Rầm rộ vào cuộc vụ “nuôi hổ như nuôi lợn”
Ngay sau khi VietNamNet đăng loạt bài phản ánh việc nuôi hổ trái phép tại Nghệ An gây “chấn động” dư luận, chính quyền địa phương đã điều động các cấp các ngành vào cuộc làm rõ.
Sửng sốt, bất ngờ!
Nhóm PV vừa trở lại địa bàn huyện Yên Thành, nơi thông tin về việc một số cá nhân “cả gan” nuôi nhốt chúa sơn lâm để “tăng gia” vẫn còn nóng hổi.
Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành Nguyễn Sỹ Hưng sau khi chủ trì cuộc họp khẩn các ban ngành toàn huyện vào chiều ngày 18/10 đã tất bật quay lại văn phòng khi PV đặt lịch hẹn gặp.
Từ trái sang: Phó Chủ tịch huyện Yên Thành Nguyễn Sĩ Hưng Hạt trưởng hạt kiểm lâm Yên Thành Nguyễn Trọng Thực Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Nghệ An Trần Ngọc Chính.
“Tôi đã đọc các bài báo không dưới 20 lần. Sự việc quá nghiêm trọng! Ngay khi có thông tin trên báo, chúng tôi đã chỉ đạo lực lượng công an, kiểm lâm, Công an xã Đô Thành phải điều động tối đa quân số để vào cuộc điều tra làm rõ” – ông Hưng nói.
Theo ông Hưng, lãnh đạo từ huyện đến xã đều tỏ ra quá bất ngờ trước vụ việc. Ông cũng khẳng định từ trước đến nay chưa từng nghe thông tin người dân nuôi hổ trên địa bàn.
“Hàng năm chúng tôi đều giao các ngành chức năng kiểm tra chặt chẽ việc vận chuyển, nuôi nhốt động vật hoang dã do đó tôi rất sửng sốt với việc có một đường dây nuôi nhốt hổ như báo đã phản ánh”- ông Nguyễn Sĩ Hưng nói thêm.
Làm việc với PV, ông Nguyễn Trọng Thực, Hạt trưởng hạt kiểm lâm huyện Yên Thành cũng tỏ vẻ bất ngờ. Ông Thực cho rằng: “Hàng tuần, hàng tháng chúng tôi đều tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm soát. Hơn nữa còn có lực lượng công an, kiểm lâm cơ động quản lí địa bàn, không dễ để các đối tượng có thể vận chuyển trót lọt hoặc nuôi nhốt hổ trong thời gian dài mà không bị phát hiện”.
Không có bảo kê?
Tính từ thời điểm khởi đăng bài đầu tiên đến nay đã gần 1 tuần, nhưng các phương án tìm kiếm và tiếp cận đối tượng nuôi hổ như báo đã phản ánh, vẫn chưa mang lại kết quả.
Ông Nguyễn Sĩ Hưng cho biết: “Huyện đã triển khai tối đa lực lượng, tuy nhiên Đô Thành (nơi có đối tượng nuôi hổ bị phản ánh – PV) là xã có địa bàn rộng, dân cư đông và phức tạp, rất khó để phát hiện”.
Video đang HOT
Trước đó, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo huyện Yên Thành khẩn trương điều tra làm rõ vụ việc, báo cáo kết quả về tỉnh trước ngày 19/10. Tuy nhiên, quá thời hạn này, phía huyện vẫn chưa có kết quả cụ thể để “báo cáo”.
“Mỗi ngày chúng tôi cử 2 cán bộ kiểm lâm về Đô Thành kiểm tra theo dõi, nhưng rất khó để lần ra manh mối vì chúng tôi chỉ có thể tuần tra ở vòng ngoài, trong khi đó hầu hết nhà dân trên địa bàn đều “kín cổng cao tường”, rất khó tiếp cận” – ông Nguyễn Trọng Thực, hạt trưởng hạt kiểm lâm Yên Thành giải thích.
Qua tìm hiểu, đến 5 ngày sau khi báo phản ánh vụ việc, các lực lượng vẫn chưa thể khoanh vùng được những “điểm nóng” cụ thể.
Đề cập đến khả năng các đối tượng có thể tẩu tán hết số hổ nuôi nhốt trước khi lực lượng chức năng kịp phát hiện, ông Hưng cho rằng “các lực lượng đã vào cuộc gắt gao, có thể ngăn chặn tới mức tối đa việc tẩu tán hổ khỏi địa bàn”.
Trả lời câu hỏi có hay không việc bảo kê cho một số hộ dân nuôi nhốt hổ, ông Nguyễn Sĩ Hưng quả quyết: “Tôi có thể khẳng định cấp huyện tuyệt đối không có chuyện bảo kê”. Với câu hỏi đó, ông Nguyễn Trọng Thực hạt trưởng hạt kiểm lâm cũng đưa ra câu trả lời tương tự.
