Rạng sáng ở pháp trường
Theo thông lệ, không biết đã có từ bao giờ mà tất cả các cuộc thi hành án tử hình đều diễn ra vào lúc tờ mờ sáng để đến lúc mặt trời lên là tất cả đều đã hoàn tất.
Trường bắn Cầu Ngà nằm ngay phía sau Trại tạm giam Hà Nội. Nếu đi đường vòng phía ngoài cổng trại thì chỉ hơn một cây số. Trại giam chuyển từ đường Hỏa Lò về đây năm 1993 thì Trường bắn Cầu Ngà cũng bắt đầu có từ khi ấy. Có một điều kỳ lạ là con đường dẫn đến trường bắn là độc đạo và trường bắn là điểm cuối cùng của con đường ấy. Thế nên, tử tù đã bị đưa đến đây là… phải ở lại.
Theo thông lệ, các cuộc thi hành án tử hình đều diễn ra vào lúc tờ mờ sáng để đến lúc mặt trời lên là tất cả đều hoàn tất. Thế nên, ở trường bắn, ban ngày yên tĩnh, vắng lặng đến u buồn. Những ngôi mộ tử tù xếp thành hàng, im lìm.
Theo trí nhớ của những cán bộ công an ở Trại tạm giam Hà Nội thì tử tù “xông” trường bắn Cầu Ngà là Huỳnh Thức. Cuộc chuyển tù từ trại giam cũ ở đường Hỏa Lò về trại mới hoàn tất hồi tháng 3/1993 thì tháng 4 năm ấy, tử tù Huỳnh Thức bị thi hành án và trở thành tử tù đầu tiên thi hành án ở trường bắn Cầu Ngà.
Lấy dấu vân tay của một tử tù trước khi ra trường bắn.
Mỗi tử tù khi bị đưa vào đây là một số phận, con đường sa ngã khác nhau. Có tử tù ở đây lâu, chỉ cần nghe tiếng giày khua trên hành lang phía ngoài buồng giam trong những ca đi tuần tra là biết của cán bộ nào. Nhiều khi, từ trong buồng giam vọng ra, hỏi thăm cán bộ. Có quản giáo bị ốm, nghỉ làm mấy hôm, thấy vắng tiếng giày là tử tù lại vọng ra băn khoăn, cán bộ đi đâu mà không thấy. Cán bộ cũng quen giọng nói của từng tử tù. Chỉ cần nghe tiếng thôi, vọng từ trong buồng giam, cách mấy lần cửa sắt vẫn nhận ra là của tử tù nào mà không cần thấy mặt.
Ngày nào cũng xuống buồng giam, tử tù nào có gì đó bất thường về tâm lý, về sức khỏe là cán bộ biết ngay. Hỏi về bất kỳ một tử tù nào đang còn sống trong khu giam thì tất cả các quản giáo ở đây đều biết rõ tội trạng, hoàn cảnh gia đình, tình trạng sức khỏe, tinh thần mà không cần phải mở hồ sơ hay bất kỳ một thứ sổ sách ghi chép nào.
Tử tù Hoàng Thị Tiến.
Tử tù Hoàng Thị Tiến, gần 3 năm sống ở khu giam này mà chỉ được thăm nuôi vài lần. Nhà Tiến ở mãi Sơn La, vợ bị bắt một mình chồng Tiến chật vật nuôi hai đứa con nhỏ nên chả có điều kiện lặn lội xuôi về Hà Nội thăm nuôi vợ. Không có tiếp tế, Tiến sống hoàn toàn nhờ vào tiêu chuẩn của trại, từ bữa ăn hàng ngày cho đến những vật dụng nhỏ nhất dành riêng cho đàn bà.
Quản giáo Nguyễn Thị Hạnh, Đội phó Đội quản giáo bảo: “Tiến cô đơn trong cả những ngày sống cuối cùng này, họa hoằn lắm mới được gia đình xuống thăm nuôi”.
