Quỹ ngoài ngân sách làm phân tán nguồn lực quốc gia
Thảo luận về dự luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) sáng qua, Ủy ban TVQH cơ bản tán thành nội dung dự luật về việc thu hẹp các quỹ tài chính ngoài ngân sách như hiện nay để tránh phân tán nguồn lực quốc gia.
Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng rất nhiều quỹ có nguồn thu từ thuế nhưng lại để ngoài ngân sách nhà nước – Ảnh: Ngọc Thắng
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách (TCNS) Phùng Quốc Hiển cho biết, luật hiện hành không quy định việc quản lý các quỹ ngoài ngân sách. Tuy nhiên, qua giám sát đã phát hiện rất nhiều quỹ để ngoài ngân sách nhà nước (NSNN), gây khó khăn trong công tác quản lý và làm phân tán nguồn lực quốc gia. “Đặc biệt có nhiều quỹ có nguồn thu từ thuế, phí, theo quy định phải được hạch toán đầy đủ vào NSNN. Do vậy, đề nghị Chính phủ rà soát, thu hẹp các quỹ tài chính ngoài ngân sách theo hướng đưa vào cân đối NSNN đối với những quỹ có nguồn thu chủ yếu từ NSNN, bảo đảm tính thống nhất, tập trung của NSNN”, ông Hiển nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, luật sửa đổi lần này phải khắc phục cho được tồn tại trong lập và sử dụng ngân sách theo hướng quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch, hiệu quả. “Trong nhiều luật hiện nay đều quy định lập quỹ. Hiện có 70 – 80 quỹ như thế này, trong khi ngân sách đã nhỏ lại phân tán mỗi thứ một tí để bốc cho dễ, dẫn tới rất khó quản lý. Đọc trong luật chưa thấy có quản, mà vẫn thả qua các quỹ, chương trình mục tiêu”, ông Lý phát biểu.
Về nội dung bội chi NSNN, Chính phủ đề nghị giữ nguyên bội chi NSNN là bội chi ngân sách trung ương, đồng thời loại bỏ chi trả nợ gốc các khoản vay của Chính phủ khi tính bội chi NSNN cho phù hợp thông lệ quốc tế. Ông Hiển cho biết qua thẩm tra đa số ý kiến thống nhất với phương án này. Tuy nhiên, có ý kiến lo rằng, việc quy định ngân sách địa phương (NSĐP) không được phép bội chi, nhưng ngân sách cấp tỉnh lại được phép vay, huy động vốn trong nước để đầu tư, trong khi về mặt bản chất kinh tế, đây là bội chi của NSĐP. “Do vậy, ý kiến này đề nghị cân nhắc quy định về bội chi NSĐP để thực hiện hạch toán đúng khoản vay này của chính quyền địa phương. Mức bội chi NSĐP do HĐND quyết định nhưng không vượt quá mức dư nợ các khoản vay của chính quyền địa phương theo quy định”, ông Hiển thông tin.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng lưu ý khi nền kinh tế đất nước đã hội nhập quốc tế thì ngân sách cũng phải trên tinh thần hội nhập, mà thuế phải đi đầu. “Không thể nợ công người ta tính một đường mình tính một đường, bội chi ngân sách cũng thế. Luật này phải công khai minh bạch, bớt xin – cho đi”, ông nói.
Video đang HOT
Theo TNO
Đổ 300 triệu USD đầu tư ASIAD 2019: Lấy tiền đâu trả nợ?
"Hiện nay kinh tế đất nước ta còn rất khó khăn nên việc đầu tư kinh phí để tổ chức đăng cai ASIAD 2019 phải tính toán kỹ, tiết kiệm. Nếu đầu tư quá lớn thì lấy tiền ở đâu để trả nợ?", ông Hà Sỹ Đồng nói.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội (Ảnh: Xuân Hải)
Liên quan đến việc Việt Nam dự tính mức đầu tư kinh phí lên đến 300 triệu USD cho đăng cai ASIAD 2019, lớn gấp đôi so với dự kiến ban đầu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trao đổi với PV về vấn đề này ông Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng phải tính toán thật kỹ nếu không biết lấy tiền ở đâu để trả nợ.
