Rác thải y tế thời hậu Covid-19: Tiếng kêu cứu từ đại dương
Thế giới đang đứng trước tiếng kêu cứu từ các đại dương vì lượng rác thải y tế khổng lồ thải ra ngoài môi trường do đại dịch Covid-19.
Hình ảnh những chiếc khẩu trang và găng tay y tế dùng một lần tràn ngập tại nhiều bãi biển trên khắp thế giới đang làm dấy lên một thực trạng đáng báo động về tình trạng ô nhiễm rác thải đại dương thời kỳ hậu Covid-19.
Rác thải y tế ở vùng biển. Ảnh: MSN.
Cùng với nỗi lo về sức khỏe, tính mạng, kinh tế suy yếu… thế giới còn đang đứng trước tiếng kêu cứu từ các đại dương vì lượng rác thải y tế khổng lồ thải ra ngoài môi trường do đại dịch Covid-19.
Hình ảnh đàn cá bơi giữa những rặng san hô, xung quanh khẩu trang y tế cùng găng tay cao su trải đầy dưới đáy biển được một thợ lặn quay ngoài khơi thành phố Antibes (tỉnh Alpes-Maritimes miền Nam nước Pháp), một trong những khu bảo tồn biển quan trọng nhất ở Địa Trung Hải, đã lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội Facebook từ cuối tháng 5.
Ông Laurent Lombard đến từ tổ chức Chiến dịch Biển sạch – tổ chức phi chính phủ của Pháp điều phối các hoạt động nhặt rác dọc theo vùng biển phía nam nước này vừa nhận định: “Có lẽ sớm thôi chúng ta sẽ có nguy cơ nhìn thấy nhiều khẩu trang hơn là sứa ở Địa Trung Hải”.
Các nhà hoạt động vì môi trường cảnh báo, không có các biện pháp xử lý kịp thời thì có lẽ loại “rác thải thời Covid 19″ này sẽ ngày càng tràn lan, tác động trực tiếp đến môi trường sống của chúng ta. Và có lẽ những hình ảnh đầy ấn tượng thay cho lời kêu cứu từ đại dương kia chính là lời cảnh tỉnh mọi người về một loại rác thải mới trong thời kỳ đại dịch toàn cầu diễn biến phức tạp.
Diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang đặt ra những thách thức chưa từng có đối với nền kinh tế đại dương, Hội nghị Đối thoại trực tuyến về đại dương vừa được tổ chức tại trụ sở Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở bang Geneva (Thụy Sĩ) tập trung vào giải quyết những thách thức liên quan tới vấn đề ô nhiễm đại dương cũng như xây dựng nền kinh tế xanh.
Video đang HOT
Trả lời báo giới trước hội nghị, Kristian Teleki, giám đốc Tổ chức Friends of Ocean Action (Tạm dịch là Những người bạn hành động vì đại dương) cho biết: “Lần đầu tiên chúng tôi tổ chức hội nghị trực tuyến về vấn đề đại dương. Bảo vệ đại dương cũng là bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ tài sản của chúng ta. Hội nghị lần này sẽ hướng tới hàng loạt các giải pháp khả quan giải quyết những vấn đề về môi trường mà chúng ta đang hết sức quan tâm.”
Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các nhà môi trường cũng đã từng cảnh báo về mối đe doạ của rác thải nhựa đối với đại dương và các sinh vật biển. Liên Hợp Quốc ước tính, có tới 13 triệu tấn nhựa được vứt xuống đại dương mỗi năm và một nửa số nhựa được sản xuất trên toàn cầu là dành cho các mặt hàng sử dụng một lần.
Theo giới chuyên gia về bảo vệ môi trường, ô nhiễm rác thải nhựa là vấn đề toàn cầu, tồn tại trước khi đại dịch xuất hiện vì vậy các chính phủ càng cần phải cẩn trọng về việc sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào sau đại dịch.
Bởi lẽ dịch Covid-19 sẽ còn diễn biến phức tạp nên khó tránh khỏi thực trạng đáng báo động về ô nhiễm rác thải y tế trên toàn cầu, như những gì các nhà bảo vệ môi trường đang lo ngại rằng các đại dương đang “không thở được” khi rác khẩu trang còn nhiều hơn cả sứa ở đại dương./.
Trung Quốc đau đầu xử lý rác thải y tế sau đỉnh dịch COVID-19
Hơn 20 thành phố ở Trung Quốc, đặc biệt là Vũ Hán, tâm điểm bùng phát dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) đang phải đối mặt với tình trạng ùn ứ rác thải y tế và phải xử lý số rác này một cách an toàn.
Một công nhân vệ sinh xử lý rác thải y tế tại một bệnh viện ở Thành phố Vũ Hán, Trung Quốc - Ảnh: XINHUA
Theo báo South China Morning Post của Hong Kong, nguồn tin từ Bộ Sinh thái và Môi trường cho biết lượng rác thải y tế ở Vũ Hán tăng gấp 6 lần so với thông thường. Các cơ sở xử lý rác thải y tế ở 28 thành phố khác đang ở công suất tối đa.
