Rác – nỗi ám ảnh của người dân thành phố
Nhiều bạn đọc góp ý cách trị được nạn xả rác, một tệ nạn của thành phố hiện nay.
TP.HCM vừa tổ chức lễ phát động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước”. Cuộc vận động này nhằm chấm dứt tình trạng xả rác nơi công cộng trong nhiều năm qua, làm mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường, tắc hệ thống thoát nước trên kênh rạch, ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của người dân và hình ảnh của TP.
Bên cạnh sự hưởng ứng cuộc vận động của TP, nhiều bạn đọc muốn góp ý để lực lượng chức năng có cách trị được nạn xả rác, một tệ nạn của TP hiện nay.
Cần tuyên truyền từ một vụ phạt cụ thể
Bây giờ đi đâu, sống ở đâu trong TP cũng bị ám ảnh với nạn xả rác khắp nơi. Để người xấu thay đổi hành vi, khi có một trường hợp cá nhân bị phạt vì hành vi này thì đơn vị xử phạt nên liên kết với báo chí để tuyên truyền mạnh cho “vụ xử” đó. Người dân sẽ không quan tâm công ty này, tập đoàn kia bị phạt nhưng chắc chắn họ sẽ giật mình nếu cá nhân bị phạt và bị lên báo.
Ở địa phương cũng có thể thông báo đến quần chúng bằng hình thức bản tin ở một mức độ nhất định, nhằm vừa không vi phạm nhân quyền (không đưa hình ảnh, tên tuổi cụ thể), vừa cho người khác biết có người sai và đã bị phạt như vậy để tự nhắc nhở nhau ý thức hơn. Những hình ảnh xấu xí được trưng ra, dù không nêu rõ đó là ai cũng sẽ khiến người ta ái ngại và không dám vi phạm vì sợ bị bắt gặp.
NGUYỄN TUẤN ANH (Quận 1)
Người dân vứt rác bừa bãi trên đường Hùng Vương, quận 10 (ảnh lớn) và một người đàn ông có hành vi tiểu bậy bên đường (ảnh nhỏ). Ảnh: Đào Trang
Đừng để những bảng hiệu vô nghĩa
Người dân biết xả rác là bị phạt nên hay xả lén. Nhưng tôi tin là ít người biết đến mức phạt cho từng hành vi ra sao nên người ta không sợ, trong khi đó mức phạt cho hành vi xả rác đã được nâng lên rất nhiều lần từ hai năm nay. Chúng ta sử dụng rất nhiều băng rôn, biểu ngữ tuyên truyền nhưng gần như những nội dung trên đó không đủ “gãi ngứa” đối với đám đông.
Video đang HOT
Cần xóa bỏ các bảng hiệu tuyên truyền “sống văn minh là không xả rác”, “nói không với rác thải” đi và thay vào đó là “quăng một bịch rác, phạt 7 triệu đồng”, “tấp rác vào cống, phạt 7 triệu đồng”, “tuyến đường gắn camera phòng đổ rác trộm”… vừa tuyên truyền pháp luật khiến ai cũng phải thuộc nằm lòng, vừa khiến người dân sợ bị phạt mà không dám làm bậy.
UYÊN MINH (Quận 5)
Phải phạt thực sự
Lỗi vứt rác bừa bãi, xả rác nơi công cộng chung quy là do chế tài chưa đủ tác động làm thay đổi ý thức. Chế tài phải là những hình thức phạt gây tác động trực tiếp và lâu dài tới ý thức của người vi phạm, để lần sau họ chùn tay trước khi làm bậy.
Ở nước ngoài, những hình thức phạt khiến người ta sợ nhất không phải là phạt tiền mà là phạt roi, lao động công ích. Ai mà chẳng sợ phải đi dọn rác cho cả một khu phố, đi chùi nhà vệ sinh công cộng của công viên hay phải đứng ở ngã tư đeo bảng “cấm xả rác bậy nơi công cộng”… Chỉ cần một người bị phạt như vậy thì chắc chắn cả gia đình, người quen, bạn bè của người đó sẽ tỉnh và tởn ngay.
Nếu cứ kêu khó là không làm thì sẽ mãi mãi không thay đổi được gì. Khi chưa thể phạt đủ thì hãy phạt một lần cho đáng phạt. 100 người xả, chỉ cần phạt được 10 người là đã đủ răn đe bởi tính truyền miệng của dân ta rất mạnh.
LÊ LONG BÌNH (Hậu Giang, quận 6)
Giám sát và khen thưởng người tố giác
TP.HCM từng muốn áp dụng gắn camera theo dõi để phạt nguội đổ rác bừa bãi, tôi nghĩ đây là việc cần thiết, nên triển khai sớm, đặc biệt ở những điểm đen như dọc kênh Nhiêu Lộc. Ngoài ra, tuyên truyền trong dân chúng việc tích cực tố giác hành vi vi phạm. Hiện nay nhiều nơi đã áp dụng việc có thưởng cho người chụp ảnh, tố giác người đổ rác, tiểu tiện nơi công cộng như một vài phường ở quận Bình Tân, quận Tân Phú… Không cần nhiều, chỉ cần vài chục ngàn đồng thôi là được. Ai cũng muốn khu phố mình sạch đẹp, an toàn, có tiền thưởng nữa thì họ sẽ tích cực tham gia.
