Rau an toàn giá cao vẫn “hút khách” dịp Tết
Những ngày này, các xã viên HTX rau an toàn Tự Nhiên, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu (Sơn La) tất bật thu hái rau để cung cấp cho các siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch. Tương tự, nhiều HTX rau an toàn cũng đang hối hả đưa rau ra thị trường phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp tết.
Nhộn nhịp sản xuất rau an toàn
Bà Nguyễn Thị Luyến – Giám đốc HTX rau an toàn Tự Nhiên cho biết: “Cơ sở chúng tôi có 14ha rau, củ theo mùa được sản xuất theo quy trình VietGAP và gần 5ha rau an toàn. Do nhu cầu rau sạch trong dịp tết tăng mạnh nên hầu hết sản phẩm của chúng tôi đã được chuyển đến các siêu thị như Metro, Saigon Coopmart và các cửa hàng thực phẩm sạch… HTX cũng có một cửa hàng giới thiệu sản phẩm ở Hà Nội, nhưng cung chưa đủ cầu nên sản phẩm của chúng tôi rất ít có mặt tại các chợ truyền thống”.
Nhiều người tiêu dùng thủ đô tìm tới các địa chỉ uy tín để mua rau sạch. Ảnh: L.S
Để phục vụ thị trường dịp tết, HTX Nông nghiệp Tiền Lệ, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức (Hà Nội) đã trồng khoảng 20ha gồm su hào, bắp cải, cà chua, khoai tây… Ông Nguyễn Khắc Bút – Phó Giám đốc HTX Tiền Lệ cho hay: “HTX có quy định và ký cam kết với các xã viên trong việc thực hiện sản xuất rau an toàn (RAT), đồng thời ghi nhật ký hằng ngày để các cơ quan chức năng dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau của HTX. Kể từ khi triển khai dự án đến nay, hầu như vụ thu hoạch nào sản phẩm RAT Tiền Lệ cũng tiêu thụ hết, bởi nhu cầu RAT trên thị trường khá lớn. Đặc biệt, thời điểm này, do thời tiết thuận lợi, ít mưa nên rau, quả phát triển tốt. Với các loại rau có nguồn gốc, xuất xứ, các cửa hàng, đơn vị sẵn sàng đến thu mua tại ruộng”.
Giá cao vẫn “hút hàng”
Video đang HOT
Tại các hội chợ tết, hội chợ xuân, các cửa hàng thực phẩm sạch ở Hà Nội những ngày này thu hút đông đảo khách tham quan, mua sắm, nhiều nhất là sản phẩm RAT với chủng loại đa dạng như: Cải ngọt, cải bó xôi, cải bẹ, rau dền, rau muống, dưa leo, bí, bầu, khổ qua, cà chua… Mặc dù giá bán RAT cao hơn so với rau bán ở chợ nhưng nhiều người dân vẫn tin tưởng lựa chọn loại thực phẩm được gắn nhãn tiêu chuẩn. Theo khảo sát của phóng viên, rau cải ngồng có giá 25.000 đồng/kg, cải mèo 28.000 đồng/kg, cà chua 26.000 đồng/kg… Một số giống rau hiếm, đặc sản vùng miền có giá cao hơn như rau bò khai 78.000 đồng/kg, măng tây xanh Đà Lạt 190.000 đồng/kg…
Bà Hoàng Thị Lan ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, cho biết: Các sản phẩm RAT thường có giá cao hơn so với ngoài chợ 30%, nhưng có thể truy xuất được nguồn gốc nên gia đình tôi cũng an tâm sử dụng. Đặc biệt năm nay, rất nhiều sản phẩm đã có thể sử dụng điện thoại thông minh để quét các thông tin như nơi trồng, ngày thu hoạch…
Theo ông Đào Ngọc Nam – Giám đốc Công ty CP Sản xuất và thương mại An Việt, một đơn vị tham gia cung ứng RAT đến địa bàn khu dân cư, trước đây người dân rất dè dặt với RAT vì vẫn có sự nhập nhèm. Nhưng hiện nay, việc liên kết sản xuất theo chuỗi được mở rộng, giúp cho việc kiểm soát chất lượng được tốt hơn. Các đơn vị sản xuất cũng liên tục cải thiện quy trình sản xuất, làm đúng yêu cầu của đơn vị phân phối, vì thế người tiêu dùng đã bắt đầu tin tưởng hơn vào các sản phẩm RAT. “Đặc biệt khi ngày càng nhiều đơn vị ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, giúp người tiêu dùng nhận dạng sản phẩm an toàn tốt hơn nên mức tiêu thụ RAT đã tăng lên rất nhanh” – ông Nam cho hay.
