Ra mắt ứng dụng số cho diễn đàn tôm Việt
Sáng 25/3, Tổng cục Thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững, Hội Nghề cá Việt Nam đã tổ chức lễ ra mắt “Ứng dụng số cho diễn đàn tôm Việt”.
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh công nghệ cao hai giai đoạn ở xã Thới Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Ảnh minh họa: Công Trí/TTXVN
Diễn đàn tôm Việt là sáng kiến của Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) trong khuôn khổ triển khai dự án “Phát triển chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững, công bằng tại Việt Nam- SusV” và dự án “Tăng cường bình đẳng giới trong chuỗi giá trị tôm và đầu tư kinh doanh nông nghiệp nông nghiệp tại Đông Nam Á- Graisea”, dự án do Liên minh châu Âu, Đại sứ quán Thuỵ Điển, OXFAM tài trợ.
Từ năm 2016, diễn đàn tôm Việt đã trở thành sự kiện thường niên do Tổng cục Thủy sản, ICAFIS, OXFAM, WWF Việt Nam tổ chức nhằm chia sẻ, thảo luận và đưa ra các giải pháp trong phát triển bền vững ngành tôm Việt Nam liên quan đến khoa học công nghệ, chính sách, mô hình nuôi, thị trường, nông nghiệp hữu cơ và những vấn đề bức thiết của ngành.
Bên cạnh diễn đàn trực tiếp (offline), diễn đàn trực tuyến (online) thông qua các mạng xã hội Facebook, Zalo cũng được thiết lập nhằm chia sẻ và thảo luận các thông tin về giá tôm hàng ngày, thị trường tôm, kỹ thuật nuôi tôm, chính sách mới… Tuy nhiên, các nền tảng này khó tra cứu lại dữ liệu cũ, hạn chế về số lượng thành viên, dữ liệu sau một thời gian sẽ mất…
Để diễn đàn hoạt động hiệu quả hơn, đáp ứng nhu cầu của các bên tham gia trong ngành tôm, các đơn vị đã phối hợp xây dựng một ứng dụng cho diễn đàn tôm Việt với nhiều tính năng trên điện thoại thông minh.
Ông Đinh Xuân Lập, Phó Giám đốc ICAFIS cho biết, ứng dụng số cho diễn đàn tôm Việt trực tuyến trên 2 nền tảng IOS và Android với nhiều ưu điểm vượt trội. Đó là không hạn chế số lượng thành viên; có giao diện chat để các thanh viên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm. Ứng dụng có chuyên mục riêng về giá tôm hàng ngày, tin tức ngành tôm, video hướng dẫn kỹ thuật ngành tôm, kho tài liệu kỹ thuật ngành tôm, thông tin thị trường tôm thế giới, các chính sách nhà nước với ngành tôm…
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đánh giá, việc ứng dụng công nghệ sẽ giúp người dân tiếp cận giá thị trường nhanh nhất, thông tin thị trường được minh bạch. Đặc biệt, người dùng có thể biết diễn biến thông tin thị trường có tính hệ thống qua các năm, hay các thông tin về các nước sản xuất tôm…
Tại buổi lễ, các đại biểu mong muốn ứng dụng có thêm chuyên mục góp ý để qua đó nhận diện nhanh những nhu cầu của người dùng. Từ đó, cải tiến ứng dụng phù hợp với nhu cầu người dùng cũng như mở rộng thêm các ngành hàng thủy sản khác. Hay, việc nên có thêm các thông tin về vật tư đầu vào để các bên trong chuỗi tôm cùng đồng hành, hợp tác đưa ngành tôm Việt phát triển bền vững.
Tôm là một trong bốn sản phẩm xuất khẩu chủ lực của thủy sản Việt Nam, chiếm khoảng 45% giá trị xuất khẩu thủy sản. Sản phẩm tôm được xuất khẩu trên 160 quốc gia trên thế giới, tạo việc làm và thu nhập trực tiếp cho khoảng 1,35 triệu lao động. Bình quân tăng trưởng của nghề nuôi trồng, chế biến xuất khẩu tôm đạt 6,82%/năm.
Video đang HOT
Diện tích tôm nước lợ thả nuôi năm 2021 ước đạt 740 nghìn ha; trong đó, diện tích nuôi tôm sú là 630 nghìn ha, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng 110 nghìn ha.
Ngành tôm Việt Nam có sự phát triển nhanh, tuy nhiên vấn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như môi trường nuôi có nhiều biến động biến động; giá thành sản xuất tôm còn cao và bấp bênh; mối liên kết và quan hệ hợp tác giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị tôm còn rời rạc, lỏng lẻo và không hiệu quả, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Ứng dụng số cho diễn đàn tôm Việt được xem là một trong những bước góp phần đưa ngành hàng tôm đến với chuyển đổi số hiệu quả.
