Rau củ Trung Quốc lấn át rau nội
Thời điểm nắng nóng cũng là lúc lượng cung rau – củ – quả cho Hà Nội tăng đột biến. Điều này khiến giá cả có phần ‘dễ thở’ hơn với bà nội trợ, song vấn đề đáng nói là giữa thời điểm chính vụ, rau củ nội ê hề, hàng hóa xuất xứ Trung Quốc vẫn điềm nhiên chiếm lĩnh thị trường, trong khi chất lượng an toàn thực phẩm vẫn đang bỏ ngỏ.
Rau Trung Quốc “đội lốt” rau Đà Lạt
Chợ Khương Trung (quận Hà Đông) sáng nào cũng tấp nập người mua kẻ bán, bởi nơi đây tập trung hầu hết các đầu mối thực phẩm lớn cho cả quận. Không khó để nhận diện rau củ xuất xứ Trung Quốc (TQ), hàng tạ cà chua màu đỏ au, chín đều, cà rốt căng mập và cả cải bắp tròn, trắng (loại quả chỉ trồng được vào mùa đông) đổ sạp ra đầy vỉa hè, mời gọi người mua.
Khảo sát giá tại đây sáng 22.5, giá cà chua “đổ đống” 15.000đồng/kg, cải bắp 12.000 đồng/kg, cà rốt 11.000đồng/kg… khi được hỏi xuất xứ, một chủ hàng nhanh nhảu: “Cà chua bắp cải từ Đà Lạt đấy, ngon mà lại rất sạch”.
Cà chua, khoai tây TQ tràn ngập chợ nội thành Hà Nội.
Sau câu “mời chào” ngọt hơn mía, những chủ hàng gần đấy đánh mắt nhìn nhau đầy “ngụ ý”, có người giấu nụ cười hiểm. Tất nhiên, lời quảng bá khá thô thiển bởi lướt mắt khắp chợ, rau củ Đà Lạt không thể nhiều đến mức tràn từ đầu đến cuối chợ, và giá cả lại mềm một cách đáng ngờ như thế.
Hầu hết rau củ xuất xứ TQ đều có mẫu mã khá bắt mắt, màu sắc đậm đà, đều màu hơn. Điều đáng nói là trong khi rau củ trong nước đang vào vụ, giá rẻ như cho thì rau TQ vẫn hoành hành các chợ. Tại chợ Nam Đồng (quận Đống Đa), nhiều loại rau bán khá rẻ so với cách đây một tháng: Mướp đắng 10.000đồng/kg, bầu 12.000đồng/kg, bí đỏ 9.000đồng/kg, mùng tơi 3.000đồng/bó, rau muống từ 2.000 – 4.000đồng/bó…
Video đang HOT
Tại các chợ ở TP.HCM cùng ngày, mặc dù thời tiết tại một số địa phương không thuận lợi nhưng nguồn hàng về các chợ ở TP.HCM vẫn ổn định. Bà Nguyễn Thanh Hà – PGĐ Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức – cho biết: “Hiện nguồn hàng rau – củ – quả về chợ khá ổn định, thậm chí nhiều hàng hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Giá rau củ quả chỉ tăng trong khoảng 1.000 – 5.000đồng/kg”.
Cũng theo bà Hà, lượng hàng rau củ và quả có xuất xứ TQ nhập về chợ hằng ngày vẫn ở mức vài trăm tấn/ngày. Trong số 1.600 tấn rau củ nhập về chợ Thủ Đức mỗi ngày thì lượng rau củ có xuất xứ Trung Quốc chiếm khoảng 150 tấn, chiếm 10% tổng lượng hàng. Nhiều nhất đang là các mặt hàng như tỏi, củ hành, gừng, cà rốt,… Rau trong nước tại chợ đầu mối chỉ tăng giá nhẹ, song sức mua vẫn không đáng kể: Bông cải trắng chỉ tăng từ 20.000 lên 21.000đồng/kg, bông cải xanh 22.000 đồng tăng lên 25.000 đồng/kg. Các loại bầu, bí trước đây 5.500 đồng/kg thì nay 7.000 đồng/kg. Cà chua tại chợ đầu mối cũng chỉ 6.000đồng/kg, cải bó xôi 20.000 đồng/kg.
