“Rất nhiều doanh nghiệp bất động sản tay không bắt giặc”
“Rất nhiều doanh nghiệp tay không bắt giặc, lấy những mảnh đất đẹp, chiếm dụng vốn ngân hàng, thu 70-80% tiền của người dân nhưng không chịu hoàn thiện, bàn giao nhà. Vậy trách nhiệm của UBND với người dân Thủ đô thế nào?”, Đại biểu HĐND Hà Nội Nguyễn Hoài Nam chất vấn.
Sáng nay 5/7, HĐND thành phố Hà Nội bắt đầu phiên chất vấn với nhiều nội dung quan trọng được cử tri gửi gắm đại biểu “truy” và làm rõ trách nhiệm của UBND thành phố, Sở ngành có liên quan. Mở đầu phiên chất vấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Huy Tưởng báo cáo rất nhiều vấn đề có liên quan về kinh tế ngân sách. Tuy nhiên, sang phần chất vấn ông vẫn nhận được hàng chục câu hỏi “hóc búa” của các đại biểu.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng trả lời chất vấn (ảnh KTĐT)
Đại biểu Nguyễn Hoài Nam cho biết, vấn đề nổi cộm của thành phố hiện nay là người dân (nhà đầu tư thứ cấp) góp vốn cho các dự án xây dựng với hi vọng có nhà ở như cam kết trong hợp đồng tuy nhiên có nhiều dự án chủ đầu tư thu đến 70-80% tiền của các hộ dân rồi nhưng không hoàn thiện, thậm chí có chủ đầu tư còn “xù” nợ bỏ trốn. Theo ông Nam điều này ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề an ninh của thành phố, gây hậu quả xấu cho xã hội. Ông Nam cũng cho rằng, có những doanh nghiệp thực sự khó khăn về tài chính, cần được giãn hoãn, nhưng liệu thành phố có nắm được những chủ đầu tư thuộc diện này đã thu 70-80% tiền của người dân hay không?
Theo ông Nam, rất nhiều chủ đầu tư bất động sản gần như “tay không bắt giặc”, lấy những mảnh đất đẹp, họ chiếm dụng vốn ngân hàng, tiền của người dân. “Tôi xin hỏi thành phố đã thống kê được vấn đề này chưa và trách nhiệm của thành phố tới đây thế nào? Nếu chúng ta không giải quyết được vấn đề này thì người mua nhà không có nhà để ở. Trong khi đó thành phố cũng thất thu một khoản lớn tiền sử dụng đất vào ngân sách”, ông Nam nêu vấn đề.
Giải đáp những băn khoăn của đại biểu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Huy Tưởng cho biết, theo quy định của Nghị quyết 02 và hướng dẫn trong Thông tư của Bộ Tài chính những đơn vị làm chủ đầu tư các dự án có trách nhiệm phải nộp nghĩa vụ tài chính cụ thể là tiền sử dụng đất. Thế nhưng, nếu như tại thời điểm này doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ thì họ có quyền được cho gia hạn nộp tiền sử dụng đất.
Tuy nhiên, theo ông Tưởng trên thực tế có doanh nghiệp làm ăn lỗ nhưng vẫn phải báo cáo lãi cho nên Cục thuế cho rằng họ vẫn phải nộp tiền sử dụng đất. “Ngay cả trường hợp có lãi cũng không có khả năng để nộp tiền vì báo cáo lãi đó cũng chưa thật chính xác. Người ta cố gắng báo cáo lãi để cố gắng giữ thương hiệu, uy tín để tiếp tục làm ăn ở những ngành nghề khác, ở lĩnh vực khác. Cho nên báo cáo lãi ấy cũng chưa phải là báo cáo thật”, ông Tưởng trả lời câu hỏi của đại biểu.
Chưa cảm thấy thỏa đáng trước trả lời của Phó Chủ tịch UBND thành phố, đại biểu Nguyễn Hoài Nam tiếp tục đứng lên chất vấn với những câu hỏi sâu hơn. Theo ông Nam, nói như Phó chủ tịch là quá đơn giản. Vì nếu chỉ dựa vào báo cáo, kê khai của doanh nghiệp để cho giãn, hoãn, trong khi bản chất những chủ đầu tư này đã bán đến 70-80% giá trị hàng hóa mà không xem xét trách nhiệm quản lý nhà nước với những vấn đề này.
Video đang HOT
Đại biểu Nguyễn Hoài Nam chất vấn Phó chủ tịch UBND Hà Nội
“Đó là chưa kể trách nhiệm của thành phố trong việc lựa chọn năng lực của chủ đầu tư trong việc triển khai dự án. Hiện nay, thị trường đã bắt đầu bộc lộ thế nào là chủ đầu tư có năng lực thực sự và chủ đầu tư chộp giật dự án để lấy được đất rồi bán. Tôi thấy thành phố phải tổng hợp vấn đề này và đưa ra giải pháp trong thời gian tới”, ông Nam nói.
Qua chất vấn đại biểu Nguyễn Hoài Nam mong thành phố rà soát lại các dự án dân đã góp vốn rồi có nằm trong diện giãn, hoãn hay không? Trách nhiệm của thành phố với người dân bị chủ đầu tư “xù” vốn thế nào chứ không đơn giản là việc đưa ra con số bao nhiêu doanh nghiệp giãn, hoãn và số tiều là bao nhiêu.
Phúc đáp lại băn khoăn của đại biểu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Huy Tưởng tiếp tục cho rằng về mặt chính sách là như ông đã phân tích ở trên còn về chỉ đạo, UBND thành phố đã yêu cầu Cục Thuế phối hợp cùng Sở Tài chính, TN-MT, Xây dựng và các quận huyện xem xét cho chủ đầu tư giãn, hoãn báo cáo, kê khai còn sau này sẽ có biện pháp hậu kiểm.
