Rau càng cua xua nỗi nhớ?
Tục danh của rau trùng tên với một bộ phận hấp dẫn của giống giáp xác ưa bò ngang. Vậy mà chẳng gặp thịt cua, chỉ nghe giai điệu giòn vang trong miền… nhớ!
Món cũ nhưng sức hấp dẫn thật tươi mới là xà lách rau càng cua
Thứ rau mọc lom khom dưới gốc tre mục, khép nép nơi kẹt lu sau hè…, phần ngọn nuôi hoa tẻ thành chảng ba giống chiếc càng cua đang ngoác nanh hù dọa địch thủ, nhưng lại yếu đuối dễ thương!
Mùa này, bữa ăn nhà quê miền Tây ngộp trước mâm rau xanh. Ngon hồn nhiên! Chẳng bù cho phố chợ, mơn mởn rau non – đến ngờ vực. Cũng may, còn lẻ loi mấy rổ rau càng cua.
Được biết một số hộ dân ở các vùng đất cát pha của Tiền Giang có mô hình “dưỡng” rau dại khá hiệu quả. Theo chu kỳ phát triển, nhiều loại rau dại nên thuốc như cải trời, rau đắng đất, càng cua… trước khi “trút hơi thở cuối cùng” đã tranh thủ gửi vào đất những hạt giống khỏe mạnh.
Gặp nắng, gió cùng ẩm độ thích hợp, những mầm rau trắng trẻo, tí tẹo sẽ “cất tiếng khóc chào đời”. Nhũ mẫu của chúng là đôi tay chai sạm, rám nắng của bao nông dân chất phác, rộng lòng hẹp túi.
Tục danh của rau trùng tên với một bộ phận hấp dẫn của giống giáp xác ưa bò ngang
Ngẫm lại, người phố thị nợ họ những giọt mồ hồ vun bón cho rau. Dẫu biết, vật trao đổi là vài ba chục ngàn đồng cho một ký rau quê, nhưng, cái nghĩa của người nâng niu rau giá trị gấp ngàn lần!
Video đang HOT
Còn những người thường lên xe, xuống chợ trả nghĩa kiểu nào? – Nhiều cách. Đơn giản nhất là dụng tâm điều nghiên nên những món rau càng cua ngon lạ.
Món cũ nhưng sức hấp dẫn thật tươi mới là xà lách rau càng cua. Nguyên liệu đi kèm cũng không khó tìm, gồm: ít thịt bò, dầu giấm, đậu phộng rang giã hai – ba, nước chấm chua ngọt.
Thế nhưng, chế biến sao cho chúng phối hợp hài hòa hương vị, đôi khi tạo sự bất ngờ cho thực khách mới khó. Mẹo nằm ở chỗ pha xốt dầu giấm đạt độ: chua thanh mà ngọt dịu, mằn mặn, cay cay và hơi beo béo. Do vậy, phải dùng giấm nuôi thủ công, tuyệt chiêu là giấm nếp.
Còn hỗn hợp nước chấm sẽ cần ít nước dừa xiêm đun sôi làm nền, gia thêm ít muối hoặc nước mắm ngon cùng tỏi ớt giã. Vắt chanh vào sau cùng, khi nước nguội, để nước thêm trong và không nhân nhẫn đắng.
Thịt thăn bò chỉ áp chảo sơ với ít dầu, củ hành tím, rượu mạnh và tỏi băm nhuyễn. Khi mặt ngoài miếng thịt hơi trắng, bên trong còn hồng đào mới ngọt thơm, mềm dẻo đặc trưng.
Nguyên liệu làm món là xà lách rau càng cua không khó tìm, gồm: ít thịt bò, dầu giấm, đậu phộng rang giã hai – ba, nước chấm chua ngọt
Khâu quyết định thành bại là trộn đều rau, thịt cùng nước xốt. Trộn nhẹ nhàng như đang mát – xa rau. Nếu mạnh tay, rau sẽ dập vừa mất thẩm mỹ vừa mất độ giòn tự nhiên. Hai tay khua đều, mười ngót tay ngoe nguẩy, tự nhiên thần kinh trung ương bén nhạy hơn, mũi cũng thính hơn và miệng lưỡi đang run rẩy… thèm.
Khó nhất vẫn là kiểu ăn từ tốn. Chậm đi vài nhịp để nghe mùi chua dịu kích thích vị giác. Long lanh mắt ngọc, nhằm thu tóm bức tranh đồng quê tràn đầy sức sống đang mời gọi. Lắng đọng một tí, để nghe âm giai rào rạo từ thân rau, rôm rốp của miếng bánh tráng nướng vụn vỡ hối hả. Trầm ngâm chút ít, để nghe đồng vọng câu ca: “Ai ơi bưng bát cơm đầy…”
Nếu bạn thấy khó quá, làm kiểu khác dễ mà vui hơn: xà lách rau càng cua cá mòi “ma – rốc”. Có hai trường đoạn móc tiền ra. Muốn tiết kiệm, tự mua cá mòi hộp và rau về nhà chế biến. Muốn xài tiền thả cửa, cứ vào quán bún tay (khẽ thôi) gọi món.