Gừng Trung Quốc chứa hóa chất độc hại
Không riêng gì củ quả, rất nhiều gia vị từ TQ như gừng, tỏi, hành… khô cũng bán tràn chợ với giá rất rẻ: 3.000 đồng cho mỗi lạng gia vị. Một tiểu thương chỉ cho nhiều bà nội trợ cách phân biệt tỏi ta và tỏi TQ: Tỏi ta múi nhỏ, màu sậm hơn, không mẩy bằng tỏi TQ. “Tỏi TQ múi to, gừng cũng vậy, củ to, mập mạp, dễ chế biến nhưng mùi thì không thể thơm như gừng, tỏi của ta!’ – tiểu thương này cho hay. Tại TP.HCM, riêng đối với gừng, trung bình lượng gừng TQ nhập về chợ mỗi ngày bình quân từ 3 – 5 tấn.
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), từ đầu năm tới nay, riêng lượng gừng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam là hơn 700 tấn, chủ yếu qua cửa khẩu Lào Cai, Lạng Sơn. Cục này đã lấy 50 mẫu gừng TQ bán ở 10 chợ đầu mối lớn Hà Nội và TP.HCM kiểm nghiệm.
Kết quả cho thấy có 1 mẫu gừng tại chợ Bình Điền (TP.HCM) nhiễm Aldicarb (một loại thuốc trừ sâu độc hại) bón vào đất trồng gừng, dư lượng 0,06ppm – cao hơn 1,2 lần so với quy định. Trao đổi với PV, Cục trưởng Nguyễn Xuân Hồng cho hay: “Với tỷ lệ này, một người bình thường phải ăn từ 1 – 3kg gừng trong một ngày thì mới ngộ độc. Gừng là gia vị thêm vào thức ăn, lượng gừng đưa vào cơ thể không nhiều nên không quá nguy hại cho sức khỏe”.
Theo ông Hồng, rau củ TQ nhập khẩu vào Việt Nam chịu thuế suất chỉ 0% nên đầu mối không có lý do gì để nhập lậu. “Tất cả các lô hàng rau củ khi qua hải quan đều đã được lấy mẫu kiểm định chất lượng VSATTP nên hầu hết rau củ trên thị trường VN từ TQ đều an toàn. Tỷ lệ rau nhiễm dư lượng thuốc BVTV quá ngưỡng, trong 1 năm rưỡi trở lại đây, chỉ chiếm 1 – 2%” – ông Hồng nói.
Tuy nhiên, để tăng cường kiểm soát chất lượng, Cục BVTV sẽ tăng cường hơn việc lấy mẫu rau – củ – quả từ TQ, trong đó tập trung cho các loại trái cây có nguy cơ cao gồm: Táo, lê, nho, cam, quýt… và một số mẫu rau củ phổ biến trên thị trường, sớm công bố kết quả cho người tiêu dùng.
Theo laodong
Trái cây Trung Quốc 'tấn công' ĐBSCL
Đồng bằng Sông Cửu Long được xem là vựa trái cây lớn nhất nước nhưng hiện bí đâu ra vì hoa quả Trung Quốc chiếm thế thượng phong đối với cả người bán và người mua.
Bà Ánh, người bán trái cây ở chợ Hộ Phòng, huyện Giá Rai, Bạc Liêu, cho biết trong quầy của bà có khoảng 30% hoa quả xuất xứ từ Trung Quốc. Bà giải thích, đó là vì một số khách hàng có nhu cầu, họ chuộng hình thức đẹp và giá &'bèo'.
Trên nhiều tuyến đường ở nội ô Cần Thơ và quận Cái Răng, Bình Thủy, nhiều loại trái cây có xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan... được bày bán la liệt. Anh Đỗ Văn Nam, chủ sạp bán hoa quả vỉa hè trên đường Cách Mạng Tháng Tám (phường An Thới, quận Bình Thủy), cho biết: "Mỗi ngày, tôi bán được trên 100 kg trái cây các loại. Ở đây, chỉ có sầu riêng là hàng nội. Hàng Trung Quốc có táo, lê, quýt, còn măng cụt, me, xoài, bòn bon có nguồn gốc từ Thái Lan".
Trái cây Trung Quốc được bày bán ở các chợ tại Long Xuyên. Ảnh: Thốt Nốt
Anh Nam tiết lộ, sở dĩ anh bán nhiều trái cây ngoại vì so với hoa quả nội cùng loại, mức giá ngoại chỉ bằng, thậm chí thấp hơn nên nhiều người chọn mua.