Mà không phải chỉ một mình Tiến. Tất cả các tử tù chờ chết ở trong khu giam này đều được chăm sóc tận tình. Ngày nào quản giáo cũng xuống buồng giam làm nhiệm vụ, họ quen tử tù đến từng nét mặt, giọng nói, tính cách. Thế nên, một người quản giáo đã làm việc trong khu giam tử tù nhiều năm đã nói mỗi buổi sớm tinh sương, khi có bất kỳ một tử tù nào phải “xuất buồng” là trong chị dường như có khoảng trống mơ hồ nào đấy ập đến khiến lòng chị nặng trĩu.
Video đang HOT
Vẫn biết rằng cái ngày họ đền tội sẽ phải đến mà sao chị vẫn không thể xua đi được cảm giác ấy. Làm việc trong khu giam mãi rồi, từng chứng kiến nhiều buổi sớm tinh sương như thế mà chị vẫn không thể nào quen được. Nỗi buồn cứ từ đâu bỗng dưng xộc đến thôi. Nhất là lúc nghe mơ hồ thấy tiếng súng nổ, xa xa. Có tử tù xuất buồng đến mấy năm rồi mà khi tôi hỏi đến, chị vẫn nhớ vanh vách số giam và chị bảo rằng, chỉ cần nhắm mắt lại là chị hình dung thấy gương mặt của người ấy, lúc khóc, lúc cười…
Trong tất cả các buổi thi hành án tử hình thì theo luật định, Hội đồng thi hành án sẽ gồm nhiều cơ quan, nhưng không bao giờ vắng mặt cán bộ quản giáo. Quản giáo sẽ là người đầu tiên phải vào buồng giam tử tù trong những buổi sáng tinh mơ như thế. Quản giáo cũng là người đầu tiên cất tiếng gọi, đánh thức tử tù. Và, câu nói quen thuộc bắt đầu bao giờ cũng là: “Hôm nay đi trả án nhé”, khẽ khàng khi tiếng khóa lách cách đã va vào không gian buốt nhói, khi cánh cửa sắt nặng nề của buồng giam đã mở.
Đa số các tử tù sẽ bật dậy và hầu hết họ đều trở nên luống cuống. Có người chân tay trở nên mềm nhũn, không thể tự đi được, quản giáo phải dìu từng bước. Họ được làm vệ sinh cá nhân, được thay quần áo mới trước khi “xuất buồng”. Trong tất cả nhưng giây phút khó khăn đầu tiên này, người quản giáo bao giờ cũng là người ở sát bên tử tù. Chỉ đến khi đưa được tử tù ra khỏi khu giam một cách an toàn thì nhiệm vụ của người quản giáo mới kết thúc.
Tử tù sẽ được bàn giao cho Hội đồng thi hành án tiến hành các thủ tục tiếp theo. Khoảng sân chờ ở phía cuối hành lang, ban ngày hoa hồng vẫn nở và tiếng chim từ đâu tụ về vẫn hót ríu ran nhưng trong những buổi sớm mờ sương như thế, vắng lặng thinh không trở thành điểm chia tay. Tử tù thì đi tiếp còn những người quản giáo sẽ quay trở về phòng làm việc trong khu giam, tiếp tục nhiệm vụ của mình. Họ đã nói gì với nhau vào khoảnh khắc ấy?
Một quản giáo tâm khi khi rời tay ra khỏi tử tù, chị thường chúc họ ra đi thanh thản. Còn họ, thường lập cập cảm ơn và hứa “ở thế giới bên kia sẽ phù hộ cho các thầy” (ở trại giam các phạm nhân thường gọi quản giáo là “Thầy”). Con chim sắp chết sẽ hót tiếng hay, người sắp chết sẽ nói lời phải. Thế nên, những người quản giáo tin đó như một lời tri ân cuối cùng của các tử tù dành cho họ…
Theo An Ninh Thế Giới
Tử tù trong những ngày cùng tháng tận
Nghĩa quay lại nhìn mẹ và khóc nức nở
Sau khi bản án tử hình có hiệu lực pháp luật, tử tù sẽ còn chờ đợi bao lâu nữa cho cái ngày cuối cùng của đời mình ở nơi trường bắn? Cuộc sống của họ sẽ ra sao trong những ngày chờ đợi căng thẳng đó? Và, những gì sẽ diễn ra trong những buổi sáng mờ sương, hoang lạnh ở nơi pháp trường?
