Quy trình xét nghiệm nCoV khi nhập cảnh Nhật
Nhật tái mở cửa biên giới cho những người đủ điều kiện trên toàn cầu từ hôm 1/10, với quy trình xét nghiệm, sàng lọc chặt chẽ khi nhập cảnh.
Nhật áp lệnh hạn chế nhập cảnh đối với người nước ngoài từ tháng 4, nhằm kiềm chế sự lây lan của nCoV. Tính đến tháng 9, danh sách hạn chế nhập cảnh vào Nhật lên tới 159 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, giờ đây, người nước ngoài có thể xin visa nhập cảnh nước này nếu đáp ứng các yêu cầu.
Người được phép xin nhập cảnh bao gồm những hành khách tới Nhật ngoài mục đích du lịch, như làm việc, học tập, hoặc những người không có hộ chiếu Nhật muốn đoàn tụ với gia đình tại đây theo diện visa phụ thuộc. Nhìn chung, không cần điều kiện tiên quyết nào để xin nhập cảnh, như lý do nhân đạo khẩn cấp.
Tuy nhiên, các chương trình mà người làm đơn đăng ký sẽ khác nhau, phụ thuộc vào tình hình đại dịch tại quốc gia mà họ cư trú. Hành khách một số nơi như Brunei, Campuchia, Lào, Singapore, Thái Lan hay Việt Nam, sẽ không phải chịu biện pháp giám sát nghiêm ngặt hơn, bởi nằm trong chương trình di chuyển qua biên giới lẫn nhau của chính phủ Nhật. Những nơi này được đánh giá gần như đã kiểm soát được Covid-19.
Hành khách nước ngoài được xét nghiệm kháng nguyên sau khi đến sân bay quốc tế Narita, tỉnh Chiba, Nhật Bản, hôm 1/10. Ảnh: Yomiuri.
Video đang HOT
Seiji Matano, phó giám đốc Cục Di trú thuộc Cơ quan Di trú Nhật Bản (ISA), cho biết số lượng khách nhập cảnh còn phụ thuộc vào năng lực xét nghiệm tại các sân bay quốc tế, hiện đạt 10.000 người/ngày. Ông nói thêm rằng các điều chỉnh sẽ được tiến hành trong quá trình sàng lọc.
Trong bối cảnh Covid-19 vẫn lây lan trên thế giới, hành khách nhập cảnh cần đáp ứng các tiêu chuẩn về sức khỏe. Theo ISA, cơ quan giám sát quy trình cấp visa, công dân nước ngoài được yêu cầu theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày trước khi khởi hành đến Nhật, đồng thời cần nộp kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay.
Các giấy tờ xác nhận kết quả xét nghiệm cần được điền hoàn toàn bằng tiếng Anh và có chữ ký của bác sĩ từ cơ sở y tế tiến hành xét nghiệm, hoặc đóng dấu của cơ sở.
Những phương pháp xét nghiệm được chấp nhận là RT-PCR (dùng tăm bông lấy dịch trong mũi họng và xét nghiệm dựa trên phản ứng chuỗi polymerase phiên mã ngược theo thời gian thực), LAMP (sử dụng kỹ thuật khuếch đại đẳng nhiệt axit nucleic để phát hiện RNA của virus) và CLEIA (xét nghiệm miễn dịch enzym hóa phát quang).
Những công dân nước ngoài đến từ khoảng 35 quốc gia không nằm trong diện bị hạn chế nhập cảnh không cần nộp kết quả xét nghiệm trước khi khởi hành. Trước khi đến nơi, hành khách sẽ phải điền vào một bảng câu hỏi chi tiết về sức khỏe, đồng thời báo cáo địa điểm tự cách ly khi ở Nhật Bản.
Sau khi máy bay hạ cánh, hành khách có thể phải ngồi trên khoang tới 3 tiếng để chờ tới lượt kiểm dịch. Khi đến lượt, họ phải xuống máy bay, tới khu chờ và được nhân viên y tế đặt các câu hỏi về lịch trình di chuyển, triệu chứng cùng những câu trả lời họ đã điền vào tờ khai.
Sau đó, họ sẽ phải nhổ nước bọt vào một ống nhỏ để tiến hành xét nghiệm Covid-19. Nếu hành khách không nhổ đủ nước bọt, hoặc trẻ em còn quá nhỏ, sẽ phải chọc dịch mũi để lấy mẫu. Các mẫu xét nghiệm này được tiến hành miễn phí.
