Ra hồ Thác Bà nuôi cá đặc sản, cá Koi, kiếm bộn tiền
Vốn là ông chủ mô hình kinh tế trang trại kết hợp khu du lịch sinh thái rộng vài chục ha, anh Trần Văn Hùng ở tổ 19, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình (Yên Bái) đã tận dụng nguồn nước hồ Thác Bà để xây dựng mô hình nuôi cá lồng với những giống cá đặc sản như: cá quế, cá lăng đỏ, cá nheo, cá chép Koi Nhật Bản… mang lại nguồn thu lớn.
Mô hình nuôi cá lồng không phải là mới bởi anh Hùng đã nuôi cá lồng từ hơn chục năm trước với con số lên đến 50 lồng. Nhưng những dự định về xây dựng Khu du lịch sinh thái Ruby khiến anh không có thời gian để tỉ mẩn chăm sóc những lồng cá ấy nên đành bỏ dở.
Rồi mọi cố gắng đã được đền đáp khi giờ đây, Khu du lịch sinh thái Ruby của anh Hùng hàng tháng đón từ 400 đến 500 lượt khách tham quan. Khi lượng khách dần ổn định, anh năng động xây dựng thêm nguồn thực phẩm sạch và an toàn để phục vụ du khách…
Anh Trần Văn Hùng chăm sóc lồng cá Koi Nhật Bản.
Với lợi thế đất đai rộng lớn, anh đã dành riêng một vài đảo chuyên trồng các loại rau xanh và chăn thả các loại gia súc, gia cầm, hoàn toàn theo cách nuôi tự nhiên…để phục vụ du khách và bán ra ngoài thị trường.
Tháng 8/2017, sau hơn 15 năm bỏ dở nghề nuôi cá, anh xây dựng lại mô hình nuôi cá lồng với 10 lồng cá, một phần để tạo nguồn thực phẩm sạch cho nhà hàng, một phần để kinh doanh cá giống.
Cá Koi vốn là loài cá cảnh của vùng xứ lạnh Nhật Bản, màu sắc bắt mắt xinh đẹp. Là người đầu tiên đưa cá Koi về Yên Bái, anh Trần Văn Hùng cho biết: “Nuôi cá Koi không phải dễ dàng nhưng cũng không phải quá khó.
Trước khi đưa loài cá này về nuôi tại hồ Thác Bà, tôi đã đến các trang trại nuôi cá Koi ở trong miền Trung để tìm hiểu kỹ thuật nuôi giống cá này.
Video đang HOT
Sau khi đưa về hồ Thác Bà, tôi nhận thấy cá Koi sống thích hợp với môi trường nước ở đây. Với 1.000 con cá giống ban đầu, nuôi trong vài tháng, tôi lại xuất bán, cũng thu lãi gần 100.000 đồng/con”.
Cùng với cá Koi, cá quế cũng là loài cá có nguồn gốc nhập ngoại. Sau một thời gian nuôi, anh Hùng đúc rút ra rằng, nhiệt độ nước là yếu tố quan trọng để các giống cá nhập ngoại có thể sinh sống. Nếu nhiệt độ trong nước quá nóng, cần giảm lượng thức ăn. Nếu nắng gắt nhiều ngày liền, cần đẩy lồng cá xuống sâu hoặc di chuyển lồng đến vị trí có bùn để hạ nhiệt.
Sau hơn nửa năm, với 3 tấn cá giống ban đầu tương đương 10 lồng cá, anh Hùng xuất bán cá giống, trung bình thu lãi 20 triệu đồng/ lồng. Theo anh Hùng, cá quế nuôi 1,5 năm sẽ cho cân nặng khoảng 2,5kg và cho thu lãi khoảng 100.000 đồng/ con. Còn cá Koi, nếu muốn thu nhập cao thì nuôi theo hướng cá cảnh. Giá trị trên thị trường hiện giờ có thể lên đến hàng trăm ngàn USD cho 1 con cá Koi nặng khoảng 20-30kg.
Hơn nữa, tuổi thọ của cá Koi rất cao, con kỷ lục nhất được ghi nhận sống tới 230 năm. Thời gian tới, anh dự định sẽ nuôi cá Koi bố mẹ sinh sản để nhân giống, phục vụ việc cung cấp giống các loại cá giá trị này và cam kết sẽ bao tiêu đầu ra cho bà con.
Theo Hoài Anh (Báo Yên Bái)
Nghĩ xa, làm lớn, lão nông này trồng bạt ngàn rừng gỗ lớn
Khi tiếp nhận thông tin Nhà nước chủ trì xây dựng mô hình áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung, lực lượng kiểm lâm của huyện Yên Bình (Yên Bái) ai cũng "giật mình" bởi mấy chục năm trước, lão nông Nguyễn Thanh Ngọc ở xã Bảo Ái đã thực hiện đúng mô hình đó.
