Răn đe người chủ quan ra đường để công sức chống dịch không ‘đổ sông đổ bể’
ĐBQH cho rằng chỉ một nhóm người dân chủ quan ra đường giữa dịch bệnh có thể khiến cho nỗ lực của cả hệ thống chính trị đổ sông, đổ bể.
Sau hơn 1 tuần nghiêm túc thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, những ngày qua ở Hà Nội và TP.HCM, người dân lại đổ xô ra đường gây cảnh tượng đông đúc, nhộn nhịp. Điều này có nguy cơ đe dọa thành quả phòng chống dịch COVID-19 của cả nước.
VTC News có cuộc phỏng vấn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Văn Hoà, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về vấn đề này.
ĐBQH Phạm Văn Hoà, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
- Một tuần sau Chỉ thị 16 của Thủ tướng, đường phố Hà Nôi, TP.HCM bắt đầu đông nghẹt như chưa từng có lệnh cách ly xã hội, thưa ông?
Chính phủ đã công bố dịch COVID-19 trên toàn quốc. Đây là đại dịch, không chỉ Việt Nam mà cả thế giới đều bị ảnh hưởng rất lớn. So với thế giới, Việt Nam bị tác động chưa nhiều nhưng chúng ta không thể nào chủ quan, mất cảnh giác được.
Ở nước ta hiện nay, nếu để lây nhiễm nhiều trong cộng đồng thì bệnh viện có thể quá tải, không đủ y bác sĩ để điều trị cho người nhiễm, rất nguy hiểm. Khi không đủ lực lượng, số ca mắc quá đông sẽ dẫn đến chết người, đó là điều tất nhiên.
Vì vậy, ý thức của toàn bộ người dân trong việc phòng chống bệnh COVID-19 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng là cực kỳ quan trọng.
Một tuần qua, mọi người cơ bản chấp hành rất tốt. Tuy nhiên 2 ngày gần đây, ở Hà Nội, TP.HCM có hiện tượng dân đổ xô ra đường, tụ tập, đi lại rất đông, có người không mang khẩu trang. Ở các ngã ba, ngã tư, khi đèn đỏ, rất nhiều xe máy ùn ứ lại, điều này rất nguy hiểm vì không hề có sự giãn cách xã hội.
Một số người còn tụ tập để câu cá, hát hò… Đây có thể coi là hành động hết sức phi lý, có phần vô cảm trong bối cảnh hiện nay.
Sự thiếu ý thức của một số người có thể dẫn đến hậu hoạ mà chúng ta không thể lường trước, khiến công sức chống dịch 2 tháng nay có thể đổ sông, đổ biển.
Nếu lỡ phát sinh một cộng đồng nhiễm bệnh lây lan nhanh thì chúng ta sẽ trở tay không kịp. Trên thế giới, nhiều nước hùng mạnh về kinh tế, quân sự đang thảm thương vì tình cảnh này. Cho nên Việt Nam phải cố gắng cao nhất để điều đó không xảy ra.
- Hà Nội, TP.HCM và các địa phương trên phải làm gì để ngăn chặn kịp thời sự chủ quan của người dân và không để xảy ra viễn cảnh đen tối đó?
Chúng ta đã có quy định xử phạt vi phạm hành chính với vấn đề phòng chống dịch COVID-19, vì vậy phải xử phạt nghiêm minh để phòng ngừa, răn đe với những người thiếu ý thức.
Sự thiếu ý thức của một số người có thể dẫn đến hậu hoạ mà chúng ta không thể lường trước, khiến công sức chống dịch 2 tháng nay có thể đổ sông, đổ biển. ĐBQH Phạm Văn Hoà
Việc tập trung đông người ở các quán hàng, ngã ba, ngã tư, hay tụ tập hát hò, câu cá là điều cấm kỵ. Lực lượng chức năng cần xử phạt nghiêm các đối tượng này. Với những kẻ lợi dụng dịch COVID-19 để đua xe cũng phải bị xử lý.
Còn những người trốn cách ly là đối tượng nguy hiểm, có thể trở thành nguồn lây nhiễm cho xã hội, cần phạt nặng. Người không đeo khẩu trang cũng phải xử phạt.
- Ngoài việc xử phạt những người vi phạm, có cần thiết áp dụng các biện pháp mạnh tay hơn không, thưa ông?
Tôi cho rằng hiện nay, biện pháp hàng đầu là xử phạt những người vi phạm, song song với việc tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân.
Với những kẻ có hành vị chống đối, cự cãi, không hợp tác thì phải bắt giữ, bắt giam theo quy định đề phòng ngừa, răn đe.
Theo tôi, thời điểm hiện tại, các biện pháp của chúng ta đã cứng rắn, nếu muốn mạnh hơn nữa thì phải chờ ý kiến của Chính phủ và các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Việc thực hiện các biện pháp răn đe nặng nề hơn như một số nước đã làm thì phải xem xét trong từng hoàn cảnh cụ thể.
- Nhiều ý kiến cho rằng nếu tình trạng không được cải thiện, cần phải phong toả cả thành phố để kiểm soát chặt chẽ hơn. Theo ông, thời điểm nào cần thiết áp dụng việc này?
