Quý I, Hà Nội thu hút FDI đứng đầu cả nước
Đến 28/3, Hà Nội đã thu hút đầu tư nước ngoài ( FDI) cấp mới và tăng vốn 810,2 triệu USD, tăng 5 lần so cùng kỳ năm trước, đứng đầu cả nước.
Chiều nay (1/4), theo báo cáo của UBND TP Hà Nội tại cuộc họp giao ban công tác quý 1 năm 2016, cùng với việc kiện toàn một bước về công tác cán bộ, UBND TP tiếp tục đổi mới trong công tác chỉ đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ với phương châm quyết liệt, sâu sát, rõ người, rõ việc rõ địa chỉ trách nhiệm và kết quả, thực hiện nghiêm kỷ luật công vụ, kỷ cương hành chính.
Xác định năm 2016 có vị trí đặc biệt trong kế hoạch 5 năm (2016 – 2021), ngay từ đầu năm UBND TP đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện tập trung tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội; đẩy nhanh tiến độ các công trình dự án trọng điểm; cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; giải quyết xử lý dứt điểm các vấn đề dân sinh bức xúc, các vấn đề báo chí và dư luận quan tâm, phản ánh…
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì cuộc họp Giao ban
Kinh tế tiếp tục duy trì tăng trưởng khá với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I ước tăng 6,95%, trong đó ngành dịch vụ tăng 7,05%, ngành công nghiệp xây dựng tăng 7,43%; khách du lịch đến Hà Nội quý I ước đạt hơn 3 triệu lượt, tăng 6,6 % khách quốc tế đạt 0,761 triệu lượt, tăng 28,7%. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2.558 tỷ USD, tăng 2,3 %, trong đó xuất khẩu địa phương đạt 1,963 tỷ USD, tăng 1,9% so cùng kỳ. Công tác quản lý thị trường, bình ổn giá được lưu tâm…
Đặc biệt đến 28/3, Hà Nội đã thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) cấp mới và tăng vốn 810,2 triệu USD, tăng 5 lần so cùng kỳ, đứng đầu cả nước.
Ngay từ đầu năm, các giải pháp về thu ngân sách được các cấp, các ngành của Thành phố thực hiện đồng bộ, khẩn trương, rà soát, cơ cấu lại các khoản chi NSNN theo hướng tiết kiệm và hiệu quả. Tổng thu ngân sách ước đạt trên 44 nghìn tỷ đồng, bằng 26,5% dự toán, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thành phố tiếp tục triển khai hỗ trợ lãi suất vốn vay sau đầu tư và lãi suất vốn vay ngắn hạn, ban hành quyết định hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2015. Đến 10/3, các ngân hàng thương mại cho vay hỗ trợ nhà ở với kinh phí giải ngân là trên 21 nghìn tỷ đồng trên hạn mức cam kết 30,1 nghin tỷ đồng, tăng 14% so với thời điểm cuối năm 2015. Hà Nội dự kiến thực hiện sắp xếp, cổ phần hoá 16 doanh nghiệp.
Đánh giá lại nhiệm vụ kinh tế – xã hội trong quý I, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: từ Thành phố đến các Sở, ban, ngành và các quận, huyện, thị xã đã vào cuộc quyết liệt, kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng khá. Kết quả quý I là tiền đề cho thực hiện quý II và những tháng còn lại của năm 2016. Việc tổ chức thực hiện tại các Sở, ban, ngành và quận, huyện, thị xã trên tinh thần đổi mới, cải cách, thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ đặt ra.
“Trọng tâm quý II/2016 đã được Thành phố xác định quyết liệt trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; rà soát thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, giảm thủ tục, rút ngắn thời gian; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nhất là trong các lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai…”, Chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh./.
Video đang HOT
Thu Thủy
Theo_VOV
Phía sau vị trí "ngôi sao" PCI của Đà Nẵng, Đồng Tháp
Cải cách hành chính mạnh mẽ, chính quyền thân thiện, gần dân... đã giúp Đà Nẵng, Đồng Tháp dẫn đầu cả nước về chỉ số PCI.
Theo báo cáo đánh giá Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2015 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố ngày 31-3, cơ quan này đã tiến hành thực hiện trên cơ sở thông tin phản hồi từ 11.700 doanh nghiệp (DN).