Kết quả thường có sau 1-2 ngày, nhưng với công nghệ xét nghiệm bằng nước bọt mới, hành khách có thể nhận kết quả từ 30 phút tới 2 tiếng. Xét nghiệm bằng nước bọt được coi là phương pháp đơn giản, ít xâm nhập và gây ít rủi ro hơn so với các phương pháp xét nghiệm truyền thống khác.
Các nước như Mỹ, Pháp hay đặc khu Hong Kong của Trung Quốc cũng đang áp dụng phương pháp xét nghiệm này. Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê chuẩn phương pháp xét nghiệm này vào ngày 10/4.
“Các nghiên cứu đang được tiến hành để đánh giá mức độ tin cậy của xét nghiệm nước bọt, vốn rất nhanh chóng và dễ dàng”, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cho biết hồi tháng 9.
Sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính, hành khách mới được phép tiếp tục quá trình nhập cảnh, nhận hành lý và tiến hành thủ tục hải quan. Họ phải tự cách ly 14 ngày tại địa điểm được chỉ định như khách sạn, căn hộ cho thuê ngắn hạn hoặc nơi cư trú riêng. Trong khoảng thời gian này, họ không được phép dùng phương tiện công cộng, kể cả khi rời sân bay.
Các hành khách được yêu cầu báo cáo tình trạng sức khỏe cho Bộ Y tế Nhật Bản trong suốt thời gian cách ly, thông qua người bảo lãnh hoặc chủ lao động của họ, hoặc tự khai báo bằng ứng dụng trên điện thoại. Họ cũng cần cài ứng dụng truy vết tiếp xúc Covid-19 do chính phủ tài trợ, đồng thời lưu dữ liệu vị trí bằng một ứng dụng được chỉ định trong 14 ngày.
Gần đây Nhật Bản ghi nhận một số trường hợp từ nước ngoài dương tính với nCoV khi xét nghiệm tại sân bay, như 11 trường hợp từ Việt Nam. Tính đến đầu tháng 9, 5 người từ Thái Lan cũng nhận kết quả dương tính với nCoV khi đến Nhật, buộc giới chức nước này tiến hành truy vết và theo dõi những người tiếp xúc gần. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm những người tiếp xúc gần ở Thái Lan và Việt Nam đều cho kết quả âm tính.
Bệnh nhân Covid-19 cần tiếp tục điều trị kháng virus ít nhất 1 tuần
Cần kéo dài thời gian điều trị kháng virus cho bệnh nhân Covid-19 sau khi đã xét nghiệm âm tính để tránh trường hợp "tái dương tính".
Trong một cuộc trao đổi với báo chí Trung Quốc mới đây, bà Lý Lan Quyên, thành viên Nhóm chuyên gia cao cấp của Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc cho biết, sau thời gian điều trị kháng virus tại bệnh viện, người bệnh Covid-19 sẽ được cho là khỏi bệnh sau 2 lần xét nghiệm axit nucleic phết mũi họng cách nhau 24h cho kết quả âm tính.
Bà Lý Lan Quyên trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí Trung Quốc. Ảnh: Nhân dân Nhật báo
Tuy nhiên, là chuyên gia từng được cử đến Vũ Hán để điều trị cho các ca bệnh nặng ở đây, bà cho rằng, sau khi bệnh nhân đã được xác định âm tính, cần tiếp tục điều trị kháng virus ít nhất 1 tuần trở lên.
Nếu dừng điều trị sớm, trong cơ thể người bệnh có thể vẫn còn tồn dư virus, khi dừng thuốc xét nghiệm có thể sẽ dương tính trở lại. Do vậy, điều trị kháng virus tốt nhất nên kéo dài thời gian hơn.
Cũng theo chuyên gia này, nếu bệnh nhân Covid-19 ra viện được 1 tháng và xét nghiệm lại cho kết quả âm tính, thông thường người bệnh sẽ không còn khả năng lây lan nữa. Nếu điều kiện cho phép, có thể tiến hành xét nghiệm kháng thể huyết thanh IgG và IgM.
Khi chỉ số IgM dương tính, tức là hiện vẫn nhiễm virus, cần tiếp tục điều trị. Nếu chỉ số IgG dương tính, điều đó đồng nghĩa với việc bệnh nhân đã hồi phục và có khả năng miễn dịch với virus.
Quốc gia châu Phi xét nghiệm thấy đu đủ, chim cút và dê... nhiễm Covid-19 Không rõ vì nguyên nhân nào mà phòng xét nghiệm của quốc gia châu Phi này có thể kết luận trái đu đủ, dê và chim cút dương tính với Covid-19. Tổng thống nước này đã bày tỏ sự giận dữ và kêu gọi cảnh sát vào cuộc tìm ra cho ra kẻ phá hoại. Tính đến ngày 3.5, Tanzania - quốc gia...