Thưa ông, ông có ý kiến như thế nào về mức kinh phí để tổ chức đăng cai ASIAD 2019 đội lên gấp đôi so với con số 150 triệu USD mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã dự toán ban đầu?
Tôi cho rằng việc Việt Nam đăng cai ASIAD 2019 không những để khẳng định vị thế của nước ta, mà còn mang tính hội nhập với quốc tế, việc hội nhập không chỉ về mặt thể thao mà còn ở nhiều lĩnh vực khác.
Theo tôi, Việt Nam vẫn phải đăng cai ASIAD 2019, còn riêng về vấn đề kinh phí mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra ban đầu là 150 triệu USD, sau đó Bộ Tài chính tính toán đưa ra mức chi phí cho việc tổ chức đăng cai là khoảng 300 triệu USD thì mức đầu tư như vậy là quá lớn.
Do ngân sách của nước ta còn hạn hẹp, đất nước còn khó khăn nên việc tổ chức cần phải tiết kiệm, tuy nhiên không vì lý do đất nước đang khó khăn quá mà việc tổ chức ASIAD kém chất lượng, không thành công.
Để đăng cai thành công phải kết hợp, hội tụ nhiều yếu tố, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần kết hợp các nguồn lực về hạ tầng, cơ sở vật chất của Thủ đô Hà Nội, các bộ, ngành Trung ương đã đầu tư từ trước và cũng phải cân đối ngân sách cho phù hợp.
Nếu theo phương án 1 là giữ ở mức đầu tư 150 triệu USD cho ASIAD 2019 là tốt, cái này cũng nên đưa ra Ủy ban tài chính ngân sách của Quốc hội để tính toán rà soát lại, để làm sao đảm bảo cho việc đăng cai ASIAD được thành công, tiết kiệm, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân qua việc hội nhập này.
Nếu mức kinh phí để đầu tư cho ASIAD 2019 lên đến 300 triệu USD như Bộ Tài chính đưa ra thì nguồn tiền này sẽ được lấy từ đâu thưa ông?
Là một Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội tôi thấy việc Bộ Tài chính đưa ra con số 300 triệu để chi cho tổ chức đăng cai ASIAD 2019 rất là khó khăn, bởi hiện nay đất nước chúng ta còn rất khó khăn, nguồn lực khó khăn, chúng ta đang tập trung cho nhiều nguồn lực khác quan trọng như tiền lương của cán bộ công chức, viên chức còn chưa nâng được bao nhiêu khiến đời sống cán bộ công viên chức còn gặp nhiều khó khăn.
Cái thứ hai là một số công trình đầu tư trọng điểm của quốc gia còn đang dở dang sau nghị quyết 11, bây giờ cũng không có tiền để trả nợ cho nhà đầu tư, chưa hoàn thiện được.
Cái thứ 3 nữa là các cơ sở giáo dục đào tạo, y tế năm nay còn rất khó khăn về ngân sách, nên việc đầu tư cho ASIAD 2019 là phải thật sự tiết kiệm, tận dụng những cái đã có và hạn chế bớt xây dựng mới các công trình thể thao.
Như ông vừa nói đất nước còn đang rất khó khăn, mà việc đầu tư cho ASIAD 2019 lại quá tốn kém, vậy chúng ta nên tính phương án rút lui không tổ chức đăng cai ASIAD nữa?
Theo tôi chúng ta vẫn nên đăng cai ASIAD 2019, tuy nhiên cần phải tận dụng triệt để những cơ sở hạ tầng đã có, huy động các nguồn lực xã hội khác từ trong và ngoài nước để tổ chức đại hội thể thao Châu Á được thành công, thể hiện vị thế của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế.
Tôi cũng hy vọng, từ nay đến đại hội còn gần 4 năm nữa, điều kiện kinh tế của đất nước sẽ có nhiều khởi sắc nên việc đầu tư cho đại hội thể thao này cần phải được tính toán kỹ. Nếu không lấy tiền ở đâu ra mà trả nợ?
Xin cảm ơn ông!
TheoINfonet