Rau cần khô bán tại ruộng 12.000 đồng/kg, 1 sào bỏ túi 3-3,6 triệu
Đó là rau cần tây khô Đà Lạt đã được nhiều hộ dân ở xã Quỳnh Lương ( Quỳnh Lưu, Nghệ An) đưa về gieo trồng trên đất cát pha thịt hơn 3 năm nay.
Sau 2,5 tháng kể từ khi bắt đầu gieo hạt thì rau cần cho người dân thu hoạch. Ảnh: Hồng Diện
Gia đình bà Trần Thị Hường ở xóm 4, xã Quỳnh Lương (Quỳnh bắt đầu gieo hạt, khoảng 5 tuần sau khi gieo thì cây cần ra từ 4 – 6 lá. Đây là thời điểm bà đưa bầu cây ra trồng trên từng luống đất. Tính từ lúc gieo hạt đến khi cần cho thu hoạch là 2,5 tháng.
Trồng rau cần khô, bà Hường cho biết không phải tốn nhiều công chăm sóc, ít chi phí hơn so với nhiều loại rau khác và đặc biệt gần như không có sâu cắn phá.
Rau cần khô được trồng trên đất pha cát ở xã Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu). Ảnh: Hồng Diện
Tuy vậy, loại rau này lại cho sản lượng tương đối cao và mẫu mã đẹp, an toàn cho người sử dụng. Bà thường xuyên chỉ trồng cần ở 3 luống đất, với diện tích gần 100 m2 nhưng sản lượng đạt trên 3 tạ. Giá bán rau cần tại ruộng từ 10 – 12 nghìn đồng/kg, cho bà thu nhập từ 3 – 3,6 triệu đồng/vụ.
Nhiều hộ dân khác trên địa bàn xã Quỳnh Lương cũng đã đưa giống cần tây khô về trồng trên diện tích đất của gia đình. Nhà trồng rau cần ít cũng hơn 100 m2, đối với hộ canh tác nhiều thì trên 500 m2. Là loại ưa ẩm ướt nên được bà con lựa chọn trồng ở những vùng trũng hơn.
Bà Nguyễn Thị Tý, xã Quỳnh Lương chia sẻ: Trước đây, gia đình chỉ canh tác các loại cây cải bắp, hành lá, xà lách, rau cải các loại. Nhằm đa dạng hóa cây trồng, nhất là đối với những giống, sản phẩm mà ở địa phương đang khan hiếm, do vậy năm 2017 gia đình bà quyết định mua hạt giống cần tây về gieo trồng trên đất cát. Mỗi năm, bà trồng 2 vụ, bắt đầu từ tháng 11 kéo dài đến tháng 3 âm lịch năm sau. Đặc biệt, năm nay giá bán tương đối cao, duy trì ở mức từ 9 – 12 nghìn đồng/kg, cao gấp đôi so với các năm trước.
Video đang HOT
Toàn xã Quỳnh Lương hiện có 20 ha trồng rau cần tây khô trên đất cát pha thịt. Ảnh: Hồng Diện
Đến thời điểm này toàn xã Quỳnh Lương đã có trên 20 ha trồng loại rau này. Ông Hồ Nguyên Tuấn – Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lương cho biết: Trước đây dân Quỳnh Lương độc canh cây hành hoa và các loại cây rau, củ cải, nhưng vài năm gần đây xã khuyến cáo bà con nên áp dụng một số sản phẩm mới, có thu nhập cao, đặc biệt là cây rau cần.
Hiện tại, mặc dù diện tích trồng chưa lớn nhưng rau cần rất phù hợp với đất cát pha thịt, khí hậu trên địa bàn xã Quỳnh Lương nên cây trồng phát triển rất tốt.Hiện tại, xã Quỳnh Lương đang tích cực tuyên truyền, động viên người dân tích cực sản xuất khép kín diện tích sản xuất sau Tết Nguyên đán. Tập trung vào một số cây trồng chủ lực của địa phương như hành hoa, cà chua, rau các loại và đặc biệt là một số sản phẩm mới có giá trị kinh tế cao như cải thảo và rau cần tây.
