danviet
Tàu cá chứa 30.000 lít dầu bốc cháy Sau khi bơm 30.000 lít dầu, tập kết đá lạnh, lương thực, ông Hiệp cùng các ngư dân chuẩn bị xuất phát ra khơi thì tàu cá bốc cháy ngùn ngụt ở cửa biển Sa Cần. Khoảng 9h sáng 21/8, chiếc tàu của ông Nguyễn Đình Hiệp (55 tuổi, ngụ xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) bất ngờ bốc cháy...