Quyết liệt dành đất xây trường học
Chiều 5-7, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt đã trả lời chất vấn về vấn đề đưa nước sạch sinh hoạt về nông thôn. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc trả lời về việc bố trí đất xây dựng trường học tại quận Hai Bà Trưng.
Nhà máy Rượu Hà Nội sẽ sớm được di dời để dành một phần đất xây trường học
Chất vấn Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt, ĐB Lê Thị Hà (Thanh Oai) hỏi: “Gần 20% người dân đang phải sử dụng nước chưa hợp vệ sinh, TP có giải pháp nào giải quyết?”. Ông Trần Xuân Việt giải thích: “Nguồn vốn có hạn. Trước mắt, TP tập trung vào các khu vực đông dân hoặc nước sinh hoạt bị ô nhiễm các kim loại nặng nguy hiểm như Asen. Với các khu vực vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ này là có. Chúng ta đang phấn đấu đến năm 2015, 95% hộ dân sẽ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh”.
ĐB Nguyễn Thị Thùy, Trưởng Ban Văn hóa – xã hội HĐND TP phản ánh: “Có những trạm nước sạch nông thôn đầu tư từ 8 năm trước nhưng nay vẫn bỏ không. Vì sao có tình trạng này? TP có xem xét mô hình quản lý nào hiệu quả hơn?”. Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt trả lời: “Việc ĐB nêu là có thật. Thậm chí, có trạm đầu tư từ 10 năm trước nay vẫn bỏ không. Nguyên nhân là trước đây, khi duyệt dự án, chính quyền cơ sở đều cho biết đã có vốn đối ứng, thậm chí vốn huy động thêm từ người dân. Thế nên, đường ống (xây dựng bằng vốn thành phố cấp) đã tới nơi mà dân không có nước sạch dùng vì cơ sở thiếu vốn đối ứng. Tới nay, có 3 trạm đã hỏng toàn bộ phải cho thanh lý. Hàng trăm trạm khác đang phải xem xét, chuyển đổi mô hình để đưa vào hoạt động hiệu quả. TP đã yêu cầu củng cố lại toàn bộ các trạm này.”
Là người cuối cùng đăng đàn, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc trả lời khá rõ ràng về chủ trương bố trí diện tích đất để xây dựng trường học tại Khu đất Công ty Rượu Hà Nội tại số 94 phố Lò Đúc và khu đất Nhà máy Dệt kim Đông Xuân tại số 67 phố Ngô Thì Nhậm (quận Hai Bà Trưng). UBND TP hiện đã giao UBND quận Hai Bà Trưng đôn đốc, phối hợp nhà đầu tư và các sở ngành sớm hoàn thành công tác bàn giao mặt bằng các ô đất nêu trên để triển khai dự án đầu tư xây dựng trường tiểu học phục vụ dân cư khu vực trong quý III hoặc quý IV-2013.
ĐB Nguyễn Hoài Nam, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP chất vấn: “Từ năm 2009 tới nay, việc thu hồi đất ở 2 địa điểm này vẫn “án binh bất động”. Các doanh nghiệp vẫn chưa chịu giao đất cho quận Hai Bà Trưng làm trường học. TP bao giờ mới xử lý xong vấn đề này?”. Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc trả lời: “Chúng tôi tiếp thu vấn đề ĐB nêu. Vừa rồi, quận Hai Bà Trưng, Đống Đa đã rất quyết liệt trong việc thu hồi đất làm trường học. Nhiều khu đất doanh nghiệp đang sử dụng nhưng vì việc chung nên đã giao lại để làm trường học. Riêng ở 2 địa chỉ cụ thể này, chúng tôi đã cho kiểm tra, đôn đốc để trong quý III, quý IV này giao lại cho quận Hai Bà Trưng. UBND TP cam kết sẽ kiểm tra cụ thể và chỉ đạo các ngành chức năng. Nếu đủ điều kiện, sẽ ra quyết định thu hồi ngay và UBND TP sẽ báo cáo lại việc này với HĐND TP vào kỳ họp cuối năm 2013″.
