Rào cản của quan hệ Nga – Trung Quốc
Quan hệ Nga – Trung Quốc thời gian gần đây rất ‘thuận buồm xuôi gió’ nhưng có thể sẽ vấp phải một rào cản trong tương lai gần, chuyên san The Diplomat nhận định.
Chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Nga nhân kỷ niệm 70 năm ngày chiến thắng Phát xít Đức vừa qua giúp Bắc Kinh và Moscow xích lại gần nhau hơn, biểu hiện là hàng loạt hợp đồng hợp tác, thỏa thuận chung được ký kết trong chuyến đi của ông Tập.
Thắt chặt quan hệ song phương
Ngày 8.5, Nga và Trung Quốc công bố đã ký các thỏa thuận hợp tác kinh tế trị giá hàng chục tỉ USD, qua đó thúc đẩy đầu tư của Trung Quốc vào các công ty Nga, cũng như khởi động quỹ đầu tư trị giá 2 tỉ USD cho các dự án nông nghiệp…
Nhiều thỏa thuận trị giá hàng tỉ USD giữa Nga và Trung Quốc được ký kết khi Chủ tịch Tập Cận Bình (trái) tham dự lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm chiến thắng Phát xít của Nga – Ảnh: Reuters
Trong khi đó, báo chí Mỹ đưa tin khá nhiều về đợt tập trận chung giữa Nga và Trung Quốc bắt đầu từ ngày 11.5. Đợt tập trận kéo dài 10 ngày này được mô tả giúp hải quân Trung Quốc thực hành trên biển và không liên quan đến bên thứ ba nào.
Ngoài ra, Nga và Trung Quốc cũng vừa đạt được thỏa thuận hợp tác an ninh mạng. Điểm mấu chốt trong thỏa thuận này là “Nga và Trung Quốc sẽ cam kết không thực hiện các hành động tấn công mạng nhằm vào nhau”, theo báo The Wall Street Journal (Mỹ).
Hàng loạt sự kiện trong quan hệ song phương gần đây, cộng thêm dự án thành lập tổ chức tài chính mới (NDB hay ngân hàng khối BRICS) trước đó để cạnh tranh với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) của Mỹ, cho thấy Nga – Trung đang trên đà hình thành một mối quan hệ liên minh chặt chẽ.
Trung Á, rào cản cho quan hệ Nga – Trung
Tuy vậy, chuyên san The Diplomat (trụ sở tại Tokyo, Nhật Bản) trong bài viết ngày 8.5 nhận định vẫn còn lý do khiến mối quan hệ Nga – Trung sẽ không dễ dàng giữ ở mức tốt nhất như những gì diễn ra trên bề nổi.
Khu vực Trung Á đóng vai trò quan trọng để xem xét Nga và Trung Quốc có cùng nhìn về một hướng hay không – Ảnh: Reuters
Trong lúc Nga phải “cảm ơn” Trung Quốc vì không đứng về phía phương Tây trong vấn đề xung đột giữa Nga và Ukraine, Moscow cũng không hề dễ chịu với việc Bắc Kinh mở rộng tầm ảnh hưởng sang khu vực Trung Á. Đây cũng là một khu vực chiến lược mà Nga đặc biệt chú trọng.
Tác giả Bjorn Alexander Duben viết trên The Diplomat rằng Nga đã rất muốn tạo sức ảnh hưởng tại Trung Á. Động thái gần nhất là việc thành lập một liên minh kinh tế Á-Âu (EEU). EEU đã có Nga, Belarus, Armenia, Kazakhstan và đang chuẩn bị kết nạp Kyrgyzstan trong tháng này.
Video đang HOT
Theo những gì ông Duben viết, Nga đã từng có ý định tận dụng sức ảnh hưởng từ bộ phận người gốc Nga tại Kazakhstan để duy trì sự ủng hộ trong khu vực này. Ở Kazakhstan, có khoảng 22% người gốc gNga, con số này lên đến 50% ở khu vực phía bắc Kazakhstan.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang có ý định mở rộng tầm ảnh hưởng sang Trung Á. Tham vọng của Nga có thể sẽ vấp phải kế hoạch “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc, chính sách Bắc Kinh muốn sử dụng để thắt chặt mối quan hệ với các quốc gia Trung Á.
