Ráo riết cắt vụ, chuyển đổi cây – con vùng phía đông Tiền Giang
Do hạn, mặn diễn biến cực đoan, gay gắt gây thiệt hại nặng nề trong những năm gần đây, 5 huyện phía Đông tỉnh Tiền Giang đã ráo riết chuyển đổi vật nuôi, cây trồng, tái cơ cấu nông nghiệp.
Thay đổi phương thức canh tác, chuyển đổi mùa vụ sản xuất theo hướng cắt giảm diện tích lúa thay thế bằng những loại cây trồng khác nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và nâng cao giá trị sản xuất là mục tiêu sống còn đối với các địa phương này.
Từ bỏ cây lúa
Bà Nguyễn Thị Rộn (xã Đồng Thạnh, huyện Gò Công Tây) thở dài: “Vụ lúa hè thu vừa rồi, tui thu hoạch 2 công lúa mà chỉ được nửa tấn. Chưa khi nào làm lúa mà thất bát như vậy. Số lúa đó bán không đủ trả tiền phân, thuốc”.
Sơ chế sả tại cơ sở trước khi xuất bán. Ảnh: T.Đ
Đánh giá của Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2017, các huyện phía Đông đã thực hiện chuyển đổi mùa vụ sản xuất lúa và cơ cấu cây trồng với diện tích 5.883ha. Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông tỉnh Tiền Giang đến năm 2025″ đưa ra mục tiêu là tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp phải thực hiện cắt vụ, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ ở 40 xã phường và 4 thị trấn thuộc 5 huyện thị phía Đông của tỉnh đến năm 2025 là 26.147ha.
Cũng theo bà Rộn, nông dân trong xã đang chộn rộn bỏ lúa chuyển sang trồng hoa màu hay các loại cây ăn trái khác. “Chắc tui cũng phải làm vậy thôi chứ giờ làm lúa khó sống lắm” – bà thổ lộ.
Hiện tại huyện Gò Công Tây, cây thanh long đang được nhiều nông dân lựa chọn để thay thế cho cây lúa hoặc các loại cây trồng kém hiệu quả khác.
Ông Nguyễn Văn Thanh (xã Đồng Thạnh) cho biết, đã chuyển đổi toàn bộ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng thanh long 3 năm nay. Hiện thanh long đã bắt đầu cho trái. “Lợi thế của cây trồng này là có thể chịu được khô hạn, thiếu nước trong vài tuần và giá trị kinh tế cao hơn cây lúa rất nhiều” – ông Thanh nói.
Cùng với thanh long, cây bưởi da xanh, mãng cầu xiêm cũng đang được huyện khuyến khích nông dân lựa chọn sản xuất. Đây là những loại cây trồng thích hợp, hiệu quả kinh tế cao cho những vùng khó khăn về nước tưới.
Trong khi đó, tại huyện cù lao Tân Phú Đông – khu vực đang chịu tác động của xâm nhập mặn ngày càng có xu hướng gay gắt và kéo dài nhất, nông dân cũng tấp cập chuyển đổi cây trồng, vật nuôi.
Video đang HOT
Thời gian qua, cây sả và mãng cầu xiêm đã thích ứng và phát triển tốt với điều kiện khí hậu ở huyện cù lao. Nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng 2 loại cây này và cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với cây lúa.Tính đến tháng 4.2017, toàn huyện có hơn 1.500ha sả và trên 900ha mãng cầu xiêm.
Theo bà Nguyễn Thị Bé (xã Tân Phú), bà đã chuyển 6 công đất lúa sang trồng sả: “Cây sả chịu hạn rất tốt, không cần tưới nước nhiều. Nếu so lợi nhuận trên cùng một điện tích thì cây lúa không thể bì được”.
Cùng với phát triển cây trồng, đàn vật nuôi của huyện cũng có sự chuyển biến mạnh theo hướng phát triển những vật nuôi sử dụng ít nước ngọt, ăn thức ăn từ tự nhiên. Phong trào phát triển đàn bò, dê trong dân càng được thúc đẩy khi nhiều dự án sinh kế cho người dân nghèo thích ứng với biến đổi khí hậu được triển khai trên địa bàn.
