Rà soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong thương mại điện tử
Bộ Công Thương cho biết: Tới đây Bộ sẽ chủ trì cùng với các cơ quan liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, rà soát và phân loại danh sách các website ứng dụng thương mại điện tử, kinh doanh các nhóm hàng để dễ theo dõi, kịp thời phát hiện, xử lý thật nghiêm những trường hợp vi phạm.
Bộ Công Thương sẽ ban hành các đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử. Ảnh minh họa: Mỹ Phương/TTXVN
Thời gian qua, thị trường thương mại điện tử Việt Nam ngày càng được mở rộng và hiện đã trở thành phương thức kinh doanh phổ biến được doanh nghiệp, người dân biết đến.
Cùng với đó, sự đa dạng về mô hình hoạt động, đối tượng tham gia, quy trình hoạt động và chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ với sự hỗ trợ của hạ tầng Internet cũng như ứng dụng công nghệ hiện đại đã đưa thương mại điện tử trở thành trụ cột quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế số của quốc gia.
Đáng lưu ý, hai năm trở lại đây dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã làm thay đổi thói quen sinh hoạt tiêu dùng và cả thói quen kinh doanh. Vì vậy, thương mại điện tử đã trở thành xu thế và có bước phát triển đáng kể.
Thế nhưng, điều này cũng kéo theo nhiều hiện tượng lợi dụng thương mại điện tử, kể cả các ứng dụng Zalo, Facebook để kinh doanh, buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm sở hữu trí tuệ, thậm chí là các hàng cấm.
Do đó, Bộ Công Thương cần có những giải pháp để phát triển lành mạnh, bền vững lĩnh vực thươngmại điện tử, đồng thời qua đó bảo vệ người tiêu dùng.
Video đang HOT
Để thương mại điện tử phát triển lành mạnh trong thời gian tới, với tư cách là cơ quan được giao nhiệm vụ, Bộ Công Thương sẽ chủ trì cùng với các cơ quan liên quan, trước hết là thanh tra, kiểm tra và xử lý thật nghiêm những trường hợp vi phạm.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục rà soát để tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách điều chỉnh với những cơ chế, chính sách chưa phù hợp hoặc chưa đủ sức răn đe và sẽ tiếp tục điều chỉnh trong thời gian tới.
Theo Bộ Công Thương, tới đây Bộ sẽ triển khai tổng kết thực tế thi hành chính sách, pháp luật và cùng với các bộ, ngành học tập và chia sẻ kinh nghiệm với các quốc gia phát triển về thương mại điện tử nhằm học hỏi kinh nghiệm trong quá trình hoạch định chính sách và tổ chức thực thi chính sách liên quan.
Cùng với đó, Bộ Công Thương tiếp tục rà soát, phân loại danh sách các website ứng dụng thương mại điện tử, kinh doanh các nhóm hàng để dễ theo dõi, kịp thời phát hiện, xử lý và cũng nâng cao trách nhiệm, ngay cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương – Sở Công Thương các địa phương, đã được cấp địa chỉ.
Mặt khác, Bộ còn chú trọng tuyên truyền, phổ biến trước hết cho người dân, người tiêu dùng phải trở thành những người thông minh, có kiến thức cần thiết để không bị lừa trong quá trình tham gia thươngmại điện tử.
Hơn nữa, tiếp tục hoàn thiện và triển khai thực hiện Đề án về chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng cho thương mại điện tử trong giai đoạn tới theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Đặc biệt, để thương mại điện tử trở thành trụ cột quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế số của Việt Nam, tại Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XV mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, các bộ ngành cần đa dạng các hình thức truyền thông, tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân về tác hại của hàng giả, hàng kém chất lượng.
Bởi vậy, trong năm 2022, Bộ Công Thương sẽ ban hành các đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương tập trung nâng cao năng lực của cơ quan quản lý thị trường trong xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính về ứng dụng công nghệ số và kỹ thuật tiên tiến; xây dựng các hệ cơ sở dữ liệu về đấu tranh, ngăn chặn hàng giả trong thương mại điện tử.
Kinh doanh lành mạnh, tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã tác động tới tâm lý, hành vi mua sắm của người tiêu dùng song các vụ việc vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng cũng gia tăng với nhiều hình thức mới.
Chia sẻ tại tọa đàm Kinh doanh lành mạnh, tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới do Tạp chí Công Thương tổ chức gày 18/3, ông Nguyễn Quang Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - Kế hoạch - Tài chính, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, các vụ việc vi phạm quyền của người tiêu dùng gia tăng với nhiều hình thức mới.
