Rau màu được giá, nông dân Bạc Liêu thu lãi cao
Hơn tháng qua, rau cần nước và rau má tại tỉnh Bạc Liêu được thương lái thu mua tại vườn với giá từ 18.000-20.000 đồng/kg.
Nông dân Bạc Liêu thu hoạch rau má.
Với mức giá này, nông dân lãi khá cao nên rất phấn khởi, phần nào giải tỏa những khó khăn, ảnh hưởng do dịch bệnh, giãn cách xã hội thời gian qua.
Huyện Phước Long được xem là thủ phủ trồng rau cần nước và rau má của tỉnh Bạc Liêu với diện tích trên 100 ha, tập trung chủ yếu tại các xã Vĩnh Thanh, Hưng Phú và Vĩnh Phú Đông. Trung bình mỗi ngày, nông dân vùng trồng rau ở đây cung ứng cho thị trường khoảng 30 tấn.
Ông Huỳnh Trung Thủ, Giám đốc hợp tác xã rau màu 8/3, xã Vĩnh Thanh cho biết, người dân tại địa phương trồng khá nhiều loại rau như: muống, ngót, cần nước, má cùng nhiều loại rau thơm nhưng tăng giá nhiều nhất là cần nước và rau má. Cả 2 loại rau này chủ yếu được tiêu thụ tại thị trường TP Hồ Chí Minh. Nhu cầu tiêu thụ tăng cao, vận chuyển thuận lợi cũng góp phần giúp rau màu có nhiều thị trường tiêu thụ hơn.
So với mấy tháng trước, giá rau ở thời điểm này tăng trên 10.000 đồng/kg. Dù giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng nhiều so với trước nhưng trừ đi các khoản chi phí đầu tư, nông dân vẫn có lãi khá cao.
Các vùng sản xuất rau cần nước đã hướng đến sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Người dân được chuyển giao quy trình sản xuất rau an toàn. Nhiều diện tích rau cần nước đã được trồng trong nhà lưới, dùng hệ thống phun nước tiết kiệm, sử dụng phân hữu cơ, thuốc sinh học, hạn chế hóa chất… nên ít bị sâu bệnh gây hại. Vì thế, không cần phải sử dụng phân hóa học mà chỉ sử dụng vi sinh, tạo ra sản phẩm sạch bảo đảm sức khỏe của người tiêu dùng.
Tương tự, rau má cũng là loại dễ trồng, dễ chăm sóc với ưu điểm cho thu hoạch quanh năm. Lúc đầu chỉ một số ít hộ dân ở xã Vĩnh Thanh cải tạo vườn tạp trồng rau má. Nhưng chỉ sau mấy năm, diện tích trồng đã tăng lên gần 30 ha. Rau má không chỉ được trồng trên đất vườn mà đã được nông dân cải tạo trồng trên đất ruộng khá hiệu quả.
Ông Lê Văn Nén – ở ấp Huê III A, xã Vĩnh Phú Đông cho biết, với 1 công (1.000 m2) trồng rau má, người dân có thể thu nhập từ 250-300 triệu đồng/năm, cao gấp nhiều lần so với trồng các loại hoa màu khác hay kể cả trồng lúa tại thời điểm hiện nay. Người trồng rau má hầu như thu hoạch quanh năm, cứ sau 15 -20 ngày là thu hoạch 1 đợt.
Video đang HOT
Mô hình rau cần nước được trồng theo hướng an toàn sinh học, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.
Giá rau cần nước và rau má tăng cao trở thành động lực thúc đẩy nông dân mở rộng thêm nhiều diện tích sản xuất. Bên cạnh lợi nhuận trước mắt, việc mở rộng sản xuất cũng dấy lên nỗi lo về lâu dài đối với cơ quan quản lý, một khi nguồn cung vượt quá nhu cầu sử dụng. Việc tìm đơn vị đối tác, hợp tác thu mua đảm bảo đầu ra đảm bảo cũng như quy hoạch các vùng trồng rau màu phù hợp vẫn là những giải pháp mà đại phương cần sớm được quan tâm để giúp nông dân an tâm sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường rau màu của tỉnh Bạc Liêu.