Nâng hiệu quả khai thác cho mỗi chuyến biển trước áp lực chi phí xăng dầu
Mỗi chuyến biển ra khơi về, thu nhập của ngư dân ngày càng giảm đi bởi chi phí liên tục tăng theo giá dầu.
Thậm chí tại một số địa phương đã có tình trạng nhiều tàu phải nằm bờ bởi thua lỗ. Chi phí tăng cao khiến các chủ tàu phải tính toán kỹ hơn trước khi ra khơi đánh bắt. Đặc biệt là để giảm tổn thất, tăng hiệu quả ra khơi, nâng cao chất lượng sản phẩm, việc ứng dụng công nghệ trong khai thác, hay bảo quản để sản phẩm có giá bán tốt hơn đang được các ngư dân tính đến.
Tàu cá neo đậu tại Cảng cá Thuận An, thành phố Huế. Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN
Sau Tết Nguyên đán, ngư dân Ngô Đức Tâm, chủ tàu cá TTH 97679 ở phường Thuận An, thành phố Huế đã vươn khơi thực hiện chuyến biển kéo dài 10 ngày, thu được 60 triệu đồng, trừ các chi phí còn lãi được 10 triệu đồng. Tuy nhiên, từ đó đến nay, ông Tâm chưa có kế hoạch ra khơi đánh bắt trở lại vì giá cả xăng dầu liên tục tăng cao, ảnh hưởng lớn đến chi phí cho chuyến biển.
"Với sự biến động tình hình thế giới, hiện nay giá xăng dầu trong nước càng ngày càng lên cao, hiện tại mỗi lít dầu gần 26.000 đồng. Với giá nhiên liệu cao như vậy, chi phí đánh bắt một đêm ở ngoài biển tốn khoảng 6 triệu đồng, thay vì khoảng 4 triệu đồng ở thời điểm trước đây. Vì vậy, ngư dân mong muốn các cơ quan chức năng sớm có biện pháp bình ổn giá xăng dầu để có thể yên tâm vươn khơi đánh bắt. Nếu tình trạng tàu thuyền nằm bờ kéo dài, không được bảo dưỡng thường xuyên sẽ nhanh xuống cấp", ông Ngô Đức Tâm chia sẻ.
Theo ngư dân Ngô Đức Tâm, mặc dù giá xăng dầu tăng liên tục nhưng giá bán thủy sản của các tàu đi đánh bắt trở về lại không tăng đáng kể, tất cả đều tùy thuộc vào giá do thương lái đưa ra. Trong khi, mặt hàng thủy sản khó bảo quản ở trên tàu, càng để lâu càng mất giá.
Tại khu vực cảng cá Thuận An, khu neo đậu tàu thuyền Phú Hải hiện có hàng chục tàu thuyền đang nằm bờ. Theo nhiều chủ tàu đánh bắt xa bờ, trước đây chi phí cho một chuyến biển 15 ngày khoảng 60 triệu đồng nhưng hiện nay mức chi phí tăng lên khoảng 90 triệu đồng. Nếu khai thác thuận lợi, đạt sản lượng cao các chủ tàu cũng chỉ đủ hòa vốn, trong khí giá cả mặt hàng thủy sản không tăng đáng kể.
Ngư dân Dương Văn Thống, chủ tàu hậu cần nghề cá, số hiệu TTH 91513 cho biết, các tàu nằm bờ nhiều nên việc thu mua thủy sản trên biển cũng gặp nhiều khó khăn, bị sụt giảm sản lượng lớn. Thời điểm trước, mỗi chuyến đi biển từ 2-3 ngày, tàu hậu cần có thể thu mua khoảng 35 tấn hải sản các loại nhưng nay chỉ thu gom được vài tấn hàng.
Giám đốc Ban quan lý Cảng cá tỉnh Thừa Thiên - Huế Trần Quang Nhất cho biết, mặc dù, giá xăng dầu tăng cao liên tục ảnh hưởng đến sinh kế và chi phí đi biển của các chủ tàu nhưng đơn vị vẫn động viên bà con ngư dân vươn khơi bám biển; mạnh dạn chuyển đổi những nghề đánh bắt tiêu tốn nhiều nhiên liệu như nghề mành cá cơm, nghề xúc ruốc sang những nghề khai thác khác. Về lâu dài, các tàu đánh cá cần đầu tư nâng cấp hệ thống bảo quản lạnh ở trên tàu tốt hơn để giữ được chất lượng tươi ngon của hải sản qua đó tăng giá bán khi vào bờ.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có hơn 400 tàu đánh cá xa bờ. Mặc dù hiện nay, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa. Tuy nhiên, với những quy định ngày càng chặt chẽ có ít tàu cá của tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp cận được với gói hỗ trợ xăng dầu. Điều này cũng do nguyên nhân khách quan, bởi phần lớn tàu cá của tỉnh Thừa Thiên - Huế hành nghề vây cá nổi, hoạt động trong vùng lộng là chủ yếu.
Trong khi đó, ngư dân Mai Thành Phúc, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Phước Đồng, tỉnh Khánh Hòa xác nhận, dù giá dầu tăng nhưng ngư dân vẫn đi biển bởi đang vụ chính đánh bắt cá ngừ đại dương. Hơn nữa, giá cá hiện cũng ở mức cao, khoảng 160.000 đồng/kg loại 1 nên ngư dân sẽ cố gắng đánh bắt đạt sản lượng, cùng với đó bảo quản sản phẩm thật tốt để bù tổn phí do giá dầu tăng.
Những năm qua, những ngư dân khai thác cá ngừ đã có sự đầu tư mạnh mẽ về công nghệ trong bảo quản để nâng cao hiệu quả trong khai thác, đặc biệt là nâng cao chất lượng sản phẩm. Công nghệ Nano hiện đang được ứng dụng khá tốt trong khai thác cá ngừ đại dương ở Bình Định. Bên cạnh đó, hiện nay có nhiều công nghệ bảo quản hải sản khác đang được áp dụng trên tàu cá như: công nghệ đá sệt, lạnh kết hợp... giúp tăng hiệu quả trong bảo quản thủy sản khai thác trên các tàu cá.
Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định cho rằng, để bù vào khoản chi phí tăng thêm của mỗi chuyến biển do giá dầu tăng, ngư dân một mặt làm kiêm nghề, mặt khác áp dụng những công nghệ tiên tiến để bảo quản sản phẩm sau khai thác để làm tăng chất lượng sản phẩm. Chất lượng sản phẩm được nâng lên sẽ có giá bán tốt hơn, khoản tăng thêm từ chất lượng sản phẩm sẽ bù được phần nào khoản chi phí tăng thêm từ giá nhiên liệu.
Chẳng hạn như công nghệ lạnh kết hợp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công nhận để nâng cao chất lượng thủy sản, giảm thất thoát sau thu hoạch trên tàu lưới kéo xa bờ. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ này thành phổ biến còn nhiều hạn chế trong thiết kế kỹ thuật.
Ông Nguyễn Như Sơn, Trưởng phòng Nghiên cứu công nghệ khai thác và sau thu hoạch - Phân viện Nghiên cứu Hải sản phía Nam cho biết, để khắc phục những hạn chế trên, nhóm nghiên cứu đã tiến hành cải tiến hệ thống thiết bị lạnh và hoàn thiện quy trình công nghệ bảo quản sản phẩm mực ống trên tàu lưới chụp mực.
Thay vì chỉ bảo quản bằng nước đá thông thường thì khi ứng dụng công nghệ này, sản phẩm sau khi khai thác sẽ được ngâm hạ nhiệt trước khi đưa vào bảo quản trong hầm lạnh thấm. Việc hạ nhiệt nhanh sản phẩm và được bảo quản ở nhiệt độ -2 độ C đã giúp sản phẩm luôn đảm bảo độ tươi. Bảo quản bằng phương pháp lạnh kết hợp có chất lượng cảm quan tăng lên 20%; protein cao hơn 1,3%, tổn thất về sản lượng cũng giảm... so với bảo quản bằng đá xay truyền thống.
Theo ông Nguyễn Như Sơn việc thay đổi được phương pháp bảo quản trên tàu chụp mực của ngư dân đã giúp cho ngư dân có thể chuyển từ hoạt động khai thác ngắn ngày (1 ngày) chuyển sang hoạt động dài ngày trên biển.
Công nghệ lạnh kết hợp sẽ có vốn đầu tư nhẹ hơn công nghệ Nano - công nghệ được các ngư dân khai cá ngừ sử dụng nhiều. Công nghệ này sẽ được thiết kế tùy vào nghề khai thác và thể tích khoang tàu cần bảo quản. Như với nghề chụp mực, sẽ phải sử dụng nhiều điện chiếu sáng vào ban đêm nên sẽ lắp đặt để tranh thủ cùng sử dụng máy phát điện lúc này và chạy hệ thống lạnh kết hợp, giúp giảm chi phí nhiên liệu, ông Nguyễn Như Sơn cho biết.