Theo Hồng Diện (Báo Nghệ An)
Trời rét mướt, dân làng lội nước hái thứ rau tốt vù vù, bán giá hời
Đông đến, người người còn cuộn tròn trong chiếc chăn ấm hoặc khoác chiếc áo to sụ ra đường thì nông dân thôn Nghiêm Sơn, xã Hoàng Khai (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) đã dầm mình dưới ruộng trũng, ao sâu để trồng, chăm sóc và thu hoạch rau cần.
Sự cần mẫn, chịu khó của người dân được bù đắp xứng đáng, rau cần đang thắm đất Nghiêm Sơn, mang đến cuộc sống no ấm cho người dân.
Cơ duyên rau cần
Trưởng thôn Nghiêm Sơn, Phạm Duy Thành quả quyết, rau cần bén đất làng Nghiêm Sơn này là chữ duyên, là sự sắp đặt của tình cây, tình đất và lòng người. Cắt nghĩa chữ duyên, ông Thành bảo, địa hình làng Nghiêm Sơn lạ lắm, núi Nghiêm sừng sững là vậy nhưng dưới chân núi là đất trằm thụt, để có chỗ ở, người làng Nghiêm Sơn phải đắp đất cất nhà, vậy nên nhà nào cũng có ao, có chuôm để nuôi cá.
Rau cần được người làng Nghiêm Sơn rửa sạch sẽ trước khi đưa ra thị trường.
Những ngọn rau cần được người làng Nghiêm xin về trồng trong ao mục đích làm mát cho cá lại sinh sôi, nảy nở, kết thành bè, thành mảng. Trưởng thôn Thành bảo rằng, những bè rau cần ở ao, chuôm không những đáp ứng đủ rau xanh làm thực phẩm cho người làng Nghiêm Sơn mà ra cả chợ thành phố.
Thị trường tiêu thụ tăng, rau cần ao không đủ để cung ứng, người làng Nghiêm Sơn đã mạnh dạn nhân giống rau ra đất 2 vụ lúa. Lạ thay, bao giống rau đưa xuống đồng trũng Nghiêm Sơn cứ úng đỏ rồi chết, vậy mà rau cần lại lên mơn mởn. Người làng mừng lắm, vậy là rau cần đã ở lại và gắn bó với đồng đất Nghiêm Sơn ngót 40 năm. Nghiêm Sơn cũng phát triển được cây vụ 3 từ đó.
Ông Tạ Văn Nghĩa là một trong những người đầu tiên đưa rau cần từ ao ra ruộng đang cùng vợ, con tỷ mẩn ngồi hàng giờ bên bể nước, chuốt rửa từng ngọn rau cần kịp cho thương lái đến lấy.
Chỉ cách ruộng cần nhà ông Nghĩa dăm mét, gia đình ông Vũ Duy Vũ, Tạ Văn Phong cũng quần quật từ sáng đến chiều tối. Những gánh rau cần nặng trĩu được gánh lên tập kết dọc theo 4 bên ao làng Nghiêm Sơn phục vụ các bà, các cô, các chị ngồi nhặt, rửa.
Ông Vũ Duy Vũ bảo, làm rau cần vất vả nhưng người làng Nghiêm vui như Tết vì rau hợp đất, hợp lòng người làng Nghiêm Sơn. Như để minh chứng ông Vũ nhìn ra đám các bà, các chị đang nhặt rửa rau trong cái lạnh thấu xương họ vẫn cười đùa, rôm rả mọi chuyện.
Theo ông Nghĩa, ông Phong, ông Vũ... làm rau cần cực nhưng đã cho mọi người trong gia đình có việc làm, thêm nguồn thu nhập, nhẩm tính trong 3 tháng rét cũng được 8 - 10 triệu đồng/1 sào là thấp nhất, thời tiết càng rét, thị trường tiêu thụ càng nhiều thì giá trị kinh tế càng cao.
