Rác bao vây người dân Bangkok
Nước lũ tại Bangkok chưa rút hẳn nhưng cuộc sống vốn đã khốn khó của người dân Bangkok càng trở nên khó khăn hơn bởi hàng triệu tấn rác trôi nổi khắp nơi.
Một người dân lội qua những túi rác trên mặt nước tại thành phố Bangkok. Ảnh: EPA.
The Wall Street Journal cho biết, Bangkok “sản xuất” khoảng 8.700 tấn rác mỗi ngày, tương đương một phần tư tổng lượng rác của cả nước. Ngoài ra nước lũ còn đưa cả rác từ những tỉnh phía bắc tới “thành phố của những thiên thần”. Sau nhiều tuần chìm trong lũ, lượng rác tồn đọng tại Bangkok đã lên tới 3-4 triệu tấn. Những công nhân thu gom rác không thể tới được nhiều khu vực trong thành phố Bangkok trong trận lụt. Tình trạng rác ứ đọng tràn lan chẳng những cản trở đường thoát của nước lũ, mà còn làm tăng nguy cơ phát sinh dịch bệnh.
Tại một số khu vực, chẳng hạn như Khlong Sam Wa, người dân phá những đê chắn mà chính phủ dựng lên khiến nước và rác chảy về phía khu công nghiệp Bang Chan và Lat Krabang ở phía nam. Nhiều công ty hàng đầu thế giới – như Unilever, Nestle, Honda – có nhà máy trong các khu công nghiệp đó. Nếu rác tràn ngập trong các khu công nghiệp, uy tín của Thái Lan đối với giới doanh nghiệp quốc tế sẽ giảm. Trên thực tế nhiều khu công nghiệp quan trọng của Thái Lan đã bị nhấn chìm bởi nước lũ, một nguyên nhân khiến hoạt động cung cấp các linh kiện ô tô và máy tính bị gián đoạn trên phạm vi toàn cầu.
“Bạn không thể lên án người dân khi họ tự giải quyết vấn đề theo cách của họ bằng cách phá vỡ các đê chắn. Người dân nhiễm bệnh do rác và chẳng có cách nào để đưa chúng ra xa ngôi nhà của họ”, Boonsern Chitchuen, một người dân, bình luận.
Sukhumbhand Paribatra, thị trưởng thành phố Bangkok, yêu cầu lực lượng thu gom rác làm việc suốt ngày đêm để ngăn chặn tình trạng ứ đọng rác. Trong khi đó công nhân quét đường liên tục kiểm tra các cống để ngăn rác làm nghẽn các hệ thống thoát nước.
Đây là một bài học mà nhiều thành phố khác tại châu Âu phải lưu ý. Vào năm 2009, khi một cơn bão lớn tràn qua thành phố Manila, khoảng một phần ba diện tích của thành phố nhanh chóng chìm dưới nước do rác bịt các cống thoát nước. Sau khi bão tan công nhân môi trường được huy động để dọn sạch các cống tại Manila, đồng thời giới chức phát động chương trình tuyên truyền về những hiểm họa mà thói quen vứt rác bừa bãi có thể gây nên. Khi một cơn bão lớn ập vào Manila hồi tháng 9 vừa qua, mức độ ngập thấp hơn nhiều so với trận lụt năm 2009.
Chiến dịch dọn dẹp ở Thái Lan khi nước rút hoàn toàn khỏi Bangkok sẽ là một thách thức lớn. Giới phân tích nhận định các công ty nước ngoài sẽ chờ kết quả của chiến dịch để quyết định tiếp tục đầu tư ở Thái Lan hay không.
Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra muốn chi khoảng 100 tỷ baht (3,3 tỷ USD) để xây dựng lại đường xá, nhà và bệnh viện. Bà sẽ tới tỉnh Ayutthaya, nơi có nhiều khu công nghiệp, để kiểm tra hoạt động thông các hệ thống cống khi nước rút. Trong tương lai chính phủ Thái Lan sẽ xem xét các biện pháp quản lý tốt hơn những dòng lưu chuyển của nước trong mùa mưa.
Hơn 500 người Thái Lan đã mất mạng vì lũ. Tại Bangkok, thủ đô của Thái Lan, giới chức kêu gọi người dân tại 12 trong tổng số 50 quận sơ tán. Một bộ phận dân tại nhiều quận khác đã sơ tán do nước lũ đã vượt qua chợ cuối tuần Chatuchak và tiến tới trung tâm thương mại Bangkok.
Theo VNEXpress