Rau củ, thủy sản xuất sang Trung Quốc vẫn “mắc cạn”
Tác động của dịch Covid – 19 lên hoạt động xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc đã quá rõ khi nhiều mặt hàng giảm đáng kể kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này. Vấn đề đặt ra lúc này là làm thế nào để đa dạng hóa thị trường tiêu thụ?
Rau quả, thủy sản “mắc cạn”
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu rau quả trong tháng 1/2020 đạt 280,79 triệu USD, giảm 20,6% so với tháng 1/2019. Xuất khẩu rau quả tháng 1/2020 giảm mạnh do trùng với dịp nghỉ Tết Nguyên đán và tác động của dịch cúm do Covid – 19.
Từ trước đến nay, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu hàng rau quả quan trọng của Việt Nam với tỷ trọng chiếm 64,8% tổng trị giá xuất khẩu trong năm 2019. Tháng 1/2020, trong các thị trường xuất khẩu rau quả chủ lực, Trung Quốc là thị trường có tốc độ xuất khẩu giảm mạnh thứ 2, sau Hà Lan, đạt 173,5 triệu USD, giảm 32,4% so với tháng 1/2019.
Thanh long là mặt hàng chịu tác động rõ rệt nhất của dịch Covid – 19. Ảnh: P.V
Tỷ trọng xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc giảm từ mức 72,6% trong tháng 1/2019, xuống còn 61,8% trong tháng 1/2020. Thông thường, hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc qua các tỉnh biên giới phía Bắc vào thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán rất sôi động, đặc biệt là mặt hàng trái cây. Tuy nhiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm 2020, xuất khẩu trái cây Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng do Covid-19.
Thủy sản cũng là mặt hàng chịu nhiều tác động của dịch Covid – 19. Xuất khẩu thủy sản tháng 1/2020 đạt 491,6 triệu USD, giảm 32,2% so với tháng 12/2019 và giảm 33,2% so với tháng 1/2019. Đặc biệt, tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm từ 10% trong tháng 1/2019 xuống còn 8,9% trong tháng 1/2020. Từ tháng 2/2020, tác động của dịch đến xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc càng rõ nét hơn.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2019, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc qua cửa khẩu đất liền chiếm khoảng 16% về lượng và 19% về trị giá. Chỉ tính riêng xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc theo đường biên giới đất liền, có khả năng giảm khoảng 20% về trị giá mỗi tháng do tác động hạn chế giao thương qua cửa khẩu đất liền nhằm kiểm soát Covid-19.
Bên cạnh đó, hiện tượng dồn ứ hàng tại các cảng biển của Trung Quốc, tác động của Covid-19 đến kinh tế và tiêu dùng thủy sản của nước này sẽ khiến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc giảm mạnh trong quý I/2020. Điều này đã có tác động rõ rệt đến thị trường, trong 2 tuần đầu tháng 2/2020, giá cá tra nguyên liệu tại An Giang và giá tôm nguyên liệu tại Cà Mau đã giảm.
Điều tiết việc đưa hàng lên biên giới
Video đang HOT
Ngày 21/2, tỉnh Lạng Sơn đã đàm phán thành công với phía Trung Quốc để cửa khẩu Chi Ma hoạt động trở lại. Ông Nguyễn Công Trưởng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, mới chỉ có hàng nông sản có hợp đồng mua bán với phía Trung Quốc trước đó được làm thủ tục thông quan ngay, còn hàng trao đổi cư dân biên giới vẫn chưa được phép thông quan.
Xuất khẩu nông sản, trái cây qua cửa khẩu Tân Thanh chỉ được thực hiện trên cơ sở có hợp đồng mua bán, đồng thời doanh nghiệp phải cung cấp đầy đủ các thông tin về tên mặt hàng (chủng loại hàng hóa), thông tin về xe hàng, tên người khai báo; xuất trình các giấy tờ theo quy định về hợp đồng thương mại (giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp), hóa đơn, đảm bảo các quy định về tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn vùng trồng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, quy cách đóng gói, chất lượng, chủng loại.
Từ thực tế đó, Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục theo dõi sát tình hình tại khu vực cửa khẩu biên giới và theo các văn bản, khuyến cáo của Bộ Công Thương, Sở Công Thương và các cơ quan chức năng tại cửa khẩu để chủ động điều tiết nhịp độ đưa hàng lên biên giới, tránh hiện tượng ách tắc, ùn ứ tại khu vực cửa khẩu.
Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, dịch Covid – 19 là động lực để ngành nông nghiệp đẩy mạnh tái cơ cấu, đa dạng hóa thị trường. Riêng đối với ngành hàng rau quả cần chủ động điều chỉnh trong hoạt động sản xuất, trước mắt làm tốt công tác bảo quản, giảm sản lượng trái vụ, quy hoạch lại vùng trồng, điển hình như trái thanh long.
Bên cạnh đó, cần tăng sản lượng trái cây phù hợp với các tiêu chuẩn theo yêu cầu của các thị trường xuất khẩu khác như: Mỹ, các thị trường trong khối EU, Nhật Bản, Úc…
Theo Danviet
Phụ huynh đóng học phí ra sao trong 'kỳ nghỉ' Covid 19"?
Học sinh nghỉ vì dịch bệnh, một số có sở giáo dục dừng hẳn hoạt động nhưng một số nơi vẫn tổ chức giảng dạy trực tuyến nên vẫn phát sinh chi phí.
Một số trường mầm non quy mô nhỏ, dù học sinh nghỉ học vẫn phải trả chi phí thuê mặt bằng. Điều này khiến cho việc thu học phí trong kỳ nghỉ vì dịch bệnh Covid - 19 trở nên khó xử lý.
Một trường mầm non tại quận Hà Đông phun thuốc khử trùng trường lớp chờ ngày học sinh trở lại học. Tác giả: Võ Hóa
Phụ huynh xôn xao
Ngoài vấn đề gửi con ở đâu, con sẽ làm gì trong tháng nghỉ dài sau Tết thì nhiều bậc phụ huynh còn tranh luận một vấn đề sôi nổi không kém: Học phí tháng 2 của con sẽ như nào?. Đối với các phụ huynh có con học trường công lập thì vấn đề đó dường như không phải bàn nhiều.
Nhưng đối với các bậc phụ huynh có con học trường tư, trường song ngữ, quốc tế... có mức học phí cao và các mức chi phí khác cũng không thấp đi kèm như: tiền ăn, tiền xe đưa đón, các khoản phí khác... cũng là một mối quan tâm không nhỏ.
Học sinh tự học trong đợt nghỉ vì dịch bệnh Covid-19. Ảnh Võ Hóa
Trên group của các phụ huynh thuộc Hệ thống trường mầm non Winston (cơ sở Linh Đàm) các phụ huynh cũng đưa ra ý kiến về học phí tháng 2 của con để trao đổi. Phụ huynh Nguyễn Thị H.Y đưa ra ý kiến: nếu miễn giảm học phí cả tháng thì cũng không hợp lý, nhưng giảm 50% chẳng hạn thì hợp lý vì học phí của trường cũng ở mức khá.
Là một trong số ít các trường đưa ra "ứng xử" sớm về vấn đề học phí, Hệ thống Giáo dục Alpha School đã chủ động gửi thư tới Quý phụ huynh với nội dung là để Thông tin về học phí tháng 2 và Chương trình học tập online. Theo đó, quan điểm của trường là dời lại học phí và lấy ý kiến hỗ trợ từ phía phụ huynh.
Phụ huynh Đ.C.T chia sẻ: Việc chủ động thông tin và rõ ràng của nhà trường khiến chị hài lòng. Chị cũng chia sẻ quan điểm cá nhân của mình là ủng hộ đóng học phí tháng 2 cho trường để chia sẻ 1 phần chi phí với nhà trường vì thầy cô không vẫn phải đến trường khử trùng, giảng online, soạn bài mới, tối ngồi sửa bài tập cho từng học sinh...
Nhà trường gặp khó
Những ngày qua, cô Nguyễn Thị Duyên, Hiệu trưởng Trường mần non Trang Đức (quận Hà Đông, Hà Nội) đang loay hoay tìm cách tháo gỡ khó khăn cho ngôi trường của mình trong bối cảnh học sinh nghỉ học dài ngày vì dịch Covid-19. Không có nguồn thu nhưng chi phí mặt bằng, lương giáo viên cùng các khoản chi phí phát sinh khác đang khiến cô Duyên mất ăn mất ngủ.
Theo cô Duyên, giá thuê nhà tại Hà Nội rất đắt đỏ, một tòa nhà đủ điều kiện mở trường mầm non thường có giá từ 20 triệu đồng/tháng trở lên. Ngoài ra, lương cho giáo viên, lao công, bảo vệ... nên tổng chi phí phải chi mỗi tháng mà trường đang phải trả lên đến hơn 50 triệu đồng.
"Dịch bệnh là điều không ai mong muốn, việc nghỉ học là để đảm bảo sức khỏe cho học sinh. Dù vậy, gần 1 tháng không có trẻ đến trường khiến mọi kế hoạch của nhà trường và giáo viên bị đảo lộn. Học sinh nghỉ học, trường sẽ không có nguồn thu, điều này ảnh hưởng đến quyết toán chung", cô Duyên nói.
