Ra mắt bản đồ tiếp cận cho người khuyết tật
Dù Việt Nam đã có quy chuẩn quốc gia về xây dựng đảm bảo cho người khuyết tật (NKT) tiếp cận từ rất sớm nhưng các công trình tuân thủ quy chuẩn này (kể cả tại thành phố lớn) lại rất ít ỏi.
Với thực trạng xây dựng hiện nay của Việt Nam , tiếp cận chỉ là 1 “ước mơ” đối với NKT
Bà Từ Mãnh Kỳ, cán bộ phụ trách dự án Bản đồ tiếp cận của Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD), cho biết: “Tiếp cận là việc NKT sử dụng được công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin, dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và dịch vụ khác phù hợp để có thể hòa nhập cộng đồng”.
Đây là một khái niệm không mới ở Việt Nam, nó được thể hiện trong rất nhiều chính sách, quy định tiến bộ của nhà nước như Pháp lệnh Người tàn tật, Luật Người khuyết tật và nhiều bộ luật chuyên ngành khác như xây dựng, giao thông… Tuy nhiên, điều quan trọng là các chính sách, quy định trên chưa được nhiều cá nhân, tổ chức tuân thủ.
Các công trình xây dựng không tuân thủ quy chuẩn tiếp cận khiến NKT khó khăn khi đến đây làm việc, sinh hoạt
Theo bà Võ Thị Hoàng Yến, Giám đốc DRD thì hiện các công trình xây dựng, giao thông… tại Việt Nam (kể cả các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM) còn rất “xa cách” với NKT vì nó không đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật cho NKT tiếp cận.
Bà nêu nhiều ví dụ như bậc tam cấp vào các tòa nhà quá cao, chưa có lối đi dành riêng cho NKT, không có thềm cho xe lăn NKT đi lên vỉa hè, trên vỉa hè không có gờ dẫn hướng cho người khiếm thị… Đặc biệt là ngay cả các công trình công cộng như công sở, công viên, nhà hát… cũng không đảm bảo các quy chuẩn này làm hạn chế rất nhiều đến hoạt động của NKT, làm NKT khó hòa nhập cộng đồng.
Để minh chứng cho điều này, bà Từ Mãnh Kỳ cho biết: “Trong 1 năm, hơn 50 tình nguyện viên của DRD đã khảo sát 1.800 công trình công cộng (bệnh viện, truờng học, nhà hàng,…) trên địa bàn TP, kết quả là chỉ có 78 công trình xây dựng đúng quy chuẩn, có thể tiếp cận cho NKT”.
Video đang HOT
Tuy kết quả khảo sát rất đáng thất vọng nhưng DRD cũng quyết định tập hợp 78 công trình tiếp cận trên vào Bản đồ tiếp cận để phát miễn phí cho NKT trên địa bàn TP. Trong ngày 30/9, DRD đã cho ra mắt Bản đồ tiếp cận trên để giúp NKT biết được những công trình nào mình có thể tiếp cận được trên địa bàn TPHCM.
Các tình nguyện viên DRD vui mừng cho ra mắt Bản đồ tiếp cận sau 1 năm khảo sát 1.800 công trình công cộng tại TPHCM
Bà Từ Mãnh Kỳ, người phụ trách dự án cho biết: “Bản đồ tiếp cận cung cấp thông tin về 78 địa điểm mà người sử dụng xe lăn có thể tiếp cận ở khu vực quận 1 và quận 3 của TPHCM. Trong 1 địa điểm, người đọc có thể biết 5 tiêu chí hết sức cần thiết của 1 công trình để người đi xe lăn có thể sử dụng: lối vào, cửa, hành lang, thang máy và nhà vệ sinh”.
Bản đồ này không chỉ giúp ích cho NKT đi xe lăn mà còn giúp người già yếu, người bị thương tật nên hạn chế di chuyển, phụ nữ mang thai… Ngoài xuất bản tập bản đồ giấy, bản đồ tiếp cận này cũng được đưa lên hệ thống mạng tại địa chỉ trang web drdvietnam.com để đông đảo mọi người có thể tham khảo.
Theo Dantri
Một người khuyết tật có ba gia đình
Bằng nghị lực và tình yêu thương, anh Trịnh Xuân Vinh, Chi hội trưởng Chi hội Thanh niên khuyết tật TP Hội An (Quảng Nam) đã tự vượt lên chính mình và giúp những người không may mắn.
Đen đủi đến tuổi 40
Mỗi ngày, Trịnh Xuân Vinh có quá nhiều việc để làm bởi anh có đến ba gia đình. Ngoài mái ấm của mình, anh còn phải "lĩnh xướng" sinh hoạt của Chi hội khuyết tật TP Hội An, làm "mẹ" của ngôi nhà Tình thương do anh vận động thành lập.
Năm 1969, mới 5 tuổi, anh Vinh sốt rồi bị liệt cả hai chân. Lên 10 tuổi, mẹ anh đột ngột qua đời. Từ đây, Vinh sống lang thang cơ nhỡ.
Đi quay nước mía cho những tiệm giải khát ở đường Bạch Đằng, Hội An một thời gian, Vinh lên Trung Phước, Quế Sơn, vùng quê khô cằn đá sỏi để cuốc đất thuê kiếm sống. Người khỏe mạnh còn không đủ sức vóc để làm việc ấy, huống hồ là Vinh.