Dư luận thắc mắc ở chỗ, vì sao với mạng lưới các lực lượng chức năng luôn kiểm soát gắt gao và “tuyệt đối không có chuyện bảo kê” như thế, một đường dây vận chuyển, nuôi nhốt hổ mà lại vẫn có thể tồn tại?
Ngược lại, nếu quả thực có “ai đó” đứng ra bảo kê, nhận lo lót, liệu việc lực lượng chức năng phát hiện quá chậm trễ (hiện tại vẫn chưa có manh mối) có tạo thời cơ cho các đối tượng tẩu tán?
Ông Nguyễn Sĩ Hưng đề xuất: “Nếu bức bách quá thiết nghĩ tỉnh cần có quyết định cho chúng tôi được khám hành chính cả xã”.
Tuy nhiên, khi phóng viên viện dẫn ý kiến này, ông Trần Ngọc Chính, Phó Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Nghệ An đã bác bỏ. “Như thế là hoàn toàn trái pháp luật” – ông Chính cho biết.
Ông Chính nói thêm: “Để kết luận vụ việc cần phải chờ kết quả điều tra lâu dài, phải có thời gian”.
Quan điểm này khác hẳn với sự “sốt ruột” của phần lớn dư luận đang rất muốn chứng kiến đường dây vận chuyển, nuôi nhốt hổ này được đưa ra ánh sáng.
Bộ NN&PTNT đã có công văn số 3587/BNN-TCLN yêu cầu kiểm tra, xác minh thông tin, xử lý vụ việc báo nêu.
Công văn gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An và Hà Tĩnh cho rằng hành vi nuôi hổ không có nguồn gốc hợp pháp, không đăng ký trại nuôi là vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam và Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), gây nguy hiểm tới cộng đồng, tác động xấu tới môi trường, dịch bệnh và hình ảnh của Việt Nam đối với những nỗ lực về bảo tồn thiên nhiên trong cộng đồng quốc tế.
Bộ NN&PTNT đề nghị UBND tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương tổ chức kiểm tra đồng bộ các hoạt động mua bán, kinh doanh, nuôi nhốt hổ và các loài động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh xử lý kịp thời hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước theo đúng pháp luật tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về bảo tồn hổ nói riêng và các loài hoang dã nói chung.
Bộ NN&PTNT đề nghị UBND tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm (nếu có) gửi về Bộ trước ngày 10/11/2012.
Theo Dantri
Tiết lộ của người "nuôi hổ như nuôi lợn"
Ông chủ nuôi hổ trái phép ở Nghệ An tiết lộ, ngoài việc nuôi dạy chúng, những người nuôi hổ phải thể hiện được vai trò của một "bảo mẫu" chăm hổ như con, và kiêm luôn vai trò của bác sỹ thú y để chữa khi ốm đau bệnh tật.
Và rủi ro trong nghề nuôi Chúa sơn lâm này rất lớn, có thể mất hàng trăm triệu bất cứ lúc nào.
Tiếp tục trò chuyện sau khi dẫn chúng tôi mục sở thị đàn hổ, ông chủ C. tiếp tục kể về những vất vả trong cái nghề "chẳng giống ai" này.
"Làm cái nghề này lãi lớn nhưng cũng cực và nhiều rủi ro lắm. Vốn lớn, chi phí thức ăn thì cực nhiều và nếu không cẩn thận thì sẽ mất hàng trăm triệu trong phút chốc nếu hổ bị bệnh mà không có kinh nghiệm chăm sóc", C. nói.
Vừa là người nuôi nhưng C. cũng đã phải học hỏi kinh nghiệm nhiều nơi. Anh vừa là bảo mẫu chăm sóc nhưng cũng vừa là bác sỹ thú y.
Bốn con hổ tạ tại nhà C. được nuôi nhốt trong căn phòng chưa đầy 15m2.
C. bảo, nguy hiểm nhất là bệnh đi ngoài ra phân trắng. Khi đó thì coi như hết phương cứu chữa. Những lúc đó chỉ còn cách chuẩn bị đá để ướp xác hổ rồi tìm cách bán.
"Nhiều người nuôi cũng đã phải khóc ròng khi hổ chết, nhiều nhà mới đưa về một cặp hổ, mới được ba bữa thì chết, cũng có nhà chết 6 - 7 con rồi. Mất tiền tỷ đấy. Nuôi con ni khó lắm. Cũng ít nhà dám nuôi vì vốn nhiều mà dễ chết. Đã có nhiều hộ bại sản vì hổ chết liên tục, mà tiền vốn thì lại vay ngân hàng. Không có duyên không nuôi được con này đâu. Giờ to như thế này thì không sợ chết nữa. Mà có chết thì cũng bỏ vào đá rồi bán rẻ", C. tâm sự.