Theo Dantri
Sẽ có 900.000ha trồng rau an toàn
"Cục Trồng trọt đang xây dựng chương trình sản xuất rau an toàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho 900.000ha để phục vụ cho hơn 90 triệu người dân thụ hưởng" - ông Nguyễn Như Cường - Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) nói với phóng viên NTNN/Dân Việt.
Hiện nay xu hướng sản xuất nông sản sạch, an toàn đang được đẩy mạnh nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân. Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển nông sản sạch ở Việt Nam?
- Nông sản sạch hay nói đúng hơn là nông sản đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đang là xu hướng phát triển chung của xã hội, bởi vì nhu cầu của người dân là muốn được thụ hưởng nông sản sạch, nông sản an toàn, đấy là quyền của người dân.
Đại diện Sở NNPTNT Hà Nội và doanh nghiệp kiểm tra vùng sản xuất rau su su an toàn tại huyện Tân Lạc, Hòa Bình. Ảnh:T.L
Theo điều 7 của Luật An toàn thực phẩm, các đơn vị khi sản xuất thực phẩm trong đó có rau đưa ra thị trường tiêu thụ phải đảm bảo an toàn thực phẩm. Trách nhiệm của người sản xuất phải sản xuất sản phẩm an toàn để cung cấp cho thị trường.
Việt Nam với trên 90 triệu dân, ai cũng mong muốn được sử dụng nông sản sạch, đảm bảo an toàn, vì vậy nhu cầu cho thị trường này rất lớn. Điều đó chứng tỏ tiềm năng của ngành hàng này là vô cùng rộng mở. Không chỉ rộng mở ở thị trường trong nước mà còn đầy tiềm năng xuất khẩu ở thị trường các nước trên thế giới. Hiện nay xuất khẩu rau quả mang lại giá trị hơn 1 tỷ USD mỗi năm, thị trường ASEAN, EU... là những thị trường tiềm năng mà chúng ta cần khai phá.
Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp, mở rộng sản xuất nông sản sạch, nhà nước, chính quyền địa phương cần làm gì, thưa ông?
-Hiện nay các doanh nghiệp lớn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp đang gặp khó khăn về đất đai. Họ là những người làm ăn lớn nên cần sản xuất lớn, cần diện tích lớn. Vậy làm sao tạo điều kiện để doanh nghiệp có đủ ruộng đất sản xuất, điều này phụ thuộc rất lớn vào cơ chế chính sách của nhà nước và địa phương, chính sách tốt thì mới thu hút được nhiều nhà đầu tư vào nông nghiệp. Trung thực mà nói, thời gian qua nhiều chính sách chưa đi vào cuộc sống, tới đây các cơ quan nhà nước cần điều tra, đánh giá, rà soát bổ sung những chính sách thực sự có hiệu quả để hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp và nông dân.
Phải có sự vào cuộc đồng bộ của cơ quan quản lý trung ương, chính quyền địa phương và người dân thì mới thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, thúc đẩy sản xuất nông sản sạch, an toàn phát triển mạnh. Nếu các bộ ngành vào cuộc mạnh mẽ mà địa phương thờ ơ thì câu chuyện sẽ không được giải quyết, điều đó cũng giống như một bàn tay làm sao vỗ được thành tiếng.
