Rác thải và sinh vật nổi đầy mặt hồ Hà Nội
Những lá phổi điều hòa không khí thủ đô đang rơi vào tình trạng bốc mùi, sủi bọt…
Hồ Ngọc Khánh được cải tạo vào tháng 6/2015 với mục tiêu cải thiện cảnh quan, môi trường. Từ tháng 2/2016, khi hoàn thành cải tạo đến nay, cuộc sống người dân quanh hồ bị đảo lộn bởi mùi hôi thối nồng nặc bốc lên từ mặt nước.
Bất kỳ ai đi qua góc hồ từ số nhà 20 đến 36 phố Phạm Huy Thông đều phải bịt mũi, các hộ gia đình kinh doanh buôn bán cạnh đó rơi vào tình trạng vắng khách và đóng cửa. Lý giải hiện tượng, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó giám đốc Ban Quản lý dự án thoát nước Hà Nội, cho hay sau khi được cải tạo, hồ nào cũng xuất hiện tảo lục. Sau những ngày phát triển, tảo sẽ chết và nổi lên mặt hồ thành từng đám bọt theo chiều gió dạt về một góc, phân hủy gây ra mùi thối. Quá trình này kéo dài khoảng 1 đến 1,5 tháng rồi tự hết. Công tác xử lý váng tảo, rác đang được thực hiện. Đến ngày 6/5, đoàn kiểm tra của UBND quận Ba Đình, UBND phường Ngọc Khánh thông tin, tình trạng ô nhiễm đã giảm được khoảng 70%.
Bờ hồ Tây đoạn ven đường Thanh Niên – Nguyễn Đình Thi, nơi có dãy du thuyền, quán bar, nhà hàng nổi đang cạn nước, trơ ra tầng rác thải dày đặc. Trước đó vào năm 2010, nhà chờ du thuyền và du thuyền hoạt động tại đây đã bị Phòng Cảnh sát môi trường, Công an Hà Nội lập biên bản vì chưa có đề án bảo vệ môi trường, chưa có giấy phép xả thải.
Hồ Đền Lừ (Hoàng Mai) tại những đoạn ngóc ngách sát mép hồ, cá chết thối rữa nổi lên mặt nước, nước hồ chuyển màu xanh đậm.
Cá, ốc nổi dày đặc phía khu BT11B cạnh hồ Văn Quán (Hà Đông).
Video đang HOT
Hồ Hào Nam tạm thời bị thu hẹp để phục vụ dự án đường sắt trên cao. Khoảng diện tích còn lại của mặt hồ nổi đầy váng, xung quanh rác thải chất đống ngổn ngang. Ông Nguyễn Xuân Trang, Trưởng ban quản lý di tích đền Hào Nam (bên cạnh khuôn viên hồ), cho biết: “Năm 2012, thành phố bàn giao cho quận Đống Đa 10.000 m2 để làm hồ điều hòa, chứa nước mưa. Hiện nước thải sinh hoạt của nhiều hộ xung quanh chảy ra đó, khi thời tiết nắng nóng và mưa, nước bốc mùi hôi thối”.
Khoảng bờ kè phía lòng hồ ngập váng và rác. Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng – CECR (Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam), năm 2010 Hà Nội có 122 hồ. 86/122 hồ được kè toàn phần, chiếm trên 77%. Trong số hồ đã được kè, tình trạng người dân lấn chiếm làm hàng quán diễn ra tràn lan.
Hồ Văn Chương rộng 13.000 m2 nằm trên địa bàn giáp ranh và thuộc quyền quản lý của ba phường là Văn Chương, Thổ Quan và Hàng Bột. Hồ Văn Chương là hai trong số nhiều hồ đang bị ô nhiễm nặng ở Hà Nội bởi phải tiếp nhận nhiều nguồn xả thải. Nước hồ màu xanh đục, quanh miệng cống mùi hôi thối, mỗi khi mưa xuống, nước hồ chuyển màu đen đặc quánh.
Hồ Kim Liên (gần 3.000 m2) với cỏ dại, bèo gần như phủ kín. Dự án xây dựng cải tạo hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ Kim Liên được UBND TP Hà Nội phê duyệt ngày 23/4/2004, với tổng kinh phí 38,3 tỷ đồng, do Ban quản lý dự án Giao thông đô thị (Sở Giao thông Vận tải) làm chủ đầu tư. Hơn 10 năm được phê duyệt, tiểu dự án cải tạo hồ Kim Liên vẫn dậm chân tại chỗ.
Hồ Linh Quang nằm ở ngõ Văn Chương II, phường Văn Chương, quận Đống Đa, diện tích 22.000 m2. Tình trạng ô nhiễm khiến nước hồ chuyển sang màu đen, bốc mùi xú uế, ven hồ bị rác thải và cỏ dại phủ hầu hết. Kết quả phân tích cho thấy nước hồ bị ô nhiễm hữu cơ và sự phát triển mạnh của tảo.
Ngọc Thành
Theo VNE
Những hồ ô nhiễm nặng ở Hà Nội
Hồ Văn Chương, Linh Quang là hai trong số nhiều hồ đang bị ô nhiễm nặng ở Hà Nội bởi phải tiếp nhận nhận nhiều nguồn xả thải.
Trung tâm nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR) vừa công bố báo cáo hồ Hà Nội 2015. Báo cáo phân tích 30 hồ, trong đó 5 hồ được đánh giá không ô nhiễm, 11 hồ có dấu hiệu ô nhiễm, 8 hồ ô nhiễm nặng và 6 hồ ô nhiễm rất nặng.
