Quyết tâm mua S-400 của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ nhận ‘đòn đau’ từ Mỹ
Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần khẳng định sẽ mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga bằng bất cứ giá nào, Mỹ mới đây lại tiếp tục tung đòn hiểm hóc nhằm tạo áp lực khiến Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ thương vụ này.
Máy bay F-35 của Mỹ.
Hãng tin Reuters của Anh ngày 1/4 dẫn hai nguồn tin quen thuộc cho biết các quan chức Mỹ đã thông báo với những người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ rằng họ sẽ ngừng bàn giao thêm các thiết bị liên quan để chuẩn bị cho máy bay F-35.
Ngay sau đó Lầu Năm Góc cũng đã xác nhận thông tin này của Reuters.
“Trong khi chờ quyết định rõ ràng của Thổ Nhĩ Kỳ về việc từ bỏ mua S-400 (của Nga), chúng tôi tạm ngừng bàn giao các thiết bị và các hoạt động liên quan đến F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ”, Mike Andrews, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, cho biết.
Thổ Nhĩ Kỳ tham gia dự án phát triển máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 F-35 cùng 8 quốc gia khác từ năm 2002, với khoản đóng góp hàng tỷ USD. Đổi lại, Mỹ sẽ cung cấp 100 chiếc F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Cho tới năm ngoái, Ankara được cho là đã đóng góp khoảng 1,25 tỷ USD, theo hãng tin Bloomberg.
Ngoài ra, 10 công ty của Thổ Nhĩ Kỳ có kế hoạch sản xuất 12 tỷ USD các bộ phận chủ chốt như thân máy bay, thiết bị hạ cánh. Ankara cũng là nhà cung cấp duy nhất màn hình hiển thị trong buồng lái trong số các nước tham gia chương trình.
Video đang HOT
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga.
Tuy nhiên, các nhà lập pháp Mỹ đã loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình này do lo ngại kế hoạch mua S-400 của Ankara có thể tạo điều kiện giúp hệ thống của Nga theo dõi và phát hiện F-35.
Đến nay Thổ Nhĩ Kỳ mới chỉ nhận được một đơn vị của dòng tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm này.
Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã hoàn tất thỏa thuận mua 4 tổ hợp tên lửa phòng không S-400 của Nga vào cuối năm 2017 với giá 2,5 tỷ USD và tổ hợp đầu tiên dự kiến sẽ được chuyển tới Ankara vào tháng 7/2019.
Lầu Năm Góc đã nhiều lần dê dọa rằng Ankara sẽ phải đối mặt với “những hậu quả nặng nề” nếu nước này tiếp tục kế hoạch mua hệ thống tên lửa của Nga.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Charles Summers khẳng định nếu Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết mua hệ thống S-400 của Nga, nước này sẽ không được sở hữu các chiến đấu cơ F-35 thế hệ thứ 5 cũng như hệ thống phòng không Patriot của Mỹ.
Một số bài báo nhận định Ankara có thể phải nhượng lại các tên lửa S-400 cho một quốc gia khác do sức ép của Mỹ. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ngày 29/3 khẳng định rằng sẽ không có sự đảo ngược nào trong hợp đồng tên lửa S-400, đồng thời phủ nhận mọi tin đồn rằng Ankara sẽ bán lại các tên lửa này cho một nước thứ ba.
Nếu việc mua S-400 hoàn tất, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là quốc gia NATO đầu tiên sở hữu hệ thống tinh vi và hiện đại này.
Minh Đăng
Theo VNF/Reuters
Lý do Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ mời ông Putin tới nhà hàng hải sản
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan có thể sẽ sớm thảo luận về thương vụ mua bán hệ thống phòng thủ S-400 khi họ cùng nhau thưởng thức các món hải sản tại một nhà hàng ở thủ đô Istanbul.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (Ảnh: Sputnik)
Theo RT, hôm 24/8, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã gửi lời mời của Tổng thống Erdogan tới Tổng thống Putin khi nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ có chuyến thăm và gặp mặt nhà lãnh đạo Nga ở Moscow.
"Người bạn thân thiết nhất của ngài, Tổng thống Erdogan, đã nhắn gửi lời chào và lời chúc tốt đẹp nhất đến ngài. Ông ấy hy vọng ngài có thể thăm Istanbul trong thời gian tới và sắp xếp để trở thành khách mời tại một nhà hàng hải sản", Ngoại trưởng Cavusoglu nói.
Nhà hàng hải sản gợi nhớ tới thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh BRICS hồi tháng 7, khi đó ông Putin đã nhắc nhở người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ về lời mời dự tiệc tại một nhà hàng hải sản. Đáp lại, Tổng thống Erdogan nhấn mạnh rằng, lời mời vẫn còn hiệu lực.
Nhân dịp đó, Tổng thống Nga đã đề cập tới vấn đề xuất khẩu thịt sang Thổ Nhĩ Kỳ. Dường như hiểu được ngầm ý của Tổng thống Putin, nên chính quyền của Tổng thống Erdogan đã cho phép Nga xuất khẩu thịt sang Thổ Nhĩ Kỳ từ cuối tháng 7.
Lần này, lời mời Tổng thống Putin dự tiệc tại nhà hàng hải sản ở Istanbul của ông Erdogan có thể là cách để thúc đẩy thương vụ mua bán S-400 giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
Quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ có dấu hiệu khăng khít hơn thời gian gần đây khi Ankara quyết mua bằng được hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga, bất chấp cảnh báo của đồng minh Mỹ.
Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã thông qua vụ mua bán các tổ hợp S-400 Triumph hồi năm ngoái. Ngày 4/4, trong cuộc gặp cấp cao, Tổng thống Putin và Tổng thống Erdogan đã thống nhất thời gian bàn giao 2 hệ thống vào năm sau.
Đáp lại, Mỹ tạm ngừng bàn giao máy bay chiến đấu F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời cảnh báo Washington sẽ trừng phạt bất cứ nước nào mua hệ thống phòng thủ S-400 của Nga, dù là các đồng minh của Mỹ.
Minh Phương
Theo Dantri/RT
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện dự án đường ống khí đốt và nhà máy hạt nhân Ngày 29/3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết nước này và Thổ Nhĩ Kỳ đang thực hiện hai dự án chung quan trọng, bao gồm nhà máy điện hạt nhân Akkuyu (NPP) và đường ống khí đốt "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ". Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh: AFP/TTXVN Phát biểu tại họp báo chung với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ...