Rào cản ngăn Mỹ sở hữu hạm đội 350 tàu chiến
Chi phí lớn, hạn chế chính trị và việc cắt giảm thuế có thể khiến kế hoạch xây dựng hạm đội 350 tàu chiến của Mỹ có nguy cơ đắp chiếu dài hạn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng cam kết xây dựng hạm đội 350 tàu chiến cho hải quân Mỹ, tăng đáng kể so với 275 tàu hiện nay. Tuy nhiên, đề xuất ngân sách cho năm tài khóa 2018 của chính quyền ông Trump không có gì thay đổi so với kế hoạch sở hữu 308 tàu đến giữa thập niên 2020 của người tiền nhiệm, theo War Is Boring.
Nhà Trắng hôm 23/5 đề xuất ngân sách 172 tỷ USD cho Bộ Hải quân trong năm tài khóa 2018, trong đó chỉ bổ sung 8 tàu chiến mới gồm một tàu sân bay lớp Ford, hai khu trục hạm lớp Arleigh Burke, hai tàu ngầm lớp Virginia, một tàu chiến đấu ven biển và hai tàu hậu cần.
Ngân sách này chỉ tăng 18 tỷ USD so với thời Obama, chưa tính phí bổ sung chiến tranh hàng năm dành cho các hoạt động tác chiến. Khoản tăng thêm này phân bổ cho cả không quân, lục quân và hải quân, trong đó số tiền dành cho đóng tàu của hải quân trên thực tế còn bị cắt giảm 1 tỷ USD.
Theo chuyên gia quân sự David Axe khả năng Quốc hội Mỹ điều chỉnh đề xuất ngân sách hải quân để thông qua kế hoạch đóng tàu này là rất khó xảy ra, khiến mọi nỗ lực sở hữu thêm tàu chiến của hải quân sẽ bị hoãn đến sau năm 2018 hoặc lâu hơn.
Axe cho rằng có nhiều lý do khiến ông Trump không thực hiện đúng cam kết với hải quân như đã hứa. Nhiều người trong chính quyền Mỹ hiện muốn cắt giảm thuế tối đa, đồng thời cân bằng ngân sách liên bang trong một thập kỷ tới.
Để đạt được cả hai mục tiêu này, nền kinh tế Mỹ phải tăng trưởng ở mức 3% mỗi năm. Tuy nhiên, những chuyên gia kinh tế lạc quan nhất cũng nhận định nền kinh tế Mỹ không thể tăng trưởng quá 2% mỗi năm trong thời gian tới.
Video đang HOT
Trong khi đó, Đạo luật Kiểm soát Ngân sách 2011 hạn chế mọi chi tiêu chính phủ, chỉ cho phép ngân sách Lầu Năm Góc sử dụng ngân sách vượt khung trong thời gian ngắn. Việc bãi bỏ đạo luật trên cần nhận được sự ủng hộ của các nghị sĩ đảng Dân chủ, những người vốn phản đối giải pháp cắt giảm chi tiêu phi quân sự của Tổng thống Trump.
Các thành viên đảng Dân chủ sẽ không cho phép ông Trump tăng mạnh chi tiêu quốc phòng nếu không tăng ngân sách các bộ khác, điều mà đảng Cộng hòa luôn bác bỏ.
Mỹ khó có thể sở hữu 350 tàu chiến trong 10 năm tới. Ảnh: USNI.
Trong những thập kỷ gần đây, hải quân Mỹ chi trung bình 15 tỷ USD/năm cho các tàu chiến mới. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ cho biết kế hoạch xây dựng đội tàu 350 chiếc trong 15-30 năm sẽ tốn 27 tỷ USD/năm.
Cam kết mở rộng hạm đội của ông Trump nhận được sự ủng hộ của quan chức hải quân đương nhiệm và nghỉ hưu thuộc cả hai đảng, nhưng các quan chức này dường như không lường hết được quyết tâm cắt giảm thuế và kiểm soát chi tiêu liên bang của ông Trump.
“Trong dài hạn, rào cản về ngân sách và chính trị sẽ khiến tham vọng sở hữu hạm đội 350 tàu chiến của hải quân Mỹ vẫn bị đắp chiếu”, chuyên gia Axe nhận định.
Duy Sơn
Theo VNE
Nghị sĩ Mỹ kêu gọi chi 2,1 tỷ USD tăng cường phòng thủ tại châu Á-Thái Bình Dương
Chủ tịch Ủy ban quân lực Hạ viện Mỹ đã đề trình một dự luật kêu gọi chi 2,1 tỷ USD để tăng cường khả năng phòng thủ của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có 1 tỷ USD cho hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối THAAD hoặc các hệ thống tên lửa đánh chặn khác.
Hạ nghị sỹ Mac Thornberry, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ (Ảnh: Yonhap)
Yonhap ngày 29/5 đưa tin, văn phòng của Chủ tịch Ủy ban quân lực Hạ viện Mỹ Mac Thornberry cho hay ông Thornberry đã đệ trình dự luật Tăng cường an ninh tại khu vực Ấn Độ Dương và châu Á-Thái Bình Dương. Mục đích của dự luật là để tăng cường tiềm lực quân sự của Mỹ nhằm sẵn sàng hỗ trợ quân sự, ngăn chặn sự gây hấn, giúp ứng phó nhanh chóng với nguy cơ khủng hoảng trong khu vực, đồng thời củng cố liên minh quân sự và quan hệ hợp tác.
"Không cần nhắc lại những căng thẳng leo thang ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Điều quan trọng là Mỹ cần trấn an các đồng minh rằng chúng ta cam kết sự ổn định và an ninh trong khu vực hiện tại và trong tương lai. Một trong những cách thức tốt nhất đó chính là tăng cường sự hiện diện quân sự, cũng như khả năng sẵn sàng ứng phó. Vì vậy, dự luật này nhằm nâng cao năng lực quốc phòng của Mỹ tại khu vực", ông Thornberry cho biết thêm.
Dự luật đề xuất chi 2,1 tỷ USD trong tài khóa tới và ông Thornberry dự định sẽ đưa đề xuất này vào dự luật quốc phòng thường niên sắp tới, dự kiến sẽ được Ủy ban Quân vụ cân nhắc vào cuối tháng 6 này.
Đáng chú ý trong dự luật là đề xuất 1 tỷ USD được dùng để cải tiến và nâng cấp kho vũ khí. Một tỷ USD còn lại sẽ được đầu tư cho Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) hoặc hệ thống phòng thủ tầm thấp hơn.
Dự luật cũng đề xuất chi 15 triệu USD cho các cuộc diễn tập phòng thủ tên lửa với Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia nhằm đề phòng mối đe dọa từ tên lửa của Triều Tiên; và 100 triệu USD khác dành cho các hoạt động đào tạo, tập trận chung để nâng cao năng lực đối phó với các mối đe dọa trên toàn khu vực.
Dự luật tái khẳng định cam kết của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm duy trì hệ thống máy bay ném bom hạt nhân, cũng như củng cố lực lượng không quân đối phó với các tình huống khẩn cấp trên bán đảo Triều Tiên.
Đức Hoàng
Theo Yonhap
Tàu chiến Mỹ diễn tập sát đảo nhân tạo trên Biển Đông Một tàu chiến Mỹ đã thực hiện hoạt động diễn tập khi đi vào khu vực 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, Reuters dẫn lời giới chức Mỹ cho biết ngày 25/5. Tàu khu trục USS Dewey của Mỹ. (Ảnh: Reuters) Reuters...