Rau khan, hoa thiếu vì rét
Ở các vùng trồng, nông dân đứng ngồi không yên, vì giá rét đe dọa mất mùa vụ rau, hoa Tết.
Theo ông Nguyễn Duy Hồng, Trưởng phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Hà Nội, đợt rét đậm, rét hại kéo dài này đã tác động đến sản xuất toàn miền Bắc. Ông Hồng dự báo, áp Tết, lượng rau cung ứng ra thị trường sẽ không dồi dào, giá chắc chắn tăng mạnh cho đến đầu tháng 3 dương lịch.
Rau, hoa tăng giá chóng mặt
Tại chợ Thái Thịnh, cải ngọt có giá 16.000 – 17.000 đồng một kg, ngọn su su 20.000 – 25.000 đồng một kg, su hào 7.000 – 8.000 đồng một củ, súp lơ 10.000 – 11.000 đồng một búp, tăng khoảng 4.000 – 5.000 đồng so với đầu tháng. Tại chợ Cầu Giấy, giá cũng tăng không kém. Theo giới tiểu thương, trung bình, giá các loại rau đã tăng từ 25 đến 35% so với đợt trước rét. Cá biệt, một số loại như cà chua tăng gấp 2 – 2,5 lần. Chị Ngần, phố Chùa Hà, Cầu Giấy, Hà Nội cho hay, tiền rau ăn một ngày của cả nhà chị mất gần trăm nghìn. “Trước mua hai cây xà lách và hai quả cà chua mất chừng 4.000 – 5.000 đồng, giờ phải trả hơn 10.000 đồng”, chị Ngần tính.
Các luống rau tại Tây Tựu còi cọc do giá rét.
Các loại hoa cũng không chịu thua. Giá hoa hồng Tây Tựu bán buôn 3.000 – 3.500 đồng một bông nay lên 4.000 – 5.000 đồng. Hoa cẩm chướng bán lẻ từ 45.000 – 50.000 đồng một bó giờ lên 80.000 đồng, salem từ 25.000 đồng một bó lên 35.000 đồng, tăng từ 20 – 40% so với cách đây một tháng.
Giá rau cao, nhưng nông dân không vui, bởi năng suất giảm mạnh. Chị Minh, thôn 2, Tây Tựu, Từ Liêm, cho hay, một tuần sau rét đậm, rét hại tới nay, giá rau cứ hôm sau bán cao hơn hôm trước. Tuy nhiên, nếu thời tiết bình thường, chỉ cần một tháng có thể thu hoạch một số loại rau như cải cúc, cải ngọt… thì hiện phải đến tháng rưỡi mới được một lứa. Rét đậm, rét hại và sương muối làm các loại rau chậm phát triển, năng suất giảm mất 1/3 so với trước đó, trong khi nông dân phải chăm bón nhiều hơn.
Cùng … “ngóng nắng”
Trong khi các chủ vườn quất đã yên trí, bởi quất vàng đang trổ rực rỡ, hứa hẹn một vụ được mùa, thì rét đậm, rét hại lại đang làm các chủ vườn hoa và đào đứng ngồi không yên. Anh Tuấn, chủ vườn đào tại cụm 8, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội, cho hay, từ đầu đợt rét tới nay, chủ các vườn đào liên tục bón phân đạm và tưới nước giữ ấm cho cây.
Video đang HOT
Nếu trời không ấm lên trong vài ngày tới, các vườn đào sẽ ngậm nụ, không thể bung hoa đúng dịp Tết. Ngày 17/1, trời vẫn tiếp tục u ám và theo dự báo, đêm 17/1 lại có thêm không khí lạnh, tiếp tục rét đậm, rét hại. “Thời tiết này, không biết có cứu được 30% số đào không”, anh Tuấn than.
Với hoa phục vụ Tết, theo tính toán của nhà vườn, năng suất tại Tây Tựu đến giờ đã chắc giảm tới 30 – 40% do giá rét. Anh Thu, chủ vườn hoa cúc tại Tây Tựu, Từ Liêm, khẳng định, hoa tết chắc chắn sẽ thiếu và giá khả năng tăng 3 – 5 lần.
