Quy mô của nhà chứa máy bay quân sự Trung Quốc xây ở Trường Sa
Hình ảnh vệ tinh mới cho thấy Trung Quốc tiếp tục xây các nhà chứa máy bay đủ lớn cho bất kỳ loại chiến đấu cơ nào trên ba đá ở Trường Sa.
Ảnh chụp đá Chữ Thập từ vệ tinh ngày 3/6. Ảnh: CSIS.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng tháng 9/2015 đã trấn an Mỹ rằng “Trung Quốc không có ý định theo đuổi quân sự hóa”, ở Trường Sa.
Tuy nhiên, hình ảnh chụp từ vệ tinh gần đây lại cho thấy Trung Quốc có một kế hoạch khác. Các bức ảnh, do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington thu thập và nghiên cứu, cho thấy có hoạt động xây dựng nghi là cải tạo nhà chứa máy bay trên đá Chữ Thập, đá Subi và đá Vành Khăn.
Không có phi cơ quân sự nào xuất hiện vào thời điểm chụp ảnh nhưng CSIS nhận định các nhà chứa trên ba đá đủ rộng để chứa “bất kỳ chiến đấu cơ nào của không quân Quân Giải phóng Nhân dân (PLA)”, New York Times đưa tin.
Loại nhà chứa lớn hơn trên các đá có thể phục vụ oanh tạc cơ H-6, phi cơ tiếp dầu H-6U, phi cơ vận tải Y-8 và một phi cơ Kiểm soát và Cảnh báo sớm (AWACS) KJ200.
Video đang HOT
Ảnh chụp đá Subi từ vệ tinh ngày 24/7. Ảnh: CSIS.
Trung Quốc có thể biện hộ những kiến trúc này để phục vụ phi cơ dân sự hoặc có chức năng phi quân sự khác nhưng hình ảnh vệ tinh cho thấy điều ngược lại, theo CSIS. Những nhà chứa nhỏ nhất cũng rộng từ 18 đến 21 m, thừa sức tiếp nhận chiến đấu cơ lớn nhất của Trung Quốc. Ngoài kích thước, các dấu hiệu còn cho thấy có sự tăng cường về kết cấu.
“Chúng dày hơn nhiều để sử dụng cho mục đích dân sự”, Gregory B. Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI), CSIS, hôm qua cho biết. “Chúng được gia cố để có thể chống chọi khi bị tấn công”.
Nhà chứa lớn nhất, rộng 61 m, “thừa khả năng tiếp nhận các oanh tạc cơ và máy bay tiếp nhiên liệu”, ông Poling cho biết thêm. Nếu những phi cơ này được triển khai, chúng sẽ làm phức tạp thêm tranh chấp giữa Trung Quốc với Philippines và các nước khác trong khu vực, tăng thêm rủi ro cho hoạt động tuần tra “tự do đi lại” của Mỹ trong khu vực.
Ngay cả trước khi các nhà chứa máy bay xuất hiện, giới phân tích quân sự độc lập đã nhận định Trung Quốc muồn dùng những “đảo nhân tạo” để phô diễn sức mạnh quân sự trong khu vực.
“Chúng tôi nhận ra từ ngày họ bắt đầu xây đường băng”, ông Poling nói. Trung Quốc khẳng định họ có ý định tốt giống như nói “xây cả biệt thự nhưng chỉ ở tầng một” vậy.
Ảnh chụp đá Vành Khăn từ vệ tinh ngày 22/7. Ảnh: CSIS.
Bằng chứng về nhà chứa máy bay quân sự xuất hiện một tháng sau khi Tòa Trọng tài ở The Hague, Hà Lan, lên án hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, trong đó có bồi đắp phi pháp các đá trong khu vực thành đảo nhân tạo rồi xây dựng trên đó.
Phán quyết là kết quả trong vụ kiện Trung Quốc do Philippines đệ đơn lên Tòa Trọng tài Thường trực. Trung Quốc tuyên bố sẽ phớt lờ phán quyết. Một số nhà phân tích lưu ý các nhà chứa không phải là phản ứng đáp trả phán quyết và chúng dường như đã được xây từ trước đó.
So sánh 7 đường băng trên quần đảo Trường Sa (Click và hình để xem). Đồ họa:Tiến Thành
“Phần móng có thể được xây từ vài tháng trước”, M. Taylor Fravel, giáo sư khoa học chính trị tại Viện Công nghệ Massachusetts, thành viên Chương trình Nghiên cứu An ninh của viện, nhận định.
Ông Fravel cho rằng các nhà chứa đi ngược với những lời khẳng định của chủ tịch Trung Quốc. “Trung Quốc tự cho mình chọn sử dụng các đá này làm cơ sở quân sự nhưng chưa quyết định dùng chúng ở mức độ nào”, ông nói.
Như Tâm
Theo VNE
Trung Quốc lại điều oanh tạc cơ, tiêm kích tuần tra Biển Đông
Trung Quốc hôm nay thông báo đã điều tiêm kích và máy bay ném bom "tuần tra chiến đấu" gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam và bãi cạn Scarborough trên Biển Đông.
Hình ảnh được cho là oanh tạc cơ H-6K Trung Quốc bay qua bãi cạn Scarborough. Ảnh: Weibo
Phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Trung Quốc Thân Tiến Khoa ngang nhiên nói rằng nước này đã điều động nhiều máy bay, bao gồm oanh tạc cơ H-6K, tiêm kích Su-30, phi cơ trinh sát, máy bay cảnh báo sớm và máy bay tiếp liệu trên không tới khu vực quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam và bãi cạn Scarborough, hãng thông tấn Reuters đưa tin.
Theo Thân Tiến Khoa, những chuyến bay nói trên là một phần của cuộc huấn luyện chiến đấu nhằm nâng cao khả năng phản ứng của lực lượng không quân đối với các mối đe dọa an ninh. Tuy nhiên, phía Trung Quốc không nói rõ thời điểm diễn ra những cuộc tuần tra này.
Cuộc tuần tra diễn ra trong bối cảnh Tòa Trọng tài Thường trực do Liên Hợp Quốc bảo trợ ở The Hague, Hà Lan, hôm 12/7 ra phán quyết đối với vụ kiện của Philippines, khẳng định Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong yêu sách "đường lưỡi bò" hay còn gọi là "đường 9 đoạn" mà nước này đơn phương vạch ra, bao trùm gần hết diện tích Biển Đông.
Hôm 18/7, Thân Tiến Khoa cũng thừa nhận không quân Trung Quốc đãtổ chức biên đội máy bay chiến đấu tuần tra trên bãi cạn Scarborough và một số bãi đá gần đó.
Bãi cạn Scarborough là tâm điểm tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines trên Biển Đông. Trung Quốc kiểm soát bãi cạn này từ tay Philippines vào năm 2012 và sau đó ngăn cản không cho ngư dân Philippines tới đây đánh bắt. Phán quyết của Tòa Trọng tài khẳng định bãi cạn Scarborough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines. Bãi cạn này nằm cách đảo Hải Nam của Trung Quốc hơn 850 km, cách bờ biển Philippines khoảng 222 km.
Vũ Hoàng
Theo VNE
Trung Quốc ra mắt trang web tuyên truyền sai trái về Biển Đông Bắc Kinh hôm nay cho ra mắt trang web tuyên truyền những thông tin sai lệch về chủ quyền Biển Đông bằng tiếng Trung Quốc. Đảo nhân tạo phi pháp Trung Quốc bồi lấp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: CSIS Theo China News, trang mạng tuyên truyền về Biển Đông này do Trung tâm Thông tin thuộc Cục Hải...