Chúng ta đã phong toả các điểm nhỏ như những ổ dịch có người dương tính, ví dụ ổ dịch Bạch Mai hay một số tuyến phố, chung cư. Tình hình hiện tại ở nước ta chưa đến mức phải phong toả quy mô lớn, cả một tỉnh hay thành phố.
Thời điểm này, theo tôi chỉ cần phong toả những nơi có mầm bệnh. Thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM nếu cần phong toả thì phải xem xét rất thấu đáo, xem mức độ dịch như thế nào, có cần thiết phong toả hay không.
Yêu cầu cấp thiết hiện nay với chúng ta là không được chủ quan. Hiện số ca mắc mới hàng ngày tăng không nhiều, lệnh cách ly xã hội của Chính phủ được người dân rất hoan nghênh và nghiêm túc thực hiện.
Nếu để xuất hiện nhiều ca bệnh ngoài cộng đồng thì trên đất nước Việt Nam, tỉnh thành nào cũng sẽ bị, như vậy hết sức nguy hiểm.
- Xin cảm ơn ông!
Video: Dân Hà Nội lại đổ ra đường dù vẫn trong những ngày cách ly xã hội
XUÂN TRƯỜNG
Người dân phố núi Sơn La chung tay phòng, chống dịch Covid-19
Người dân phố núi Sơn La đang tích cực thực hiện cách ly toàn xã hội, kiểm soát, ngăn chặn dịch Covid-19.
Với nhiều hành động thiết thực chung tay phòng chống dịch bệnh Covid -19, những ngày này, nhiều áp phích, băng rôn, khẩu hiệu về phòng chống dịch bệnh được treo trước mỗi cổng bản, ngõ xóm, người dân phố núi Sơn La đang tích cực thực hiện cách ly toàn xã hội, kiểm soát, ngăn chặn dịch Covid-19.
Pa nô, áp phích được treo tại vị trí dễ nhìn.
Mỗi con đường ở phố núi Sơn La những ngày gần đây trở nên vắng vẻ, thưa người bởi mỗi công dân đều nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Tại cổng bản, tổ dân phố, cụm dân cư đều được treo các pa nô, áp phích với nội dung: "Không có việc cần thiết xin đừng vào xóm";"Vui lòng dừng lại và quay ra nếu là người ngoài, xóm tôi rất cần bình an"; "Luôn giữ khoảng cách từ 2 mét trở lên và đeo khẩu trang khi có việc cần thiết đi ra ngoài"...
Ngay tại cổng bản, ngõ xóm, khu dân cư.
Không ít các ngõ xóm, các bạn trẻ cũng tự vẽ tranh cổ động, chung tay phòng, chống dịch Covid-19. Bạn Nguyễn Tiến Công ở phường Chiềng Lề, thành phố Sơn La nói: "Ở địa phương tôi thì cán bộ chính quyền ở phường, tổ cũng đến từng hộ gia đình để thông báo, hướng dẫn cách phòng chống dịch Covid-19, rồi phát thêm nước sát trùng khô cho các gia đình. Tôi thấy việc đấy rất là tốt, để cho mỗi người người dân trong tổ dân phố thấy là được Nhà nước cũng như là được chính quyền các cấp quan tâm hơn."
Tại nhà văn hóa các tổ, bản là những khuyến cáo, hướng dẫn người dân biện pháp phòng, chống dịch Covid-19
Công tác tuyên tuyền, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tới người dân dịp này cũng được chính quyền các tổ, bản triển khai đều đặn, nhất là tuyên truyền để người dân chấp hành việc không tụ tập đông người và thực hiện "Ở tại nhà", "Không ra ngoài khi không có việc thật sự cần thiết" theo chủ trương của Chính phủ và của tỉnh Sơn La.
Bà Nguyễn Thị Thân, Tổ trưởng tổ 3, phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La cho biết: "Qua tuyên truyền của tổ bản và tuyên truyền của các nhóm dân cư thì thấy người dân thực hiện chủ trương chống Covid tốt, khai báo từng ngày, không tụ tập đông người các buổi hội họp, ví dụ như là 8-3 không tổ chức hội họp."
Vì sự an toàn cho chính mình và cộng đồng, mỗi người dân phố núi Sơn La đều đang tích cực chung tay với mong muốn ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.
Từ sự tuyên truyền, vận động của các cấp chính quyền, giờ đây, người dân phố núi Sơn La đã hiểu rất rõ sự nguy hiểm của dịch bệnh Covid-19. Vì sự an toàn cho chính mình và cộng đồng, mỗi người đều đang tích cực chung tay với mong muốn ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.
Trấn Long
Cách ly xã hội: Người trẻ rời phố về quê trải nghiệm làm vườn Ngay trước ngày cách ly xã hội để phòng chống dịch Covid-19, nhiều bạn trẻ tranh thủ rời thành phố để về quê trải nghiệm nghề làm vườn, hái rau, bắt cá... tận hưởng những giây phút thanh bình. Những ngày cách ly xã hội, anh Đang về quê chăm sóc vườn cam của gia đình - ẢNH: DUY TÂN Trong suốt khoảng...