Rà soát từ điều tra của Tuổi Trẻ: Có xe hút hầm cầu 10 tháng chỉ xử lý chất thải 4 lần
Hai công ty xử lý bùn thải của TP.HCM đã cung cấp bằng chứng về việc các xe hút hầm cầu vào nhà máy xử lý bùn thải mà báo Tuổi Trẻ điều tra.
Bất ngờ khi có xe 10 tháng chỉ đi xử lý 4 lần nhưng lại cả chục địa điểm chỉ trong vài ngày.
Xe của “giám đốc Thành” ba lần liên tục vào Công ty Long Huei để hút hầm (đều cùng bồn và xe mang biển số 51D-81921) – Ảnh: CHÂU TUẤN
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 4-11, đại diện Công ty Cổ phần dịch vụ môi trường đô thị Hòa Bình (1 trong 2 đơn vị xử lý bùn thải tại TP.HCM) cho biết thông tin trên.
Đối với các xe trong loạt điều tra của báo Tuổi Trẻ, qua trích xuất hệ thống quản lý của công ty cho thấy: Xe có biển số 50H – 057.71 của Công ty TNHH vệ sinh môi trường số 1 Sài Gòn, trong 10 tháng năm 2022 chỉ vào 3 lần (tháng 1, 6 và 7) để xử lý chất thải. Lúc trước công ty này ký hợp đồng với Công ty Cổ phần dịch vụ môi trường đô thị Hòa Bình nhưng sau đó không ký nữa.
Đối với hai xe Công ty TNHH Công Nghệ Sài Gòn Group của ông Nguyễn Văn Thành thì xe có biển số 50E – 204.32 trong 10 tháng chỉ đến Công ty Cổ phần dịch vụ môi trường đô thị Hòa Bình để xử lý chất thải 6 chuyến (vào các tháng 5, 7, 8 ,9, 10). Còn xe biển số 51D – 819.21 vào 5 chuyến (vào tháng 7, 8, 9, 10).
Xe của “giám đốc Thành” núp tại con hẻm trên đường Chu Văn An (Bình Dương), một lúc sau vào Công ty Long Huei tiếp tục hút – Ảnh: CHÂU TUẤN
Xe biển số 29H – 831.49 của Nguyễn Bá Đạt thì không về xử lý chuyến nào và cũng không đăng ký. Xe biển số 61C – 020.93 của Công ty vệ sinh môi trường Tiến Đạt đăng ký vào Công ty TNHH MTV Vệ Sinh Công Nghiệp Đô Thành trong năm 2022 nhưng cũng không về chuyến nào.
“Việc các xe đăng ký nhưng không vào thì công ty không có chức năng xử lý. Về quy định, các công ty hút hầm cầu phải về thường xuyên mới tái ký hợp đồng. Trường hợp đăng ký mà không về đổ thì sẽ không ký hợp đồng vào năm tiếp theo. Qua theo dõi, vẫn có tình trạng một số xe đăng ký nhưng nguyên năm không về và chúng tôi cũng không biết họ đi đâu”, vị này cho biết.
Còn Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh cho biết theo thông tin nhà máy trích xuất, ba tháng gần nhất, xe biển số 29H – 831.49 của Nguyễn Bá Đạt có vào xử lý 2 chuyến, xe 50H – 057.71 chỉ vào 1 chuyến.
Video đang HOT
Các xe còn lại của Công ty TNHH Công Nghệ Sài Gòn Group do ông Nguyễn Văn Thành đứng tên và Công ty vệ sinh môi trường Tiến Đạt, nhà máy không có thông tin cũng như xe không về nhà máy.
Trước đó, loạt bài điều tra của Tuổi Trẻ “từ dán quảng cáo bậy đến lừa hút hầm cầu” đã phản ánh chiêu trò lừa đảo của các công ty môi trường – hút hầm cầu.
