Quyên góp cho người di cư tăng vọt sau vụ bé trai chết đuối
Hàng triệu USD từ nhiều tấm lòng hảo tâm ở khắp châu Âu và Mỹ đã đổ về các tổ chức cứu trợ, sau khi bức ảnh cậu bé di cư trôi dạt vào bờ biển gây chấn động thế giới.
Hình ảnh bé Aylan Kurdi cùng mẹ và anh trai tại nhà của người dì ở Canada. Ảnh:Canada Press
AFP dẫn tin từ Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF cho hay hình ảnh về bé Aylan Kurdi nằm bất động trên cát có tác động mạnh mẽ.
“Lượng tiền quyên góp đã tăng 105%”, chi nhánh của UNICEF tại Mỹ thông báo, đồng thời cho biết khi bức ảnh được đăng lên website của tổ chức, số lượt truy cập cũng tăng gần 150% so với thời điểm đó ngày hôm trước.
Aylan,3 tuổi, cùng anh trai 5 tuổi và mẹ được phát hiện chết đuối hôm 2/9 khi đang cố gắng vượt biển tới châu Âu nhằm trốn chạy khỏi cuộc xung đột đã kéo dài bốn năm ở Syria.
Dưới áp lực trong nước, Thủ tướng Anh David Cameron cho biết chính phủ sẽ tiếp tục chi thêm 100 triệu bảng (150 triệu USD) tiền viện trợ nhân đạo cho cuộc khủng hoảng Syria, nâng tổng số tiền quyên góp của London cho cuộc xung đột lên tới hơn một tỷ bảng (1,5 tỷ USD).
Ủy ban Olympic quốc tế cũng thành lập một quỹ khẩn cấp 2,2 triệu USD, bất chấp sự thiếu nhất quán của các chính phủ châu Âu trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng di cư.
“Công chúng đã phản ứng rất mạnh mẽ, sự thờ ơ đang dần biến mất”, Christian Peregrin, phát ngôn viên của cơ quan hỗ trợ người nhập cư ở Malta, nói. Nhóm của ông đang giúp đỡ những người Libya muốn vượt Địa Trung Hải và đến hôm qua đã nhận được số tiền quyên góp 600.000 euro (gần 700.000 USD).
“Trước đó, nếu nhận được 10.000 euro một ngày là đã tốt lắm rồi”, ông cho biết.
Video đang HOT
Chất xúc tác mạnh mẽ
Tại Hà Lan, nơi phần đa người dân vẫn thờ ơ với cuộc khủng hoảng di cư, một nhân viên của Hội đồng Tị nạn cho biết số phận bi thảm của Aylan giống như một chất xúc tác lớn. Kể từ khi hình ảnh của em được công bố, thái độ của toàn bộ mọi người đã thay đổi. Trước đây, sự xuất hiện của những người tị nạn luôn khiến mọi người lo sợ.
“Giờ đây mọi người đang nhận ra rằng chúng ta phải làm nhiều hơn nữa”, ông nói.
Theo Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, chính phủ nước này đang xem xét những phương án cứu trợ, nhưng ông cũng cho rằng lời giải cho vấn đề này không hề dễ dàng và cần phải có một hành động của toàn thể châu Âu.
“Chúng ta phải suy nghĩ lại về các công cụ hiện có và đã sẵn sàng, để tìm ra một giải pháp, một con đường mới”, ông nói.
Cuộc vận động của tờ Independent yêu cầu chính phủ Anh tiếp nhận người tị nạn thu hút hơn 250.000 người tham gia. Ảnh: The Independent
Ca sĩ nhạc rock Ireland Bob Geldof cam kết sẽ cưu mang 4 gia đình Syria ở hai căn nhà của mình và thẳng thắn gọi cuộc khủng hoảng nhập cư hiện tại là một “sự sỉ nhục kinh tởm”.
Câu lạc bộ bóng đá Bayern Munich cũng đóng góp số tiền hơn một triệu USD cho các tổ chức từ thiện và cho biết sẽ tổ chức một trận bóng giao hữu với hy vọng có thể quyên góp thêm nhiều tiền để giúp đỡ người nhập cư.
Những nhóm cứu trợ ở miền nam nước Đức thậm chí đang bị quá tải vì có quá nhiều đóng góp.
“Tất cả nhà kho của chúng tôi đều chật cứng đồ quyên góp và tình nguyện viên đang phân loại mọi thứ. Chúng tôi thực sự nhận được quá nhiều”, một thành viên cho biết.
Vẫn thiếu kinh phí
Các nhóm cứu trợ khác ở bang Bavaria, như nhóm Công giáo Caritas, phải yêu cầu các nhà hảo tâm ngừng quyên quần áo và hàng hóa vì tình trạng quá tải.
Tại Thụy Điển, Jonas Elgquist , ông chủ của công ty công nghệ thông tin B3IT, đã thuyết phục nhân viên của mình hủy một chuyến du lịch cuối tuần tại Rome và đóng góp số tiền gần 50.000 USD, chi phí dự trù của chuyến đi.
“Tôi đang trên đường đến một cuộc họp thì nhìn thấy những bức ảnh về cậu bé. Tôi cảm thấy rất buồn. Đó có thể là các con tôi”, ông nói.
