Rau ngót rừng ngon lạ miệng, giá hơn trăm ngàn/kg vẫn bán vèo vèo
Ngót rừng là một loại rau đặc trưng chỉ có ở nơi núi đá, vị ngọt và lạ miệng nên được rất nhiều người ưu chuộng. Mùa rau ngót rừng rơi vào khoảng tháng 2, 3 âm lịch hằng năm. Mùa rau năm nay, mặc dù ngót rừng có giá “chát” hơn so với mọi năm nhưng vẫn “cháy hàng”.
Cây rau ngót rừng (hay còn gọi là cây mì chính, cây rau sắng…), thuộc loại cây thân mộc, ưa ánh sáng, mọc tự nhiên trên những vách đá của vùng núi cao trên 100m so với mặt nước biển. Bởi vậy, ngót rừng thường mọc nhiều ở các vùng núi đá trên Lạng Sơn, Thái Nguyên…
Nhiều bà nội trợ tìm mua rau ngót rừng để phục vụ bữa ăn gia đình vì tốt cho sức khỏe, sạch và an toàn.
Mùa rau ngót rừng, rau bò khai năm nay có giá “chát” hơn nhiều so với mùa rau năm ngoái. Nguyên nhân bởi mới vào đầu mùa, lượng rau hái được còn ít. Ngoài ra, nhiều bà nội trợ có tâm lý thịt lợn không đảm bảo trong thời điểm dịch tả lợn châu Phi đang lây lan nhiều nơi, nên khẩu phần ăn chuyển sang sử dụng nhiều rau xanh hơn bnhf thường.
Chị Bích Ngọc ( TP.Lạng Sơn) cho biết: Rau ngót rừng “xịn” không phải loại được bà con trồng mà là loại rau quý, sống tự nhiên trên rừng, đồi núi. Nó ngọt hơn và mùi vị đặc trưng của rau rừng, cách chế biến cũng rất dễ dàng. Chỉ cần tuốt lấy những đọt lá non, rửa sạch, vò qua rồi thả vào nấu canh, thêm ít gia vị là có một món canh ngọt đậm đà tự nhiên. Muốn ngon hơn, khi nấu cho thêm ít thịt băm.
Chị Bích Ngọc còn cho biết thêm, năm nay giá rau đắt hơn nhiều so với năm ngoái, có thể do mới đầu mùa và nó lạ miệng, đảm bảo sạch tự nhiên nên được nhiều gia đình tìm mua gần đây.
1 mớ rau bé tí cũng có giá 10.000 – 15.000 đồng tại chợ Bờ sông, TP.Lạng Sơn nhưng vẫn được nhiều người lựa chọn.
Chị Chu Thị Liền, một thương lái chuyên thu mua các loại rau rừng tại TP.Lạng Sơn cho biết: Ngót rừng (còn gọi là rau sắng) không phải là loại cây nhỏ, thân bụi như rau ngót nhà. Cây này thuộc họ thân gỗ, mọc tự nhiên trên vùng núi đá, cao hơn đầu người, cành lá sum suê. Cuối mùa đông cây rụng hết lá già. Mùa xuân, khoảng cuối tháng Giêng là ra những đợt lá non đầu tiên, đến tháng 2-3 cho thu hoạch ngọn, lá và cả những chùm hoa, thậm chí cây nhiều tuổi còn có cả quả cũng ăn được.
“Tôi thu mua của dân trong bản hái mang ra bán. Giờ chỉ có rau ngót rừng, rau khẩu cài là đúng chuẩn hái trên rừng tự nhiên, còn rau bò khai trên rừng giờ rất hiếm, ngoài thị trường chủ yếu là rau bò khai trồng tại nhà. Năm nay giá rau rừng đắt gần gấp đôi năm ngoái, nhất là rau ngót rừng. Hiện tại mới vào mùa nên rất ít rau, nhiều người ngỏ ý muốn tôi gom số lượng lớn để mang về Hà Nội bán nhưng không đủ. Tôi chỉ gom đủ để bán lẻ tại các chợ, có muốn thu mua nhiều để bán buôn cũng không có. Hằng ngày tôi đến các huyện Chi Lăng, Tràng Định… thu mua sau đó bán lẻ tại chợ Bờ sông”, chị Liền nói.
Giá rau ngót rừng năm nay “chát” gấp đôi năm ngoái và nguồn rau thì rất ít.
