Rác thải đang bủa vây hồ Than Thở, Đà Lạt
Hồ Than Thở nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 6 cây số. Rác thải đang bủa vây hồ Than Thở. Trong số đó có rác thải nhựa và rác bao bì thuốc bảo vệ thực vật của các nhà vườn, làng hoa ở quanh đó thải ra.
Theo lời của bà Hiền, cư dân đang sinh sống khu vực này, giờ đây người ta gọi đó là hồ Thê Thảm.
“Ô nhiễm môi trường. Thấy cái hồ không? Người ta cứ gọi chọc bây giờ là hồ Thê Thảm rồi đó. Nó hết Than Thở mà thành Thê Thảm đó. Vì nó xấu, nó dơ, người ta gọi vậy. Nước nó dơ, nó ô nhiễm môi trường đó”.
Còn đây là thác Cam Ly, nơi từng là thắng cảnh đi vào thi ca nhạc họa. Hơn chục năm nay thác Cam Ly bị ô nhiễm nặng nề từ cả rác thải cho tới nước thải từ các khu dân cư. Bà Hiền cho biết.
“Thác Cam Ly là nước thải của thành phố nó đổ về. Mùa mưa thì nó có nhiều nước thì nó đỡ hơn mùa khô. Mùa khô thúi lắm”.
Nhiều nơi rác vứt cả bao bên vệ đường. Bà Huế nói do có rác bẩn nên cũng lắm ruồi.
“Thấy thỉnh thoảng có ruồi nó bay về thôi. Bên kia nó bay về, chỗ rác thải nó bẩn quá”.
Đây là dòng chảy của con suối Cam Ly quanh đô thị Đà Lạt. Bờ suối được xây kè và rác được vứt dọc con suối ngay khu dân cư. Dòng chảy rác cứ như vậy mà đổ về thác Cam Ly. Ở Cam Ly có bãi chứa rác sinh hoạt hàng ngày của Đà Lạt luôn bốc mùi hôi lan đi rất xa. Theo bà Hiền, việc xả rác bừa bãi đã góp phần làm ô nhiễm môi trường.
“Không phải khách vất. Mà do cái sinh hoạt của dân, chứ không phải là do khách du lịch họ vất. Dân đó, cái ý thức dân cứ đổ rác xuống dưới hồ đó. Dân làm vườn nè, chai thuốc sâu nè cứ quăng xuống dưới hồ, nó làm ô nhiễm nước nè… Người ta làm, người ta không vất ở một nơi cố định. Người ta vất vô mấy cái bể mương, có phải là nước mưa nó sẽ trôi xuống dưới cái hồ không? Đúng không. Còn nếu mà mình có ý thức mình vất vô những cái nơi bỏ rác thì lấy đâu nó trôi xuống hồ”.
Kêu gọi du khách ý thức việc xả rác cũng là vấn đề đặt ra. Ông Tiến, buôn bán ở chợ Đà Lạt cho biết.
“Khách bỏ, không phải người dân buôn bán người ta bỏ đâu. Ví dụ là người ta mua đó, người ta bỏ trong bị đó, người ta ăn xong người ta vất ngoài đường. Hoặc là 9 giờ, 10 giờ bắt đầu là có bảo vệ nè tới nó gom rác lại cho xe chở đi”.
Khu chợ Đà Lạt khi màn đêm buông xuống, dù là vào mùa nào thì cũng đông khách du lịch. Rác thải bao bì nhựa trong ăn uống, mua sắm của du khách đã tiện tay vứt xuống đường, cũng góp phần làm cho một Đà Lạt có nhiều rác.
Theo VOA
Nhà thờ Dòng Saint Franciscaines ở Đà Lạt hoang phế
Trên con đường đi vào Dinh Một tức Dinh Bảo Đại của thành phố Đà Lạt, có ngôi Nhà nguyện dòng Franciscaines.
Vẫn còn đó những đường khối khỏe khoắn, những bức tường điểm xuyết bằng đá chẻ và vòm cổng thâm nghiêm. Vẫn đó mái ngói sủi rêu qua thời gian và những lối đi mọc đầy cỏ dại.
Ông Hà, người dân gốc Đà Lạt kể.
"Các sơ của dòng tu Franciscaines đã lập ra một cái trường học cũng lấy tên là Saint Franciscaines dành riêng cho nữ sinh mà thôi".
Sau năm 1975, nơi đây lần lượt là trường bổ túc văn hóa, khách sạn, sau đó lại chuyển sang làm trường học, và từ năm 2000 nơi đây hoang phế với những cánh cửa gỗ bong tróc. Tất cả ẩm ướt và chìm sâu trong một màn tối của cánh đồi nhọc nhằn gánh trên mình một phế tích khó minh định lai lịch.
Ông Hưng, người sống gần đó kể.
"Cái thời kỳ trước có một số nhân viên khách sạn ở mấy cái phòng cạnh đó thôi. Nhân viên của nhà nước đó chứ không phải của nhà thờ, không phải người của nhà thờ đâu. Họ gọi cái nhà thờ đó là Franciscaines".
Lớp trầm tích của thời gian với mái ngói phủ rêu, những dãy hành lang vắng ngắt, lối đi mọc đầy cỏ dại... cùng lối kiến trúc xưa cũ khiến những người đến đây ngỡ như đang lạc vào thời Trung cổ. Cảnh hoang tàn của ngôi nhà nguyện cùng khu trường dòng ẩn mật và hiu quạnh khiến những cư dân gốc Đà Lạt như ông Hà rất buồn.
"Tôi rất yêu chỗ đó bởi vì họ có một lối kiến trúc y chang như là của Gothic của Hy Lạp, à của La Mã đó. Nhưng mà sau này thì bao nhiêu lần trở về Đà Lạt tôi có vào đấy, nhưng mà giờ rất là hoang tàn...".
Dấu tích còn lại của một công trình tôn giao là bức tượng Đức Mẹ phía bên hông nhà nguyện. Đã lâu lắm rồi nơi đây không còn tiếng chuông ngân nga trên đồi sương và những buổi kinh nguyện trên môi những nữ tu đồng trinh. Những khung vòm cửa như đôi mắt tu viện vẫn nhìn ra ngọn đồi để kể với lữ khách những câu chuyện bể dâu.
Theo VOA
Thay "áo mới" cho rác thải nhựa, làm gương từ gia đình Qua việc tái chế rác thải nhựa ngay tại gia đình, phụ huynh đã dần dần xây dựng được ý thức bảo vệ môi trường trong trẻ nhỏ. Theo VTV24