Quỹ từ thiện Nâng bước tuổi thơ tài trợ phẫu thuật cho bệnh nhi người Ê Đê
Quỹ từ thiện Nâng bước tuổi thơ vừa phối hợp cùng Bệnh viện FV phẫu thuật thành công cho bệnh nhi H Miri Ăm Ksơr (8 tuổi, người Ê Đê) loại bỏ khối u nặng gần 4kg trên lưng. Toàn bộ chi phí đi lại, khám và điều trị đều do Quỹ tài trợ.
Theo bác sĩ Lương Ngọc Trung, Khoa Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực Bệnh viện FV, người đứng đầu ê-kip phẫu thuật, bệnh nhi mang trên mình khối u lớn chiếm đến 1/3 trọng lượng cơ thể (cân nặng của em là 17,5kg).
Khối u to sẽ gây nên nhiều biến chứng cho em do áp lực tác động đến đốt sống cổ, xương sống, khớp háng và xương chân, chưa kể các cơ quan bị xâm lấn đe dọa đến sức khỏe và tâm sinh lý.
Ăm Ksơr đã được phẫu thuật cắt bỏ dị dạng mạch máu ở 5 vị trí trên cơ thể.
Lúc khám tại FV, bệnh nhi đang trong tình trạng suy dinh dưỡng, cột sống vẹo sang trái do khối u, chân trái to gấp đôi chân phải. Dù vậy, việc phẫu thuật không thể tiến hành ngay lập tức mà chỉ có thể thực hiện sau khi tiêm xơ hủy các tổn thương dị dạng mạch máu, nhằm tránh nguy cơ xuất huyết nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong.
Trong quá trình chẩn đoán hình ảnh bằng MRI, bác sĩ Lương Ngọc Trung đã mời bác sĩ Pierre Jaillot – Trưởng khoa Chẩn đoán Hình ảnh cùng tham gia thảo luận mức độ tổn thương, cấu trúc và dòng chảy của mạch máu.
Nhờ đó, bác sĩ Trung đã xác định chính xác tình trạng bệnh của Ăm Ksơr: Bị dị dạng mạch máu kiểu tĩnh mạch kèm theo lympho (bệnh bạch huyết).
Từ đó, bác sĩ cho rằng em có thể được điều trị bằng tiêm xơ để vô hiệu hóa các mạch máu bệnh. Mũi tiêm đầu tiên vào 26/3/2019. Đến tháng 8/2019, các khối u trên người em đều nhỏ lại hơn 70%.
Ngay sau đó, Ăm Ksơr đã được phẫu thuật cắt bỏ dị dạng mạch máu ở 5 vị trí trên cơ thể, từ vùng lưng hông kéo dài xuống chân trái. Ca mổ đã thành công nhờ vào kinh nghiệm 14 năm trong ngành Phẫu thuật Mạch máu của bác sĩ Lương Ngọc Trung và hiệu quả của thuốc trong việc làm teo nhỏ khối u.
Bác sĩ Trung đã giúp em loại bỏ được phần lớn các mạch máu bị dị tật, số ít còn lại được tiêm xơ để tiếp tục tự phân rã. Bên cạnh đó, bác sĩ còn chú trọng phẫu thuật bảo tồn da giữ nét thẩm mỹ trên cơ thể bệnh nhi sau khi lành lại.
Ăm Ksơr đã được xuất viện sau 6 ngày theo dõi và chăm sóc hậu phẫu. Một điều rất may mắn cho em là những tổn thương sâu bên trong cơ thể như gan, thận, lá lách không quá nghiêm trọng.
Video đang HOT
Bệnh nhi người Ê Đê tươi vui, khỏe mạnh sau ca phẫu thuật tại Bệnh viện FV.
Theo Quỹ từ thiện Nâng bước tuổi thơ, Ăm Ksơr sinh ra trong một gia đình nghèo có bốn anh chị em. Khoảng 8 tháng tuổi, bố mẹ phát hiện em có nhiều đốm xanh tím ở vùng lưỡi và miệng, đưa đi khám ở nhiều nơi nhưng không chữa trị được.