Ông Phạm Thanh Hải – Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu cho biết, hiện nay một số doanh nghiệp ngoài tỉnh đang cùng với nông dân triển khai liên kết bao tiêu rau cần nước và rau má với giá cố định. Dựa trên thực tế sản xuất, doanh nghiệp sẽ trừ chi phí sản xuất, công lao động để chốt giá. Trung bình, nông dân sẽ được lợi nhuận từ 2.000 – 3.000 đồng/kg rau.
Nếu nông dân chấp thuận, doanh nghiệp sẽ bao tiêu với số lượng lớn, ổn định lâu dài. Lâu nay, việc thực hiện hợp đồng bao tiêu sản phẩm với tôm, lúa đã trở nên quen thuộc với nông dân. Nhưng hợp tác bao tiêu rau màu với giá cố định là hình thức mua bán còn khá mới nên nhiều nông dân còn tỏ ra e ngại.
Giá lúa thơm ở miền Tây bằng với lúa thường
Trong vòng 5 tuần qua, giá lúa thơm ở miền Tây giảm trên 2.000 đồng mỗi kg, trong khi giá thuê máy gặt đập và vật tư nông nghiệp tăng, khiến nông dân lãi rất ít.
Tối 1/9, gia đình anh Lâm Thanh Tòng (40 tuổi, ngụ thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) vẫn còn thắp đèn chờ tư thương đưa xe tải vào đường nông thôn ở ấp Thông Lưu B để cân lúa. Trong lúc nhân công làm thuê cho máy gặt đập liên hợp vác lúa lên bờ ruộng, lực lượng kiểm soát Covid-19 đến kiểm tra giấy tờ khi thấy tập trung đông người.
"Tỉnh Bạc Liêu đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nên việc thu mua lúa gặp khó khăn. Thương lái muốn đưa xe vào ruộng của bà con để mua lúa phải đi xin giấy tờ, tài xế âm tính SARS-CoV-2 mới được. Lúa chín lúc này mình phải bán chứ tiếp xúc nhân công thu hoạch và cân lúa cũng sợ lắm", chị Trịnh Thu Mai (vợ anh Tòng) chia sẻ.
Một tháng giảm 2,3 triệu đồng mỗi tấn
Theo chị Mai, gia đình có 0,5 ha đất trồng lúa, duy trì giống lùa thơm RVT nhiều năm qua. Vụ hè thu năm trước, chị Mai bán lúa được gần 8.000 đồng/kg.
Cuối tháng 5, anh Tòng thấy nông sản khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiêu thụ thuận lợi nên tiếp tục xuống giống lúa RVT. Loại lúa thơm này nếu chăm sóc tốt đạt năng suất 6,5-7 tấn/ha. Anh Tòng có kinh nghiệm trồng lúa nhiều năm nên thu hoạch được gần 5 tấn trên diện tích 0,5ha.
Tối 1/9, gia đình anh Lâm Thanh Tòng ở huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) vẫn chưa cân được lúa. Ảnh: Nhật Tân.
Lúa trúng mùa nhưng anh Tòng không vui vì giá quá thấp. Nông dân này bán lúa thơm RVT chỉ được 5.200 đồng/kg, giảm 2.300 đồng/kg so với tháng trước.
"Mỗi tấn lúa gia đình tôi mất 2,3 triệu nên vụ này mất trên 11 triệu đồng. Trong khi đó, giá máy gặt đập tăng mỗi công (1.000 m2) từ 280.000 đồng lên 320.000 đồng. Năm trước 5 công đất tôi tốn tiền phân bón khoảng 8 triệu, năm nay đến 12 triệu đồng vì vật tư nông nghiệp tăng. Nhiều người trồng lúa năng suất thấp đã lỗ vốn", anh Tòng nói.
Tại phường 2, thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng), nông dân Út Gỡ cho biết anh có nhiều người quen không bán được lúa thơm RVT vì trồng ở khu vực khó vận chuyển.
"Lúa thơm RVT nhưng thương lái mua bằng giá lúa thường, từ 5.000-5.200 đồng/kg. Có vài đám ruộng lúa chín vàng đồng nhưng chưa có người mua", anh Gỡ nói.
