Rà soát hoạt động của các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em bỏ rơi
UBND TP Đà Nẵng vừa có văn bản chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH, UBND các quận, huyện và đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát tất cả các cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn thành phố, nhất là các cơ sở ngoài công lập.
Việc rà soát nhằm kịp thời chấn chỉnh công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt, nhất là trẻ em bị bỏ rơi, bảo đảm các cơ sở hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.
Đà Nẵng chỉ đạo rà soát hoạt động của các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em bỏ rơi
Theo đó, hướng dẫn các cơ sở ngoài công lập chăm sóc từ 10 đối tượng trở lên phải thực hiện thủ tục thành lập cơ sở bảo trợ xã hội theo đúng quy định. Hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở tăng cường công tác quản lý đối tượng từ việc tiếp nhận, lập hồ sơ quản lý đối tượng, chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở đầy đủ, chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật.
Đối với các cơ sở không đủ điều kiện chăm sóc đối tượng, yêu cầu bàn bạc, thống nhất với cơ sở theo hướng tiến hành phân loại, bàn giao về địa phương những đối tượng có địa chỉ cụ thể; lập danh sách các đối tượng không xác định được địa chỉ để xem xét, đưa vào các cơ sở bảo trợ xã hội công lập của thành phố để chăm sóc, nuôi dưỡng. Bảo đảm số lượng đối tượng được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở phù hợp với điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ nhân viên làm công tác chăm sóc hiện có.
Khánh Hồng
Theo Dantri
Vụ mua bán trẻ em: Chùa Bồ Đề có nhiều sai phạm trong việc nuôi trẻ
Sự việc mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề (Gia Lâm, Hà Nội) đặt ra câu hỏi về việc tuân thủ pháp luật của các cơ sở tôn giáo trong việc chăm sóc các đối tượng khó khăn.
Video đang HOT
PV Dân trí đã trao đổi với ông Tô Đức - Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) về vấn đề này.
Các cháu bé tại chùa Bồ Đề (ảnh: Giang Huy)
Nhìn lại vụ việc mua bán trẻ em trẻ em tại chùa Bồ Đề, theo ông những nguyên nhân nào dẫn tới sự việc?
Trước hết, chúng ra cần phải đánh giá khách quan, toàn diện về sự đóng góp hết sức tích cực của các cơ sở bảo trợ xã hội của các tổ chức tôn giáo trong việc chăm sóc những người có hoàn cảnh đặc biệt.
Tuy nhiên, hoạt động từ thiện, nhân đạo có thể bị kẻ xấu lợi dụng, thậm chí tổ chức các hoạt động vi phạm pháp luật.
Qua kiểm tra cho thấy, chùa Bồ Đề có nhiều sai phạm khi thực hiện hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng diện bảo trợ xã hội: Chưa thành lập cơ sở bảo trợ xã hội (BTXH) theo quy định của pháp luật; chưa bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, diện tích phòng ở của đối tượng; nhân viên quản lý, nuôi dưỡng đối tượng chưa được đào tạo nghiệp vụ...
Tôi cho rằng, điều đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân như sự "tham, sân, si" của cá nhân đối tượng Nguyễn Thị Thanh Trang - quản lý khu nuôi trẻ mồ côi; việc nhận thức, ý thức và trách nhiệm tuân thủ pháp luật của người đứng đầu cơ sở chăm sóc; các biện pháp xử lý chưa đủ quyết liệt của cơ quan chức năng...
Ông Tô Đức - Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH). (ảnh: H.M)
Ý kiến của ông về tình trạng các cơ sở tôn giáo đang nhận nuôi trẻ nhưng không thực hiện việc thành lập cơ sở bảo trợ xã hội hiện nay ra sao?
Theo phản hồi của các địa phương, tình trạng một số cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng từ 10 đối tượng bảo trợ xã hội trở lên của các tôn giáo trên phạm vi toàn quốc chưa thực hiện thủ tục thành lập cơ sở BTXH đang tồn tại là một trong những vấn đề cần phải chấn chỉnh, xử lý từ góc độ quản lý Nhà nước.
Trong năm 2014-2015, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội đồng Giám mục Việt Nam và các tổ chức tôn giáo khác sẽ tổ chức rà soát lại hệ thống các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng hoàn cảnh đặc biệt là trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi của các tổ chức tôn giáo trên phạm vi toàn quốc.
Đồng thời, chúng tôi sẽ hướng dẫn các cơ sở chấn chỉnh lại công tác chăm sóc nuôi dưỡng đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt, thực hiện thủ tục thành lập cơ sở BTXH; bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ theo đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ đánh giá, khảo sát các cơ sở tôn giáo thực hiện tốt để khuyến khích, nhân rộng mô hình.
Sẽ tổng rà soát các cơ sở chăm sóc người khó khăn của các tổ chức tôn giáo (ảnh: Giang Huy)
Theo ông Tô Đức, cả nước có trên 400 cơ sở bảo trợ xã hội. Những cơ sở này đang nuôi dưỡng khoảng 41.000 đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có hơn 20.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Trong số 400 cơ sở bảo trợ xã hội, có khoảng 230 cơ sở ngoài công lập (gồm khoảng 80 cơ sở của các tôn giáo).
Qua sự việc chùa Bồ Đề, đứng từ góc độ đơn vị quản lý các cơ sở bảo trợ xã hội trên toàn quốc, ông có ý kiến gì?
Theo quan điểm của cá nhân tôi, qua sự việc diễn ra tại chùa Bồ Đề, chúng ta cần phải đánh giá, rút kinh nghiệm nhằm phòng ngừa các trường hợp tương tự xảy ra trong tương lai.
Cần phải nghiên cứu, rà soát và hoàn thiện hành lang pháp lý quy định về công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt; tăng cường sự chỉ đạo của UBND các cấp trong công tác kiểm tra việc quản lý và hoạt động của cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt.
Đặc biệt là các cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập, cần tăng cường công tác kiểm tra tạm trú, tạm vắng, quản lý nhân khẩu tại các cơ sở chăm sóc chưa thành lập cơ sở BTXH theo quy định; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện pháp luật nuôi con nuôi theo đúng quy định, đăng kí giấy khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi.
Các cấp chính quyền cần phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức tôn giáo nhằm chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở chăm sóc của các tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật.
Xin cảm ơn ông!
Hoàng Mạnh (thực hiện)
Theo Dantri
Bao giờ xoá hết nỗi đau của các cựu thanh niên xung phong? "Nỗi đau dai dẳng mấy chục năm của hàng chục nghìn cựu TNXP đang chờ giải quyết. Làm công tác rà soát chế độ với người có công phải có tâm, phải đau nỗi đau của các gia đình chứ chỉ căn cứ theo giấy tờ sẽ không bao giờ xoá hết những nỗi đau"... Gia hạn 1 tháng cho chương trình tổng...