Quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen (HSU): Tôi chấp nhận thử thách và rủi ro
“Ghế” hiệu trưởng tại các trường đại học tư thục thời gian gần đây liên tục thay đổi.
PGS.TS Võ Thị Ngọc Thúy cùng sinh viên HSU.
Xoay quanh vấn đề này, Báo GD&TĐ có cuộc trò chuyện với PGS.TS Võ Thị Ngọc Thúy – Quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, người mới đây vừa ngồi vào vị trí cần bản lĩnh đương đầu với nhiều áp lực, thử thách.
Quyết liệt để làm, khiêm tốn để tiếp thu
- Người ta vẫn nói, ghế hiệu trưởng tại các trường tư không khác gì ghế giám đốc ở các doanh nghiệp. Làm không được việc phải chấp nhận ra đi, bà nghĩ sao về quan điểm này?
- Bất kỳ sự thử thách nào cũng hấp dẫn nhưng đồng thời luôn tiềm ẩn rủi ro. Tôi chấp nhận thử thách và rủi ro. Hiệu trưởng đại học tư phải biết dung hòa chất lượng đào tạo và chỉ tiêu tuyển sinh, tạo môi trường cho người học, người làm.
Người học muốn chất lượng, người dạy cũng cần môi trường làm việc tốt, bảo đảm lợi ích cuộc sống. Do đó, phải tính toán đầu tư làm sao để trường ngày càng phát triển. Vì vậy, hiệu trưởng đại học tư ngoài có phẩm chất giáo dục cũng phải là người biết đầu tư, vận hành bộ máy để tạo nguồn thu, chăm lo đời sống người lao động, tái đầu tư cho giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo…
Nhưng có cái khó thì mới máu lửa để làm, êm đềm quá dễ ru tôi ngủ. Khát khao của Tập đoàn Nguyễn Hoàng là giáo dục chất lượng và tầm quốc tế. Điều đó chạm đến khát khao của tôi trong giáo dục. Tôi đặt hết đam mê và tâm huyết để tiếp nối những giá trị tốt đẹp của Trường ĐH Hoa Sen – HSU, đưa HSU tiếp tục phát triển theo hướng ĐH chuẩn quốc tế, ĐH ứng dụng và chất lượng giáo dục khai phóng.
- Là nữ quản lý trẻ tuổi nhất trong các đời hiệu trưởng 5 năm trở lại đây của HSU, bà có cảm thấy áp lực khi ngồi vào vị trí này?
- Độ tuổi không nói lên tất cả năng lực, kỹ năng quản trị và khả năng đóng góp của mỗi người. Khi trẻ, khả năng tìm tòi, cầu thị học hỏi tốt hơn, luôn chưa bằng lòng với những gì mình có. Đó là lợi thế.
Tôi cho rằng, thế mạnh của mình là quyết liệt, dám làm, trẻ và khiêm tốn để có thể tiếp thu, giúp tôi không áp đặt. Tôi có 14 năm làm giáo dục, nghiên cứu khoa học. Với những am hiểu của mình, tôi nghĩ mình đủ đúng đắn khi đưa ra những quyết định tạo sự đồng thuận, tự tin thuyết phục mọi người. Và tất nhiên, tôi không cảm thấy áp lực khi ngồi vào ghế hiệu trưởng.
Video đang HOT
PGS.TS Võ Thị Ngọc Thúy – Quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen.
Nhà giáo dục kiêm đầu tư
- HSU đã và đang có những giá trị nhất định. Bà có dự định gì để tiếp tục phát huy và giữ “chất riêng” của HSU?
- Chất lượng đào tạo luôn là nhiệm vụ và mục tiêu quan trọng hàng đầu ở HSU. Bên cạnh chương trình đào tạo, giảng viên, hoạt động trải nghiệm của sinh viên đã sôi động nay sẽ càng sống động hơn. Sinh viên sẽ học và hành song song từ những hoạt động trải nghiệm sống động của 20 CLB được nhà trường hỗ trợ phát triển trong thời gian tới. Các em được thụ hưởng hệ sinh thái khởi nghiệp và những cơ hội việc làm trong quá trình học sau khi tốt nghiệp. Trường hướng tới một môi trường học quốc tế không chỉ cho người Việt mà còn với sinh viên khu vực.
HSU hiện nay có những chương trình quốc tế hay chương trình giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh chất lượng – Hoa Sen Plus. Với các chương trình có yếu tố quốc tế luôn có một nhà giáo dục nước ngoài điều phối. Trong thời gian tới, sẽ có sự hiện diện của một số trường ĐH tên tuổi ở HSU mà trường là đối tác chiến lược và độc quyền để tổ chức đào tạo. Bên cạnh đó, trường sẽ phát triển những chứng chỉ hành nghề quốc tế, đúng như định vị ĐH ứng dụng của trường.