An Giang chuẩn bị thí điểm trồng lúa rải vụ
Trong báo cáo gửi Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ về công tác phòng, chống dịch Covid-19, UBND tỉnh Bạc Liêu không đề cập giá lúa nhưng có thống kê sản lượng của 58.909 ha lúa hè thu ước đạt 346.321 tấn (thu hoạch từ 1/8 đến 20/9). Trong đó, nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh từ nay đến cuối năm là 128.198 tấn lúa, tương đương 76.920 tấn gạo, còn lại cần xuất bán ra thị trường là 218.123 tấn lúa (có hợp đồng liên kết bao tiêu khoảng 40% sản lượng, còn lại 60% cần thương lái thu mua).
Trong ngày 1/9, nông dân Bạc Liêu thu hoạch lúa hè thu 1.895 ha, nâng lũy kế lên 17.283 ha. Sản lượng lũy kế 99.918 tấn và 100% được thương lái trong và ngoài tỉnh thu mua.
Chỉ một tháng, giá lúa RVT từ 7.450-7.500 đồng giảm xuống 5.200 đồng/kg. Ảnh: Thanh Thái.
Với diện tích lúa hè thu còn trên đồng hơn 40.000 ha, UBND tỉnh Bạc Liêu đã gửi UBND tỉnh Sóc Trăng và Hậu Giang để đề nghị hỗ trợ, tạo điều kiện cho người và phương tiện thu hoạch lúa vào địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu, máy gặt đập liên hợp trong tỉnh chỉ đáp ứng được 50-60% so với diện tích lúa đang chín rộ. Ngành nông nghiệp tỉnh này cần sự hỗ trợ ngoài tỉnh khoảng 40-50% số máy gặt đập liên hợp để đảm bảo tiến độ thu hoạch lúa.
Là địa phương có đến 230.000 ha lúa hè thu, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, nói rằng thực tế ở Đồng bằng sông Cửu Long khi thu hoạch rộ thì lúa bị ùn ứ, máy gặt không đủ để cắt lúa, lực lượng công nhân bốc xếp cũng không đủ, ghe chở lúa cũng thiếu.
"Thu hoạch rộ sẽ khiến doanh nghiệp mua lúa chứa lúa đầy kho, lò sấy hoạt động quá công suất và tiền của doanh nghiệp đổ ra mua lúa cho nông dân cũng không đủ. Thu hoạch rộ làm cho mọi vấn đề dồn ứ, gây hiệu ứng giá thấp, nông dân gọi là thu hoạch 'đông ken'. Tất cả khó khăn trong giai đoạn thu hoạch đông ken này chỉ phục vụ cho câu chuyện né rầy nâu", ông Thư nói.
Lãnh đạo UBND tỉnh An Giang cho rằng trồng lúa rải vụ sẽ tránh thu hoạch rộ, giúp giá lúa ổn định. Ảnh: Việt Tường.
Từ đó, vị lãnh đạo UBND tỉnh An Giang nghĩ đến việc làm lúa rải vụ trong chương trình hệ sinh thái đồng ruộng. Đó là mỗi tiểu vùng xuống giống đồng loạt chỉ vài nghìn ha, sau đó đến và nghìn ha khác chứ không xuống giống tất cả diện tích trên toàn địa phương.
"Rải vụ sẽ giải quyết được mọi vấn đề khó khăn vì không còn 'đông ken'. Bù lại, tôi đang lo ngại vòng đời con rầy nâu có hoài. Vì vậy, chúng tôi sẽ cho làm thí điểm, đánh giá luôn rầy nâu thế nào rồi xin phép Bộ Nông nghiệp để làm nhiều hơn. Thực tế 5-10 năm trở lại đây rầy nâu tương đối giảm. Chúng tôi cẩn thận cho thí điểm ở quy mô nhỏ, đánh giá rồi hội thảo để các nhà khoa học bàn với nhau trước khi áp dụng quy mô lớn hơn", ông Trần Anh Thư chia sẻ.
Vụ nghêu chết tại HTX Đồng Tiến (Bạc Liêu): Cần đảm bảo hài hòa lợi ích các bên Liên quan đến tình trạng nghêu tại Hợp tác xã Đồng Tiến, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu chết trắng bãi, ngày 1/1/2022, ông Mã Thanh Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Bình đã chủ trì buổi làm việc nhằm mục đích lắng nghe ý kiến các bên liên quan, xem xét các yếu tố tác động, nguyên nhân...