Còn hy vọng nào nữa cho một bản án tử hình?
Hình phạt tử hình là một hình phạt đặc biệt nên việc thi hành hình phạt tử hình được quy định thành một chương riêng trong Bộ Luật Tố tụng Hình sự Việt Nam với hai điều luật riêng biệt. Điều 258 quy định về "Thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi đưa ra thi hành" và điều 259 quy định về thủ tục "Thi hành hình phạt tử hình".
Sau phiên tòa sơ thẩm, tất cả các bị cáo còn được quyền chống án lên Tòa phúc thẩm. Tất nhiên đây là quyền lợi hợp pháp của họ được pháp luật cho phép, ai từ chối thì thôi không bắt buộc. Nhưng hầu hết các bị cáo bị Tòa sơ thẩm tuyên án tử hình đều kháng cáo. Lẽ vì, đây là cách duy nhất để kéo dài thêm thời gian được sống. Ngay cả khi họ chả còn hy vọng gì được giảm án xuống chung thân ở phiên tòa phúc thẩm thì ít nhất họ cũng được có cơ hội sống thêm vài ba tháng nữa trong thời gian chờ đợi từ phiên sơ thẩm đến phiên phúc thẩm.
Luật sư (LS) Nguyễn Anh Thơm, một trong hai LS bảo vệ quyền lợi cho Nguyễn Đức Nghĩa ở phiên tòa phúc thẩm, trước quyết định y án tử hình của Hội đồng xét xử (HĐXX), đã viện dẫn điều 258 Bộ Luật Tố tụng Hình sự để trả lời với báo giới rằng, thân chủ của ông vẫn còn có một cơ hội nữa. Đó là trong thời hạn 7 ngày kể từ khi tuyên án, người kết án còn được gửi đơn xin tha tội chết lên Chủ tịch nước.
Thế nên, sợ Nguyễn Đức Nghĩa để vuột mất cơ hội này, mẹ Nghĩa, trong nước mắt chứa chan sau phiên toà sơ thẩm đã cố lao theo con, thảm thiết: "Nhớ viết đơn xin tha tội ngay nhé, Nghĩa ơi". Và Nghĩa, cũng nước mắt lưng tròng, cố ngoái lại thổn thức, dường như để cho mẹ yên lòng: "Con sẽ viết, mẹ đừng buồn". Y lời hứa với mẹ, lá đơn ấy, Nghĩa đã viết chỉ một ngày sau phiên tòa phúc thẩm. Không chỉ có Nghĩa, hầu hết các bị án tử hình đều tận dụng cơ hội cuối cùng này.
Mẹ Nghĩa dặn con: "Nhớ làm đơn xin tha tội chết nhé, con ơi".
Còn nhớ, hồi đầu năm nay khi tôi gặp Nguyễn Thị Thơm, một "mẹ già buôn heroin" cao thủ ở Hà Nội, trong khu giam dành cho người bị kết án tử hình ở Trại tạm giam Hà Nội, Thơm bảo: "Bọn em đã vào đến đây là coi như nằm chờ chết thôi. Nhưng cũng không có nghĩa là đã hết hy vọng. Em đã gửi đơn xin tha tội chết lên Chủ tịch nước rồi. Biết đâu, may ra em còn được sống, được có cơ hội được nhìn thấy các con em lớn khôn". Nói rồi, Thơm cười, trong khi đôi mắt buồn vời vợi của người đàn bà này vẫn ầng ậc nước.
Thế rồi, mấy tháng sau cuộc gặp gỡ ở đằng sau song sắt nhà tù ấy, cuộc sống bộn bề cuốn tôi đi. Cho đến một hôm tôi bất ngờ nhận được tin: Thơm đã được Chủ tịch nước tha tội chết, hình phạt tử hình được hạ xuống chung thân. Những người cán bộ Công an ở Trại giam nơi Thơm sống trong những ngày chờ thi hành án tử hình cũng chia vui cùng Thơm. Họ kể rằng, khi giám thị trại giam vào trong khu giam đọc quyết định của Chủ tich nước tha tội chết cho Thơm, người đàn bà ấy đã gần như ngất đi vì sung sướng.