Cắt vụ, cơ cấu cây trồng
Trước tình hình hạn, mặn diễn ra gay gắt, vừa qua tỉnh Tiền Giang đã triển khai Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông tỉnh Tiền Giang đến năm 2025″ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc canh tác nông nghiệp trong bối cảnh thiếu nước tưới nhằm ổn định sản xuất, tăng thu nhập cho người dân; đồng thời góp phần thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.
Theo đề án, huyện Tân Phú Đông không còn diện tích sản xuất lúa mà chuyển sang trồng cây ăn trái thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng và luân canh cây màu hoặc luân canh theo mô hình tôm – lúa hay lúa – cá.
Trưởng Phòng NNPTNT huyện Tân Phú Đông – ông Nguyễn Văn Hải cho biết, hiện nay sả và mãng cầu xiêm là 2 cây trồng có lợi thế cạnh tranh và hiệu quả nhất ở Tân Phú Đông. Để hạn chế rủi ro, ngành nông nghiệp huyện đang khuyến cáo người dân chỉ sản xuất 1 vụ lúa trong năm, chuyển đổi diện tích lúa ở những vùng khó khăn về nước sang trồng cây có lợi thế tiềm năng của cù lao.
Trong khi đó, theo ông Trần Long Nguyên – Phó Trưởng Phòng NNPTNT huyện Gò Công Tây, dự kiến đến năm 2020, huyện sẽ xây dựng các vùng chuyên canh mãng cầu, thanh long, bưởi da xanh, dừa, rau màu… “Huyện sẽ đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, cơ giới hóa nông nghiệp, ứng dụng công nghệ sau thu hoạch, đầu tư về giống cây trồng, nhân rộng các mô hình theo VietGAP, góp phần thực hiện giảm nghèo cho bà con nông dân huyện nhà” – ông Nguyên cho biết.
Theo Danviet
23.000 hồ sơ hạn mặn sai phạm biểu hiện "ăn của dân không từ thứ gì"?
Người nông dân đã mất mát quá nhiều. Ngay cả chút niềm tin từ chính sách cũng bị bóp méo, biến dạng, họ sẽ bấu víu vào đâu để bám đất bám vườn, để nuôi hy vọng?
Ngày 1.8, tại cuộc giao ban báo chí định kỳ hàng tháng của tỉnh Kiên Giang, ông Đỗ Minh Nhựt - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh này đã công bố báo cáo kết quả kiểm tra làm rõ các sai phạm trong quá trình hỗ trợ thiệt hại hạn, mặn cho người dân trong năm 2015 - 2016 khiến dư luận bức xúc.
Theo đó, trong đợt hạn, mặn vừa qua, có hơn 22.000 hồ sơ/hơn 47.500 hộ dân có sai sót trong quá trình lập danh sách.
Chỉ tính tại huyện Anh Minh, ở xã Đông Thạnh, qua thanh tra đã phát hiện lập danh sách trùng tên 12 hộ (thừa tiền 33,5 triệu đồng), bỏ sót 140 hộ (diện tích 202,7 ha) dẫn đến khiếu nại; tự ý nâng thừa diện tích thiệt hại lên 145 ha của 145 hộ dân, với số tiền hơn 1 tỉ đồng.
2015-2016, hạn mặn diễn ra nghiêm trọng tại Kiên Giang.
Tại xã Đông Hòa, cũng thuộc huyện này, việc lập danh sách không chính xác dẫn đến khiếu nại, gồm: sai diện tích 4 hộ (gần 16 ha); sai đối tượng 12 hộ; trùng tên 5 hộ; bỏ sót 270 hộ (335 ha). Ấp và xã đã cấp phát cho 55 hộ không có tên trong danh sách được duyệt với số tiền hơn 132 triệu đồng. Trong khi đó, 14 hộ dân có tên trong danh sách nhưng không được cấp phát hơn 100 triệu đồng.
Thậm chí, ông Nguyễn Văn Trúc (nguyên trưởng ấp 8 Xáng) và bà Dương Thúy Loan (trưởng ấp 8 Xáng) ký thay 65 hộ dân để nhận tiền nhưng không cấp phát hết mà "ém" lại gần 75 triệu đồng. Xã này còn tự nâng thừa diện tích thiệt hại lên hơn 95 ha của 80 hộ dân với số tiền 438 triệu đồng.