Theo chị Liền, giá rau ngót rừng năm nay đắt hơn nhiều so với năm ngoái. Nếu năm ngoái ngót rừng bán 50.000 đồng/kg thì năm nay có giá từ 100.000 – 120.000 đồng/kg, rau bò khai năm ngoái bán 30.000 đồng/kg thì năm nay phải bán 80.000 – 90.000 đồng/kg. Nếu bán theo mớ thì 1 mớ rau ngót rừng bé tí đã có giá 10.000 – 15.000 đồng/mớ. Ngoài ra còn có hoa rau ngót cũng bán với giá 15.000 đồng/mớ bé, bò khai bán lẻ 80.000/kg…
Video đang HOT
“Thứ bảy, chủ nhật tôi bán được nhiều cho khách du lịch, khách hành hương đầu năm. Giờ có ai đặt mua với số lượng lớn thì cũng không kiếm đâu ra nguồn rau, chỉ đủ bán lẻ tại các chợ”, chị Liền chia sẻ.
Nhu cầu của người tiêu dùng tăng lên, nhưng lượng rau hái được còn ít nên cũng không có nguồn để bán.
Chị Hà Phương, khách hành hương lễ chùa đến từ Hà Nam cho biết: Lạng Sơn nổi tiếng có nhiều loại rau đặc sản nên đoàn chị lên đây ai cũng chọn mua rau làm quà. Rau ngót rừng có rất nhiều tác dụng, bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe từ người già đến trẻ nhỏ nên tôi đã mua 5 – 6kg làm quà và để gia đình sử dụng.
“Cả nhà chị ai cũng thích món này, nấu bao nhiêu cũng hết. Cứ từ tháng 3 dương lịch trở đi, rau ngót rừng bắt đầu vào mùa, chị cũng hay nhờ bạn bè mua rồi để tủ lạnh ăn dần nhưng nhiều lúc khó kiếm mà giá thì lại đắt”, chị Hà Phương chia sẻ.
Ngoài chồi non thì rau ngót rừng còn có hoa và quả cũng có thể sử dụng được.
Hoa ngót rừng cũng được nhiều chị em nội trợ lựa chọn vì nấu canh ngon, thậm chí là có thể dùng để đồ xôi. Chỉ 1 nắm bé cũng được bán với giá 15.000 đồng.
Hiện, người dân ở các bản cũng thường xuyên lên rừng hái rau rừng mang bán. May rủi, hôm được ít, hôm được nhiều nhưng có có thêm thu nhập cải thiện đời sống gia đình.
Ông Vy Văn Chanh (xã Song Giang, huyện Văn Quan) cho biết, do nhà gần rừng, vào mùa rau ngót rừng (tháng 2-3 âm lịch), ông lại tranh thủ lên rừng hái phắc van (rau ngót rừng) và phắc khảu cài mang ra chợ bán.
“Đến mùa, tôi lại lần theo những con đường cũ đến những cây mà mọi năm hay đi hái. Hái rau này một phần do ăn may vì nhiều lúc vất vả leo lên tới nơi nhưng cây lại chưa ra chồi non hoặc “ghé thăm” muộn nên chồi mọc đã già. Cũng có thể do người khác thấy nên đã hái hết chồi non. Nếu gặp cây to thì hái được một nải đầy, nếu cây bé thì chỉ vài nắm là hết”.
Ngoài rau ngót rừng thì rau bò khai cũng đắt hàng và được nhiều người tìm mua.
Ông Chanh cho biết thêm: “May rủi nên tùy vào từng hôm, có hôm đi rừng hái được 25-30 mớ rau ngót, hơn 200 mớ rau khảu cài, có hôm chỉ hái được có 5 bó. Thường khi hái từ rừng về, rau sẽ được bó lại từng mớ bé và mang giao cho thương lái buôn ở chợ chứ không có thời gian ngồi bán lẻ. Rau này chỉ ra chồi non một thời gian ngắn, rau đúng mùa ăn ngon, ngọt và mềm. Khi đã hết mùa, dù có còn hái được mang nấu canh cũng không ngon bằng”.
Ngoài là thực phẩm sạch và giàu dinh dưỡng thì rau ngót rừng còn là vị thuốc. Lá rau ngót có vị bùi ngọt, tính mát, rễ vị hơi ngăm đắng. Theo Đông y, lá và rễ rau ngót đều có tác dụng mát huyết, hoạt huyết, lợi tiểu, giải độc. Khi bị nhiệt do bia, rượu, chỉ cần giã khoảng 40g rau ngót chắt lấy nước uống trong khoảng hai ngày sẽ giảm hẳn. Lá rau ngót còn chữa sởi, ho, viêm phổi, sốt cao, đái rắt, tiêu độc,… Rễ rửa sạch, giã nát ép lấy nước uống trong ngày có tác dụng lợi tiểu, thông huyết, kích thích tử cung co bóp…
Ngoài ra, rau ngót rừng rất giàu đạm nên được khuyên dùng thay thế đạm động vật, nhằm hạn chế những rối loạn chuyển hóa canxi gây loãng xương và sỏi thận. Với những thành phần trên, rau ngót được khuyên dùng cho người muốn giảm cân và người bị tăng huyết áp.