Theo thời gian, những vết xanh tím bắt đầu phát triển thành những khối u từ vùng lưng hông kéo dài xuống chân trái,ngày càng lớn dần lên.
Gia đình tiếp tục đưa em đến các bệnh viện chuyên khoa nhi, được các bác sĩ thực hiện liệu pháp xơ cứng mạch để khống chế bệnh tình, nhưng các khối u vẫn càng lúc càng to.
Đến đầu năm 2019, nhờ lời giới thiệu của người quen, gia đình em đã tìm đến Quỹ từ thiện Nâng bước tuổi thơ và được điều trị, phẫu thuật thành công.
Dịp này, Ăm Ksơr và gia đình còn đón nhận nhiều niềm vui mới, là em đã được tham dự lễ khai giảng cùng các banh và đón sinh nhật lần thứ 9 – sinh nhật đầu tiên trong cuộc đời mà không còn “cõng” trên lưng u máu.
Nâng bước tuổi thơ là Quỹ từ thiện được sáng lập và bảo trợ bởi Bệnh viện FV từ năm 2006, hoạt động tại địa chỉ số 6 Nguyễn Lương Bằng, Phú Mỹ Hưng, Quận 7, Tp.HCM.
Đối tượng nhận được sự giúp đỡ của Quỹ là trẻ người Việt Nam dưới 16 tuổi, có hoàn cảnh khó khăn, mắc những dị tật bẩm sinh hoặc do tai nạn, khuyết tật do bại liệt gây ra…
Kiên Giang
Theo congluan
Mới 22 tuổi, nam thanh niên Hà Nội đã gù như cụ ông
Nam sinh viên bị biến dạng cột sống rất lớn, gù gập người nhiều năm, nhìn về phía trước rất khó khăn.
BS Lê Thanh Hùng, khoa Phẫu thuật Chấn thương chỉnh hình cột sống, Bệnh viện TƯ Quân đội 108 cho biết, bệnh nhân Phạm Văn D., 22 tuổi ở Hà Nội, hiện đang là sinh viên đến khoa khám trong tình trạng cột sống bị biến dạng rất lớn.
Bệnh nhân chung sống với thân hình gù gập người nhiều năm nay. Do thân gập quá sâu, tầm nhìn của D. bị hạn chế, muốn nhìn phải ngửa cổ, gấp khớp háng và khớp gối.
Nam thanh niên bị gù gập người, gây khó khăn đi lại và quan sát
Gia đình đã đưa D. đi khám, điều trị nội khoa tại nhiều nơi nhưng không đỡ, thậm chí thời gian gần đây, bệnh nhân càng gù nặng hơn kèm đau đớn.
Tại BV 108, bác sĩ chẩn đoán D. bị gù do viêm cột sống dính khớp. Theo BS Hùng, với những trường hợp gù nặng, không chỉ ảnh hưởng vận động mà còn dễ bị suy hô hấp do tim, phổi bị cột sống chèn ép.
Ngoài ra, hệ thống tiêu hoá của bệnh nhân cũng chịu tác động do cột sống đè ép vào ổ bụng nên hay bị đầy bụng, ăn khó tiêu, đau tức ngực, thi thoảng khó thở.
Để nắn lại cột sống cho bệnh nhân, bác sĩ sử dụng 4 thanh rod (2 thanh rod ngắn cố định từ đốt sống L2 đến L4, 2 thanh rod dài cố định từ đốt sống T10 đến S1) thay vì sử dụng 2 thanh rod như trước.
Ekíp phẫu thuật cũng cắt một phần đốt sống L3 để nắn chỉnh biến dạng cột sống. Ca phẫu thuật kéo dài trong 5 giờ, thành công ngoài mong đợi.