Theo ông Hồng, từ trước đến nay, rau vụ Đông trồng tại Hà Nội thường không đủ đáp ứng nhu cầu của thành phố. Năm nay, Hà Nội trồng được khoảng 13.000 ha rau, quả, với năng suất ước khoảng 185 tấn một ha, là nếu thời tiết bình thường, trong khi mỗi ngày, Hà Nội cần khoảng 2.000 tấn rau. 40% nhu cầu còn lại phải nhập từ các vùng lân cận như Hải Dương, Hưng Yên. Tuy nhiên, đợt rét đậm, rét hại kéo dài này khiến các vùng sản xuất của miền Bắc ít nhiều đều đã mất mùa.
Theo Đất Việt
Hàng trăm vụ mất tích bí ẩn ở Bản Phố
Một góc chợ Bắc Hà- nơi những kẻ xấu thường lợi dụng để tiếp cận phụ nữ, dụ dỗ họ đi theo
Ở tuổi đôi mươi, Thèo Thị Máng được con trai trong bản xuýt xoa vì cô như bông hoa rừng đang độ thắm. Cô chỉ "ưng cái bụng" chàng trai nghèo Vàng A Sung, vì anh không những chịu khó, mà tiếng đàn môi anh thổi cũng sâu lắng lòng người. Những tưởng họ sẽ thành đôi thì Máng đột nhiên biến mất trong sự bàng hoàng của những người thân.
Sương xuống dần trên những dãy núi nhấp nhô xa mờ, những mái nhà im lìm bắt đầu sáng điện trong sương chiều bảng lảng. Tiếng đàn môi của Vàng A Sung vẫn cứ dìu dặt xa dần, rồi khuất vào thung xa hay tan vào những khóm hoa bên đầu núi. Anh đang đợi chờ trong vô vọng, vì người con gái anh yêu đã đi mất. "Máng đi đâu không ai rõ, có người nói đã bị bắt sang bên kia biên giới, có người bảo Máng chết", Sung buồn bã.
Theo ông Ma Seo áo, Trưởng công an xã Bản Phố (Bắc Hà, Lào Cai), từ năm 2005 đến nay, ở Bản Phố có gần 100 trường hợp mất tích, trong đó năm 2009 có nhiều người mất tích nhất là 23 người, độ tuổi thường từ 14 đến 35 tuổi.
Tìm em nơi đâu?
Xã Bản Phố nằm cách thị trấn Bắc Hà 2km về phía Tây. Xã Bản Phố có 613 hộ, thành phần dân tộc chủ yếu là Mông, La Chí, Tày phân bố ở 13 thôn, bản.
Ở tuổi đôi mươi, Thèo Thị Máng được con trai trong bản xuýt xoa vì cô như bông hoa rừng đang độ thắm. Cô chỉ "ưng cái bụng" chàng trai nghèo Vàng A Sung, vì anh không những chịu khó, mà tiếng đàn môi anh thổi cũng sâu lắng lòng người. Những tưởng họ sẽ thành đôi thì Máng đột nhiên biến mất trong sự bàng hoàng của những người thân. Mẹ cô gái lau nước mắt: "Vợ chồng tôi và con gái cùng đi làm nương. Đến trưa vợ chồng tôi về nhà trước, Máng ở lại nhặt cỏ. Mãi không thấy con về ăn cơm, tôi chạy ra ruộng thì không thấy nó nữa. Nghĩ nó mải chơi với chúng bạn nên tôi cũng không đi tìm. Đến khuya vẫn không thấy con về, tôi biết có chuyện xảy ra với con rồi".
Máng mất tích mang theo nỗi đau buồn của những người thân và sự hoang mang đến tột độ của những người dân trong Bản Phố. Bởi sự mất tích này là khởi đầu cả trăm vụ mất tích bí ẩn đã xảy ra tiếp đó.