Thử đi, biết đâu hương vị nồng the, chua nhẹ của rau càng cua sẽ mãi cựa quậy khiến ta biết… yêu!
Theo TNO
Đi ăn bánh cuốn trứng gần sân bay Tân Sơn Nhất
Bánh cuốn trứng vốn dĩ là một món khó tìm ở Sài Gòn khi số lượng quán chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng một quán ăn gần khu sân bay lại có những biến tấu hết sức hấp dẫn cho món bánh có nguồn gốc từ Lạng Sơn này.
Như có lần nhắc về món bánh cuốn trứng có bán ở quán Hồng Hạnh. Đây là một món tương đối khó tìm thấy ở Sài Gòn, mà lý do chính là cách làm khá phức tạp so với món bánh cuốn truyền thống.
Vẫn là bánh cuốn với gạo được xay mịn thành bột rồi tráng mỏng, nhưng điểm khác biệt của món bánh cuốn trứng so với các kiểu bánh cuốn khác là lớp nhân bên trong, bao gồm trứng và thịt bằm.
Bánh cuốn trứng hấp dẫn thực khách bởi phần nhân trứng gà lòng đào béo ngậy được cuốn thật khéo léo bên trong lớp bánh mỏng
Món ngon có xuất xứ từ Lạng Sơn này hấp dẫn thực khách bởi phần nhân trứng gà lòng đào béo ngậy được cuốn thật khéo léo bên trong lớp bánh mỏng.
Để pha được loại bột đặc thù dùng để tráng món bánh này, những hạt gạo tẻ ngon, trắng ngần, đều hạt được chọn lựa để xay mịn thành bột, rồi sau đó được hòa với nước để tạo ra một hỗn hợp không quá đặc cũng không quá loãng nhằm tạo ra độ dẻo đặc trưng cho bánh.
Ở Lạng Sơn và các tỉnh miền trung du, người ta vẫn còn thói quen dùng gạo nương đậm đà để pha bột tráng bánh.
Khi bắt đầu đổ bánh, người làm bánh sẽ trải hỗn hợp bột ra khuôn vải rồi đóng nắp, chờ một chút cho bánh vừa chín tới thì mở nắp ra rồi đập trứng gà lên lớp bánh.
Cái hay ở đây là người thợ tráng bánh phải đậy nắp lại và canh sao kịp lúc lớp lòng trắng đục lại và dính vào mặt bánh, còn lòng đỏ thì vừa chín tới độ lòng đào tạo thành lớp bọc mỏng giúp quả trứng không bị bể, thì mới mở nắp.
Chả chiên và chả quế ăn kèm với bánh cuốn
Bánh cuốn nhân thịt truyền thống với phần ruốc tôm rất độc đáo
Tuy nhiên ở quán bánh cuốn trên đường Trường Sơn (đường vào sân bay Tân Sơn Nhất, quận Tân Bình) này thì cách thưởng thức bánh cuốn trứng có phần hơi khác một chút. Phần nhân bánh đầy đặn hơn rất nhiều, bao gồm 2 quả trứng gà cùng phần thịt bằm xào chung với nấm mèo.
Nước mắm cũng không tuân theo nguyên bản, vốn dĩ là nước ninh từ xuơng ống trộn với thịt bằm, thêm chút gia vị đường, ớt, rau mùi băm nhỏ... như ở Lạng Sơn, mà là loại nước mắm dùng để ăn bánh cuốn được nêm từ đường phèn rất đậm đà. Để tăng phần hấp dẫn bạn cũng có thể gọi thêm vài giọt tinh dầu cà cuốn,
Đây cũng là một quán bánh cuốn hiếm hoi ở Sài Gòn còn phục vụ các loại rau thơm ăn kèm, cách thưởng thức đặc trưng của miền Bắc.
Bạn cũng có thể gọi thêm món ăn kèm khá đặc biệt của quán là chả quế và chả chiên. Ngoài ra, món bánh cuốn truyền thống ở đây cũng rất hấp dẫn với phần ruốc tôm khá lạ, tương tự như món tôm cháy làm nhân bánh bèo Huế hay bánh ướt tôm cháy.
Một địa chỉ khá thú vị để trải nghiệm cách ăn bánh cuốn tương đối gần gũi với nguyên bản xứ Bắc. Một món ngon với cách chế biến khá cầu kỳ và tinh tế trong từng chi tiết, như phản ảnh phần nào những vẻ đẹp tiềm ẩn của ẩm thực Việt.
Theo SGAT
Lạ lẫm món đậu ba Do được chế biến từ 3 loại nguyên liệu chính, gồm đậu phộng, đậu xanh và gạo nếp nên người ta gọi là đậu ba. Đậu ba phết lá hẹ - Ảnh: Ngô Mã Thiên Trước khi chế biến, đem đậu xanh, gạo ngâm nước, còn đậu phộng thì giã nhuyễn. Trộn chung 3 nguyên liệu này với nhau rồi xay thành bột....