Quyền Thiện Đắc chơi nhạc jazz trên đường phố
Anh cùng Phù Sa Band sẽ chơi những bản nhạc đậm phong cách jazz và blue trên hè phố thủ đô vào mỗi dịp cuối tuần.
Tiếp nối thành công của dự án âm nhạc cộng đồng, Luala Concert thực hiện chương trình hòa nhạc xuân hè. Thay vì nhạc cổ điển như mùa thu đông, lần này, chương trình sẽ tập trung vào phong cách jazz, blue với sự tham gia Phù Sa Band gồm 3 thành viên Quyền Thiện Đắc, Vũ Ngọc Hà và Lê Quốc Hưng. Được trình diễn miễn phí trên vỉa hè của con phố Lý Thái Tổ (Hà Nội), những khán giả yêu thích thể loại nhạc này có thể đến thưởng thức vào mỗi dịp cuối tuần (thứ Bảy: 16-18h, chủ nhật: 9-11h và 16-18h).
Quyền Thiện Đắc (trái) cùng Phù Sa Band chơi jazz ngẫu hứng trên vỉa hè.
Nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc tiết lộ, ở những buổi diễn đầu tiên, anh cùng ban nhạc sẽ chơi những bản jazz kinh điển của thế giới. Ở các chương trình tiếp theo, anh giới thiệu các sáng tác mới của mình, trong đó sử dụng nhiều chất liệu âm nhạc dân gian, đặc biệt là dân ca Việt Nam để công chúng thủ đô dễ dàng cảm thụ. Con trai của nghệ sĩ Quyền Văn Minh cũng chia sẻ, anh không ngại việc chơi nhạc trên vỉa hè giữa tiếng ồn ào của xe cộ. Bản thân anh chưa từng ngẫu hứng chơi nhạc trên đường phố trong những năm đi học nhạc jazz tại Mỹ, nên chương trình lần này là một trải nghiệm thú vị đối với anh. Đặc biệt, vào ngày 15/4 tới, Phù Sa Band còn có buổi diễn kết hợp cùng dàn nhạc dây cổ điển, với sự chỉ huy của nghệ sĩ Xuân Huy (anh trai kiện tướng dance sport Khánh Thi).
Bên cạnh chương trình nhạc jazz, ban tổ chức còn trưng bày những tác phẩm tranh của các họa sĩ nhí thuộc lớp vẽ Cung thiếu nhi. Đây là loạt tranh mà các bé sáng tác tại chỗ khi đến xem hòa nhạc ngoài trời vào mùa thu đông năm ngoái.
Theo VN Express
Video đang HOT
Quyền Thiện Đắc hoãn trăng mật để làm liveshow
Vừa kết hôn lại lao ngay vào Jazz, chàng nghệ sĩ tài hoa đành khất nợ với cô vợ kém mình 10 tuổi. Con trai NSƯT Quyền Văn Minh thừa nhận anh giống cha ở điểm: đặt Jazz lên trên cả gia đình.
- Du học ba năm ở Mỹ, sau đó là hai năm ở Thụy Điển, đều nhận bằng đỏ cuối cùng lại về Việt Nam. Khi người ta đang cố tìm cơ hội ở những nước phát triển, tại sao anh lựa chọn điều ngược lại?
- Tôi theo nhạc Jazz 22 năm rồi. Có muốn bỏ thì cũng không bỏ được vì nó đã ăn vào máu. Nhưng phải thẳng thắn thừa nhận trình độ của mình chưa đủ để ở lại nước ngoài kiếm tiền. Thứ hai là, tôi không thích ở Tây. Tôi chỉ thích đi diễn ở nước ngoài thôi, gia đình tôi ở Việt Nam, kỷ niệm của tôi ở Việt Nam. Ba năm học cử nhân ở Mỹ, hai năm thạc sĩ ở Thụy Điển, tôi buồn lắm, có những khi cảm giác không chịu được. Thế là về. Về để khoe những gì tôi đã học được trong những năm bôn ba. Tối 18/3, tôi có một liveshow giới thiệu CD mới mang tên "À ơi, lời mẹ ru" tại Nhà hát Lớn, Hà Nội. Sau đó, cả êkíp sẽ mang chương trình xuống biểu diễn tại Hải Phòng vào ngày 21/3.
Chàng "Đắc Béo" cao 1,7 m, nặng 85 kg và nàng Khuê Anh, cao 1,5 m, nặng 45 kg rạng rỡ trong ảnh cưới. Ảnh: John Kim.
- Tổ chức cả liveshow để giới thiệu một CD, anh lý giải sao cho sự chơi sang của mình?
- 5 năm qua, tôi không ra một CD nào trên tư cách cá nhân, vì thế sản phẩm này với tôi có ý nghĩa rất quan trọng. Bản thân việc thu đĩa và biểu diễn live khác nhau nhiều. Diễn live hứng thú hơn thu CD vì khi mình vào phòng thu, bao giờ cũng bị gò bó do thời gian có hạn mà tiền thu thì đắt, phải cố sao cho hoàn hảo, ít lỗi để khỏi phải thu lại. Điều đó tạo tâm lý nặng nề. Còn khi diễn live, không hoàn hảo nhưng rất phiêu, sẽ có những cái sai nhưng chính những cái sai ấy lại tạo ra những bứt phá, sáng tạo mới. Chương trình này, cha tôi đứng sau để tổ chức, còn tôi không mời một nghệ sĩ Việt Nam nào. Chỉ có ba nghệ sĩ Thụy Điển mà tôi đã quen trong chuyến du học nâng cao hai năm vừa qua.