Ông Duben cũng cho rằng, tình hình kinh tế suy thoái đang khiến Nga có phần thiếu quyết đoán trong việc gia tăng ảnh hưởng tại Trung Á. Đây là thời điểm rất nhạy cảm vì Trung Quốc đang đủ lực và cũng đẩy mạnh quan hệ với các nước tại đây. Thái độ của hai bên trong vấn đề Trung Á sẽ quyết định rất lớn đến mối liên minh vì lợi ích này.
Nhật Đăng
Theo Thanhnien
Liên bang Nga và chính sách liên kết Á - Âu
Đầu năm 2015, Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEC) chính thức đi vào hoạt động, với 5 thành viên là Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgystan.
Sự kiện này đánh dấu một bước chuyển quan trọng trong chiến lược "Liên kết Á-Âu" của Moscow, tác động mạnh mẽ lên tình hình chung của khu vực và thế giới.
Lãnh đạo 3 nước Kazakhstan, Belarus và Nga trong cuộc họp bàn về việc thành lập Liên minh kinh tế Á- Âu (EAEC)(Ảnh New York Times)
Bối cảnh triển khai chính sách liên kết Âu - Á
Từ những năm 90, nước Nga hiện tồn tại ba mô hình chiến lược quốc gia, được xem là nền tảng của chính sách đối ngoại và chính sách đối nội. Ba mô hình này cạnh tranh nhau và tác động đến toàn bộ hệ thống chính trị, đời sống kinh tế- xã hội trong nước và chi phối đường lối ngoại giao quốc tế và khu vực. Đó là mô hình chính sách "Xô viết", "tự do - dân chủ kiểu phương Tây" và "Liên kết Á- Âu".
Mô hình "Liên kết Á-Âu" xuất phát từ quan điểm: nước Nga có những giá trị văn minh riêng biệt, luôn duy trì tính chất độc đáo, đa dạng và sức ảnh hưởng riêng. Eurasianism - là chủ nghĩa yêu nước mang tính thực dụng, tự do khỏi những giáo điều (vừa mang tính Xô viết, vừa tự do kiểu phương Tây).
Dưới sự lãnh đạo của chính quyền Tổng thống Putin, những năm gần đây, mô hình "Liên kết Á-Âu" được xem là ưu tiên hàng đầu của chính sách đối ngoại của Nga.
"Liên minh kinh tế Á- Âu" ra đời trong bối cảnh tình hình thế giới rất phức tạp. Điều này mang lại nhiều thách thức cho chính quyền Tổng thống Vladimir Putin: cuộc khủng hoảng chính trị và xung đột vũ trang tại Ukraine, khiến cho Nga phải kiên quyết bảo vệ lợi ích của mình, kéo theo hệ quả là các lệnh cấm vận kinh tế của phương Tây và quan hệ Nga-phương Tây xuống mức thấp nhất kể từ sau "Chiến tranh Lạnh"; tình hình Trung Đông đang diễn biến căng thẳng, với cuộc chiến chống IS, xung đột vũ trang tại Syria và Iraq, Afghanistan hậu 2014 và vấn đề hạt nhân của Iran; khu vực Nam Kavkaz cũng đang có nguy cơ bùng nổ xung đột giữa Armenia và Azerbaijan...Sau khi Liên Xô tan rã, từ việc thành lập Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), tới việc hình thành Cộng đồng kinh tế Á- Âu (năm 2000), Liên minh Hải quan (năm 2007), cho đến năm 2015, Liên minh Kinh tế Á-Âu đã được hình thành. Trong đó, Liên bang Nga đóng vai trò là "trái tim" của tổ chức, đang thực hiện nhiều biện pháp theo chiến lược quốc gia của mình.
Nga được xem là một "đối trọng" lớn trong khu vực, cần phải triển khai chính sách đối ngoại cứng rắn nhằm đảm bảo an ninh, hòa bình và ổn định trong khu vực.
Ngoài ra, Trung Á và Trung Đông cũng đang là nơi các "siêu cường" tăng cường ảnh hưởng. Mỹ tuyên bố &'"Xoay trục sang châu Á", trong khi đó, Trung Quốc thực hiện chính sách " Một vành đai một con đường" - ("vành đai kinh tế con đường tơ lụa" và "Con đường tơ lụa trên biển thế kỉ 21"), EU cũng xây dựng chiến lược năng lượng mới tại khu vực dầu mỏ quan trọng này. Chưa kể chính sách thâm nhập khu vực từ các nước như Ấn Độ, Nhật Bản.