Ở trong khu giam tử tù này, thi thoảng những người quản giáo lại có cơ hội chia vui cùng những tử tù may mắn như thế, dù chỉ là số ít. Trước Thơm, đã có Nguyễn Thị Hoa, người đẹp buôn heroin ở Điện Biên, đã có Vũ Thị Duyên Quỳnh, kẻ ném con chồng xuống sông Hồng, đã có Lã Thị Kim Oanh, người đàn bà có thú vui "đốt tiền Nhà nước" và một vài tử tù khác, những người được may mắn "lỡ chuyến đò về âm phủ".
Quay trở lại câu chuyện của những tử tù khác thì sau phiên tòa phúc thẩm, tức là khi đó bản án tử hình đã có hiệu lực pháp luật thì cũng không phải sẽ được thi hành ngay trong ngày một ngày hai. Do bản án tử hình là một bản án đặc biệt cho nên pháp luật đã quy định một thủ tục bắt buộc: Chậm nhất là 3 ngày sau khi bản án tử hình có hiệu lực pháp luật, hồ sơ vụ án phải được gửi lên Chánh án Chánh án Tòa an Nhân dân tối cao (TANDTC) và bản sao của bản án phải được gửi lên Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao (VKSNDTC). Và, kể từ ngày nhận được thì trong thời hạn 2 tháng, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC phải xem xét bản án đó để xác định xem việc xét xử có chính xác hay không. Nếu thấy đã chính xác rồi, đúng người đúng tội rồi thì phải ra quyết định không kháng nghị. Còn trong trường hợp ngược lại thì phải ra quyết định kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
Hiểu một cách nôm na là kháng nghị xét xử lại. Thủ tục đặc biệt này nhằm để tránh oan sai cho người bị kết án. Do đó, bản án tử hình chỉ được thi hành, tức là tử tù chỉ phải đưa đi bắn khi bản án xét xử họ không có kháng nghị của Chánh án TANDTC và của Viện trưởng VKSNDTC. Đồng thời với đó là lá đơn xin tha tội chết của họ bị Chủ tịch nước bác.
Với ngần ấy thủ tục thì ngay cả trong trường hợp các tử tù bị bác đơn xin tha tội chết và bản án của họ không bị Viện trưởng VKSNDTC, Chánh án TANDTC kháng nghị thì khoảng thời gian tính từ lúc bản án tử hình có hiệu lực pháp luật cho đến khi tử tù bị đưa ra trường bắn, cũng khá dài, thường là phải trên 1 năm.
Còn trong trường hợp bản án bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm thì họ sẽ tiếp tục sống, chờ đợi các phiên tòa tiếp theo, thời gian có thể còn lâu hơn nữa. Cá biệt như trường hợp Đặng Văn Thế ở Nghệ An bị tuyên án tử hình về tội vận chuyện trái phép chất ma túy, do có sự hợp tác khai báo thành khẩn trước Cơ quan điều tra nên Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) - Công an tỉnh Nghệ An đã có công văn xin hoãn thi hành án tử hình đối với Thế để mở rộng điều tra. Và rồi, ngót 12 năm trôi qua, bản án tử hình của Thế vẫn không được thi hành. Thế cứ sống như thế hơn chục năm ròng trong phòng biệt giam dành riêng cho người bị kết án tử hình ở Trại giam Công an tỉnh Nghệ An.
Thương cảm cho cuộc sống thấp thỏm của Thế, một cán bộ Trại giam bèn cho Thế một con mèo cái để người tù tử hình này có bầu có bạn. Thế nuôi con mèo từ khi nó chỉ bằng cục bông bé xíu, đặt tên cho nó là Mương, cho đến khi Mương lớn rồi đẻ ra bộ ba Xe, Pháo, Mã. Bộ ba này lại tiếp tục sinh ra hết lứa này đến lứa khác. Khi mẹ già của Thế từ quê lặn lội lên trại thăm con, Thế đã gửi mẹ hai con trong đàn mèo để "mẹ về nuôi, nhìn nó là nhớ đến con". Mãi cho đến tháng 6/2009, cuộc sống trong phòng biệt giam của Thế mới chấm dứt bằng quyết định được ân giảm xuống chung thân.