Theo các nhà khoa học, với ngư dân, việc thay đổi công nghệ bảo quản là vấn đề khó, bởi họ đã quá quen với cách làm cũ cũng như bởi những lo ngại khi phải mất thêm chi phí đầu tư mà không rõ hiệu quả cao hơn bao nhiêu.
Nhìn lại khi đưa công nghệ Nano vào ứng dụng thực tế, ông Nguyễn Như Sơn cho biết, Phân viện đã phải đảm bảo thu mua sản phẩm cho ngư dân, đồng thời giá thu mua cũng cao hơn giá thị trường 20.000 đồng/kg. Như vậy mới tạo được sự thu hút ban đầu với ngư dân.
Đưa công nghệ lạnh kết hợp này vào ứng dụng, ông Nguyễn Như Sơn cho biết đã phải thuyết phục và chứng minh cho ngư dân thấy việc họ phải đi khai thác và trở về trong ngày sẽ khiến họ tốn thêm chi phí rất nhiều, hiệu quả khai thác không cao do hầm bảo quản không thể bảo quản sản phẩm được quá lâu. Công nghệ lạnh kết hợp sẽ giúp họ có thể bám biển thêm nhiều ngày mà chất lượng sản phẩm vẫn được đảm bảo. Như vậy hiệu quả mỗi chuyến biển sẽ cao hơn.
Theo truyền thống, ngư dân thường bảo quản thủy sản đánh bắt bằng đá lạnh xay. Tuy nhiên, cách làm này có nhiều hạn chế, nhất là độ lạnh của đá xay không đủ và chất lượng thủy sản sẽ bị giảm nếu sử dụng đá xay có lẫn nhiều tạp chất. Bảo quản thủy sản bằng các công nghệ ngoài nâng cao chất lượng sản phẩm, còn làm giảm thất thoát sau thu hoạch.
Thời gian qua, nhằm giảm tổn thất sau khai thác, nhiều ngư dân đã đầu tư ứng dụng làm hầm bảo quản hải sản trên tàu cá bằng vật liệu Polyurethane (PU). Hầm bảo quản hải sản làm bằng vật liệu cách nhiệt dưới dạng bọt xốp PU, cũng đã khắc phục được sự mất nhiệt ở hầm truyền thống. Để khuyến khích ngư dân ứng dụng công nghệ vật liệu mới trong đóng mới hầm bảo quản sản phẩm khai thác cho các tàu cá và tàu làm hậu cần nghề cá vùng khơi xa, nhiều địa phương đã có những chính sách hỗ trợ ngư dân nâng cấp, làm mới hầm bảo quản bằng vật liệu PU.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Yên Đào Quang Minh cho biết, để giảm chi phí sản xuất, ngành nông nghiệp tỉnh Phú Yên khuyến cáo ngư dân khai thác thủy sản theo tổ đội, nhóm hỗ trợ nhau trong quá trình đánh bắt thủy sản; tăng cường khai thác theo chuỗi liên kết; bảo quản nâng cao chất lượng, giá thành của sản phẩm.
Ngư dân đã đa dạng hóa nghề đánh bắt, vươn khơi theo tổ đội để hỗ trợ nhau đưa hải sản đánh bắt được về bờ, tập trung khai thác hải sản có giá trị cao. Khắc phục một phần tình trạng thiếu lao động đi biển, nhiều chủ tàu cá đã đầu tư vốn để mua sắm thêm máy tời, máy kéo lưới nhằm giảm sức lao động, tăng năng suất công việc.
Trong hoạt động khai thác xa bờ, ngoài các yếu tố trang thiết bị, ngư lưới cụ hiện đại thì việc bảo quản hải sản sau khai thác trên biển là rất quan trọng, quyết định hiệu quả của chuyến đi biển. Ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản cho rằng, khi chi phí cho mỗi chuyến tàu tăng lên thì ngư dân cần tính đến việc áp dụng các công nghệ để cắt giảm những chi phí, tổn thất không đáng có.
Bên cạnh việc thành lập các tổ đội hỗ trợ nhau trong khai thác thì ngư dân cần tổ chức sản xuất theo chuỗi để ổn định sản xuất, cân đối cung - cầu sản phẩm, đồng thời khai thác bền vững, bảo vệ môi trường biển, nguồn lợi thủy sản.
Ngư dân vươn khơi hái lộc biển Những ngày này khi người dân đang tấp nập đi mua sắm, trang trí nhà cửa chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần, hàng trăm ngư dân ở Phú Yên lại rộn ràng vươn khơi khai thác thủy sản trên biển. Chuyến biển xuyên Tết, ngư dân Phú Yên kỳ vọng sẽ hái được nhiều "lộc biển" mở đầu một mùa vụ...