Theo cô Duyên, trước mắt ban giám hiệu nhà trường tính đến phương án động viên phụ huynh đóng nửa số tiền học phí dù tháng 2 các con không đi học. Sang tháng 3, nếu học sinh trở lại sẽ chỉ thu một nửa. Như vậy nhà trường mới trang trải được những chi phí phát sinh.
Cô Lê Thanh Mai, Hiệu trưởng Trường mần non Hoa Mặt Trời (quận Thanh Xuân) cũng đang đau đầu khi học sinh nghỉ học dài ngày. Trường của cô Mai có 2 cơ sở, với gần 200 trẻ. Chi phí thuê mặt bằng, lương giáo viên, tiền vệ sinh, đóng bảo hiểm... tổng cộng gần 200 triệu/tháng, nhưng từ thời điểm ra tết chưa có nguồn thu nào.
"Việc học sinh nghỉ học kéo dài ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của bộ phận giáo viên trường tư. Trẻ chỉ học dưới 7 ngày/tháng thì trường của tôi chỉ thu mỗi 500.000 đồng như phí học thử.
Đa phần trường mần non tư thục đều trông chờ vào khoản thu học phí từ học sinh, giờ các em nghỉ cả tháng, trường phải trừ học phí nguyên tháng. Trong khi đó giáo viên không đi dạy thì chỉ nhận lương cơ bản khoảng 4 triệu đồng/tháng. Mức lương này rất khó sống ở Hà Nội nên nhiều người chán nản", cô Mai nói.
Theo tìm hiểu của PV, để giải quyết những khó khăn nhiều trường quyết định cắt giảm nhân sự, giảm một phần lương của giáo viên, đến khi học sinh đi học lại sẽ có chính sách hỗ trợ phù hợp. Nếu trong trường hợp học sinh tiếp tục nghỉ thêm thì đó sẽ là thách thức rất lớn cho các trường mần non tư thục.
"Những bộ phận như bảo vệ, vệ sinh sẽ phải tạm thời tìm kiếm việc làm khác. Những ngày nghỉ, giáo viên được điều động thay nhau đến vệ sinh để trường lớp luôn sạch đẹp. Ban giám hiệu động viên và mong giáo viên thông cảm với tình trạng chung của nhà trường. Hy vọng thời gian tới dịch bệnh sẽ được khống chế để học sinh trở lại học tập", cô Mai nói thêm.
TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng, các em học sinh nghỉ học dài ngày để phòng tránh dịch bệnh như hiện này, các trường học nên xem xét việc có thể miễn giảm học phí cho các em.
Trong khi đó, ông Đào Nam Sơn- nguyên Nghiên cứu viên chính của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Thế giới trong ta (cơ quan của Hội Khoa học Tâm lý-Giáo dục Việt Nam) lại cho rằng, dù các cháu có nghỉ học, thầy cô vẫn phải đến trường, vẫn phải chăm lo dạy các cháu gián tiếp qua mạng, vẫn ra bài tập, vẫn chấm bài và bao nhiêu việc khác nữa trong phòng chống dịch bệnh. Theo ông Sơn, dịch bệnh trước sau cũng bị dập tắt, các cháu sẽ trở lại trường với những lỗ hổng về kiến thức tất nhiên phải bù đắp.
Nền nếp và thói quen học tập của các cháu sau một thời gian nghỉ tương đối dài cũng phải hình thành và xây dựng lại. Các thầy cô sẽ phải làm việc với một cường độ gấp rất nhiều lần. Thời gian học có thể tính đếm được, còn tâm sức bỏ ra cho các cháu thì không thể tính đếm được. Vì vậy, ông Sơn đề nghị việc miễn hay giảm học phí vì học sinh nghỉ học để tránh dịch bệnh lây lan là không nên, chỉ nên ngừng thu các chi phí mà học sinh không sử dụng như tiền ăn, tiền điện, tiền xe đưa đón, chi phí trông trẻ ngoài giờ.
MINH HẠNH - VÕ HÓA - NGUYỄN THẮNG
Theo Tiền phong
Gần 200 người rời khỏi xã Sơn Lôi trước ngày cách ly Gần 200 người đã rời khỏi xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên) trước khi xã này bị cách ly. Chính quyền địa phương đang phối hợp với công an để lên danh sách tìm những người này. Sáng 16/2, Chủ tịch UBND huyện Bình Xuyên, ông Nguyễn Minh Trung cho biết gần 200 người rời khỏi xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên) trước...