Thế được coi là trường hợp tử tù đặc biệt, ghi kỷ lục về thời gian chờ đợi thi hành án. Trước và sau Thế, tính đến thời điểm này chưa có thêm một trường hợp nào tương tự. Thế đã viết về cảm giác nghẹt thở của mình, một tử tù 12 năm chờ chết trong cái ngày được ân giảm án tử hình trong nhật ký: "Như vậy là mình đã được "xuống xiềng" thật rồi sao. Quả thật cho đến hôm nay mình vẫn không tin đó là sự thật. Đã hai ngày trôi qua, mình vẫn cảm thấy như điều đó là một giấc mơ. Sáng nay, mình đã ra gặp mẹ và gia đình để báo tin vui. Có thể thời gian sắp tới, cuộc sống của mình sẽ gặp nhiều vất vả, chả biết bao giờ mình mới có được ngày tạ tội với bố mẹ và gia đình. Nhưng việc được tha tội chết cũng đã làm mình phấn chấn hơn...".
Trở lại câu chuyện của các tử tù. Sau khi bản án tử hình có hiệu lực pháp luật, tất cả họ đều bị đưa vào một khu giam giữ riêng. Tùy từng trại giam, khu này sẽ được đặt theo các tên gọi khác nhau. Như ở Trại tạm giam Hà Nội thì gọi là "K", còn từng buồng giam riêng sẽ được đánh số thứ tự. Còn ở Trại giam Chí Hòa thì gọi là khu AB. Nhưng dù gọi tên theo cách nào đi chăng nữa thì đó vẫn là một khu giam riêng, chỉ dành cho những người bị kết án tử hình, tách biệt hẳn với các khu giam chung dành cho các thường phạm.
Thiết kế loại buồng giam riêng cho các tử tù cũng khác với các buồng giam chung giam thường phạm. Buồng giam cho tử tù diện tích hẹp, với hai bệ xi măng làm "giường". Cuối "giường" là cùm. Mỗi buồng giam như vậy được thiết kế cho hai tử tù nhưng tùy từng điều kiện, có trại hai phạm nằm chung một buồng nhưng có trại thì mỗi tử tù được ở một buồng. Một bệ xi măng dùng để nằm còn bệ kia thì dùng làm nơi để vật dụng cá nhân hoặc tắm rửa.
Trong hình dung của nhiều người thì buồng giam tử tù hẳn là nơi ẩm thấp, tối tăm. Nhưng tôi đã có dịp vào tận trong buồng giam của một số tử tù tại Trại tạm giam Hà Nội thì thấy trái ngược hẳn. Sạch sẽ, tịnh không thấy mùi ẩm mốc lưu cữu. Đồ đạc, vật dụng cá nhân của các tử tù cũng được cất đặt khá gọn gàng. Phòng nào cũng có vòi nước riêng và các tử tù bảo hầu như chả bao giờ ở đây bị mất nước hay mất điện. Thậm chí, ở trong khu giam tử tù nữ, tôi còn thấy phòng biệt giam có cả mùi nước hoa nữa.
Sống trong buồng biệt giam chờ chết nên hầu hết các tử tù đều âm thầm chuẩn bị cho cuộc ra đi. Một số người cẩn thận tự chuẩn bị cho mình áo trắng (coi như áo liệm), chuẩn bị găng tay, tất chân (loại bằng nilon) để sau này giữ được nguyên vẹn xương khi bốc mộ. Có người thì ngày ngày viết nhật ký vào lớp trong của chiếc áo khoác để sau này khi đi rồi còn có cái gì đó để lại cho gia đình. Lại có người thì chỉ chú tâm vào chuyện xem bói, ngày nào cũng lập quẻ xem bao giờ thì đến lượt mình sẽ phải đặt chân xuống "chuyến đò âm phủ".