Sau phẫu thuật 1 ngày, cột sống bệnh nhân đã được cải thiện đáng kể
"Kỹ thuật 4 thanh rod giúp quá trình nắn chỉnh biến dạng gù thuận lợi hơn và tăng thêm độ vững chắc cho cột sống sau khi nắn chỉnh. Bệnh nhân không có tổn thương thần kinh sau mổ", BS Hùng thông tin.
Hiện tại, bệnh nhân đã hồi phục gần như hoàn toàn, cột sống ưỡn trở lại, lồng ngực hết chèn ép nên bệnh nhân dễ thở, hết đau tức ngực, vận động dễ dàng, khi đi không phải cúi gằm xuống, mắt đã nhìn được xa.
Mặc dù vẫn phải theo dõi lâu dài nhưng chất lượng cuộc sống của nam sinh viên đã được cải thiện, hàng ngày D. cũng tự tin hơn.
BS Hùng cho biết, viêm cột sống dính khớp là bênh lý viêm và cốt hóa các khớp và các dây chằng của cột sống, đặc trưng bởi tình trạng đau và cứng cột sống tiến triển.
Có khoảng 1-1,4% dân số mắc căn bệnh này, tỉ lệ mắc ở nam giới cao gấp 2-3 lần so với nữ. Bệnh thường khởi phát ở tuổi thiếu niên.
Nếu không được điều trị sớm và đúng cách, bệnh sẽ gây viêm, dính các khớp cột sống và khớp ngoại biên gây gù vẹo, mất chức năng và tàn phế.
Đến nay, nguyên nhân của bệnh viêm cột sống dính khớp chưa rõ ràng, tuy nhiên nhiều nghiên cứu cho thấy có liên quan đến yếu tố di truyền, cụ thể là gen HLA-B27.
Tuy nhiên, ở giai đoạn sớm, bệnh viêm cột sống dính khớp không có biểu hiện đặc trưng nên dễ bị chẩn đoán nhầm sang các bệnh khác như thoái hoá cột sống thắt lưng, thoát vị đĩa đệm...
Do đó, với người trẻ, đặc biệt là nam giới, khi đau lưng mạn tính kéo dài trên 3 tháng dù đã giảm vận động hoặc nghỉ ngơi cần đến các khoa, bệnh viện chuyên sâu về nội khớp hoặc miễn dịch lâm sàng để thăm khám.
Nếu ở giai đoạn nhẹ, bệnh nhân có thể dùng thuốc, tập giãn cơ, bổ sung canxi, vitamin D, tập thể dục, tập vật lý trị liệu... Tuy nhiên, khi gù quá nặng, chỉ định phẫu thuật là bắt buộc.
Phẫu thuật nắn chỉnh biến dạng gù do viêm cột sống dính khớp thực sự là một thách thức lớn do tình trình trạng cứng, chắc của cột sống, khó tính toán mức độ biến dạng cần nắn chỉnh và vị trí can thiệp vào cột sống để đạt được kết quả tốt.
Trước đây, phương pháp phổ biến là dùng 2 thanh rod để cố định cột sống nhưng hiện tại, phương pháp mới với việc sử dụng 4 thanh rod cho thấy nhiều ưu điểm vượt trội, các ca mổ không có tai biến.
Thúy Hạnh
Theo vietnamnet
Thấy cháu đi khập khiễng, ông mua canxi cho uống nhưng tình trạng ngày càng tồi tệ vì thứ dị vật mặc kẹt trong người suốt 6 năm Dù được ông cho uống nhiều viên canxi đắt tiền nhưng tình trạng của bé Tiểu Đỗ vẫn không khá hơn mà ngày càng thêm tồi tệ. Ông Điền ở Hà Nam (Trung Quốc) có một cháu trai 8 tuổi, tên Tiểu Đỗ. Từ năm Tiểu Đỗ 2 tuổi, cậu bé được đưa về cho vợ chồng ông Điền chăm sóc. Lúc đó...