Tình trạng đầu cơ, bán hàng không rõ nguồn gốc diễn biến phức tạp, các vi phạm liên quan tới hoạt động thương mại điện tử cũng gia tăng. Riêng trong năm 2021 thì lực lượng quản lý trường đã kiểm tra trên 25.000 vụ, đã xử lý trên 23.000 vụ việc liên quan đến lĩnh vực này và đã xử phạt vi phạm hành chính trên 18 tỷ đồng.
"Vi phạm trên thương mại điện tử ngày càng phức tạp. Các đối tượng chủ yếu tập trung vào những mặt hàng có giá trị lớn, mặt hàng sản xuất tại nước ngoài, thông qua những kênh bán hàng như facebook... để giao dịch. Các đối tượng rất tinh vi nhằm xóa dấu vết, gây ảnh hưởng đến quá trình điều tra xác minh của lực lượng chức năng, vì vậy cần có cái sự phối hợp của các doanh nghiệp, đơn vị quản lý khác thì mới có thể xử lý đúng đối tượng vi phạm", ông Nguyễn Quang Huy cho biết.
Bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, chỉ riêng năm 2021 đơn vị này đã nhận được 13.000 cuộc gọi phản ánh, khiếu nại, yêu cầu của người tiêu dùng trên cả nước. Nhiều cuộc gọi và đơn khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến những dịch vụ như vận chuyển hành khách bằng đường hàng không, liên quan đến lĩnh vực khách sạn nghỉ dưỡng, lĩnh vực thương mại điện tử...
"Rõ ràng trong bối cảnh người tiêu dùng gần như ở nhà nhiều hơn thì những thói quen tiêu dùng trước đây như giao dịch trực tiếp đã chuyển thành giao dịch qua mạng. Do đó công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của chúng tôi cũng phải có những hình thức thích ứng với xu hướng này", bà Nguyễn Quỳnh Anh cho hay.
Bà Nguyễn Quỳnh Anh cho biết thêm, trước tình hình thực tiễn, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ sửa đổi Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên cơ sở thống nhất với các cái quy định các luật khác và tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Trong luật mới này dự kiến sẽ bổ sung quy định về kinh sản xuất kinh doanh tiêu dùng bền vững, những điều liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương như người già, trẻ em, những người dân vùng cao... Và cả những quy định về bảo vệ người tiêu dùng trong những giao dịch từ xa như giao dịch qua mạng.
Đối với doanh nghiệp, quy định doanh nghiệp phải trách nhiệm cung cấp thông tin về hàng hóa, chứng cứ về giao dịch, bảo hành hàng hóa hay thu hồi sản phẩm lỗi và chịu trách nhiệm với những hậu quả do việc thu hồi hàng hóa lỗi gây ra.
"Đại dịch COVID-19 chỉ là yếu tố tác động thêm và gần như là một đòn bẩy để mọi người cùng thay đổi, người tiêu dùng thay đổi thói quen, cơ quan quản lý nhà nước thay đổi cách tiếp cận để bảo vệ người tiêu dùng và các doanh nghiệp cũng như vậy thì chúng ta sẽ triển khai công tác này một cách tốt nhất", bà Nguyễn Quỳnh Anh khẳng định.
Về vấn đề này, TS.Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, bên cạnh các định chế, các tổ chức thực thi pháp luật, công tác truyền thông, khung khổ pháp lý, bản thân người tiêu dùng... thì không thể không nói đến vai trò của doanh nghiệp. Các thông tin của doanh nghiệp phải minh bạch, phản ánh đúng quá trình sản xuất kinh doanh, giá cả phải cạnh tranh, sản xuất thân thiện môi trường...
"Cuộc sống vẫn phát triển không ngừng thay đổi, công nghệ cũng thay đổi rất nhiều, luật đều có các định hướng nhưng không bao giờ có thể bắt nhịp tốt và đầy đủ nhất với thực tiễn cuộc sống cho nên sự sống còn của doanh nghiệp chính là ý thức, kinh doanh liêm chính của doanh nghiệp và người tiêu dùng, cần tiêu dùng một cách thông thái mới là điều quan trọng nhất", TS Võ Trí Thành nhấn mạnh.
Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday 2021 sẽ diễn ra vào 3/12 Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 2649/QĐ- BCT về việc tổ chức "Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday 2021" vào thứ sáu ngày 3/12/2021 trên phạm vi toàn quốc. Các loại quảng cáo cho ngày Black Friday tại Trung tâm thương mại Aeon. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN Theo Bộ Công Thương, tổ chức sự kiện...