Bản thân Nga đang mang trong mình những vấn đề kinh tế nội tại: sự phụ thuộc lớn vào ngành năng lượng và khai thác nhiên liệu, sức cạnh tranh yếu kém của kinh tế trong nước, khu vực Sibiri và Viễn Đông đòi hỏi đầu tư lớn.
Trong bối cảnh đó, "Liên kết Á-Âu" sẽ tạo động lực mạnh mẽ, giúp Nga tranh thủ mọi nguồn lực ở phương Tây và phương Đông, kết nối thị trường châu Âu với châu Á - Thái Bình Dương, ... Nga sẽ thực sự hòa mình vào "cuộc chơi lớn".
Các mục tiêu chiến lược
Nội dung của "Liên kết Á - Âu" trong chính sách đối ngoại của Nga liên quan tới việc tìm kiếm các hình thái quan hệ tích cực với các nước lớn và nước nhỏ tại khu vực Trung Á, Nam Á, Trung Đông và Đông Bắc Á, nhằm phát triển hợp tác hội nhập kinh tế - chính trị và quốc phòng.
Ông Nicolai Zlobin - giám đốc chương trình Nga và Châu Á thuộc Viện An ninh thế giới (Hoa Kỳ) nhận định, sự tập trung các nguồn lực chính của Nga vào khu vực Trung Á đã tạo ra những khác biệt so với chính sách của Mỹ, EU hay những người chơi khác.
Sự chuyển đổi "liên kết Á - Âu" vào khuôn khổ như một chính sách toàn cầu, tạo ra thuận lợi cho Nga, bởi vì nó không chỉ cung cấp thị trường, năng lượng và nhiên liệu, mà còn tạo những tiền đồn trong cuộc chiến chống khủng bố.
Dưới góc nhìn dân sự, Nga và các quốc gia "được liên kết" có mối quan hệ chung về kinh tế, chính trị và quân sự. Những mối quan hệ hợp tác này đang được Nga tiếp tục phát triển.
Trong chính sách "liên kết Á-Âu" nước Nga đang hướng tới những mục tiêu chiến lược sau: (1) Bảo đảm an ninh nội. Theo các chuyên gia, mục tiêu hàng đầu của "hội nhập Á - Âu" không phải là kinh tế, mà là cuộc chiến bảo toàn khu vực ảnh hưởng truyền thống. Để thực hiện điều đó, Nga đã và đang triển khai hàng loạt các học thuyết, luận thuyết, chiến lược về đối ngoại, an ninh, quân sự, kinh tế xã hội... không ngừng củng cố vai trò của Nga trong Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (ODKB) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).
(2) Phát triển kinh tế - xã hội khu vực Đông Ural, đặc biệt là các khu vực công nghiệp có ảnh hưởng tới sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Nga. Đồng thời, phát triển hệ thống giao thông vận tải, cơ sở hạ tầng khu vực Đông Siberi và Viễn Đông.
(3) Đạt một cấp độ mới trong phát triển mối quan hệ với Belarus, Ukraine và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.
(4) Kết nối hai trung tâm quyền lực mới của thế giới: Liên minh châu Âu và APEC.
Một số thành công và hạn chế
Là quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên, trong đó chiếm gần 20% trữ lượng khí đốt và gần 15% trữ lượng dầu mỏ của thế giới cùng với vị thế nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới hiện nay của Nga, thì Liên minh Kinh tế Á-Âu đã góp phần đưa Nga và các nước thành viên lên một tầm cao hội nhập hoàn toàn mới.
Liên minh mới này sẽ là "một cầu nối giữa phương Đông và hương Tây", như nhận định của Tổng thống Kazakhstan Nazarbayev.
Kết quả bước đầu của Liên minh Hải quan là khá rõ khi nó giúp tổng giá trị của ba nền kinh tế năm 2013 đã vượt con số 2.200 tỷ USD trong khi tổng sản lượng công nghiệp lên tới 1.500 tỷ USD.
Với việc tăng cường hội nhập kinh tế trong không gian giữa EU và khu vực châu Á đang phát triển nhanh chóng, các thành viên của EAEC đã thành lập một khối kinh tế mới, có khả năng đem lại một định dạng bình đẳng hơn và đa trung tâm cho nền kinh tế thế giới. Trên thực tế, đấy sẽ là khu vực tự do thương mại giữa châu Âu và châu Á. Đồng thời, EAEC sẽ là một cấu trúc mở và bất cứ quốc gia nào, không chỉ những nuớc thuộc SNG hay Liên minh Hải quan, đều có thể tham gia sát nhập.