Video đang HOT
ĐB Hồ Quang Lợi, Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy: Chất vấn đã có sự đối thoại
“Các nội dung đưa ra chất vấn ngày hôm nay đều là những vấn đề dân sinh bức xúc, được đông đảo cử tri quan tâm. Các ĐB nêu câu hỏi rất rõ ràng, thẳng thắn. Chất vấn và trả lời chất vấn đã có sự đối thoại, trao đi đổi lại để làm rõ vấn đề. Nói cách khác, hai bên đã làm cho ra nhẽ, để tìm nguyên nhân, giải pháp khắc phục. Tôi thấy về tổng thể, các vị đại diện cho UBND TP, sở ngành đã trả lời có trách nhiệm, tương đối rõ. Tất nhiên, có những vấn đề đặc biệt khó, mang tính khách quan như phòng cháy chữa cháy nhà cao tầng, di dời trạm xăng sát khu dân cư… không dễ gì có thể giải quyết một sớm một chiều. Tôi cho rằng, các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu để có giải pháp hữu hiệu hơn”.
ĐB Vũ Cao Minh – Phó Bí thư Thường trực quận ủy Thanh Xuân: Phải có chiến lược, định hướng sâu hơn
“Tôi nghĩ là nội dung trả lời phần nào đã đáp ứng được vấn đề ĐB nêu. Tuy nhiên, chúng ta nên quan tâm tới định hướng, chiến lược sâu hơn. Tôi tin rằng TP sẽ có nghiên cứu kỹ hơn về những vấn đề ĐB nêu để chỉ đạo, điều hành tốt hơn. Với trách nhiệm của mình, chúng tôi sẽ luôn đeo bám các vấn đề đã nêu tại phiên chất vấn hôm nay. Đây là những vấn đề dân sinh, sát sườn mà cử tri rất quan tâm. Nếu chúng ta giải quyết tốt các vấn đề này, người dân sẽ được hưởng lợi nhiều hơn. Đơn cử, với các dự án chợ kết hợp trung tâm thương mại, qua chất vấn thì thấy cần tính toán lại, cả về quy mô, mô hình quản lý. Ở đây, điều quan trọng nhất mà UBND TP phải hướng tới là đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của người dân”.
ĐB Nguyễn Thị Thùy, Trưởng Ban Văn hóa – xã hội HĐND TP: Quan trọng là việc tiếp thu
Mục đích của chất vấn không phải trả lời một lúc là xong việc. Vấn đề đã được các ĐB HĐND TP nêu lên thì UBND TP phải rà soát lại để giải quyết rốt ráo. Trả lời ngay để thỏa mãn nhu cầu ngay tại hội trường thì tốt quá nhưng thực tế vấn đáp tại chỗ rất khó. Câu hỏi hóc búa, số liệu chưa chuẩn bị kịp thì rất khó cho người trả lời. Các vị trả lời chất vấn hôm nay cũng trả lời tương đối rõ nhưng để rõ ràng hết mọi việc thì phải cần thêm thời gian, tài liệu. Quan trọng là việc tiếp thu, lời hứa giải quyết các nội dung đưa ra chất vấn của các vị trả lời chất vấn. Các vị ĐB HĐND sẽ còn tiếp tục giám sát, theo dõi tại các kỳ họp sau”.
ĐB Nguyễn Xuân Diên, Phó Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TP: Chưa rõ giải pháp
“Về cơ bản, phần trả lời tại phiên chất vấn đã tập trung vào các nội dung chính. Tuy nhiên các phần trả lời chưa đưa ra được những giải pháp, nhất là chưa nêu rõ được sẽ xử lý như thế nào về những cây xăng đang tồn tại trong nội thành. Trong khi đó, đây là nội dung cử tri đặc biệt quan tâm. Đối với vấn đề chợ, nên nghiên cứu phát triển trung tâm thương mại song song với chợ dân sinh. Không phải ai cũng vào được trung tâm thương mại hay siêu thị. Chợ dân sinh là nơi dễ đến nhất, tiện ích nhất, đáp ứng được nhu cầu người dân. Trả lời về vấn đề này chưa đề cập sâu, chưa làm rõ các giải pháp phát triển trung tâm thương mại và chợ.”
