Rào chắn mọc lên hàng loạt trước ngày 6/9 ở Hà Nội
Trước ngày Hà Nội công bố áp dụng Chỉ thị 15 , hàng loạt khu dân cư được phong tỏa kiên cố hơn bằng nhiều kiểu rào chắn.
Hà Nội dựng hàng rào và dây thép gai giữa các phân vùng .Để hạn chế việc đi lại của người dân, chính quyền cho dựng 30 hàng rào bằng sắt và dây thép gai ở ranh giới các vùng xanh, đỏ và cam.
10 quận, huyện có số ca mắc Covid-19 cao nhất gồm Thanh Xuân, Đông Anh, Đống Đa, Hoàng Mai, Thanh Trì, Hai Bà Trưng, Thường Tín, Hoàn Kiếm, Hà Đông có khả năng là “vùng đỏ” tại Hà Nội… Hình ảnh dây chăng chằng chịt tại phố Hàng Gà, quận Hoàn Kiếm những ngày qua.
Để đảm bảo an toàn cho người dân đang sinh sống ở những vùng chưa có dịch, lực lượng chức năng cùng các tổ dân phố thiết lập hàng rào che chắn nhằm ngăn các trường hợp ra vào. Hình ảnh tại một khu dân cư trên phố Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng.
Cũng tại một ngõ nhỏ trên phố Kim Ngưu, cư dân dùng phương tiện thô sơ cảnh báo người qua lại.
Có những khu dân cư chằng néo dây và dùng mọi vật dụng để phong tỏa từ lúc thành phố mới thực hiện Chỉ thị 16 cách đây 1 tháng, cũng có những nơi vừa mới gia cố hàng rào sau khi Hà Nội thông tin chi tiết về 3 vùng để tăng cường công tác phòng chống dịch.
Phố Văn Miếu, đoạn giao với ngã tư Nguyễn Thái Học – Cao Bá Quát, được rào chắn từ vỉa hè xuống lòng đường. Mọi phương tiện không được qua lại.
Một ngõ nhỏ trên phố Minh Khai. Người dân rào chắn lối đi này để dễ dàng kiểm soát các trường hợp ra vào ở ngõ lớn, nơi có lực lượng kiểm dịch làm nhiệm vụ.
Tại một khu dân cư khác thuộc phường Kim Liên, mọi giao dịch hàng hóa chỉ được thông qua những sợi dây.
Chằng néo nghiêm ngặt nhưng vẫn có những nơi xuất hiện cảnh vượt rào thường xuyên. Hình ảnh tại ngõ Phất Lộc, quận Hoàn Kiếm.
Cách ngõ Phất Lộc chưa đầy 1 km là ngõ Tạm Thương, quận Hoàn Kiếm. Nơi đây một rào chắn của lực lượng chức năng dựng lên vẫn chưa đủ, người dân còn gia cố thêm một lớp ngăn cách phía trong.
Tại ngõ 380 Thụy Khuê, người dân và lực lượng dân phòng dùng thang, dây và tấm bìa carton để rào một cách kín nhất có thể.
Cư dân sống trong khu vực Thụy Khuê có nhiều ngõ vào. Hầu hết cổng được bịt lại, chỉ cho người dân đi một lối để dễ kiểm soát. Trong ảnh là cổng 372 Thụy Khuê.
Một ngôi đình trên phố Thụy Khuê cũng được rào lại, ngăn người ngoài vào trong. Phía ngoài, một người đàn ông không đeo khẩu trang ngồi khá lâu.
Phố Bát Sứ, trung tâm quận Hoàn Kiếm, cũng được rào chắn chằng chịt.
Gần Bát Sứ là phố Thuốc Bắc. Chủ nhân hai chiếc ôtô này đã tranh thủ vị trí trống để đỗ xe.
Khu dân cư và các ngõ nhỏ trên phố Nguyễn An Ninh, quận Hai Bà Trưng, cũng được rào chắn cẩn thận vài ngày nay.
Tương tự là dãy nhà trên phố Trần Đại Nghĩa, quận Hai Bà Trưng. Người dân dùng mọi vật dụng có thể để bịt lối đi, chằng néo kiên cố, tránh việc người nào đó có thể dỡ bỏ một cách dễ dàng.
Làng Đại Từ, phường Đại Kim, có nhiều lối vào trong đó có hai cổng chính. Một cổng được rào lại để dễ kiểm soát.
Cổng khu dân cư Xóm Giữa, phường Kim Giang được bịt kín, lực lượng chức năng cấm cả việc giao dịch hàng hóa tại lối đi này.
Hà Nội công bố phương án phân phối hàng hóa khi chia 3 vùng chống dịch
Sở Công Thương Hà Nội vừa đưa ra phương án đảm bảo nguồn cung, điều phối hàng hóa cho 3 phân vùng phục vụ giãn cách xã hội trong tình hình mới, bắt đầu từ ngày 6/9 đến 21/9.
Phân vùng 1 (vùng đỏ) vận chuyển mua bán hàng hóa như nào?
Từ 6h ngày 6/9 đến 6h ngày 21/9 (tức 15 ngày), Hà Nội quyết định các mức độ giãn cách cụ thể theo phân vùng.