Tôi không thay đổi hệ sinh thái quản trị hiện nay nhiều vì HSU từ trước đến nay đã vận hành rất tốt. Tôi chỉ đổi mới để phù hợp với sự phát triển lớn mạnh không ngừng cả về chương trình đào tạo lẫn số sinh viên. Sự đổi mới vẫn dựa trên nguyên tắc tinh gọn nhưng bảo đảm chất lượng trong đào tạo và chăm sóc sinh viên. Và như bất cứ trường ĐH nào, hệ sinh thái quản trị của HSU không chỉ nội bộ mà còn liên kết trong quản trị với các đối tác bên ngoài để tăng chất lượng đào tạo như định vị mô hình ĐH ứng dụng và chuẩn quốc tế.
- Cách thức quản lý, làm việc giữa hai môi trường Nhà nước và tư nhân rất khác biệt. Bà tự tin vào điều gì ở mình mà chấp nhận dấn thân cho thử thách chưa từng bước qua?
- Nhiều người nghĩ công – tư sẽ khác biệt rất nhiều. Nhưng trường tư cũng có tính hệ thống, tập đoàn – trường. Sở cần chủ trương của TP, trường có chủ trương của tập đoàn nhưng tính độc lập khá cao. Thầy cô trường tư linh hoạt, thích ứng khá nhanh. Tôi đang điều hành theo cách của mình trên cơ sở tiếp thu những cái tốt trước đây.
Tính nguyên tắc ở môi trường công khiến nhiều người nghĩ khó áp dụng cho trường tư. Nhưng dân chủ, phản biện phải có nguyên tắc. Tôi dung hòa hai yếu tố này. Thời gian làm việc ở chính quyền và cả thời gian làm việc ở Đại học Quốc gia đều có tính hệ thống thì ở HSU bây giờ cũng thế. Tôi cũng có thời gian học tập ở nước ngoài. Thay đổi nhiều môi trường học tập, làm việc và sinh sống nên sự linh hoạt và quyết liệt trong những quyết định của tôi đã là tính cách.
- Một trường ĐH cần ổn định bộ máy quản lý đủ lâu mới phát triển một cách bền vững cũng như tạo ra “sức bật” lớn từ chiến lược. HSU thì khác, 5 năm qua đã có 4 hiệu trưởng được mời về. Sau thời gian tiếp nhận công việc, bà cảm thấy thách thức lớn nhất trong quản trị trường ĐH tư là gì?
- Nhân sự ở ĐH tư tôn trọng sự dân chủ, cá tính và khác biệt, vừa thích nguyên tắc nhưng cũng không muốn những khuôn mẫu, rào cản. Thành công của người quản trị ĐH tư là ở chỗ biết cách để phát huy những đặc trưng này. Nếu phát huy tốt, người quản lý có nguồn lực rất mạnh, những con người dám nghĩ, dám làm những điều lớn và khác biệt.
Bên cạnh đó, thách thức lớn nhất trong quản trị ở trường ĐH tư là phải quản lý hiệu quả để liên tục đầu tư vào chất lượng giáo dục và sự phát triển của trường. Do đó, như tôi nói ở đầu, hiệu trưởng ĐH tư ngoài có phẩm chất giáo dục cũng phải là người biết đầu tư, vận hành bộ máy để tạo nguồn thu chăm lo đời sống người lao động, tái đầu tư cho giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo…
- Xin cảm ơn bà!
Thuận lợi hay khó khăn khi hiệu trưởng đại học ngày càng trẻ?
Trong những năm gần đây, đội ngũ lãnh đạo, đặc biệt là hiệu trưởng, tại các trường ĐH công lập cũng như tư thục đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Xu hướng này đang tác động đến chất lượng giáo dục ĐH ra sao?
Trao quyết định cho PGS-TS Nguyễn Thanh Hiệp (phải)
Nhiều hiệu trưởng chưa đến 40 tuổi
Ngày 1.3 vừa qua, Hội đồng trường Trường ĐH Hoa Sen đã bổ nhiệm PGS-TS Võ Thị Ngọc Thúy làm quyền hiệu trưởng khi chỉ mới 37 tuổi. Trước khi về lãnh đạo trường này, bà Thúy là Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, sau khi trải qua thời gian làm Phó viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM).
Mới đây, vào ngày 8.3, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch giao nhiệm vụ phó hiệu trưởng phụ trách trường này cho PGS-TS Nguyễn Thanh Hiệp sau khi PGS-TS Ngô Minh Xuân, hiệu trưởng trước đó, nhận vai trò Chủ tịch hội đồng trường. PGS-TS Nguyễn Thanh Hiệp nắm giữ vai trò này khi vừa mới 45 tuổi, độ tuổi khá trẻ trong đội ngũ lãnh đạo các trường ĐH công lập. Năm 2015, bác sĩ Hiệp cũng là một trong những gương mặt trẻ nhất được phong học hàm PGS ngành y khoa.