Được biết, mỗi khối gỗ ông Ngọc xuất bán có giá trị gấp 5-7 lần thân gỗ nhỏ của hầu hết bà con trồng rừng trong tỉnh. Không chỉ dựng nhà lầu, sắm xe hơi từ làm kinh tế rừng, cách làm của ông Ngọc còn lan toả đến nhiều hộ dân trong xã.
Cán bộ cũng thán phục
"Những ngày này, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn, chúng tôi đang xây dựng đề án "Hỗ trợ phát triển các vùng trồng rừng gỗ lớn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030". Đề án này ra đời nhằm giải quyết khó khăn của các hộ làm kinh tế rừng trong tỉnh. Thế nhưng tại xã Bảo Ái, huyện Yên Bình, từ nhiều năm trước, hơn 10 hộ dân của xã đã trồng và gây dựng lên những cánh rừng gỗ lớn" - ông Nguyễn Thái Bình - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Yên Bái cho biết.
Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Yên Bình, ông Hà Ngọc Quý đứng bên một cây gỗ lớn trong tán rừng của ông Ngọc.
Ông Ngọc yêu rừng đến mức, bây giờ đã ở nhà lầu, đi xe hơi, là nông hộ giàu có nhất nhì Bảo Ái, nhưng vợ chồng ông vẫn ngày ngày đi phát cỏ dại, chăm bón cho cây. Đứng trước cánh rừng xào xạc gió, ông Ngọc tiết lộ: "Chiếc xe hơi tôi sắm, mục đích chính là để "nhử" một trong hai thằng con về Bảo Ái học cách trồng rừng và cùng tôi quản lý, phát triển rừng bền vững".
Từ thông tin của Chi cục, chúng tôi tìm về Hạt Kiểm lâm Yên Bình. Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Yên Bình Hà Ngọc Quý vừa ngạc nhiên, vừa thán phục: "Ông Nguyễn Thanh Ngọc và các hộ liên kết trồng rừng gỗ lớn ở Bảo Ái quả là một "ca" rất lạ. Tôi vẫn nhớ rõ 16 năm trước, tôi về nhận công tác ở Yên Bình khi mới ngoài đôi mươi. Ngày đó, phần lớn rừng Bảo Ái chỉ lơ thơ những vạt cây nhỏ, riêng cánh rừng của ông Ngọc xanh um, hầu hết cây đều ở tuổi gỗ lớn. Tôi nghe anh em trong hạt kể mới biết rừng của ông Ngọc xanh tốt từ ngày kiểm lâm của tỉnh còn lăn lóc đi vận động bà con phủ xanh đồi trọc".
Thực lòng, nghe ông Quý nói, chúng tôi cũng ít nhiều cảm thấy khó tin. Nhưng, đến khi từ huyện lỵ ngược 30km đường rừng ngoằn ngoèo, nghe bà con trồng rừng ở Bảo Ái vừa khâm phục, vừa ước ao "làm kinh tế rừng giỏi giang như ông Ngọc" thì chúng tôi mới thực sự ấn tượng.
Ông Ngọc 55 tuổi, thuộc tuýp người nói ít, làm nhiều. Suốt buổi trò chuyện, hiếm khi thấy ông chủ động chia sẻ. Chúng tôi hỏi chuyện đến đâu, ông rủ rỉ trả lời đến đó. "Sau cơ ngơi này là hơn 3 chục năm trồng rừng, giữ rừng với những ngày khó khăn, cơ cực" - ông Ngọc chỉ căn nhà, chiếc xe nói.
Ngược về hơn 30 năm trước, lúc ông Ngọc rời quân ngũ trở lại Bảo Ái. Khi đó, ông đã rất đau lòng khi nhìn những cánh rừng trơ trụi vì bị khai thác đến kiệt quệ. Ông tiếc khi chứng kiến đất đai màu mỡ bị bỏ hoang; những vạt rừng lơ thơ như cái đầu nấm chốc... và ông quyết định, việc cần làm là phải:Trồng rừng.