Ông Zhao Qunying, người đứng đầu Văn phòng khẩn cấp của Bộ Sinh thái và Môi trường ngày 10-3 cung cấp con số giật mình: "Các bệnh viện ở Vũ Hán đã tạo ra khoảng 240 tấn rác thải y tế mỗi ngày trong đợt cao điểm bùng phát dịch bệnh. Trong khi đó trước khi dịch bệnh xảy ra, chỉ có 40 tấn rác thải y tế".
Tổng cộng đến ngày 7-3, khoảng 136.000 tấn rác thải y tế đã được xử lý an toàn.
Rác thải y tế phải xử lý xong trong 24 giờ, tuy nhiên lúc đỉnh dịch, ở Vũ Hán, khoảng 190 tấn rác y tế bị tồn lại dù các nhân viên đã làm việc cật lực. Số rác này bắt đầu được xử lý từ ngày 2-3.
Chính phủ Trung Quốc đã điều động 46 cơ sở xử lý rác thải lưu động tới thành phố Vũ Hán và xây dựng một nhà máy mới với công suất 30 tấn trong vòng 15 ngày tại đây.
Ngoài ra nhà chức trách cũng nâng cấp các cơ sở xử lý chất thải nguy hại lên đủ điều kiện xử lý rác thải y tế. Các biện pháp này giúp tăng công suất xử lý rác thải y tế của thành phố từ 50 tấn/ngày lên hơn 263 tấn/ngày.
Vấn đề xử lý rác thải y tế thiếu hiệu quả từ lâu đã được nhiều người lo ngại tại Trung Quốc.
Khử trùng thùng đựng rác thải y tế ở một trung tâm điều trị bệnh nhân nhiễm bệnh COVID-19 ở Daegu, Hàn Quốc - Ảnh: REUTERS
Ông Hu Longhua tại Trung tâm Quản lý Hóa chất và Chất thải rắn cảnh báo năm 2018: "Theo Cục Thống kê quốc gia, có hơn 2 triệu tấn rác thải y tế bị lọt ra môi trường năm 2018".
Có 76 thành phố không xử lý rác thải y tế kịp thời. Trong khi vật tư y tế đã qua sử dụng được thải ra từ các bệnh viện được phân loại thành rác thải y tế, được đưa đến bãi rác hoặc đốt bỏ, rác từ các hộ gia đình có người nhiễm bệnh vẫn được coi là rác thải gia đình.
Ở Trung Quốc, người dân phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng để ngăn chặn sự lây lan của virus, điều này cũng là một trong những nguyên nhân khiến lượng rác thải y tế tăng đột biến.
Theo Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia, giai đoạn cuối tháng 2, Trung Quốc sản xuất khoảng 116 triệu tấn khẩu trang mỗi ngày, tăng gấp 12 lần so với đầu tháng.
Không rõ có bao nhiêu rác thải khẩu trang y tế đã qua sử dụng bị vứt bỏ hàng ngày nhưng nguồn cung mặt hàng này vẫn còn hạn chế và hầu hết người dân trên cả nước chỉ có thể mua một số lượng giới hạn trong một thời điểm được chỉ định.
Các nhà bảo vệ môi trường một mặt đã tổ chức các chiến dịch dọn dẹp rác ở bãi biển, một mặt cảnh báo về tình trạng vứt khẩu trang bừa bãi.
Nhiều tuần qua, hằng ngày hầu hết 7,4 triệu người dân Hong Kong đều vứt đi những chiếc khẩu trang dùng một lần, vật dụng thiết yếu khi ra đường trong mùa dịch bệnh.
Một lượng lớn khẩu trang bị vứt bừa bãi ở khu vực ngoại ô hoặc vùng biển, làm mất mỹ quan đô thị. Cùng với nhiều loại túi nhựa và các loại rác thải khác, chúng khiến sinh vật biển có thể nhầm khẩu trang là thức ăn.
Khẩu trang được làm từ polypropylene, một loại nhựa, và sẽ cần nhiều thời gian để tiêu hủy. Chúng ta bảo vệ sức khỏe của mình, nhưng vứt khẩu trang đúng cách là trách nhiệm với cộng đồng, các nhà bảo vệ môi trường kêu gọi.
HỒNG VÂN(tuoitre.vn)
Rác thải y tế chất như núi tại Trung Quốc sau đợt cao điểm bùng phát dịch COVID-19 Hơn 20 thành phố trên khắp Trung Quốc Đại lục đang phải đối mặt với tình trạng ùn ứ rác thải y tế. Đặc biệt tại Vũ Hán - tâm điểm bùng phát dịch COVID-19 - lượng rác thải y tế tăng gấp 6 lần so với thông thường. Rác thải y tế tại bệnh viện Liên minh Vũ Hán đang chờ được...