Trong đó, phân vùng 1 sẽ gồm 15 đơn vị hành chính, bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của 10 quận/huyện: Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Đống Đa , Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Thanh Trì, Hoàng Mai và một phần địa giới hành chính của 5 quận/huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín.
Người dân ở vùng 1 sẽ đi chợ, siêu thị theo thẻ được phát, đặt mua hàng online và các shipper chỉ giao hàng ở vùng 1 (Ảnh: Đỗ Quân).
Tại phân vùng này, Sở Công Thương Hà Nội cho biết hình thức mua hàng là: Người dân được UBND quận/huyện thực hiện phát phiếu mua hàng 2 lần/tuần cho từng hộ gia đình trên địa bàn quận/huyện để mua hàng trực tiếp tại các điểm bán;
Ngoài ra, người dân mua hàng theo hình thức mua hàng trực tuyến: Các đơn vị cung ứng hàng hóa thực hiện giao hàng qua nhân viên giao hàng theo địa bàn các quận/huyện;
Người dân mua hàng tại các điểm bán hàng lưu động trên địa bàn: UBND các phường/xã thông báo cụ thể thời gian, địa điểm... để người dân tham gia mua sắm.
Về điều kiện cho các xe vận chuyển hàng hóa, Sở Công Thương cho biết để đảm bảo vận chuyển cung ứng hàng hóa đến người dân, các sở chuyên ngành rà soát danh sách các phương tiện chở hàng hóa thiết yếu gửi Công an Thành phố cấp mã nhận diện (đối với ô tô) và cấp giấy phép đi đường cho các xe máy; Ô tô được phép hoạt động theo quy định thực hiện cung ứng, vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh, các vùng vào vùng 1; các shipper chỉ hoạt động trong phân vùng 1.
Đối với các chợ trên địa bàn: Các tiểu thương chủ động lấy hàng từ chợ đầu mối, chợ có tính chất đầu mối trên địa bàn nằm trong phân vùng 1.
Trong trường hợp nguồn cung chưa đủ cho các tiểu thương trong chợ, Thành phố sẽ cho vận hành các điểm trung chuyển để làm điểm giao nhận hàng hóa cho tiểu thương các chợ.
Các doanh nghiệp hệ thống phân phối hiện đại: Chủ động dự trữ hàng hóa gấp 2-3 lần so với nhu cầu sử dụng bình thường của người dân tại kho hàng và tại địa điểm bán trên địa bàn trong phân vùng 1; Chủ động đưa hàng dự trữ từ các kho hàng ngoài phân vùng 1 vào các kho hàng thuộc các địa điểm trong phân vùng 1 để luôn chủ động về nguồn hàng.
Khi xuất hiện tình trạng thiếu hàng cục bộ trong hệ thống phải báo cáo ngay về Sở Công Thương để điều tiết.
Sở Công Thương cho biết khi tiếp nhận báo cáo của các doanh nghiệp và địa phương về tình hình thiếu hàng hóa, Sở chỉ đạo điều tiết hàng hóa giữa các hệ thống trên địa bàn để đảm bảo cung ứng theo nhu cầu của người dân. Trong đó, tiếp tục điều tiết hàng hóa của các doanh nghiệp từ vùng 2, vùng 3 và các tỉnh, thành phố vào vùng 1 (khi có yêu cầu).
Phương án phân phối hàng hóa ở vùng 2 và 3
UBND TP Hà Nội xác định phân vùng 2 được phân cách bởi hệ thống sông Hồng, sông Đuống với vùng 1. Vùng này sẽ bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của 5 quận/huyện gồm Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh.
Phân vùng 3 bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của 10 quận/huyện gồm Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên và một phần của 5 quận/huyện của phân vùng 1: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, đối với phân vùng 2 và phân vùng 3, người dân được mua hàng thiết yếu thông qua 23 siêu thị, 300 chợ, 4.451 cửa hàng tiện ích, 354 cửa hàng gas, gần 1.500 điểm bán hàng lưu động...
Sở Công Thương Hà Nội cũng khẳng định, nguồn cung lương thực, thực phẩm và cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng người dân vùng 2 và 3 được đảm bảo trong thời gian này.
Phương án vận chuyển và cung ứng hàng hóa thực hiện theo Kế hoạch số 181/KH-UBND ngày 07/8/2021 của UBND Thành phố về việc đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm và cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng nhân dân phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian giãn cách xã hội.
Thành phố Hà Nội khẳng định sẽ đảm bảo đầy đủ nguồn hàng và điều phối, cung ứng hàng hóa đầy đủ đến người dân, người dân yên tâm không cần mua sắm tích trữ, chỉ mua đủ dùng cho 3 ngày/tuần theo lịch đi mua hàng.
Covid 24h: Kỳ nghỉ lễ trầm lắng trong đại dịch Cả nước bắt đầu kỳ nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài 4 ngày trong bối cảnh ghi nhận hơn 13.100 ca mắc mới vào ngày 2/9. Ngày Quốc khánh năm nay diễn ra trong lúc cả nước đối mặt với đợt dịch kéo dài đã hơn bốn tháng. Hàng loạt địa phương đang áp dụng Chỉ thị 15, 16 toàn tỉnh hoặc theo...