Làm đồ thủ công ở Ngôi nhà Tình thương
Trở về Hội An, Vinh xin học nghề đóng giày da. Phải đi bán kem từ sáng đến 1h chiều mới được vào học. Buổi tối anh dọc theo các con phố Phan Chu Trinh, Trần Phú, Lê Lợi, những nơi có nghề giày da đang thịnh ở Hội An để... học lỏm. 6 tháng miệt mài, rồi cũng thành nghề nhưng nhìn vóc dáng anh, không tiệm nào muốn nhận.
Nhờ sự giới thiệu của người quen, anh được một tiệm giày ở tận thị trấn Ái Nghĩa của huyện Đại Lộc nhận vào làm. Dành dụm được một số tiền, năm 1981, anh về lại Hội An. Người quen tạo điều kiện cho anh trú nhờ một góc bên chợ Hội An, và mở tiệm đóng giày.
Thời gian này anh có tình cảm với người con gái ở phố Bạch Đằng. Anh ngỏ lời và được chị Nguyễn Thị Thúy Hòa đón nhận. Năm 1990 họ cưới năm 1993, sinh con gái đầu lòng, nhưng 2 năm sau cháu bị bại não.
Trong những ngày rơi vào tuyệt vọng, anh gặp Phạm Thị Nhứt, Nguyễn Thị Thúy Phương... những người tật nguyền còn có số phận đau lòng hơn anh. Anh vượt qua đau khổ và trở thành chỗ dựa tinh thần cho họ.
Đến năm 2004, anh đề xuất và được sự trợ giúp của Hội Thanh niên TP Hội An, Chi hội Thanh niên khuyết tật TP Hội An do anh vận động đã ra đời.
Sinh hoạt thường xuyên và kết nối với các Chi hội Thanh niên khuyết tật trên toàn quốc, nhiều thanh niên khuyết tật của Hội An đã tự tin với cộng đồng.
Tất bật vì các em khuyết tật
Qua sinh hoạt định kỳ, anh biết nhiều anh chị em phải lăn xe đi bán vé số hoặc lê những đôi chân tật nguyền đi rửa bát thuê, nhặt rau sống. Vinh dậy lên trong mình ước nguyện về một "ngôi nhà chung" để anh em có thể làm việc, học nghề, hỗ trợ nhau.
Thông qua Hội thanh niên TP Hội An, anh Vinh đã gặp gỡ và tâm sự với những nhà hảo tâm, những người làm từ thiện trên địa bàn. Mọi người đều hưởng ứng. Mỗi người đóng góp vài trăm nghìn rồi kêu gọi thêm.
Anh Trịnh Xuân Vinh và ông James Nelson.
Điều đầu tiên mà "người mẹ" ấy đã nghĩ đến khi thành lập Ngôi nhà là tạo nên không gian yêu thương để các em được học văn hóa, học nghề và có thể mưu sinh bằng chính khả năng của mình. Ngôi nhà Tình thương hiện nay có hơn 20 em, những người cảnh ngộ nhất trong 110 hội viên của Chi hội thanh niên khuyết tật Hội An.
Được sự ủng hộ của UBND phường Cẩm Phô, Ngôi nhà Tình thương ở 126 Trần Hưng Đạo, Hội An đã ra đời. Trong ngôi nhà tình thương, anh Vinh được nhiều em cơ nhỡ trìu mến gọi là "mẹ".
Anh Vinh chia sẻ: "Do bị khiếm khuyết về thể chất, không được học hành đến nơi đến chốn, các em không biểu đạt được những gì muốn bày tỏ nên chúng tôi muốn bù đắp để các em có thể "nói" được những gì muốn nói".
Nhờ sự giúp đỡ từ nhiều phía, Chi hội trưởng Chi hội Thanh niên khuyết tật Hội An đã mời được giáo sư người Mỹ James Nelson, đến dạy tiếng Anh cho các em khuyết tật. Cứ đều đặn, 6 buổi/tuần, các em được thầy Nelson dạy.
Mong các em có thể vận động cơ thể được dễ dàng hơn, anh Vinh cũng đã mời được bà Virginia Mary Lockett, chuyên viên vật lý trị liệu người Mỹ của Tổ chức Health Volunteers Overseas (HVO- Tổ chức tình nguyện Hải ngoại vì sức khỏe) đến hướng dẫn kỹ thuật phục hồi chức năng, vật lý trị liệu giúp các em khuyết tật hoàn thiện hơn một số chức năng cơ thể.
Hiện, Chi hội đang liên hệ với các hội thanh niên khuyết tật trong và ngoài tỉnh, nhờ họ đào tạo nghề cho các em khuyết tật của TP Hội An cũng như tiêu thụ sản phẩm mà các em làm ra.
Công ty TNHH Người khuyết tật N.Trung ở Đà Nẵng do anh Trương Công Nghiêm làm giám đốc đã nhận giúp Chi hội đào tạo các em nghề dán bao bì cao cấp. Một số hãng mỹ nghệ ở TP Hội An cũng hứa giúp đỡ Chi hội đào tạo nghề và thu mua sản phẩm.
Theo 24h
Miền Trung mưa dông trên diện rộng Miền Trung có mưa dông (Ảnh minh họa) Không khí lạnh tiếp tục di chuyển xuống phía nam kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới là nguyên nhân gây mưa dông diện rộng cho các tỉnh miền Trung. Mưa lớn cùng với sự lên nhanh của mực nước trên các sông nên nguy cơ ngập úng ở vùng đồng bằng, trung du...