Theo H., em trai C. thì rủi ro trong nghề này là rất cao. Hổ dưới 3kg chết khá nhiều nên nguồn hàng hổ con đông đá dành cho khách có nhu cầu ngâm rượu ở đây khi nào cũng có.
Mỗi con hổ giống có giá vài trăm triệu, thế nhưng khi chết đi, đông đá thì chỉ bán được từ 20 đến 30 triệu đồng. "Có nhà bắt 2 con chết cả 2, khóc cả nhà, khiếp tới giờ luôn" - C. bảo.
"Con ni cũng bị cảm suốt. Những lúc đó chúng tôi cho uống thuốc như người. Cũng tự chữa bằng kinh nghiệm chứ ai mà dám mời bác sỹ. Và những lần chữa theo cách đó thì chúng đều khỏi bệnh cả", em trai C. nói thêm.
Theo C., nuôi hổ đưa lại nguồn thu nhập cao nhưng độ rủi ro rất cao. Có nhiều gia đình tan gia bại sản vì hổ chết liên tục.
Theo C. giai đoạn từ 5kg đến dưới 30kg thì hổ dễ chết nhất vì mới nuôi, sức đề kháng còn yếu. Con nào nuôi lên quá 30kg thì gần như ổn.
Khi đi mua hổ giống, C. là người trực tiếp liên hệ với đầu nậu bán hổ con. Giá mỗi con hổ giống từ 3-5kg khoảng 180 triệu. Những con hổ lớn hơn thì lại có giá rẻ hơn vì khó nuôi hơn. "Đưa hổ ra khỏi nhà họ thì là của mình, có chết thì chủ bán cũng không chịu trách nhiệm. Thế nên nhà nào nuôi cũng phải nuôi ít nhất 2 con, đề phòng có con chết còn gỡ được vốn".
Theo C., hổ là loài vật rất phàm ăn. Mỗi tháng hết khoảng 6 triệu tiền thức ăn. Chủ yếu là thịt bò, lợn, gà. Đến giai đoạn hổ trưởng thành thì chi phí thức ăn sẽ giảm đi vì lúc này chỉ mua các loại đầu, chân, cánh gà từ các siêu thị. Trung bình mỗi tháng một con tăng được 5kg.
"Bốn con hổ này tôi mới nuôi được hơn 1 năm nay. Chúng lớn khá nhanh. Giờ đã đạt trọng lượng trên 1 tạ rồi. Có thể xuất chuồng được rồi" - C. tiếp tục nói.
C. bảo, hổ trưởng thành thường được bán cho nhu cầu nấu lấy cao. Giá hổ sống khoảng 4- 5 triệu/kg, bao gồm cả phí vận chuyển. Khách mua thường là những doanh nghiệp giàu có và giới quan chức. Khi xuất chuồng thì buộc phải bắn thuốc mê rồi vận chuyển vào ban đêm.
C. cho hay. đợt này chắc do khó khăn chung nên khách mua hổ nấu cao cũng giảm hẳn.
Việc nuôi nhốt hổ cả năm trời cũng khiến cho C. gặp nhiều chuyện bi hài.
C. bảo, do anh chăm sóc hổ từ nhỏ nên chẳng rời được chúng lâu. Trong nhà còn có bố và em trai nhưng không ai thay anh chăm chúng được vì sợ hổ vồ. Thế nên, ngày nào cũng phải ở trong nhà để chăm sóc, cho chúng ăn, tắm rửa. Chỉ ra ngoài khi đi mua thức ăn, nhưng cũng chỉ vài ba tiếng rồi về.
Theo anh em nhà C., cũng có nhà có lần hổ bị sổng chuồng ra ngoài do quên cài chốt cửa. Nhưng rất may là khi đó hổ còn nhỏ, và phát hiện ngay nên người nuôi đã bắt chúng quay trở lại.
Điều quan trọng hơn và có tính chất quyết định là việc giữ kín được thông tin về việc nuôi nhốt trái phép này. Chỉ có người nhà và anh em thân thiết mới biết. Còn chuyện làm sao có thể nuôi mà không bị phát hiện và khi vận chuyển không bị bắt thì không phải lo...
Theo Dantri
Sửng sốt điểm nuôi nhốt hổ như nuôi lợn 4 cá thể hổ trưởng thành được nuôi nhốt trong căn phòng chưa đầy 15m2. Chuyện khó tin nhưng có thật ở Nghệ An. LTS: Chỉ đến khi tận mắt chứng kiến 4 con hổ trưởng thành tại điểm nuôi nhốt hổ trái phép tại xã Đô Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) thì chúng tôi mới tin những thông tin được cung...