Tôi thấy những địa phương nào, lãnh đạo chính quyền vào cuộc quyết liệt thì ở đó việc thực hiện sẽ được làm tốt. Ví dụ như ở Hà Nam, lãnh đạo tỉnh đứng ra tập hợp người dân, tập hợp đất đai thành một vùng sản xuất rộng lớn, người dân tham gia sẽ được hưởng nhiều quyền lợi, doanh nghiệp có được đất dai rộng lớn để sản xuất lớn, tập trung.
Tôi còn nhớ thời đó Bí thư tỉnh ủy Hà Nam là anh Mai Tiến Dũng đã đến vận động từng hộ dân liên kết tập hợp đất đai để làm ăn sản xuất lớn. Sở TNMT đại diện UBND tỉnh đứng ra thay mặt người dân ký hợp đồng trực tiếp với doanh nghiệp. Như vậy doanh nghiệp yên tâm đầu tư cho nông nghiệp địa phương, người dân cũng yên tâm vì đã có chỗ dựa tin cậy là lãnh đạo tỉnh. Không chỉ có Hà Nam, rất nhiều tỉnh khác như Hà Nội, Lâm Đồng, TP.HCM, Hà Tĩnh... đều có chính sách riêng để hỗ trợ thu hút doanh nghiệp vào đầu tư nông nghiệp, sản xuất nông sản sạch, an toàn.
Được biết Bộ NNPTNT đang soạn thảo quy định mới về chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP nhằm hỗ trợ, đẩy mạnh xu hướng sản xuất nông sản sạch, an toàn. Vậy quy định mới sẽ có gì khác so với trước thưa ông?
- Trước đây Bộ NNPTNT đã đưa ra quy định về sản xuất VietGAP với 65 chỉ tiêu bắt buộc, 9 chỉ tiêu khuyến khích. Tuy nhiên sau gần 10 năm thực hiện, việc sản xuất rau được chứng nhận VietGAP là không nhiều, khoảng vài chục nghìn ha. Bởi các chỉ tiêu này rất phức tạp và tốn kém. Trước tình hình đó, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã chỉ đạo Cục Trồng trọt xây dựng tiêu chuẩn VietGAP làm sao đảm bảo sản xuất an toàn, truy xuất được nguồn gốc, xây dựng thành tiêu chuẩn. Hiện tại Bộ tiêu chuẩn đó đang được xây dựng, đến năm 2017 bộ tiêu chuẩn này sẽ được ban hành.
Quy trình sản xuất được chứng nhận VietGAP mới theo chỉ đạo của Bộ trưởng phải đáp ứng 3 tiêu chí: đơn giản, dễ thực hiện và chi phí thấp. Bộ tiêu chí mới chỉ có 18 chỉ tiêu bắt buộc, 2 chỉ tiêu cần thực hiện. Hiện nay chúng tôi đang lấy ý kiến góp ý của các địa phương, các doanh nghiệp, nông dân sản xuất theo VietGAP, các tổ chức chứng nhận, các hợp tác xã.
Bên cạnh xây dựng bộ tiêu chí mới, Cục Trồng trọt đang xây dựng chương trình sản xuất rau an toàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho 900.000ha để phục vụ cho hơn 90 triệu người dân được thụ hưởng. Quy trình sản xuất này sẽ rất đơn giản, tập trung hướng dẫn 3 vấn đề: thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới, đất. Bên cạnh đó phải có sự thúc đẩy liên kết và giám sát lẫn nhau của các hộ dân.
Xin cảm ơn ông!
Theo Danviet
Tạo động lực cho nông dân sản xuất nông sản an toàn Đó là khẳng định của ông Nguyễn Hữu Nhị -Chủ tịch Hội Nông dân (ND) tỉnh Nghệ An khi trao đổi với NTNN xung quanh vai trò, trách nhiệm của Hội ND các cấp trong việc tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ thực phẩm an toàn. Ông Nguyễn Hữu Nhị cho biết, những năm qua, các...