“Như đại biểu Nam nói, nếu đại biểu nào qua tiếp xúc cử tri có phát hiện được dự án thu gần hết tiền rồi mà doanh nghiệp chậm giao nhà thì cung cấp thông tin để chúng tôi chỉ đạo cơ quan thuế phối hợp với các ngành rà soát trực tiếp”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Huy Tưởng nói.
Theo Dantri
HN: Phí đường bộ xe máy 100.000 đồng/năm
Từ ngày 1/8, Hà Nội sẽ thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô là 100.000 đồng/xe/năm.
Đây là nội dung Nghị quyết về ban hành một số quy định thu phí, lệ phí được HĐND TP Hà Nội đã biểu quyết thông qua sáng 2/7.
Tại phiên họp HĐND Thành phố Hà Nội sáng 2/7, UBND Thành phố Hà Nội đã trình HĐND xem xét mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy.
Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Huy Tưởng đọc tờ trình cho biết, cụ thể đối với xe máy có dung tích xylanh đến 100cm3 là 100.000 đồng/năm, xe máy có dung tích xylanh trên 100cm3 là 150.000 đồng/năm. UBND xã, phường, thị trấn sẽ thu phí đối với xe máy của tổ chức, hộ gia đình trên địa bàn. Trong đó, UBND cấp xã chỉ đạo tổ dân phố hoặc thôn hướng dẫn kê khai phí sử dụng đường bộ đối với xe máy.
Tương tự, UBND TP cũng kiến nghị quy định mức để lại cho cấp xã, phường, thị trấn bằng mức tối đa quy định của Bộ Tài chính là 10% tổng số phí thu được đối với cấp phường, thị trấn và 20% đối với cấp xã.
Theo UBND Thành phố Hà Nội, mức phí đề xuất này xuất phát từ việc lượng phương tiện lưu thông trên đường phố luôn ở mức cao. Năm 2012, Hà Nội có hơn 4,5 triệu xe mô tô. Kinh phí bảo trì đường bộ hàng năm hơn 844 nghìn tỷ đồng.
"Hằng năm ngân sách thành phố phải bố trí một lượng vốn lớn để duy tu, duy trì thường xuyên hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật giao thông nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu đặt ra", ông Nguyễn Huy Tưởng nói.
Từ 1/8, Hà Nội sẽ thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô (Ảnh minh hoạ: Sài Gòn tiếp thị)
Bàn về nội dung này sáng 2/7, tại phiên họp HĐND Hà Nội, nhiều ý kiến đại biểu tỏ ra băn khoăn về tính khả thi của việc thu phí.
Theo Đại biểu Nguyễn Thị Mai Sương (Huyện Đông Anh), cần nghiên cứu để nghị quyết của HĐND có hiệu quả, đi vào lòng dân.
"Trong thời điểm hiện nay, nên nghiên cứu, xem xét điều kiện thực tế, nên tạm thời dừng lại chưa xem xét, để thời điểm cuối năm thấy cần thiết và có khả năng thực hiện được và có điều chỉnh mới của Chính phủ sẽ thực hiện hiệu quả hơn", bà Sương đề xuất.
Theo đại biểu Nguyễn Đình Dương (Huyện Từ Liêm), cần phân biệt mức thu phí ở khu vực nội thành và ngoại thành, nông thôn. Bởi nếu áp dụng một mức phí chung sẽ không công bằng cho người dân nông thôn, bởi đường sá ở khu vực này chưa được đầu tư tốt như trong nội thành.
Đại biểu Nguyễn Hoài Nam (Quận Hai Bà Trung) cho rằng, nên thu phí ở vùng nông thôn thấp hơn, phí trong nội thành cao hơn. Một số đại biểu khác đề nghị chọn mức thu thấp nhất trong số hai phương án thu phí UBND Thành phố trình.
Ông Lê Văn Hoạt, Phó Chủ tịch HĐND đề nghị các đại biểu không nên bàn về việc tạm thời dừng ban hành thu phí hay không, bởi đây không thuộc thẩm quyền của HĐND Hà Nội. HĐND chỉ có quyền ban hành mức thu phí.
Trả lời ý kiến của các đại biểu tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thành phố, ông Nguyễn Huy Tưởng cho biết, thu phí bảo trì đường bộ với xe máy là Nghị định của Chính phủ, Hà Nội là địa phương, trách nhiệm thực hiện, ban hành mức thu, không thể đặt vấn đề dừng ban hành.
Trước ý kiến đề xuất phân biệt thu phí nội - ngoại thành, theo ông Nguyễn Huy Tưởng, chia ra nội ngoại thành khiến cho việc thu phí trở nên phức tạp. Ông Tưởng đề nghị thu chung, không phân biệt và áp dụng mức thu thấp nhất.
Cuối giờ sáng ngày 2/7, HĐND Thành phố Hà Nội biểu quyết thông qua Nghị quyết về ban hành một số loại phí với số phiếu tán thành 85.3 %.
Như vậy, kể từ 1/8/2013, Hà Nội sẽ thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô là 100.000 đồng/xe/năm, không phân biệt nội - ngoại thành. Riêng đối với xe mô tô của lực lượng công an, quốc phòng, hộ nghèo được miễn phí.
Theo 24h
Hà Nội thu phí bảo trì 50.000 đồng với xe dưới 100 cm3 Sáng 2/7, HĐND Hà Nội chốt mức thu phí bảo trì đường bộ mỗi năm đối với xe máy có dung tích dưới 100 cm3 là 50.000 đồng và xe dung tích trên 100 cm3 là 100.000 đồng, không phân chia theo nội hay ngoại thành. Theo nghị định 18 của Chính phủ về quỹ bảo trì đường bộ, thẩm quyền quy định...