Một ngày, các xe hút chất thải ở hàng chục địa điểm với lượng chất thải rất lớn nhưng bồn xe không bao giờ đầy bởi họ hút từ nhà này đổ sang nhà khác, thậm chí đổ thẳng ra môi trường như xe của ông Nguyễn Văn Thành; hoặc dùng chiêu nâng khống lượng chất thải đã hút để lấy tiền của chủ nhà…
Từ phản ánh của Tuổi Trẻ, ngày 2-11, UBND phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức phối hợp Công an TP Thủ Đức đến kiểm tra tại khu đất trống ở đường Kha Vạn Cân (nơi xe hút hầm cầu của Công ty TNHH công nghệ Sài Gòn Group đổ bậy).
Quá trình kiểm tra cho thấy tại khu vực nhà bỏ hoang (thuộc khu đất trên) có lớp bùn sình (dạng lỏng) nghi là chất thải từ hầm cầu. Trong những ngày tới, UBND phường tiếp tục phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn để điều tra, tính toán khối lượng chất thải đã bị đổ bậy ra môi trường, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Từ dán quảng cáo bậy đến lừa hút hầm cầu - Kỳ cuối: Hút từ nhà này xả qua nhà khác
Kỳ lạ thay, một ngày các xe hút hầm cầu hút ở hàng chục địa điểm với lượng chất thải rất lớn nhưng bồn xe không bao giờ đầy, cũng không chở đi xử lý.
Vậy chất thải từ hầm cầu đi về đâu?
Sau khi hút hầm cầu, ông Nguyễn Văn Thành cho xe vào khu đất trống trên đường Kha Vạn Cân (phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức) để xả thải - Ảnh: cắt từ clip điều tra
Suốt thời gian dài đeo bám và xác minh cuối cùng các giả thiết về việc chất thải hầm cầu được xả thải ra sông ngòi, kênh rạch đều bị loại bỏ. Bây giờ, thủ đoạn "hô biến" chất thải đã được các đối tượng nâng cấp một cách tinh vi hơn rất nhiều.
Bồn... không đáy
Giữa tháng 10, chúng tôi bắt đầu chú ý đến chiếc xe bồn hút hầm cầu 50H-05771 có ghi: "Công ty TNHH vệ sinh môi trường số 1 Sài Gòn". Xe này đang đậu cùng chành với xe của Nguyễn Bá Đạt (Công ty Nam Bắc), được tay này nhiều lần khẳng định "gà chung một mẹ".
Ngày 12-10 chúng tôi ghi nhận xe này chạy hút hầm cầu nhiều nơi từ TP.HCM đến Bình Dương với quãng đường trên 126km.
Tiếp đó, ngày 13-10, xe này di chuyển quãng đường gần 164km, hút hầm cầu ở nhiều điểm từ TP.HCM - Bình Dương - Đồng Nai. Thế nhưng cũng như các lần trước đó, dù hút nhiều nhưng bồn xe không bao giờ đầy và xe này cũng không vào công ty môi trường để xử lý chất thải. Không chỉ xe 50H-05771, xe 29H-83149 của Nguyễn Bá Đạt các ngày từ 7, 8, 9, 10 tháng 10 đều không vào bất kỳ công ty xử lý chất thải nào ở TP.HCM hoặc Bình Dương để xử lý.
Ngay cả Nguyễn Văn Thành - giám đốc Công ty TNHH công nghệ Sài Gòn Group - từng khẳng định có hợp đồng xử lý chất thải tại bốn công ty ở Bình Dương, Đồng Nai và TP.HCM (tài liệu chúng tôi có được xác định công ty này có đăng ký xử lý ở Công ty cổ phần dịch vụ đô thị Hòa Bình - TP.HCM cho xe 29C-80483), nhưng cả hai xe 51E-20432 và 51D-81921 từ ngày 7 đến 21-10 đều không ghi nhận đi xử lý dù lịch trình đi hút hầm cầu dày đặc.