Ông Ngọc dốc hết vốn liếng, vay mượn họ hàng, bạn hữu để mua cây giống phủ xanh cánh rừng nhà mình. Chăm sóc cả cánh rừng mênh mông lúc độc thân đã nhiều chật vật, khi ông lập gia đình, có hai cậu con trai lại càng khó khăn hơn. Chứng kiến người trồng rừng giật gấu vá vai, trăm ngàn khoản thu đều trông cả vào kỳ khai thác gỗ, cuối cùng lời lãi chẳng được bao nhiêu, ông Ngọc đã nghĩ mình phải làm khác. Thế là ông xách tay nải xuôi về thành phố Yên Bái làm phu xe, cửu vạn; ngược lên Lục Yên làm phu đá trong các mỏ... Ông làm mọi việc để nuôi vợ con, nuôi cả cánh rừng.
Khi hai đứa con vào tuổi đến trường, bà Nguyễn Thị Cư - vợ ông vừa quán xuyến việc nhà, vừa thay chồng chăm bẵm cánh rừng. Ngày rừng đủ tuổi khai thác, ông Ngọc không đẵn sạch mà chỉ tỉa bán những cây còi cọc, kém phát triển để những cây còn lại có không gian tăng trưởng. Ông phân tích: "Rừng 7 tuổi như đứa trẻ, từ tuổi thứ 10 trở đi cây mới phát triển mạnh mẽ, cũng giống con người đang độ tuổi thanh niên. Nếu khai thác toàn bộ là bỏ mất quãng thời gian sinh trưởng tốt nhất của cây".
Khổ tận cam lai...
Giàu có bậc nhất Bảo Ái, ông Ngọc vẫn trăn trở trong việc phát triển bền vững rừng trồng. Ảnh: M.T
Sau 15 năm trồng rừng gỗ lớn và thuê thêm đất của bà con để mở rộng diện tích rừng, ông Ngọc tỉa bán đợt thứ hai. Lúc này cây cho gỗ xẻ nên ông thu về giá gấp 5-7 lần giá bán cây làm gỗ bóc, gỗ tạp. Ông Ngọc phân tích mạch lạc: "Khi trồng rừng gỗ nhỏ, sau 7 năm chỉ có thể làm gỗ dăm hoặc nguyên liệu giấy, giá bán mỗi mét khối gỗ chỉ được khoảng 700.000 đồng. Thời gian trồng rừng của tôi lâu gấp đôi nhưng giá bán gỗ lại gấp 5-7 lần, đường kính cây càng to càng được giá. Tôi lại không phải đầu tư giống vốn để gây lại toàn bộ cánh rừng. Hơn nữa, rừng gỗ lớn còn chống xói mòn, cản nước lũ tốt hơn rừng gỗ nhỏ".
Khổ tận cam lai, mỗi khối gỗ của ông tương đương cả chỉ vàng. Không còn phải lo bán sức mưu sinh, ông về hẳn Bảo Ái cùng vợ chăm sóc rừng. Bà con trong xã tìm đến hỏi ông kinh nghiệm "sống khoẻ" nhờ rừng, ông nói hết, không giấu giếm. Thấy những ánh mắt chùng xuống khi nghe nhắc đến đầu tư phân bón, nhân công làm cỏ; ông sốt sắng đề nghị bà con cùng liên kết trồng rừng gỗ lớn: Bà con bỏ đất và công sức lao động, ông lo vốn, giống và chi phí chăm sóc. Sau kỳ khai thác, số tiền thu được sẽ chia đôi. Trước lời đề nghị đó, nhiều hộ đã chối từ, song cũng có những hộ tin tưởng liên kết với ông. Sau khi được hưởng hiệu quả từ trồng rừng gỗ lớn, nhiều hộ tự chủ về kinh tế, đã độc lập chăm sóc, nuôi dưỡng cánh rừng của mình.
"Thấy mô hình liên kết trồng rừng gỗ lớn của ông đã khắc phục được những khó khăn, bây giờ đã có nhiều hộ chủ động đề nghị ông liên kết trồng rừng. Hiện, ông Ngọc đang có trong tay mấy trăm ha rừng gỗ lớn. Hai người con trai cũng nhờ rừng mà ăn học thành tài.
Điều đáng trân trọng là tình yêu của ông Ngọc dành cho rừng. Vì thực sự yêu rừng nên ông đã giải được bài toán cân bằng giữa việc làm kinh tế rừng và phát triển bền vững rừng trồng.
Theo Danviet
Vợ chồng lên đèo hiểm trở nuôi 2 loài cá "tiến vua", mãi mới lớn Nuôi cá ở lưng chừng đèo, câu chuyện tưởng vô lý nhưng lại là có thật của vợ chồng anh Nguyễn Việt Hòa, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang). Giữa mênh mông núi rừng, ngay ở lưng chừng đèo Ái Âu hiểm trở, trang trại nuôi cá đặc sản "tiến vua" của vợ chồng người dân tộc Tày đang mang lại...