Hồ Văn Chương, rộng 13.418m2 nằm trên địa bàn giáp ranh và thuộc quyền quản lý của ba phường là Văn Chương, Thổ Quan và Hàng Bột. Dù mức độ ô nhiễm hữu cơ trong hồ đã giảm nhiều so với năm 2010, nhưng kết quả phân tích chất lượng nước ô nhiễm rất nặng, tảo phát triển mạnh. Nước hồ có màu xanh đục, xung quanh miệng cống nước có mùi hôi thối vào mùa hè. Hồ tiếp nhận nước thải từ các hộ dân, các hộ kinh doanh ven hồ. Ảnh: Cecr.
Hồ Thiền Quang rộng 58.686m2, được bao quanh bởi 4 con phố đầy cây xanh và bóng mát là Nguyễn Du, Trần Bình Trọng, Trần Nhân Tông và Quang Trung. Mặc dù tảo phát triển mạnh nhưng ô nhiễm chất hữu cơ đã được cải thiện đáng kể so với 2010. Vào mùa hè, hiện tượng cá chết hàng loạt càng khiến hồ ô nhiễm. Hồ tiếp nhận nước từ hệ thống thoát nước khu vực và chất thải từ các quán nước ven hồ. Ảnh: Quý Đoàn.
Hồ Ba Mẫu thuộc hệ thống ao hồ tự nhiên liên thông với hồ Bảy Mẫu. Hồ rộng 43.448m2 được sử dụng để tạo cảnh quan và điều hòa nước trong khu vực. Nước hồ màu xanh lục. Vào mùa nóng, mặt hồ nổi nhiều xác tảo, mùi rất hôi thối. Sinh vật trong hồ chủ yếu là xương xỉ, bèo tây, cá trê đen. Theo phân tích chất lượng nước của Trung tâm, nước bị ô nhiễm hữu cơ và có sự phát triển của tảo. Nguyên nhân là do hồ tiếp nhận nước thải qua 10 cống lớn. Bên cạnh đó, hồ còn nhận rác từ các hàng quán xả xuống hồ. Ảnh: Cecr.
Hồ Linh Quan - một trong những hồ ô nhiễm nhất của Hà Nội hiện nay, có diện tích 22.108m2, nằm ở ngõ Văn Chương II, phường Văn Chương, quận Đống Đa. Nằm trong dự án cải tạo nhưng hồ bị bỏ ngỏ từ năm 2010 đến nay. Hồ tiếp nhận nước thải sinh hoạt từ các hộ dân xung quanh và hoạt động kinh doanh nhà hàng. Kết quả phân tích cho thấy hồ bị ô nhiễm hữu cơ và sự phát triển mạnh của tảo. Tình trạng lấn chiếm bởi các hộ dân khiến diện tích hồ ngày càng thu hẹp, mặt nước cạn dần. Mặt hồ chủ yếu là rác sinh hoạt, xác động vật và cá chết. Nước hồ có màu đen và thường bốc mùi hôi thối. Lòng hồ đang dần bị các hộ dân lấn chiếm để nuôi gia súc, gia cầm. Ảnh: Cecr.
Hồ Giảng Võ rộng 68.300m2. So với năm 2010 hồ bị ô nhiễm nặng hơn, nước hồ có mùi tanh hôi. Động vật sống trong hồ chủ yếu là cá, ốc được phòng sinh, không có thực vật thủy sinh. Hồ tiếp nhận nước thải từ các khách sạn lớn ven hồ. Ảnh: Cecr.
Cảnh quan lòng hồ Kim Liên ngày càng suy giảm, cỏ dại, bèo gần như phủ kín mặt hồ. Nước màu xanh đục, mùi hôi thối nặng. Môi trường nước ô nhiễm chưa được cải thiện dù đã áp dụng một số biện pháp xử lý do phải tiếp nhận lượng lớn nước thải từ hàng quán, tiệm rửa xe. Hồ có diện tích 20.224m2. Ảnh: Cecr.
Hồ Tứ Liên còn có tên khác là hồ Bụng Cá, ở quận Tây Hồ. Mặc dù nằm trong dự án cải tạo vào năm 2010 nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện gây nhiều bức xúc cho người dân. Cảnh quan hồ đang xuống cấp và có nguy cơ phát triển hàng quán bừa bãi. Nước hồ có màu xám đục và mùi hôi tanh nặng. Trong hồ chỉ có cá trê sinh sống được, rau và cá ở hồ không thể ăn được do quá bẩn. Kết quả phân tích nước năm 2015 cho thấy, nước hồ vẫn bị ô nhiễm nặng hữu cơ và tảo. Hồ có diện tích 25.796m2. Ảnh: Cecr.
Bên cạnh nghiên cứu về hồ, nhóm chuyên gia Cern còn công bố kết quả các ao ô nhiễm ở Hà Nội. Trên hình là Ao Phủ có diện tích 4.006m2. Đây là một trong những ao ô nhiễm nhất tại Hà Nội, nằm ở ngõ 1194 đường Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa. Nó tiếp nhận nước thải, rác thải trực tiếp từ các hộ dân, hàng quán, chợ tạm, tiệm rửa xe, trong đó còn có chất thải chăn nuôi gia cầm. Ảnh: Cecr.
Hương Thu
Theo VNE
Xử lý rác bằng cách đổ ra đường.... rồi đốt Thu gom rác thải sinh hoạt, đổ tràn ngập ra các con đường rồi châm lửa đốt là cách xử lý rác thải sinh hoạt của một số địa phương thuộc huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Thời gian gần đây, trên nhiều tuyến đường chính tại huyện Nghi Xuân, rác thải sinh hoạt của người dân được chất thành đống, nằm ngổn ngang...