Lã Thị Kim Oanh, sau này khi đã được ân giảm xuống chung thân, gặp lại tôi ở Trại giam số 5 Thanh Hóa cứ tủm tỉm cười khi nhớ lại những ngày nằm biệt giam ở Trại T16 chờ thi hành án tử hình. Oanh vốn là người mê tín, ngày trước khi còn làm Tổng giám đốc, ngày nào cũng xem bói. Ngày tốt thì mới ký tá, ngày xấu thì thôi. Thế nên, lúc chờ thi hành án tử hình, cận kề với cái chết, Oanh càng mê tín hơn.
Một tử tù được gặp gia đình tại Trại tạm giam Hà Nội: Hai người chỉ nhìn nhau và khóc.
Lã Thị Kim Oanh kể: "Ngày nào trong buồng biệt giam tôi cũng tự lẩm nhẩm bấm quẻ cho mình. Có hôm quẻ phán xấu tôi tin là sẽ phải đi nên cứ khóc lóc vật vã. Hôm sau, mắt sưng húp lên. Quản giáo tưởng đau mắt bảo hay là mời bác sĩ xuống khám cho. Tôi ngượng ngùng, định giấu nhưng thấy quản giáo lo lắng quá cho mình nên đành phải thú thật...".
Trong thời gian chờ đợi ngày ra pháp trường, các tử tù cũng vẫn được nhận quà tiếp tế hàng tuần, được gặp mặt gia đình hàng tháng như tất thảy các tù thường phạm khác. Ở Trại tạm giam Hà Nội, từ cách đây nhiều năm đã có được một khu nhà gặp mặt dành riêng cho các tử tù với mô hình giống ở nước ngoài mà ta vẫn thi thoảng thấy trong một số bộ phim. Tử tù và người thân được nhìn thấy nhau, dù ở khoảng cách rất gần nhưng tất nhiên là không trực tiếp mà phải qua một lớp kính trong suốt. Và, tử tù sẽ được nói chuyện với người thân khoảng 15 phút trong mỗi cuộc gặp như thế qua telephone. Tiếng là vậy nhưng hầu hết trong các cuộc gặp họ cũng chẳng nói chuyện được với nhau nhiều mà toàn khóc. Tử tù Nguyễn Thế Đô bảo với tôi rằng, cuộc gặp nào, mẹ em và hai đứa con gái cũng đến nhưng chỉ nhìn nhau mà khóc thôi, có nói được gì đâu. Mấy năm rồi, cuộc gặp nào cũng vậy thôi.
Tử tù Nguyễn Thế Đô
Nhưng Đô kể thêm: "Cũng có cuộc gặp có nụ cười. Nhưng là với một người bạn tù, cùng chung số phận tử hình như mình, trong một cuộc hạnh ngộ tình cờ. Bọn em sống trong cùng một dãy giam, buồng nọ sát vách buồng kia, ngày nào cũng nói chuyện qua tường với nhau, tâm sự đủ mọi thứ chuyện mà chả biết mặt. Mãi đến hôm em và một bạn tù cùng ra gặp người thân, chạm nhau ở phòng thăm gặp. Em hỏi cậu ấy ở buồng nào. Cậu ấy nói số buồng em mới té ngửa, hóa ra đó là tử tù nằm ngay cạnh buồng của em. Hai đứa nói chuyện với nhau rỉ rả suốt cả năm trời hôm nay mới thấy mặt nhau. Em cười, cậu ấy cũng cười. Nụ cười hiếm hoi ở trong phòng thăm gặp đặc biệt này..."
Theo An ninh thế giới
Ngày tháng cuối cùng của những tử tù Sống trong buồng biệt giam nên hầu hết tử tù đều âm thầm chuẩn bị cho "cuộc ra đi". Một số người tự chuẩn bị áo trắng (coi như áo liệm), găng tay, tất chân (loại bằng nilon); có người ngày nào cũng lập quẻ xem bao giờ thì đến lượt mình sẽ phải đặt chân xuống "chuyến đò âm phủ". Sau phiên...