Theo đó, Đà Nẵng vẫn đứng đầu bảng xếp hạng và có điểm số PCI tăng cao nhất kể từ năm 2012 với gần 1,5 điểm. Đây là lần thứ sáu TP Đà Nẵng dẫn đầu cả nước về chỉ số PCI. Xếp sau Đà Nẵng là Đồng Tháp, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Lào Cai.
Như vậy, so với năm trước đó, nhóm năm tỉnh có chất lượng điều hành rất tốt chỉ có một thay đổi, đó là Vĩnh Phúc đã thế chỗ TP.HCM để vươn từ vị trí thứ 6 lên vị trí thứ 4, còn TP.HCM từ vị trí thứ 4 xuống vị trí thứ 6. Tuy vậy, TP.HCM tiếp tục dẫn đầu ở các dịch vụ hỗ trợ DN.
Đáng chú ý Hà Nội chỉ cải thiện được hai bậc trên bảng xếp hạng, xếp ở vị trí 24. Hà Nội đứng chót bảng ở hai chỉ số gia nhập thị trường và tiếp cận đất đai.
Đứng cuối bảng xếp hạng lần lượt là các tỉnh Lai Châu, Hà Giang và Đắk Nông.
Chính quyền thân thiện, phục vụ nhân dân
VCCI cho biết những vị trí đầu bảng đều là những tỉnh, thành đã có nhiều sáng kiến cải cách hành chính và đổi mới chất lượng điều hành.
Cụ thể, vì sao Đà Nẵng đạt vị trí dẫn đầu nhiều năm liền? Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, lý giải: "Đa số các chỉ tiêu đo lường chi phí thời gian và hiệu quả thực hiện thủ tục hành chính của Đà Nẵng đều cải thiện".
Chẳng hạn, tỉ lệ DN cho biết họ không phải đi lại nhiều lần để lấy dấu và chữ ký tăng từ 67% năm 2014 lên 70% trong năm 2015; tỉ lệ đánh giá cán bộ, công chức làm việc hiệu quả cũng tăng từ 71% lên 76%.
"Hướng tới việc xây dựng một TP thông minh, Đà Nẵng đã xây dựng mô hình chính quyền điện tử, thúc đẩy phát triển nhanh các dịch vụ trực tuyến, hiện đại hóa quản lý hành chính công" - ông Đậu Anh Tuấn cho biết.
Đặc biệt, mô hình chính quyền điện tử của Đà Nẵng đã nhận được những tín hiệu tích cực của cộng đồng DN. Đà Nẵng trở thành địa phương có tỉ lệ DN truy cập website chính quyền cao nhất trên cả nước. Thành công của mô hình này đã được chuyển giao cho 17 tỉnh, TP trên cả nước.
Cùng với Đà Nẵng, Đồng Tháp cũng đang dần xác lập hình ảnh một chính quyền gần dân và DN. Báo cáo kết quả PCI nhận định để thúc đẩy phát triển kinh tế, Đồng Tháp đẩy mạnh cải cách hành chính với mục tiêu xây dựng chính quyền thân thiện, phục vụ nhân dân, xem hành chính là để phục vụ xã hội, phục vụ người dân... chứ không phải là công cụ quản lý xã hội.
"Bên cạnh những mô hình như Nụ cười công sở, Ngày thứ Sáu nghe dân nói..., UBND tỉnh Đồng Tháp gần đây đã ban hành kế hoạch giảm 30% số cuộc hội họp để lãnh đạo các ngành, các địa phương có nhiều thời gian đi cơ sở để tiếp xúc với người dân, với DN. Từ đó giúp giải quyết, tháo gỡ từng điểm nghẽn" - ông Tuấn cho hay.
Theo ông Tuấn, những điều này góp phần lý giải vì sao hai năm vừa qua, Đồng Tháp luôn duy trì được vị trí đầu bảng về chỉ số thành phần tính năng động, tiên phong của chính quyền tỉnh cũng như chi phí thời gian.
Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu cả nước về chỉ số PCI. Trong ảnh: Người dân và DN đến làm thủ tục tại Trung tâm Hành chính tập trung Đà Nẵng. Ảnh: LÊ PHI
Hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp
Quảng Ninh có nhiều đột phá nhằm tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN. Điển hình như thành lập trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện, liên kết đến cấp xã, gắn với xây dựng chính quyền điện tử... đã vươn lên thứ ba trong bảng xếp hạng.