Theo ANTD
Cơ sở để đánh giá, bố trí cán bộ
Ngay sau khi kết quả lấy phiếu tín nhiệm được công bố, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh chia sẻ, kết quả này là cơ sở quan trọng để các cơ quan, tổ chức liên quan xem xét trong việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ.
- PV: Thưa Chủ tịch HĐND TP, bà đánh giá thế nào về việc lấy phiếu tín nhiệm với 18 chức danh chủ chốt của TP tại kỳ họp này?
- Bà Ngô Thị Doãn Thanh: Việc lấy phiếu tín nhiệm đã được thực hiện một cách dân chủ, công khai, khách quan, tuân thủ đúng các quy định pháp luật, đúng tinh thần Nghị quyết 35 của Quốc hội và hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các vị ĐB HĐND TP đã thể hiện sự cẩn trọng, công tâm, khách quan, công bằng trong việc ghi phiếu đối với chức danh được lấy tín nhiệm. Kết quả của việc lấy phiếu tín nhiệm cũng là cơ sở quan trọng để các cơ quan, tổ chức liên quan xem xét trong việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, đặc biệt là trong thời điểm hiện nay, khi các cấp có thẩm quyền đang quy hoạch cán bộ.
- Sau lần đầu tiên lấy phiếu, Hà Nội có rút ra nhiều kinh nghiệm quý báu cho những năm tiếp theo?
- Có 3 kinh nghiệm quan trọng. Thứ nhất, phải quán triệt sâu sắc và đầy đủ mục đích, yêu cầu, quy trình của việc lấy phiếu đến tất cả các vị ĐB HĐND TP và các đối tượng được lấy phiếu. Thứ hai, bản thân mỗi cá nhân được lấy phiếu cần phải báo cáo một cách đầy đủ, nghiêm túc, trung thực về việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao theo quy định pháp luật. Thứ ba, rất cần sự vào cuộc có trách nhiệm, thận trọng, công tâm, khách quan của các vị ĐB HĐND TP. Sau đợt này, chúng ta nên có đánh giá tổng kết. Những gì tốt, hay cần phát huy, còn những gì cần rút kinh nghiệm thì phải điều chỉnh kịp thời để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật xung quanh việc lấy phiếu tín nhiệm.
- Cá nhân bà có thấy hài lòng với kết quả lấy phiếu không?
- Tôi nghĩ, mọi người với nhiệm vụ được giao đã phấn đấu ở mức cao nhất. Mỗi cá nhân đều cố gắng, còn đánh giá thì là quyền riêng của mỗi đại biểu.
- Một số chức danh trong lĩnh vực "nóng", hay va chạm với người dân và doanh nghiệp nên dễ bị tín nhiệm thấp, bà có bình luận gì?
- Đây là câu hỏi khó. Trong quá trình chuẩn bị, Thường trực HĐND TP đã cố gắng ở mức cao nhất để cung cấp thông tin cho các ĐB, không chỉ là báo cáo của các chức danh mà còn có báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của thành phố trong thời gian qua. Qua kết quả lấy phiếu, chúng ta có cảm giác, ở lĩnh vực điều hành trực tiếp của UBND TP, số phiếu tín nhiệm không được cao như bên HĐND TP. Đó mới chỉ phản ánh một phần chứ không phải tất cả. Tôi nghĩ, các đồng chí thành viên UBND TP cũng đã hết sức cố gắng trong thực hiện nhiệm vụ của mình. Còn kết quả thực hiện đến đâu, ghi nhận tới đâu thì còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.
Theo ANTD
Xe máy sẽ đóng 150.000 đồng phí đường bộ mỗi năm UBND TP Hà Nội vừa có tờ trình gửi HĐND TP về phí, lệ phí. Lượng phương tiện lưu thông trên đường phố Hà Nội luôn ở mức độ cao UBND TP đề xuất mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô có dung tích xy lanh đến 100 cm3 là 100.000 đồng/năm; xe có dung tích xy lanh...