Ngoài các xe bồn trần nêu trên, chúng tôi còn đặt nhiều nghi vấn về hành tung bí ẩn của chiếc xe thùng (xe tải chứa bồn giấu kín bên trong) biển số 61C-02093 của Công ty vệ sinh môi trường Tiến Đạt (TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Cũng giống như các loại xe bồn trần khác, ngày 10-10, chiếc xe này sau khi hút hầm cầu cho bốn khách ở TP Thủ Đức chạy một mạch về nằm gọn trong sân nhà tại hẻm số 5 đường Trần Hưng Đạo (phường Đông Hòa, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Tiếp tục giám sát đến ngày hôm sau xe này vẫn đi hút mà không hề đi xử lý chất thải.
Ông Nguyễn Văn Thành cùng "lính" đang thực hiện hành vi xả bậy chất thải hầm cầu xuống khu đất - Ảnh: Cắt từ clip điều tra
Vậy đổ đi đâu?
Chất thải không đưa đi xử lý, vậy chất thải về đâu? Quá trình đeo bám các xe hút hầm cầu, chúng tôi phát hiện nhiều điểm bất thường khi các đối tượng nhiều lần dùng vòi xả... để hút.
Theo Nguyễn Bá Đạt, tùy vào thực tế sẽ tính toán việc xả ngay xuống hầm nhà dân hoặc công ty. "Chủ yếu là hút lên đổ xuống. Cuối cùng lúc nghiệm thu xong chỉ còn xe không ra về thôi", Đạt tiết lộ mánh khóe "hô biến" chất thải khi hút cho các công ty.
Đạt tiết lộ: "Chuyến đầu hút khoảng ba xô, mình báo xe đầy rồi cho xe đi ra hợp thức việc đi xử lý. Hoặc mình hút khoảng nửa xe thì chạy ra rồi quay lại đổ xuống bể. Như vậy xe mình còn gì trong bồn đâu mà phải đi xử lý".
Bằng thủ đoạn này, ngày 4-10, nhóm Đạt đã "phù phép" xử lý chất thải tại Công ty THHH quốc tế G.L.J. Đồng Nai (thuộc Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2, Đồng Nai). Tại đây, Đạt không chỉ nâng khống thể tích chất thải lên 33m 3 (thực tế không hút mét khối nào) thu lợi gần 14 triệu đồng, mà toàn bộ nước thải sau khi được thu gom đều được "trả lại" bằng cách đổ thẳng xuống hầm xử lý của công ty này.
Đạt khẳng định để làm được điều này phải "ăn rơ" với nhân viên công ty. "Cũng phải chạy ra chạy vào ba lần, mỗi lần báo xe 11m 3 cho khớp 33m 3 hợp thức hóa rồi xả xuống khu xử lý chất thải của công ty", Đạt nói.
Còn với nhà dân thì sao? Đạt nói thẳng: "Hút từ nhà này chở qua thổi thẳng xuống cống của nhà khác". Đơn cử như Cơ sở bán trú tiểu học tại quận Gò Vấp, Trường mầm non Việt Anh (Bình Dương) và hộ dân trên đường Thới Sơn 31 (huyện Hóc Môn) vừa bị nhóm của Đạt ăn tiền, vừa bị thổi chất thải trên xe xuống cống thoát hầm cầu mà không hề hay biết. "Xe chỉ 7,5m 3 nếu không đổ vậy chỉ cần hút ba nhà là đầy bồn, không thổi xuống thì hút kiểu gì. Đã không đổ thì thôi, mỗi lần đổ là phải đổ bằng hết", Đạt phân tích và cho biết thêm đôi khi cũng xảy ra tình trạng bất khả kháng phải "cõng" hàng đi đổ ở nhà máy xử lý chất thải.
Với chiêu thức nâng khống và "hô biến" chất thải này, có ngày xe của Đạt chạy được 15 - 20 chuyến. Với số chuyến nêu trên thì mội ngày phải hút khoảng 100m3 chất thải và nếu đi xử lý đúng quy định phải mất ba ngày.