Vùng chuyên canh rau an toàn
Đặc tính rau cần là cấy 1 lần, thu hoạch 2 lứa là phải cấy lại, nên cấy càng sớm sẽ quay vòng được nhiều. Vì thế thu hoạch xong lúa mùa là cả làng Nghiêm Sơn tranh thủ cấy rau để bán vào dịp cuối năm. Cả thôn Nghiêm Sơn có 158 hộ thì có 70 hộ làm rau cần, nhà ít 1 - 2 sào, nhà nhiều 3 - 4 sào.
Màu xanh của rau cần làm thắm đất trũng Nghiêm Sơn.
Tính trung bình mỗi sào rau cần cho thu 8 - 10 triệu đồng/sào, quay vòng 2 đợt cấy một vụ đông cho thu nhập 16 - 20 triệu đồng/sào, gấp 4 - 5 lần cây lúa và nhiều cây trồng vụ đông khác. Nguồn thu này là thành quả xứng đáng mà rau cần "trả công" cho những người nông dân chịu thương, chịu khó, gắn bó với cây trồng truyền thống của địa phương.
Theo các hộ dân rau cần Nghiêm Sơn có thân màu trắng xanh, lá màu xanh mỡ màng, chiều dài thân khoảng 50 - 60 cm. Đặc biệt là thân rau cần Nghiêm Sơn đặc ruột, các đốt phần gốc mập và dày nên khi chế biến rau giòn và có vị đậm đà hơn.
Chị Phạm Thị Tiên, người làng Nghiêm Sơn với gần 20 năm canh tác rau cần bảo, cây rau cần không phải là loại cây khó chăm sóc. Do đặc tính tự nhiên, cây rau cần rất ít sâu gây hại, mà chỉ bị một số bệnh như sương mai, đỏ lá. Cả vụ rau, người trồng rau không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên rau cần Nghiêm Sơn được thị trường ưa chuộng.
Ước tính, mỗi ngày Nghiêm Sơn cung cấp cho thị trường khoảng 3 - 5 tấn rau cần, với giá giao buôn từ 4 - 5 nghìn đồng/kg, thậm chí có thời điểm lên đến 7 - 8 nghìn đồng/kg.
Ông Trần Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Khai (Yên Sơn) ghi nhận việc trồng cây rau cần vụ đông tại làng Nghiêm Sơn đang mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Xã cũng khuyến khích các hộ duy trì phát triển vùng chuyên canh rau, tiến tới xây dựng nhãn hiệu Rau cần an toàn Nghiêm Sơn.
Ông Hoàn cho biết, xã đang phối hợp với Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp Yên Sơn hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật để kéo dài thời gian trồng rau cần trong năm và nâng cao chất lượng rau, giúp người dân có thêm thu nhập.
Rời làng Nghiêm Sơn, tôi thực sự ấn tượng bởi trong giá lạnh của ngày chính đông, những người nông dân vẫn không nghỉ, họ cần mẫn dầm mình dưới bùn lầy, ao sâu và màu xanh của rau cần phủ dày, thắm cả đồng đất trũng Nghiêm Sơn.
Theo Đoàn Thư (Báo Tuyên Quang)
Cháy cửa hàng tạp hóa, quốc lộ 1A bị ùn tắc nhiều giờ Vụ hỏa hoạn khiến quốc lộ 1A bị ùn tắc nhiều giờ, thiệt hại ước tính trên 3 tỷ đồng. Vụ hỏa hoạn xảy ra vào khoảng 19h tối ngày 17/1, tại cửa hàng tạp hóa Lan Chín thuộc địa bàn xóm 8, xã Quỳnh Hậu, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Vào thời điểm trên, người dân đi trên quốc lộ 1A đoạn qua...