Không chỉ có mặt ở thành thị, trái cây ngoại, nhất là từ Trung Quốc, đã thâm nhập về các chợ nông thôn ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Tại chợ Trà Ôn, huyện Trà Ôn - Vĩnh Long, trái cây Trung Quốc như nho, hồng, lựu, táo... cũng được bày bán nhiều. Chị Đỗ Hồng Thắm, một khách hàng, chia sẻ: "Trước giờ tôi không dám mua trái cây ngoại vì mắc quá. Nhưng dạo gần đây, ngoài chợ bán nhiều nho giá rẻ nên mua về cho cả nhà ăn"
Tại các chợ lớn ở trung tâm Long Xuyên như Mỹ Bình, Mỹ Long, các mặt hàng trái cây ngoại cũng được bán tràn lan. Sau khi phát hiện bị chụp ảnh gian hàng của mình, người bán tỏ ra không hài lòng nhưng sau đó lại trấn an: "Ở đây bán toàn trái cây nội địa và một ít hoa quả Thái. Hàng Trung Quốc thì đâu còn ai dám mua nữa. Cứ mua nho Mỹ đi, giá chỉ có 60.000 đồng một kg".
Tuy nhiên, khi người mua hàng bước sang dãy hàng trái cây nôi địa thì người bán lại cảnh báo: "Đừng tin lời mấy người bên đó nói. Họ đã gỡ hết nhãn mác Trung Quốc để lừa người mua nhằm bán được giá cao hơn".
Trong khi bị trái cây ngoại lấn át, một số mặt hàng hoa quả nội cũng đang điêu đứng vì mùa thu hoạch rộ nên giảm giá mạnh. Cam sành, ổi, thanh long... được đổ đống bên lề đường ở một số tuyến đường nội ô Cần Thơ với giá thấp, chẳng hạn thanh long chỉ có 10.000 đồng cho 3 kg, ổi từ 2.000-3.000 đồng mỗi kg, cam sành từ 4.000-8.000 đồng một kg... Điệp khúc "được mùa, mất giá" năm nào cũng xảy ra đối với trái cây miền Tây khi vào vụ thu hoạch rộ và sự lấn át của trái cây ngoại.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch UBND xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè - Tiền Giang, cho rằng xoài cát Hòa Lộc rất nổi tiếng và được ưa chuộng ở thị trường nước ngoài nhưng có lúc cũng rớt giá. Do khi vào mùa thu hoạch, xoài cát Hòa Lộc "đụng" với xoài Đài Loan và nhiều loại xoài của Campuchia, Thái Lan, nguồn cung trên thị trường dồi dào nên chuyện xoài cát Hòa Lộc rớt giá là điều dễ hiểu, ông Khoa giải thích.
Bà Trần Thị Thu Thanh Thủy, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Chi cục Quản lý thị trường An Giang chia sẻ không dễ xác định trái cây hay rau củ của Trung Quốc xử lý bằng những hóa chất gì, bởi chưa có chất chuẩn để phân tích. Do đó, các ngành chuyên môn ở tỉnh chỉ có thể kiểm tra nhanh một số chất phổ biến, còn nếu muốn lấy mẫu kiểm nghiệm phải gửi về cơ quan chuyên môn ở TP HCM. Đã vậy, nếu mẫu kiểm nghiệm cho kết quả an toàn thì cơ quan chức năng có thể bị kiện bồi thường thiệt hại do hàng hóa bị tạm giữ.
Ông Phan Lợi, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường An Giang, cho biết mới đây, chi cục bắt giữ một lô hàng hơn 1,2 tấn gồm nho, lựu Trung Quốc do chủ hàng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Thông thường, nếu trái cây Trung Quốc nhập khẩu bị hải quan kiểm tra phát hiện có chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức tiêu chuẩn thì cho tái xuất. Còn riêng đối với mặt hàng trái cây được cho là hàng Trung Quốc, nêu có đủ giây tờ thì cũng không xử lý gì được, ông Lợi bày tỏ.
Theo VNE
Nhận biết trái cây Trung Quốc Khi người tiêu dùng có xu hướng "tẩy chay" trái cây Trung Quốc (TQ), người bán đánh tráo xuất xứ trái cây TQ thành hàng trong nước hoặc nhập khẩu từ Mỹ, Úc, New Zealand... Theo bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức - TP.HCM, trái cây ngoại chiếm khoảng 15-20% tổng lượng trái...