Ông Nguyễn Văn Thành cùng "lính" đang thực hiện hành vi xả bậy chất thải hầm cầu xuống khu đất - Ảnh: Cắt từ clip điều tra
Xả thẳng xuống đất trống
Theo điều tra, ngoài nhẫn tâm xả thẳng chất thải xuống cống nhà dân hoặc công ty, các đối tượng này còn ngang nhiên "giải quyết sự cố" bằng việc xả thẳng chất thải ra môi trường.
Giám sát dàn xe hút hầm cầu của ông Nguyễn Văn Thành suốt thời gian dài, chúng tôi ghi nhận dàn xe này thường lui tới một khu đất trống rộng 4.000m 3 trên đường Kha Vạn Cân (phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức). Khu đất này do Công ty cổ phần nông hải sản súc sản Sài Gòn quản lý, được bao bọc ba mặt xung quanh bằng tường cao kiên cố, mặt còn lại giáp với rạch Gò Dưa. Khu đất này hiện đang được công ty giao cho ông Hùng (ngoài 60 tuổi) trông nom. Dù cỏ mọc um tùm nhưng dễ dàng nhận thấy nhiều vệt bánh xe in hằn...
Vị trí căn nhà hoang nằm giữa khu đất chính là địa điểm mà ông Nguyễn Văn Thành thường cho xe đến đổ chất thải hầm cầu vào mỗi buổi sáng. Cứ cách một ngày ông Thành lại cho xe đến đổ bậy chất thải. Bình thường cửa khu đất luôn khóa im ỉm nhưng khi xe chở chất thải của ông Thành sắp đến là cánh cổng này lập tức mở sẵn.
Khoảng 9h30 ngày 21-10, chúng tôi thấy xe 51E-20432 của ông Thành lao vào khu đất. Xe vừa vào, cánh cửa nhanh chóng được khép lại. Như quá quen thuộc với việc xả bậy, ông Thành bình thản lùi xe vào căn nhà hoang rồi nhanh chóng nâng bồn, mở van "xả". Nước thải đen, đặc quánh phun ồ ạt từ xe xuống khu đất, mùi hôi thối bốc ra ngộp thở. Chỉ trong vòng chưa đầy bảy phút toàn bộ chất thải hầm cầu (loại 8m 3) được thải lênh láng khắp khu đất này. Tại đây, nước thải lâu ngày tạo thành vũng sình bốc mùi ô nhiễm.
Không chỉ lần này, tài liệu của Tuổi Trẻ ghi nhận vào khuya 7-10 xe 51D-81921 vào khu đất này xả bậy. Đặc biệt xe 51E-20432 là phương tiện được ông Thành "tin dùng" liên tục vào khu đất các ngày 13-10, 17-10, 19-10, 21-10, 25-10... xả bậy.
Đi đêm có ngày gặp ma
Tuy rất tự tin về khả năng "hô biến" chất thải, nhưng Nguyễn Bá Đạt nói cũng từng gặp tai nạn. Có lần khi đang ra sức thổi chất thải xuống hầm nhà dân, tấm đan bất ngờ bị bung khiến chất thải tung tóe khắp trần nhà. Ngoài ra, Đạt còn bị người dân quay video "bóc phốt" trên mạng. Đặc biệt từng có "đồng nghiệp" của Đạt đổ bậy chất thải xuống cống bị người dân quay phim, sau đó công an đi theo lần về tận bãi tịch thu luôn xe.
Lexus LX570 "đeo nhầm" biển số ở Hà Nội Công an phường Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội) đang điều tra, làm rõ việc một chiếc ô tô Lexus LX570 Super Sport, mang biển kiểm soát không đúng với dữ liệu trên hệ thống đăng kiểm. Chiếc Lexus LX570 Super Sport "đeo nhầm" biển số bị lực lượng chức năng kiểm tra, tạm giữ (Ảnh: Văn Chiến). Chiều 25/12, trao đổi với...