Tiếp sau đó, chiều cuối năm 2009, Vù Thị Sơ là người cùng xã bảo chồng ở nhà trông con để Sơ ra chợ phiên bán ớt khô. Đến tối không thấy vợ về, người chồng sốt ruột nhờ người đi tìm mà vợ vẫn biệt tăm. Không còn mẹ cho bú, bé con mới được vài tháng tuổi đói sữa khóc ngằn ngặt, anh chồng đành bế con đi khắp bản để xin sữa. Giờ đây bé con đã hơn một tuổi, thằng anh cũng lên 3, nhưng nhớ mẹ nên chẳng đêm nào chúng để bố ngủ yên. Vừa vỗ về ru con ngủ, anh chồng vừa thở dài: " Mình khổ thế nào cũng chịu được, nhưng thấy con mình thiếu mẹ, mình đau lắm!". Vừa nói, anh vừa trân trân nhìn đứa con nhỏ đang nằm gọn trong lòng mơ ngủ quờ tay vào ngực bố.
Lầm lũi đường về
Khi nhắc tới nỗi khắc khoải tìm vợ mất tích của những người đàn ông ở xã này, người ta thường nhớ tới hoàn cảnh của anh Ma Seo Dế. Dế lấy vợ là Li Thị Li đã được 6 năm, lần lượt cho ra đời hai đứa con trai kháu khỉnh. Dế cũng như một số người đàn ông ở Bản Phố thích uống rượu và vợ thường khuyên ngăn. Thế ở nhưng những ông chồng này đã chẳng nghe, có lúc còn thẳng tay "tặng" vợ thêm mấy trận đòn đau điếng. Li lầm lũi bế con, bỏ chồng mà đi. Vắng vợ, vắng con, Dế chẳng thiết uống rượu nữa.
Nhưng Dế có lẽ cũng là người đàn ông may mắn nhất ở Bản Phố trong cái ngày anh đón vợ trở về từ bên kia biên giới. Bên bếp lửa, Dế ôm đứa con 3 tuổi trong lòng, nhìn vợ âu yếm, rồi lại cười ngượng nghịu. Dường như anh vẫn chưa hết cái cảm giác khấp khởi mừng sau những ngày cùng chính quyền xã lần theo những con suối, ngọn núi sát biên giới, để tìm vợ con trở về.
Li kể lại hôm đó cô địu con trai thứ hai mới 2 tuổi đi chợ. Giữa hàng trăm người đang chen mua, chen bán, một người đàn ông lân la lại gần rồi hỏi chuyện hai mẹ con Li. ông ta kể nhiều về một nơi có cuộc sống sung sướng, nhàn nhã lắm chứ không như ở bản nhà mình. Nhớ lại những trận đòn roi mà chồng vừa đánh mình hôm trước, Li buồn lắm, chồng cứ uống rượu liên miên, chẳng chịu làm lụng gì khiến Li tủi vô cùng. Nghĩ quẩn thế nào, Li đồng ý đi theo sự gạ gẫm của người đàn ông ấy.
Nạn nhân kể lại, xe chạy đến khu vực biên giới thuộc xã Bản Phiệt (Bảo Thắng) thì người đàn ông cùng mẹ con Li xuống. Vượt qua sông sang đất Trung Quốc, Li hoàn toàn lạ lẫm với đường đất ở đây, chỉ biết rằng họ đi lâu và xa lắm, đi bộ tới hơn 2 ngày mới đến nơi. Sự thật không như lời hứa hão: Đó là một vùng nông thôn còn nghèo hơn vùng quê Li ở. Gia đình người đàn ông gạ gẫm Li đi theo cũng rất nghèo, ngôi nhà lụp xụp, bày cái chõng tre bán dăm ba thứ hàng tạp hóa. ít ngày sau, Li phát hiện người đàn ông này định bán hai mẹ con đi mỗi người một nơi. Sợ hãi, Li ấp ủ chuyện bỏ trốn. Dành dụm, bớt xén được hơn 100 nhân dân tệ, một buổi sáng tranh thủ lúc người đàn ông đi chợ, Li địu con cứ nhằm hướng về Việt Nam mà đi.
Ròng rã gần 2 ngày, Li lại gặp một người đàn ông cũng dân tộc Mông và được ông này đưa về khu vực biên giới thuộc xã Tung Chung Phố thuộc huyện Mường Khương. Nhờ người gọi điện về nhà, mẹ con Li được chồng và đại diện công an xã tới đưa về. Gặp nhau trong mừng tủi, sự đùm bọc của gia đình, bà con lối xóm và sự động viên của các đoàn thể, mặc cảm nhanh chóng qua đi, Li khép lại chuỗi ngày lo âu đáng buồn ấy.