- Trong liveshow mới đây của cha anh, ông từng thanrất khó để tổ chức đêm nhạc Jazz lớn, thu hồi vốn. Liveshow của anh lần này còn mời đến ba nghệ sĩ nước ngoài. Anh tính toán thế nào đến góc độ kinh tế của nó?
- Chắc chắn là lỗ nhưng phải chịu thôi. Tính sơ sơ thì tiền vé máy bay, tiền khách sạn, tiền biểu diễn cho họ cũng tới trăm triệu đồng. Vé thì bán được ít lắm, mời là chính. Tôi cũng đã nói chuyện với ông cụ, tôi không muốn cuộc biểu diễn của tôi biến thành hình thức kinh doanh. Mục đích của tôi vẫn là phát triển nhạc Jazz tại Việt Nam. Tôi muốn người ta biết rằng ở Việt Nam cũng có nhạc Jazz. Hơn nữa, sau 5 năm không có một sản phẩm riêng, tôi muốn xuất hiện trở lại một cách hoành tráng nên phải mời bằng được ba nghệ sĩ nước ngoài.
- Phải chăng, đây là cách để anh khẳng định mình, thoát ra khỏi cái bóng quá lớn của người cha?
- Ông cụ nhà tôi thiên hướng về việc anh là người Việt Nam, anh sống ở Việt Nam thì anh nên làm việc với người Việt Nam. Nhưng tôi cho rằng phải tùy dự án. Cha tôi mày mò tự học, còn tôi được đào tạo từ bên Tây nên có lúc không tránh khỏi những tư tưởng khác nhau trong việc xử lý công việc. Có điều, cả hai đều hiểu rằng, cái quan trọng là làm sao cho hay, không nhất thiết phải gò buộc vào một công thức nào đó. Cha tôi là người không được học, ông cho con đi học để có thể tiếp thu những cái tinh tế và tân tiến.
Với liveshow lần này, thời gian tôi về nước quá gấp rút, sát Tết Nguyên đán mới về nước, lại còn chuẩn bị cưới xin nên tốt nhất là chọn những người bạn đã làm đĩa "À ơi, lời mẹ ru" cho tôi từ bên Thụy Điển. Đám cưới đã xong, tất cả đều tốt đẹp nhưng tôi cũng hơi mệt. Đáng ra phải dành thời gian nghỉ ngơi, đi trăng mật thì lao ngay vào Jazz.
Quyền Thiện Đắc say sưa trên sân khấu với cây kèn saxophone. Ảnh: Dino Trung.
- Cưới một người quá trẻ nhưng lại không đủ thời gian chăm sóc, có khi nào anh bị bà xã hờn trách vì sự vô tâm của mình?
- Tôi mới cưới hôm 12/3. Cô ấy sinh năm 1989, vừa tốt nghiệp cử nhân kinh doanh ngành marketing và tài chính. Trước khi cưới, tôi đã phải xác định tinh thần rất rõ cho cô ấy: lịch làm liveshow anh đã có từ cách đây vài tháng, không thay đổi được. Thôi hãy hoãn tuần trăng mật lại một chút, để đến hè anh sẽ bù đắp sau.
- Khi còn là một người đàn ông độc thân, anh có thể tự do hết mình cho Jazz, nhưng khi đã có gia đình, anh không được quá phóng tay vì còn phải lo cho cuộc sống của vợ con. Anh cân bằng hai điều này ra sao?
- Vợ tôi - Khuê Anh - đang tìm việc làm. Nhà thì có sẵn, hai vợ chồng đi chợ nấu cơm nên cũng rẻ. Không đến mức đi vay nhưng phải chắt chiu, tính toán. Không vì chuyện có tình yêu thứ hai mà tôi gặp khó khăn với tình yêu thứ nhất là Jazz. Tôi lại cho rằng, có vợ, tôi trở thành người đàn ông chín chắn hơn, và như thế âm nhạc của tôi có chiều sâu hơn. Ngoài ra, vợ tôi cũng hỗ trợ tôi không chỉ về mặt tinh thần. Bà xã giúp tôi thiết kế bìa, cô ấy đã học mỹ thuật đa phương tiện tại Đại học FPT.
Tôi có thể không kiếm tiền được với các CD, liveshow, nhưng tôi có thể kiếm tiềm khi biểu diễn ở những buổi tiệc. Tôi không giàu nhưng tôi được sống theo những gì mình yêu thích, đi theo con đường tôi lựa chọn. Tôi cũng đang đầu độc vợ bằng những bản nhạc Jazz.
- Cha anh từng nói: nếu xếp hạng những điều quan trọng trong cuộc đời ông, Jazz đứng đầu, vợ con đứng sau nhiều. Còn anh thì sao?
- Cha nào con nấy (cười to). Tất nhiên điều này sẽ khiến có người chạnh lòng, nhưng tôi đã chuẩn bị tư tưởng cho Khuê Anh từ trước. Đây là quy tắc và cuộc sống vợ chồng đều phải nhịn nhau, không thể lúc nào cũng yêu đương, chiều chuộng nhau. Quan trọng là hiểu và thông cảm thì mới mong chuyện trăm năm.
Theo VN Express
Nhóm Jazz Thụy Điển biểu diễn nhạc dân ca Việt Tối 20/3 tại Nhà Hát Lớn Hà Nội, nhu PO Nilssoến từ quốc gia Bc Âu nghệ sĩ saxophone Quyềc sẽ c buổi hòa nhạc Jazz trình diễn cácn gian "Trốm" hay "i". Nhu PO Nilsson (từ trái qua) - Johnny Aman (chơi bass), Per Oscar Nilsson (chơi guitar) Olle Dernevik (chơi trống). Ảnh: Nguyên Minh. Tam tấu PO Nilsson gồm ba thành...