“Rất nguy hiểm khi ai cũng dễ dàng vào khu điều hành hồ đập!”
Nói đến vụ án say rượu xả lũ tại hồ Suối Vực (huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, khẳng định: “Quan điểm của tỉnh là xử lý nghiêm tất cả các cá nhân liên quan đến vụ án, không được bao che, dung túng bất kỳ ai”.
Say rượu, nam thanh niên tò mò nhấn nút xả lũ gây thiệt hại nghiêm trọng
Theo ông Thế, cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án nên mọi hình thức xử phạt, đền bù thiệt hại sẽ được tiến hành nghiêm minh theo quy định pháp luật. Trước mắt, tỉnh đang tập trung kiểm điểm nghiêm khắc các cá nhân phụ trách hồ Suối Vực, đơn vị quản lý là Công ty TNHH MTV Đồng Cam và nhiều cá nhân có trách nhiệm liên đới.
Hiện nay, tỉnh cũng đã giao các sở ngành chức trách tổ chức rà soát lại toàn bộ các khâu công tác an ninh bảo vệ tất cả các hồ đập trên địa bàn.
“Sẽ rất nguy hiểm khi bất cứ ai cũng dễ dàng lọt vào khu vực điều hành hồ đập. Dù cơ quan điều tra bước đầu xác định các thanh niên trên do say tò mò ấn nút điều hành xả lũ là không có ý đồ phá hoại. Thế nhưng cần có biện pháp xử lý nghiêm khắc để răn đe, cảnh báo tình trạng càn quấy từ việc rượu chè say sưa làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự xã hội” – ông Thế nói.
Video đang HOT
Theo luật sư Nguyễn Khả Thành – Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Phú Yên – cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án trên theo Điều 145 Bộ luật hình sự. Đây là điều quy định về tội “Vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản”. Nếu gây hại từ 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm, hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm; nếu trên 500 triệu đồng thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm…
Bên cạnh đó, Điều 285 Bộ luật Hình sự, tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định: Người nào vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao, gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.
Nhà trực hồ Suối Vực nằm cách xa khu vực các thanh niên nhấn nhầm nút xả lũ (ảnh Lê Kha)
Trong khi đó, theo Điều 601 Bộ luật dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, hồ Suối Vực là “Nguồn nguy hiểm cao độ”, cho nên trước mắt, đơn vị quản lý (Công ty TNHH MTV Thuỷ nông Đồng Cam) phải có trách nhiệm bồi thường kịp thời toàn bộ thiệt hại cho người bị hại (trường hợp trên, chủ yếu là nông dân). Về sau này, nếu không thoả thuận được, tuỳ mức độ lỗi của các bên liên quan gây nên thiệt hại, toà án sẽ quyết định cụ thể số tiền bồi thường cho mỗi người.
Như Dân trí đã thông tin trước đó, đêm 14/3, 3 thanh niên người dân tộc Chăm H’Roi là Mang Tân (26 tuổi, ở huyện Đồng Xuân, Phú Yên), Y Bình và Sô Y Thành (đều 20 tuổi, ở xã Suối Bạc, Sơn Hòa) đã tự ý vào khu vực hồ Suối Vực ăn nhậu. Trong lúc ngà say, Tân đã tò mò nhấn nút điều hành cửa xả lũ rồi tất cả bỏ về nhà ngủ.
Rạng sáng ngày 15/3, 4 công nhân trực hồ này mới phát hiện và khắc phục vụ việc. Vụ “bấm nhầm” trên đã xả tự do mất 2 triệu m3 nước hồ, tạo lũ gây thiệt hại tài sản trên 300 triệu đồng của người dân Sơn Hòa.
Doãn Công
Theo Dantri
Từ vụ thanh niên say rượu xả lũ: Đằng sau hồ chứa là mạng sống của dân
Sau khi xảy ra vụ 3 thanh niên say rượu vào mở van xả lũ ở tỉnh Phú Yên gây thiệt hại nghiêm trọng, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định đang tăng cường công tác giám sát, quản lý đảm bảo an toàn tuyệt đối và theo quy trình chặt chẽ.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định, hiện nay tại địa phương này có khoảng 165 hồ chứa với tổng dung tích 585 triệu m3 khối nước, trong đó có 162 hồ thủy lợi lớn nhỏ. Lớn nhất là hồ Định Bình với dung lượng nước có thể chứa lên đến 226 triệu m3.
Đằng sau hồ chứa thủy lợi lớn là cả mạng sống của nhân dân nên quy trình vận hành phải đảm bảo chặt chẽ (ảnh hồ Định Bình, hồ chứa lớn nhất tỉnh Bình Định)
Theo ông Nguyễn Văn Phú - Giám đốc Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định, hiện nay, đơn vị đang trực tiếp quản lý 10 hồ thủy lợi và mỗi hồ thủy lợi thường có từ 2 đến 10 nhân viên (tùy theo diện tích hồ) để trực, quản lý việc vận hành.
"Nguyên tắc muốn xả nước, theo thông lệ vào mùa tưới tiêu thì có lệnh của giám đốc công ty, còn mùa lũ thì phải có lệnh của trưởng ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh hoặc chủ tịch UBND tỉnh thì mới được vận hành xả nước từ đập tràn. Đồng thời, khi xả nước xuống hạ du phải thông báo trước ít nhất 5 tiếng để cho dân nắm được thông tin"- ông Phú cho biết.
Ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở NNPTNT Bình Định, cho rằng, đằng sau hồ chứa là cả sự sống, nhà cửa, hoa màu của nhân dân. Cho nên công tác bảo vệ van xả nước trong hồ chứa phải được an toàn tuyệt đối và thực hiện theo quy trình.
Trên thực tế, quy trình vận hành van xả nước dù được thực hiện chặt chẽ nhưng mỗi hồ chỉ có 1-2 nhân viên trực kỹ thuật chứ không có lực lượng bảo vệ riêng biệt, canh trực tiếp để bảo vệ van xả nước (trừ khi có lụt bão). Vì vậy, lực lượng tại chỗ không thể đảm bảo an toàn khi có đối tượng từ bên ngoài, cố ý muốn phá hoại.
"Các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh được quản lý chặt chẽ theo phân cấp: Do công ty khai thác công trình thủy lợi quản lý (khoảng 15 hồ có dung tích lớn), còn những hồ chứa nhỏ do địa phương trực tiếp quản lý. Sau vụ việc ở Phú Yên, chúng tôi giao cho anh em quản lý hồ dự thảo văn bản tăng cường công tác giám sát, quản lý. Khi phát hiện người lạ mặt vào khu vực quản lý hồ, phải nhanh chóng báo cho công an địa phương, đề phòng tình huống bất ngờ xảy ra. Nếu có tình huống bất thường thì công an xử lý ngay. Tại khu vực van xả nước, bắt buộc phải có ánh sáng đầy đủ để cảnh giác vào ban đêm"- ông Hổ cho hay.
Doãn Công
Theo Dantri
Ba thanh niên say rượu rủ nhau... xả lũ gây ngập úng nghiêm trọng Chiều ngày 17/3, ông Trần Hữu Thế - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, cơ quan chức năng đang vào cuộc điêu tra xác định nguyên nhân dẫn đến việc ba thanh niên ở xã Suối Bạc, huyện Sơn Hòa tự ý mở van xả lũ của hồ chứa nước Suối Vực, gây ngập úng, cuốn trôi, hư hại nhiều...