Cùng với Li, cũng có thêm hai cặp mẹ con nữa may mắn tìm được đường trở về, đó là mẹ con chị Vàng Thị Chô (sinh năm 1971) và mẹ con chị Vàng Thị Cở (sinh năm 1976, cùng ngụ tại xã Bản Phố). Họ cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự như mẹ con chị Li. Những tưởng hạnh phúc, nào ngờ ở bên kia biên giới còn khổ hơn ở nhà mình, mẹ khóc, con khóc rồi sau khi chịu những trận đòn "thừa sống thiếu chết" thì cùng nhau tìm cách thoát thân.
Trăm ngàn lí do "mất tích"
Vợ chồng anh Ma Seo Dế và con trai sau khi vợ trở về
Nhưng đó chỉ là vài vụ ít ỏi trong số gần trăm vụ "mất tích" tại Bản Phố từ nhiều năm nay tìm được đường về. Chuyện phụ nữ mất tích ở xã đã có thời gian "nóng" hơn cả chuyện mất mùa, giá rét... Trong bữa cơm chiều, trên nương bãi, chợ phiên, trong những câu chuyện người ta nêu ra đủ mọi lý do: Người thì cho rằng vì giận chồng, tủi phận mà những người phụ nữ ấy vào rừng tự tử, có những cô gái chưa chồng vì muốn tìm chồng có nhiều thóc lúa nên bỏ đi, thậm chí có thông tin rằng họ bị bắt cóc rồi bị đưa đi làm nô lệ... Nhưng ai cũng biết rằng, dù còn sống hay đã chết, thì nơi mà họ muốn tới để "đổi đời" chính là bên kia biên giới. Và sự biến mất đột ngột của họ để lại bao tiếng khóc trẻ thơ đói sữa mẹ, là nỗi chờ mong của người chồng.
Mặc dù chưa khẳng định nguyên nhân khiến nhiều phụ nữ ở Bản Phố mất tích, nhưng xâu chuỗi các sự kiện có thể nhận định rằng: Đa số các trường hợp này thường bị yếu tố gia đình chi phối, như người chồng không chịu làm lụng, lại thường xuyên say rượu và hay đánh đập vợ con; gia đình lâm vào túng quẫn do gặp thiên tai, bệnh tật; những cô gái mới lớn bị rủ rê, lừa gạt...
Ông Thào Xuân Thành, Chủ tịch xã Bản Phố cho rằng, việc phụ nữ mất tích ở địa phương, ngoài bị lừa bán sang Trung Quốc thì theo nhận định của chính quyền xã cũng có thể một số người thấy khổ quá nên bỏ đi. Số khác do đã lỡ thì, không lấy được chồng, ngại với dư luận nên cũng không muốn ở lại làng.
Ông Thành cho biết chính quyền đã xác định một trong những đối tượng thường rủ rê phụ nữ bỏ qua biên giới là Giàng Seo Lao và đã bắt giữ đối tượng này. Chính quyền xã đã hạn chế tình trạng này bằng cách thường xuyên phối hợp với hội phụ nữ xã tuyên truyền đến tận thôn bản, để người dân cảnh giác với thủ đoạn của những kẻ buôn người. Tuy nhiên, do nhận thức hạn chế nên tình trạng phụ nữ mất tích ở địa phương vẫn xảy ra.
Rời Bản Phố khi sương đêm đã xuống trắng rừng, tôi nghe tiếng đàn môi vẫn dìu dặt như thủ thỉ trong đêm, như níu chân người, như khắc khoải: "Em ở đâu em thương mến ơi...". Mong nhớ đợi chờ, nhưng bóng người thương vẫn nhạt nhòa đâu đó...
Theo Đời sống & pháp luật
Học sinh kinh doanh nhờ ... trời rét Mùa đông giá lạnh đã khiến ở một trường học tại Nam Định, những học sinh lớp 11 này sinh ý tưởng kinh doanh nhờ "đan khăn len". Những ngày rét buốt thế này khiến ai cũng phải phát sợ vì sự khắc nghiệt của thời tiết và mong cho nó qua đi cho nhanh. Nhưng có những học sinh phổ thông đã...