Rau càng trồng nơi nước bẩn, càng… xanh
Theo các chuyên gia, rau càng được trồng nơi nước bẩn, nhiều chất hữu cơ rau càng xanh, vì thế có nhiều nguy cơ cho người dùng hơn.
Rau xanh, nước đậm màu nhưng ăn nhạt
Chị Hoàng Thanh Hòa (Mai Động, Hà Nội) cho hay, thỉnh thoảng chị mua phải mớ rau muống có thân và lá to, màu xanh đậm trông rất mượt mà, ngon mắt. Người bán rau cho biết đây là rau trồng trong ao đủ chất dinh dưỡng và nước nên tươi tốt.
Thế nhưng khi luộc lên, nước rau có màu xanh đậm, cảm giác đặc quyện hơn so với nước luộc mớ rau muống bình thường. Khi ăn, rau có cảm giác nhạt và không ngon.
Video đang HOT
Theo PGS.TS Nguyễn Quang Thạch, Viện sinh học nông nghiệp, màu xanh của rau muống là màu xanh của diệp lục được tổng hợp nên. Nếu rau trồng trong các điều kiện ao hồ sạch, hay trên đồng ruộng có đủ chất thì lá sẽ có màu xanh mượt, tuy nhiên không phải là màu xanh đậm.
Cũng theo chuyên gia này, một yếu tố quan trọng khác khiến rau muống xanh là do người trồng bón quá nhiều chất đạm.
“Lá cây sẽ bị vàng vọt do thiếu chất đạm, nhưng nhiều đạm quá lá cây cũng có màu xanh đậm. Đó cũng là một nhân tố khiến lá xanh hơn bình thường. Tuy nhiên, hiện chưa ai phân tích cụ thể lá xanh do nhiều chất đạm quá, thậm chí có thừa chất nitrat hay không. Ngoài ra, người nấu cũng chưa chỉ rõ độ xanh chuẩn. Ví dụ nước ít nhưng luộc nhiều rau thì nước sẽ đặc xanh là điều tất nhiên. Người dân không nên quá lo lắng và làm ảnh hưởng đến nông nghiệp”, GS Thạch cho hay.
Rau trồng nơi nước bẩn: Càng xanh
Còn GS.TS Nguyễn Văn Vụ, nguyên trưởng khoa Sinh học, trường đại học Khoa học Tự nhiên cho rằng, màu xanh của cây về nguyên lý là tốt cho sức khoẻ người dùng. Tuy nhiên, rau xanh quá cần chú ý đến điều kiện trồng rau.
“Hiện nay có nhiều loại rau ăn cần phải biết nguồn gốc, sự chăm sóc đến đâu. Bởi nếu rau được trồng ở các nơi có nguồn nước bẩn hay nhiều chất hữu cơ như kênh rạch, nguồn nước thải từ nhà máy… thường có màu xanh đậm hơn các loại rau trồng trong điều kiện bình thường khác”, GS Vụ cho hay.
Rau trồng ở nơi có nguồn nước bẩn thường có màu xanh đậm hơn.
Cũng theo GS Nguyễn Văn Vụ, rễ cây rau muống lấy chất tốt nên khi trồng chỗ nước bẩn rau sẽ tươi tốt hơn, thân cây và lá to, màu xanh đậm trông bề ngoài rất hấp dẫn.
Tuy nhiên, khi cây chưa chuyển hóa hết các chất hữu cơ, rau dễ bị nhiễm các chất kim loại nặng và nitrat. Sự dư thừa các chất này không những có hại cho cây mà còn gây nguy cơ ung thư ở người ăn rất cao.
Theo các chuyên gia, người tiêu dùng nên chọn rau muống có độ tốt vừa phải, thân nhỏ, lá nhỏ, màu xanh bình thường vì loại rau này có vừa đủ chất hữu cơ hơn, nhìn chung sẽ an toàn cho người ăn.
Khi chưa biết được loại rau nào đảm bảo chất lượng, người tiêu dùng nên mua rau muống tại các địa điểm rau an toàn.
Ngoài ra, trước khi nấu nên xả qua nước sạch và ngâm rau trong nước sạch khoảng vài giờ đồng hồ để giảm nồng độ các chất hóa học còn bám dính. Nếu có điều kiện rửa bằng cách sục ozon càng tốt.
Nên ăn rau muống chính vụ từ tháng 4 đến tháng 8
Rau muống xanh có thể có nhiều yếu tố như khi canh tác nước, phân bón… chưa hợp lý hoặc nấu quá lửa và để lâu khiến nước xanh đậm còn rau bị thâm. Một nguyên nhân khiến rau xanh quá mức cũng có thể là do bón quá nhiều phân bón hữu cơ. Tốt nhất, người dân nên biết cách phòng tránh: Không nên ăn rau muống trái vụ bởi rau trái vụ không những không ngon mà còn có nguy cơ bị phun thuốc, bón phân nhiều. Vụ chính của rau muống từ tháng 4 đến tháng 8. Ngoài ra, nên mua ở các cửa hàng biết nguồn gốc rau. (PGS.TS Trần Khắc Phi, Phó viện trưởng Viện Rau quả)
Theo Bee