Theo Danviet
Nhầm tưởng về dịch tả lợn châu Phi, tiêu thụ thịt lợn giảm hẳn
Những ngày qua, bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát ở một số tỉnh miền Bắc đã khiến thị trường thịt lợn bị ảnh hưởng rõ rệt. Tại Lạng Sơn, mặc dù cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương đã tăng cường chống dịch, nhấn mạnh loại bệnh này không lây sang người, song sức mua các sản phẩm từ thịt lợn trên thị trường vẫn giảm.
Khắp nơi "căng mình" chống dịch
Hữu Lũng là huyện có phong trào chăn nuôi phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Tại đây đã và đang hình thành các vùng chăn nuôi tập trung như: nuôi trâu ở các xã: Hòa Sơn, Tân Thành, Hòa Thắng, Đồng Tân, Hữu Liên; nuôi dê ở: Thanh Sơn, Thiện Kỵ, Quyết Thắng, Hòa Sơn, Tân Lập, Yên Thịnh; nuôi lợn ở Đồng Tiến, Minh Hòa, Minh Sơn, Vân Nham, Yên Bình, Thiện Kỵ...
Trước thực trạng bệnh dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát ở 10/63 tỉnh, thành và khả năng lây lan rất cao, mới đây UBND huyện Hữu Lũng đã ban hành các văn bản triển khai các giải pháp cấp bách phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Ông Nông Khắc Tạo, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hữu Lũng cho biết: Phòng đã tham mưu cho UBND huyện đề xuất các phương án phòng chống dịch tả lợn châu Phi, đồng thời chúng tôi cũng thường xuyên kiểm tra trực tiếp các hộ chăn nuôi và mở lớp tập huấn phòng chống, xử lý khi dịch bệnh xảy ra cho cán bộ thú y các xã.
Tổng đàn lợn trên địa bàn huyện Hữu Lũng đang có xu hướng giảm do người chăn nuôi lo dịch bệnh bùng phát nên xuất bán bớt tránh những thiệt hại lớn về kinh tế.
Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan cũng phối hợp tuyên truyền cho người dân trong những buổi họp thôn, xã và giám sát chặt chẽ nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển lợn; thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn...
Trao đổi với PV Dân Việt, bà Hoàng Thị Nhung, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hữu Lũng cho biết: Tổng đàn lợn của huyện khoảng 50.000 con, do đó Trung tâm luôn chủ động theo dõi, giám sát, tuyên truyền, cảnh báo dịch bệnh cho người dân; phổ biến cách phòng, chống các loại dịch bệnh. Từ tháng 2/2019, huyện đã nhập bổ sung 900 lít hóa chất và cấp phát cho các xã, thị trấn để tiến hành phun tiêu độc, khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi, đường làng ngõ xóm, nhất là những điểm có nguy cơ lây nhiễm cao.
"Các hộ nuôi cũng rất chủ động vệ sinh chuồng trại, phun hóa chất tiêu độc, khử trùng người và phương tiện ra vào. Đồng thời, chúng tôi cũng cảnh báo người dân tuyệt đối không mua bán lợn không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, phải thực hiện tiêm phòng đủ các loại vaccine... Đến thời điểm này, trên địa bàn huyện chưa phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi, song mọi hoạt động phòng chống dịch bệnh vẫn đang tiếp tục được triển khai" - bà Nhung nói.
Hạ đàn, sức mua giảm rõ rệt
Là một trong những hộ chăn nuôi lớn ở huyện Hữu Lũng, anh Nguyễn Hồng Minh ở thôn Cã Trong, xã Minh Sơn khá lo lắng trước thực trạng dịch tả lợn đang diễn biến phức tạp.
Anh Minh cho biết: "Năm nào gia đình tôi cũng duy trì đàn lợn gần 1.000 con, trong đó có 60 con nái, hơn 900 con lợn thịt. Trung bình mỗi năm xuất bán 100 tấn lợn ra thị trường. Tuy nhiên, khi xuất hiện thông tin về dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh và chưa có thuốc chữa, tỉ lệ chết rất cao nên từ sau Tết, gia đình tôi đã xuất bán dần lứa lợn có cân nặng từ 80-90kg. Trước tết, tôi còn bán lợn hơi với giá 48.000 đồng/kg thì hiện giá lợn hơi giảm nhanh, chỉ còn 42.000 đồng/kg. Hiện tại nhà tôi chỉ còn hơn 100 con lợn thịt nhỏ và 60 con lợn nái".
