Rác vũ trụ: Cuộc khủng hoảng vô hình đe dọa hệ sinh thái Trái Đất
Số lượng vệ tinh và mảnh vỡ không gian đang gia tăng với tốc độ đáng báo động, đặt ra nguy cơ nghiêm trọng đối với hệ sinh thái Trái Đất.
Các giải pháp sáng tạo như vệ tinh bằng gỗ, tàu vũ trụ tái sử dụng và quy định quốc tế đang được triển khai để kiểm soát tình hình.
Chính phủ và các công ty tư nhân đang nghiên cứu các giải pháp sáng tạo như tàu vũ trụ có thể tái sử dụng và vệ tinh bằng gỗ để giảm thiểu ô nhiễm không gian. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo trang tin Oilprice.com ngày 17/11, không gian đang dần biến thành một bãi rác khổng lồ. Cuộc đua chinh phục không gian của con người đang diễn ra với tốc độ chóng mặt, nhưng hậu quả môi trường lại đặt ra thách thức đáng lo ngại.
Báo cáo của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) năm 2024 có tựa đề “Hy vọng về tiến bộ công nghệ có trách nhiệm” đã chỉ ra: nền kinh tế không gian toàn cầu đã tăng vọt lên 546 tỷ USD, với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các quốc gia và tập đoàn trong việc khám phá và khai thác tài nguyên vũ trụ.
Số liệu gây sốc nhất chính là 10.125 vệ tinh trên quỹ đạo Trái Đất vào tháng 6 năm 2024, với tốc độ gia tăng 30% mỗi năm. SpaceX chiếm hơn một nửa số vệ tinh này, thể hiện sự thống trị của các doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực khám phá vũ trụ.
Video đang HOT
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng đó đi kèm với một hệ quả nghiêm trọng: khoảng 30.000 mảnh vỡ không gian đã bị bỏ lại, đe dọa trực tiếp đến hệ sinh thái Trái Đất. Các chuyên gia đang lo ngại rằng việc khai thác không gian đang diễn ra theo cách tương tự như con người từng làm với đại dương – thiếu trách nhiệm và không quan tâm đến tính bền vững.
Trước bối cảnh đó, các cơ quan chức năng đã bắt đầu có những hành động cụ thể để kiểm soát tình hình. Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) đã áp dụng khoản tiền phạt đầu tiên chống lại rác vũ trụ, với việc phạt Dish Network 150.000 USD vì không tuân thủ quy định di chuyển vệ tinh. Loyaan A. Egal từ FCC khẳng định: “Chúng ta phải chắc chắn rằng các nhà khai thác tuân thủ các cam kết của họ”.
Những giải pháp sáng tạo cũng đang được các nhà khoa học và doanh nghiệp nghiên cứu. Châu Âu đang hướng tới việc phát triển tàu vũ trụ tái sử dụng để giảm thiểu chất thải. PLD Space của Tây Ban Nha đã thành công trong việc phóng tên lửa tái sử dụng đầu tiên tại châu Âu. Một giải pháp đặc biệt là việc Nhật Bản phóng vệ tinh LignoSat – một khối lập phương 10 cm được chế tạo hoàn toàn bằng gỗ.
Meghan Everett thuộc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) nhận xét về vệ tinh gỗ: “Mặc dù có vẻ hơi phản trực giác, nhưng chúng tôi hy vọng chứng minh rằng các vệ tinh bằng gỗ có thể bền vững hơn và ít gây ô nhiễm môi trường so với các vệ tinh thông thường”. Điều này đặc biệt quan trọng, bởi các vệ tinh nhôm thông thường giải phóng các hạt nhôm oxit có thể ảnh hưởng đến sự cân bằng nhiệt độ và tầng ozon của Trái Đất.
Ngoài việc giảm thiểu rác thải, một số công ty còn đang nghiên cứu những ứng dụng mới trong không gian. Cơ quan Vũ trụ châu Âu đang khám phá khả năng truyền điện mặt trời từ không gian xuống Trái đất. Các công ty khác quan tâm đến việc khai thác tiểu hành tinh để tiếp cận các kim loại quý giá.