Một năm trước, tháng 3.2020, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM có hiệu trưởng mới là TS Phan Hồng Hải, sinh năm 1976. Trước đó, khi được bổ nhiệm phó hiệu trưởng, ông Hải chỉ mới 34 tuổi.
Năm 2019, PGS-TS Từ Diệp Công Thành, từng là PGS trẻ nhất Việt Nam khi được phong lúc mới 32 tuổi, cũng được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường ĐH Bạc Liêu khi 41 tuổi.
7 năm trước, vào năm 2014 đã manh nha đà trẻ hóa nhân sự hiệu trưởng với việc Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT bổ nhiệm tiến sĩ Đàm Quang Minh làm hiệu trưởng khi mới 35 tuổi.
PGS-TS Võ Thị Ngọc Thúy
Gần 8 năm trước, dư luận cũng từng xôn xao khi tiến sĩ Nguyễn Văn Phúc trở thành Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM khi chỉ mới 39 tuổi. Hiện nay, ông Phúc là Thứ trưởng Bộ GD-ĐT.
Không chỉ chức danh hiệu trưởng, mà Phó hiệu trưởng nhiều trường ĐH, nhất là ĐH tư thục cũng đang có nhiều người ở độ tuổi rất trẻ. TS Đỗ Hữu Nguyên Lộc được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM năm 2019 khi mới 34 tuổi. TS Nguyễn Quốc Anh được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM năm 2016 khi 34 tuổi.
Một thử nghiệm mới?
GS Trương Nguyện Thành (ĐH Utah, Mỹ) cho biết ở Mỹ, hiệu trưởng ĐH ít khi có độ tuổi thấp hơn 50 tuổi. Lý do là để đảm nhận vị trí này, hiệu trưởng phải trải qua sự đồng ý của các trưởng khoa, những GS khá có tên tuổi trong giới trí thức. Buổi lấy phiếu đồng thuận này gọi là "Confidence Vote". Những người có độ tuổi khá trẻ thì sẽ chưa hội đủ được nhiều điều kiện về năng lực để có thể thuyết phục các trưởng khoa. Khi chưa đủ bản lĩnh, nhân sự ứng tuyển sẽ khó nhận được sự đồng thuận để được làm hiệu trưởng.
Cũng theo GS Trương Nguyện Thành, việc bổ nhiệm hiệu trưởng ở Việt Nam gần như không phải trải qua điều này. Tuy nhiên, với văn hóa Á Đông, một hiệu trưởng có độ tuổi trẻ ở Việt Nam cũng gặp phải những rào cản không nhỏ. Vị trí đứng đầu nhà trường quan trọng nhất là quản lý nhân sự, phải tương tác với con người. Mà con người thì có nhiều tính cách khác nhau. Trẻ quá thì khó làm việc với những người lớn tuổi hơn. Với văn hóa Á Đông, người quá trẻ dễ nhận lại những lời nhận xét như "con nít miệng còn hôi sữa mà ra lệnh!" của các GS, TS lớn tuổi trong trường, những người trí thức có thể học lực về chuyên môn cao hơn hiệu trưởng rất nhiều.
"Người trẻ còn năng động, còn động lực chứng minh khả năng và chưa quen thuộc với một lối mòn quản lý nào đó. Khả năng thích nghi với môi trường mới của người trẻ cao hơn. Nhưng họ cũng có bất lợi về quản lý. Tôi cho rằng xu hướng bổ nhiệm hiệu trưởng có độ tuổi khá trẻ như hiện nay có thể xem là một sự thử nghiệm. Trong thời gian trước đó, nhiều trường ĐH tư thục có xu hướng sử dụng hiệu trưởng ĐH công lập về hưu để làm hiệu trưởng. Thử nghiệm này có thể chưa làm cho các chủ sở hữu các trường ĐH tư thục thỏa mãn nên họ chuyển sang một thử nghiệm khác. Cho đến lúc này, vẫn chưa thể khẳng định được là thử nghiệm mới này có thành công hay không. Chúng ta vẫn phải chờ thời gian mới có thể trả lời", GS Trương Nguyện Thành chia sẻ.
Tiến sĩ Đàm Quang Minh (phải) - ẢNH: Đ.N
TS Vũ Thế Dũng, sáng lập và điều hành Thinking School, cho biết khi ông còn làm việc tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, công việc rất thuận lợi theo văn hóa trong trường. Đó là mặc dù người đứng đầu trường, đứng đầu khoa lớn tuổi nhưng vẫn luôn sử dụng người trẻ tuổi hơn làm cấp phó. TS Vũ Thế Dũng là phó khoa khi 32 tuổi và làm phó hiệu trưởng khi mới 39 tuổi.