"Hàng ngày gia đình tôi đều theo dõi các bản tin thời sự, nghe báo đài để nắm bắt tình hình dịch bệnh. Hiện tại khu vực chuồng nuôi của gia đình cách ly nghiêm ngặt, không tùy tiện cho người ngoài ra vào. Ngay cả cám, thức ăn mua về cũng không di chuyển thẳng vào khu vực chuồng nuôi như mọi khi mà xe chở sẽ đỗ ở ngoài, phun hóa chất xong mới được di chuyển vào khu vực chuồng trại" - anh Minh nói.
Hiện tại khu chuồng trại của gia đình anh Minh quản lý ra vào nghiêm ngặt, con người, xe cộ từ bên ngoài đều không được ra vào gần khu vực chuồng nuôi của gia đình.
"Do dịch tả lợn châu Phi chưa có vaccine tiêm phòng nên hiện tại, tôi chỉ có thể làm tốt công tác phun hóa chất thường xuyên, không cho người ngoài ra vào gần khu vực chăn nuôi để đảm bảo an toàn. Điều đáng lo là nhiều người chưa hiểu đúng bản chất về dịch bệnh này nên nhầm tưởng virus lây qua người, dẫn tới quay lưng với thịt lợn. Điều này đang gây ảnh hưởng rất lớn tới người chăn nuôi chúng tôi", anh Minh lo lắng nói.
Theo ghi nhận của phóng viên trưa ngày 8/3, tại các chợ Bờ sông, Đông Kinh Giếng Vuông... của TP. Lạng Sơn, giá thịt lợn loại ngon vẫn dao động từ 80.000 - 85.000 đồng/kg. Cụ thể, giá thịt ba chỉ là 80.000 đồng/kg; thịt nạc thăn 85.000 đồng/kg. Dù vậy, sức mua thịt lợn của người dân xứ Lạng đã giảm hẳn so với trước thời điểm có dịch.
Trời đã về chiều nhưng các hàng bán thịt lợn tại khu vực chợ Bờ sông, TP.Lạng Sơn vẫn xếp hàng bày bán la liệt rất khác so với những ngày thường trước đó cho thấy sức mua của người tiêu dùng đang giảm dần.
Chị Nguyễn Hà Thu (P.Vĩnh Trại) cho biết: Thấy tivi, báo đài nói nhiều về dịch tả lợn châu Phi, là người tiêu dùng nên tôi cũng rất lo lắng. Dù biết là dịch tả không lây sang người, nhưng các thành viên trong gia đình vẫn khá lo ngại nên chỉ ưu tiên các món trứng, cá, thịt bò... Hôm nào đi chợ tôi cũng đau đầu vì không biết nấu món gì cho gia đình.
Tại chợ bờ sông, ngày bình thường các hàng bán thịt lợn chỉ có nhiều vào buổi sáng, buổi chiều hầu như bán hết sạch nhưng mấy ngày gần đây, các cửa hàng bán thịt lợn khá ế ẩm. Chị Yến, một người bán thịt lợn tại TP.Lạng Sơn cho biết: Thời điểm trước Tết, mỗi ngày tôi bán 3-4 con lợn nhưng hiện tại ngày chỉ mong bán hết 1 con. Nhiều người dân đang nhầm tưởng dịch tả lợn châu Phi lây sang người nên nhu cầu về thịt lợn giảm hẳn.
Không nên hoang mang, tẩy chay thịt lợn
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khẳng định: Dịch tả lợn châu Phi không lây bệnh trên người. Do đó người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang, tẩy chay tiêu dùng các sản phẩm thịt lợn... Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng nên mua sản phẩm từ lợn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và phải nấu chín kỹ trước khi dùng, tránh ăn các sản phẩm như: nem sống, nem chua, gỏi, tiết canh...
Theo Danviet
Rau dớn, bò khai, tầm bóp giá "đắt cắt cổ" đang "cháy hàng" ở Thủ đô Nhiều loại rau rừng có xuất từ các tỉnh Tây Bắc như Sơn La, Lạng Sơn, Lào Cai được bán tại thủ đô Hà Nội với mức giá khá cao. Tuy nhiên, theo như lời kể của người bán "hàng về bao nhiêu hết bấy nhiêu", thậm chí còn "cháy hàng" không có để bán. Rau dớn Rau dớn là một loại rau...