Bên cạnh những kết quả tích cực như đề cập ở trên, chính sách liên kết Á-Âu của Nga vẫn còn một số hạn chế nhất định.
Với xu hướng giá dầu mỏ thế giới biến động như hiện nay và quan hệ Nga-phương Tây đang nguội lạnh thì "Liên minh kinh tế Á-Âu" cũng đang bị tác động tiêu cực. Ngoài ra, một trong những cơ chế bảo đảm an ninh của kế hoạch "Liên kết Á -Âu" là sự ra đời và hoạt động của Tổ chức ODKB.Trước hết, định chế Liên minh kinh tế Á - Âu vẫn nặng về hình thức, chưa đi vào thực tế là hợp tác kinh tế, thương mại. Liên minh này phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế Nga, trong khi đó kinh tế Nga chưa thoát khỏi tình trạng phụ thuộc vào năng lượng.
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều nước không muốn tiếp tục nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Nga. Cụ thể là năm 2012, Uzbekistan - một thành viên sáng lập, chính thức xin rút khỏi ODKB, để gia nhập vào liên minh với Hoa Kỳ tại Trung Á. Các nhà quan sát cho rằng, đây là tín hiệu rõ ràng cho sự xói mòn ảnh hưởng của Moscow tại Trung Á, trong khi tầm ảnh hưởng của Hoa Kỳ tại tăng lên.
Sự kiện khủng hoảng chính trị và cuộc nội chiến tại Ukraine từ tháng 2/2014 đến nay là một nguy cơ nghiêm trọng, tác động trực tiếp lên nước Nga và các nước trong khu vực. Chưa khi nào nước Nga hiện đại cảm nhận được sự đe dọa và những nguy cơ tiềm tàng đối với an ninh ổn định trong nước và khu vực như lúc này. Kế hoạch an ninh trong chiến lược Á- Âu của Nga đang bị lung lay.
Triển vọng của chính sách Liên kết Á - Âu
Theo Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính trị - quân sự Nga Podberezkin Aleksey, thế giới hiện nay xác định những xu hướng khách quan sẽ diễn ra trong tương lai như sau: Sự gia tăng xung đột, cạnh tranh giữa các quốc gia, thậm chí đối đầu quân sự; Sự suy yếu ảnh hưởng của các tổ chức quốc tế và những cơ chế đối phó với nhiều thách thức đang tồn tại; Khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng toàn cầu mới, xuất phát từ nhận thức của các mô hình kinh tế - chính trị- xã hội cũ.
Theo dự báo này, những xu hướng toàn cầu khách quan trên góp phần tạo điều kiện cho quá trình hội nhập Á-Âu, trước tiên là hội nhập không gian Á- Âu và tiếp theo sẽ là mở rộng hội nhập từ Đại Tây Dương đến Vladivostoc.
Với 5 thành viên chính thức, Liên minh kinh tế Á-Âu sẽ thúc đẩy đàm phán giữa các nước thuộc Liên Xô cũ như Tajikistan, Uzberkistan, Turkmenistan, Moldova và các nước ngoài khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan, nhằm mở rộng không gian kinh tế ra khu vực Trung Á, Nam Kavkaz và Trung Đông.
Ngoài ra, liên minh này cũng đang xém xét, đàm phán và đi đến ký Hiệp định về khu vực thương mại tự do với Việt Nam và một số nước khác. Trong tương lai, khi Liên minh Kinh tế Á-Âu phát triển thành Liên minh Á-Âu thì đây sẽ là một đối trọng với Liên minh châu Âu, cạnh tranh tầm ảnh hưởng và mở rộng thị trường của mình sang khu vực Nam Á, Đông Nam Á.
Với những gì đã và đang diễn ra cho thấy, nước Nga đang tập trung mọi nguồn lực cho chiến lược "Liên kết Á- Âu" của mình. Nga sẽ tiếp tục theo đuổi và hình thành nên một "Thế kỷ Á-Âu" trong tương lai không xa./.
CTV Minh Tuấn
Theo_VOV
Nga-Trung: Đối mặt hay nhượng bộ? Cả Trung Quốc và Nga đều có hấp lực với Kazakhstan, nhưng dù sao thì hiện tại, Nga vẫn là đối tác chính của quốc gia Trung Á này. Các lợi ích Trung Quốc Hai vấn đề cốt lõi xác định chính sách của Trung Quốc với Kazakhstan: Đầu tiên, sự phát triển của khu tự trị Tân Cương thông qua hợp tác...