Có trên 4.600 hộ dân bị bỏ sót hỗ trợ với tổng diện tích trên 7.000 ha, kinh phí cần hỗ trợ gần 40 tỉ đồng.
Đau đớn hơn, một số xã nhân cơ hội phát tiền hỗ trợ, đã ép người dân phải "tự nguyện" đóng góp nhiều loại quỹ, nhiều nhất là quỹ xây dựng giao thông nông thôn.
Tỉnh Kiên Giang đã xử lý kỷ luật khoảng 40 cán bộ cấp ấp, xã, huyện từ hình thức khiển trách tới cách chức.
Tôi đã phải kiềm chế cảm xúc khi đọc những thông tin trên. Thật bất nhẫn khi hiện thời vẫn còn nhiều cán bộ lợi dụng sự thật thà và tin tưởng của người dân để thay vì phục vụ cho họ lại bòn rút, "ăn" của dân cả những thứ không được phép ăn.
Với việc làm gian dối kể trên, trong bản danh sách dài dằng dặc của những nông dân hỗ trợ đã lọt vào những cái tên "ảo" do chính các cán bộ xã lập nên.
Điều nghịch lý là gần 5.000 hộ dân thực sự khốn khó, đáng được nhận hỗ trợ lại bị bỏ sót.
Nông dân Kiên Giang từng bị thiệt hại nặng do hạn mặn. Ảnh: TTXVN
Tôi thử đặt mình vào họ và gần như chỉ biết câm nín nếu những đồng tiền nhân nghĩa nhẽ ra phải là của mình lại lọt vào tay những kẻ tham lam, cơ hội.
Một hình thức "tham nhũng" rất phổ biến ở nhiều vùng nông thôn. Tương tự như đâu đó một bí thư xã gạt hộ nghèo để đưa bà con mình vào danh sách cứu trợ. Hay mạo danh gia đình có công cách mạng hoặc lập mộ gió hưởng đền bù.
Hành xử như vậy khác nào là "ăn của dân không từ một cái gì".
Giá như họ dùng thứ năng lượng vô biên ấy vào quản lý. Có lẽ người nông dân đã đỡ cay cực phần nào. Thực tế chát chúa ở rất nhiều vùng nông thôn đang phơi bày một bộ phận cán bộ tham lam đến mất tự trọng. Vì một người có tự trọng, chắc chắn sẽ xấu hổ khi cầm trong tay đồng tiền từ bão lụt, từ mồ mả, từ vai áo rách của người nông dân nghèo.
Nông dân đang cay cực như thế nào có lẽ không cần nhắc nhiều. Nông sản bấp bênh, tài nguyên suy kiệt đang khiến nhiều nông dân bị bần cùng hoá. Cả xã hội đang dốc lực sát cánh cùng với họ, cùng kề vai gánh nỗi can qua.
Bàng quan với phận người lam lũ đã đáng lên án. Đằng này trục lợi trên lưng người nông dân thì chỉ có thể gọi là một tội ác!
Sự việc ở Kiên Giang xuất phát từ chính sách đúng đắn và đầy nhân văn đã gây tổn thương lớn vì những người thực thi. Điều này cho thấy có lỗ hổng lớn trong phương cách quản lý hay nói cách khác là không kiểm soát nổi, vô tình "tạo điều kiện" cho cán bộ cơ sở lợi dụng quyền lực để trục lợi.
Người nông dân đã mất mát quá nhiều. Ngay cả chút niềm tin từ chính sách cũng bị bóp méo, biến dạng, họ sẽ bấu víu vào đâu để bám đất bám vườn, để nuôi hy vọng?
Thiết nghĩ, xử lý 40 cán bộ là cần thiết nhưng cần thiết hơn là không để những sự việc tương tự tái diễn. Vì tần suất của các vụ việc kiểu này đang ngày dày lên.
Dẫu đau tới mấy, những ung nhọt lớn - bé đều phải nhổ trước khi nó "đánh sập" những niềm tin căn bản của cả xã hội, của người nông dân.
Theo Danviet
Thu nhập tăng gấp 4 khi trồng khóm trên đất chua phèn Với mục đích chủ động chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương, nhiều nông dân ở xã Lâm Tân (huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng) đã mạnh dạn áp dụng trồng cây khóm (dứa) trên đất trũng phèn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiệu quả cao Là vùng đất trũng phèn nên...