Tuy nhiên, nếu những dự án này tiếp tục được thực hiện mà không có sự kiểm soát chặt chẽ, hậu quả có thể khôn lường. Chúng ta cần những quy định nghiêm ngặt hơn để đảm bảo rằng chúng ta không lặp lại những sai lầm từng gây ô nhiễm Trái Đất.
Vệ tinh của Boeing phát nổ trong không gian
Lực lượng Không gian Mỹ đang theo dõi các mảnh vỡ không gian, sau khi vệ tinh do Boeing sản xuất phát nổ đầu tuần này.
Sự cố liên quan đến vệ tinh Intelsat 33e, được phóng vào năm 2016 với nhiệm vụ cung cấp thông tin liên lạc cho khu vực châu Âu, châu Á và châu Phi.
Vệ tinh Intelsat EpicNG do Boeing chế tạo. (Nguồn: Boeing)
Theo thông cáo báo chí từ Intelsat, sự cố xảy ra vào ngày 19/10 khi vệ tinh gặp phải một sự cố kỹ thuật, nỗ lực sửa chữa cùng với Boeing đã không thành công. Đến ngày 21/10, Lực lượng Không gian Mỹ xác nhận vệ tinh đã phát nổ.
Sự cố này đã khiến nhiều khách hàng của Intelsat mất điện hoặc gián đoạn dịch vụ truyền thông. Công ty hiện đang phối hợp với các nhà cung cấp bên thứ ba để giảm thiểu tác động và giữ liên lạc với khách hàng nhằm giải quyết sự cố.
Lực lượng Không gian Mỹ cho biết, họ đang theo dõi khoảng 20 mảnh vỡ từ vệ tinh này và khẳng định "không có mối đe dọa trực tiếp" đến an toàn không gian, đồng thời tiếp tục tiến hành đánh giá thường xuyên.
Trong khi đó, cơ quan vũ trụ Nga, Roscosmos, ghi nhận hơn 80 mảnh vỡ từ vụ nổ và xác định rằng sự phá hủy của vệ tinh diễn ra ngay lập tức với năng lượng cao.
Sự cố này xảy ra trong bối cảnh Boeing đang chịu áp lực từ dư luận về các vấn đề sản xuất của mình. Trước đó, hãng đã gặp phải hàng loạt sự cố liên quan đến máy bay, bị tố cáo bởi người trong nội bộ và đang đối mặt với các cuộc điều tra liên bang.
Điển hình, hai phi hành gia đã bị mắc kẹt trên Trạm Vũ trụ Quốc tế sau khi tàu Starliner của Boeing gặp trục trặc, khiến họ không thể trở về Trái Đất. Dự kiến, họ sẽ trở lại vào đầu năm 2025.
Cũng trong tuần này, Boeing báo cáo khoản lỗ quý 3 lên tới hơn 6 tỷ USD. Đầu tháng 10, CEO mới của công ty, Kelly Ortberg, thông báo sẽ cắt giảm khoảng 10% lực lượng lao động. Hiện hàng chục nghìn công nhân của Boeing vẫn đang đình công để phản đối các điều kiện làm việc.
Vụ nổ của vệ tinh Intelsat 33e không chỉ là một sự cố kỹ thuật mà còn làm dấy lên những lo ngại sâu sắc hơn về khả năng và an toàn trong quy trình sản xuất của Boeing.
Trung Quốc công bố Sách Trắng về chuyển đổi năng lượng Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, ngày 29/8, Văn phòng Báo chí Quốc vụ viện Trung Quốc đã ban hành Sách Trắng có tựa đề "Chuyển đổi năng lượng của Trung Quốc". Các kỹ sư kiểm tra hệ thống điện mặt trời được lắp đặt trên mái ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh minh họa: China Daily/TTXVN Sách Trắng nêu rõ...