THANH TUẤN (Quận Bình Thạnh)
NHÂN CHÍNH
Theo TPO
Cơ chế đặc thù sẽ giúp Sài Gòn sạch và xanh hơn?
Đại biểu Lê Nguyễn Minh Quang cho rằng, hiện TPHCM đã có cơ chế đặc thù, HĐND TP đề nghị chính quyền thành phố trình đề án xã hội hóa việc xử phạt hành vi xả rác nơi công cộng vì nhiều quốc gia đã triển khai. "Tình trạng giao thông hỗn loạn, rác bừa bãi thì khó có hy vọng, thành phố đó, đất nước đó phát triển", ông Quang nói.
Tại phiên thảo luận tổ của kỳ họp thứ 6 HĐND TPHCM khóa IX diễn ra chiều 4/12, đại biểu Lê Nguyễn Minh Quang cho biết, mặc dù đã có quy định tăng mức xử phạt hành vi xả rác nơi công cộng, tuy nhiên việc áp dụng rất là ít.
"Dẫn chứng là việc xả rác ở kênh rạch, nơi công cộng, trung tâm thành phố... Chúng ta không đủ lực lượng xử phạt và cứ than là không thể tăng biên chế", đại biểu Quang nói.
Đại biểu HĐND TPHCM tham dự kỳ họp thứ 6 HĐND TPHCM khóa IX (ảnh Nguyễn Quang)
Cũng theo đại biểu này, hiện TPHCM đã có cơ chế đặc thù. Vì vậy, HĐND TP đề nghị UBND TP trình đề án để xã hội hóa việc xử phạt hành vi xả rác.
"Các nước xung quanh làm rất tốt như Thái Lan, còn đi xa hơn là Pháp. Ở Pháp, sau thời gian dài chính quyền làm không xuể thì người ta đã xã hội hóa và tình hình có chuyển biến", ông Quang dẫn chứng.
Đại biểu Quang gợi ý có thể xã hội hóa bằng lực lượng thanh niên xung phong, đấu thầu cho các tổ chức tư nhân có đủ chức năng, thẩm quyền đứng ra xử phạt. Từ đó cung cấp nguồn ngân sách cho thành phố và cải thiện bộ mặt thành phố.
"Bất cứ nơi nào chúng ta thấy, tình trạng giao thông hỗn loạn, rác bừa bãi thì khó có hy vọng, thành phố đó, đất nước đó phát triển", ông Quang nói.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP - cho biết, để tăng cường bảo vệ môi trường trên địa bàn thanh phố, đã có quy định tăng cường mức xử phạt.
"Chúng ta có khung xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường theo Nghị định 155 rồi, quy định rất cụ thể từ xả rác cho tới hành vi không phân loại rác tại nguồn, vận chuyển rác không đúng quy định... Tuy nhiên, khó khăn nhất trong xử phạt là tổ chức lực lượng, đặc biệt là xử phạt xả rác không đúng nơi quy định trong cộng đồng dân cư", bà Mỹ nói.
Người dân xả rác xuống dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (ảnh Quốc Anh)
Năm 2017, Sở Tài nguyên - Môi trường trao đổi với các quận, huyện rất nhiều về xử lý hành vi xả rác trong khu dân cư, tuy nhiên, đến nay hiệu quả xử lý chưa cao.
"Đó là do hành vi diễn ra nhanh, tức thời. Để lập biên bản xử lý vi phạm đòi hỏi phải có lực lượng đủ thẩm quyền xử lý", bà Mỹ nói.
Lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết, đã đề nghị địa phương tăng cường lực lượng xử phạt, bên cạnh cán bộ môi trường thì cần có sự phối hợp của lực lượng trật tự đô thị, thanh tra xây dựng. Bên cạnh củng cố lực lượng, cần bổ sung trang thiết bị ghi hình phục vụ xử phạt.
"Chúng tôi đã yêu cầu địa phương rà soát, thống kê nơi có nguy cơ vi phạm môi trường như thường xả rác, tiểu tiện không đúng quy định để lắp camera và gắn biển báo là có gắn camera để ngăn ngừa hành vi vi phạm. Sở đã trao đổi với địa phương tuy nhiên hiện nay vẫn rất khó", bà Mỹ phân trần.
Với câu hỏi cơ chế đặc thù có thể xã hội hóa xử phạt hành vi xả rác của đại biểu Quang, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết sẽ tiếp thu, nghiên cứu và đưa ra các giải pháp để bàn bạc với các quận, huyện, trong đó có vấn đề nhân sự, nguồn lực, sau đó sẽ có tờ trình về công tác xử phạt xả rác trên địa bàn thành phố.
Quốc Anh
Theo Dantri
Ông Hải quyết dẹp hàng rong, chó thả rông ở Nguyễn Huệ Phó Chủ tịch UBND Quận 1 quyết dẹp hàng rong, chó chạy rông, tiếng ồn, xe máy trên phố đi bộ Nguyễn Huệ. Ngày 6/10, ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1 (TP.HCM) cho biết, những ngày tới quận này sẽ xử lý dứt điểm tình trạng bán hàng rong gây mất vệ sinh trên phố đi bộ Nguyễn Huệ,...