Tuy nhiên, theo TS Vũ Thế Dũng, những hiệu trưởng, phó hiệu trưởng được dư luận cho là trẻ tuổi hiện nay thật ra không phải trẻ nữa. Trong môi trường doanh nghiệp, độ tuổi này đã làm việc mười mấy năm và đã nắm giữ vị trí CEO là rất bình thường. Người làm trong môi trường học thuật còn phải học thạc sĩ, TS nên thời gian có kéo dài hơn ít năm. Nhưng đó là độ tuổi đẹp, đã có kinh nghiệm về kiến thức, quản lý chứ không phải là quá trẻ. Đó là độ tuổi phù hợp để nắm giữ chức vụ lãnh đạo một trường ĐH.
"Nhưng ở độ tuổi này nắm vị trí lãnh đạo một trường ĐH sẽ gặp một số khó khăn. Các trường ĐH tại Việt Nam có tính thứ bậc rất rõ ràng. Những hiệu trưởng này có thể là PGS, TS nhưng vẫn còn những "người thầy" của họ ở trong trường. Cái khó là làm sao để lãnh đạo các thầy của mình. Ở doanh nghiệp có tính thị trường cao hơn và người trẻ sẽ chứng minh bằng năng lực. Đây là trở ngại lớn nhất mà một hiệu trưởng có tuổi đời không quá lớn muốn thành công phải vượt qua được", TS Vũ Thế Dũng nhận định.
Người trong cuộc: Độ tuổi không nói lên tất cả !
Nói về độ tuổi của mình khi nắm giữ chức vụ hiệu trưởng, PGS-TS Võ Thị Ngọc Thúy chia sẻ: "Độ tuổi không nói lên tất cả năng lực, kỹ năng quản trị và khả năng đóng góp của mỗi người. Khi trẻ, khả năng tìm tòi, cầu thị học hỏi tốt hơn, chưa bằng lòng với những gì mình có. Đó là lợi thế. Tôi không phải đang ở độ cao nào quá lớn, không tự tạo ra các "màng chắn" cho mình. Tôi cho rằng thế mạnh của mình là quyết liệt, dám làm, năng lượng và khiêm tốn để có thể tiếp thu, giúp tôi không áp đặt. Tôi có 14 năm làm giáo dục, nghiên cứu khoa học. Với những am hiểu của mình, tôi nghĩ đủ đưa ra những quyết định tạo sự đồng thuận, tự tin trong thuyết phục mọi người. Độ tuổi trẻ cũng là lợi thế để các hiệu trưởng dám chấp nhận thử thách".
TS Đàm Quang Minh, người từng được dư luận gán cho danh hiệu "Hiệu trưởng ĐH trẻ nhất Việt Nam", cho biết: "Khi lần đầu tiên được bổ nhiệm hiệu trưởng, tôi lo lắng vì rất nhiều thứ tôi chưa biết, còn cần phải học hỏi, nỗ lực nhiều hơn. Tuy nhiên, tôi có lợi thế khá lớn là gần như hoạt động lâu dài trong lĩnh vực ĐH tư thục. Tôi đi lên từ giảng viên, quản lý các khoa, phòng ban cả chục năm rồi được bổ nhiệm lãnh đạo trường ĐH nên đã quen thuộc công việc, đặc thù của lĩnh vực tư thục. Một hiệu trưởng ở lĩnh vực công sang lĩnh vực tư sẽ có nhiều bỡ ngỡ, khó khăn hơn vì vốn dĩ hiệu trưởng trường ĐH tư thục rất đặc thù, phải lo lắng rất nhiều công việc liên quan cả thương hiệu, tuyển sinh...", TS Minh chia sẻ.
Cũng theo TS Đàm Quang Minh, việc trẻ hóa hiệu trưởng, phó hiệu trưởng ở Việt Nam hiện nay là xu hướng và cũng tương tự như ở các nước.
"Mặc dù hiệu trưởng còn trẻ tuổi sẽ có những vất vả, khó khăn cũng như thiếu kinh nghiệm ở một số công việc, nhưng xu hướng trẻ hóa nhân sự hiệu trưởng như hiện tại mang tính tích cực và tốt nhiều hơn", TS Đàm Quang Minh nhận định.
Hiệu trưởng trường tư: Ngồi vào "ghế nóng"? Thay đổi vị trí hiệu trưởng liên tục phổ biến tại không ít trường tư. Nhiều người cho rằng, vị trí này là "ghế nóng", không phải ai cũng chịu được áp lực. Trường ĐH Hoa Sen trong 4 năm có đến 5 hiệu trưởng nhận "ghế nóng". 4 năm có 5 hiệu trưởng Mới đây, Trường ĐH Hoa Sen (HSU) công bố...