Phát ngôn viên Melissa Fleming của cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc UNHCR cho biết kể từ hôm 1/9, tổ chức này đã nhận được 100.000 USD thông qua trang quyên góp toàn cầu của mình, và chắc chắn rằng phần lớn trong số đó là nhờ các bức ảnh về cậu bé Syria.
Tuy nhiên bà cũng cho biết dù sự đóng góp đã tăng mạnh trong tuần qua, UNHCR và đối tác vẫn đang thiếu hụt kinh phí khi phải đối mặt với cuộc khủng hoảng ngày càng gia tăng này.
Tuấn Vũ
Theo VNE
Châu Âu chìm trong khủng hoảng nhập cư lậu
Cuộc khủng hoảng người nhập cư lậu tại châu Âu ngày càng trầm trọng với những cái chết tang thương gây chấn động dư luận.
Thi thể cậu bé Aylan Kurdi dạt vào bờ ở thành phố Bodrum, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh: AFP
Ngày 4.9, gia đình ông Abdullah Kurdi, cha cậu bé 3 tuổi người Syria bị chết đuối dạt vào bờ biển ở Thổ Nhĩ Kỳ hôm 2.9, tiến hành chôn cất vợ cùng 2 con tại quê nhà ở thị trấn Kobane (Syria), theo AFP.
Gia đình Kurdi đã trả tiền cho bọn chuyên đưa người nhập cư lậu để được lên thuyền từ Syria đến Hy Lạp, với mục tiêu cuối cùng là đến được Canada. Tuy nhiên, con tàu quá tải đã bị chìm khiến vợ cùng 2 con trai 3 và 5 tuổi của ông Kurdi chết đuối.
Trong 2 ngày qua, bức ảnh chụp thi thể bé Aylan Kurdi, 3 tuổi, nằm trên bãi cát tràn ngập mặt báo thế giới lẫn trên internet, khiến dư luận và các nhà lãnh đạo EU bàng hoàng. Cư dân mạng giận dữ kêu gọi những người có thẩm quyền sớm tìm giải pháp cho làn sóng người nhập cư lậu và tị nạn chạy trốn từ các khu vực chiến sự nóng bỏng và bất ổn như Syria và Afghanistan. Trong khi đó, các nước, đặc biệt là những quốc gia cửa ngõ như Hy Lạp, Hungary, Ý..., vẫn đang loay hoay chưa thể tìm cách tháo gỡ cuộc khủng hoảng nhập cư nghiêm trọng nhất châu Âu kể từ thời Thế chiến 2.
Tại Hungary, tình hình đang vô cùng căng thẳng và đã xảy ra xô xát giữa lực lượng an ninh với cả ngàn người nhập cư lậu có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Ban đầu, cảnh sát cho phép người nhập cư lên một đoàn tàu ở thủ đô Budapest khiến nhiều người hy vọng sẽ được đến Áo hoặc Đức. Tuy nhiên, chuyến tàu bị chặn tại thị trấn Bicske, cách Budapest khoảng 40 km. Tại đây, cảnh sát yêu cầu mọi người xuống tàu và đưa họ đến một trại tị nạn. Cho rằng bị cảnh sát Hungary "gài bẫy", hàng trăm người giận dữ không chịu xuống tàu do lo ngại đăng ký tị nạn tại đây thì sẽ khó xin tị nạn tại Đức và nhiều nước khác.
Theo Reuters, khoảng 500 người hôm qua đã phá vòng vây của cảnh sát và đi bộ trên đường cao tốc nối Budapest với thủ đô Vienna của Áo. Phần lớn đã bị cảnh sát chống bạo động bắt lại và ép lên tàu. Cùng ngày, Hungary quyết định đóng cửa biên giới với Serbia để ngăn dòng người tị nạn tràn sang, còn bản thân Serbia kêu gọi EU nhanh chóng hỗ trợ tài chính để có thể ứng phó làn sóng nhập cư lậu.
Hiện nay, các nước EU vẫn đang rất chia rẽ về vấn đề tị nạn và nhập cư lậu trong bối cảnh khu vực vẫn chưa gượng dậy từ khủng hoảng nợ công và đồng euro cũng như tình hình Ukraine. Tờ The New York Times dẫn lời Thủ tướng Hungary Viktor Orban tuyên bố thẳng: "Vấn đề nhập cư là chuyện của Đức". Ngày 4.9, các lãnh đạo hàng đầu của EU liên tục họp khẩn để tìm giải pháp. Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande thống nhất kêu gọi các thành viên EU chấp nhận hạn ngạch bắt buộc về tiếp nhận người tị nạn, còn Thủ tướng Anh David Cameron thông báo nước này sẽ tiếp nhận thêm "hàng ngàn người tị nạn Syria".
Ngoài ra, AFP dẫn các nguồn tin cho biết Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker trong tuần tới sẽ thông báo kế hoạch tái định cư cho ít nhất 120.000 người để giảm gánh nặng cho các nước ở cửa ngõ.
Danh Toại
Theo Thanhnien
Tác giả ảnh 'cậu bé di dân chết thảm' nói gì ? Tác giả của bức ảnh "cậu bé di dân" nói gì khi những bức ảnh của mình lần đầu tiên xuất hiện trên các phương tiện truyền thông và gây xúc động cho cả thế giới? Nữ phóng viên ảnh Nilufer Demir đã chụp những bức ảnh về "cậu bé di dân" - Ảnh chụp màn hình milliyet.com.tr Tác giả của bức ảnh...