"Xuất phát từ những quan ngại của nhiều DN trước tình trạng tuy có sáng kiến hay ở cấp tỉnh nhưng chưa được thực thi tốt ở các sở/ngành, năm 2015 Quảng Ninh đã tham khảo và ứng dụng mô hình chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp huyện của Lào Cai; thực hiện thí điểm đánh giá và sáng tạo, mở rộng ra tới cấp sở/ngành để thúc đẩy các đơn vị này nâng cao hiệu quả công tác, hỗ trợ DN tốt hơn" - ông Tuấn cho hay.
Trong khi đó, với nhóm cuối bảng xếp hạng chất lượng điều hành kinh tế chỉ có sự thay đổi chút ít. Riêng Đắk Nông, các tỉnh ở miền núi phía Bắc như Hà Giang, Lai Châu và Bắc Kạn vẫn không có cải thiện nào đáng kể.
"Cải thiện chất lượng điều hành có thể là con đường tương đối ngắn, thuận tiện hơn và đòi hỏi nguồn lực ít hơn để các tỉnh này trở nên hấp dẫn trong con mắt của các nhà đầu tư" - báo cáo PCI khuyến cáo.
Chi phí không chính thức chưa giảm
PCI 2015 ghi nhận những kết quả tích cực của công tác đăng ký, thành lập DN. Ví dụ, thời gian để lấy giấy chứng nhận đăng ký DN đã được rút ngắn, chỉ mất tám ngày để có giấy chứng nhận đăng ký DN trong tay. Trước đó, DN mất tổng thời gian 10-12 ngày.
"Tuy vậy, vẫn còn đó những tín hiệu buồn" - ông Tuấn nói điều này khi đề cập đến tình trạng chi phí không chính thức chưa có dấu hiệu giảm bớt mà còn tăng lên con số 66% trong năm 2015.
"Hơn 11% DN cho biết các khoản chi cho riêng mục này chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của họ; 65% DN cho biết tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho DN là phổ biến" - ông Tuấn nói.
Ngoài ra, môi trường kinh doanh tại nhiều tỉnh, TP chưa có sự cạnh tranh bình đẳng, đặc biệt là có sự bất bình đẳng đối với DN nhỏ và vừa. Cụ thể 39% DN vẫn cho biết tỉnh ưu ái cho các tổng công ty, tập đoàn của Nhà nước gây khó khăn cho DN.
"Thậm chí, có những tỉnh còn ưu ái hơn cho các DN nước ngoài. Một số tỉnh lại ưu ái hơn cho các công ty lớn gây ra những trở ngại trong kinh doanh. Tỉ lệ DN quan ngại về phân biệt đối xử theo quy mô DN cũng tăng lên nhiều" - báo cáo PCI 2015 ghi nhận.
Nhận xét về PCI, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nói: "Năng lực cạnh tranh của Việt Nam phần lớn được quyết định bởi chất lượng điều hành và sự thuận lợi của môi trường kinh doanh cấp tỉnh. Do đó sự năng động, tiên phong và mẫn cán của bộ máy công chức địa phương đang quyết định tốc độ và đường hướng phát triển của Việt Nam trong thời gian tới".
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng HUỲNH ĐỨC THƠ: Thay đổi tình trạng "đất lành chim không đậu" Năm trước, chúng tôi đã đứng đầu PCI nhưng vẫn có những cảnh báo về tiếp cận đất đai, pháp lý và cạnh tranh. Ngay sau đó lãnh đạo TP đã tổ chức các cuộc thảo luận tìm ra những nguyên nhân cụ thể để thay đổi tình trạng "đất lành mà chim không đậu". Lãnh đạo TP cũng chỉ rõ những đơn vị cần cải tổ để cải thiện rõ rệt. Cuối cùng sự công nhận của cộng đồng DN đã giúp chúng tôi vẫn giữ được vị trí đầu bảng. Trong năm nay sẽ có nhiều thách thức để chúng tôi vượt qua và cải cách nhiều hơn nữa. Dư địa cải cách vẫn còn và các tỉnh, thành khác cũng đang nỗ lực vượt lên cải cách chính mình. Chúng tôi tiếp xúc DN không chỉ là định kỳ mà bất cứ lúc nào DN cần. Cho nên các kiến nghị của DN được xử lý kịp thời và đúng luật. Ngoài ra chúng tôi công khai cả số điện thoại, thư điện tử, thậm chí sử dụng mạng xã hội để tiếp nhận mọi phản ánh của DN. Ông TRẦN ANH DŨNG, Giám đốc Sở Kh&Đt tỉnh Nam Định: Luôn điều chỉnh để tốt hơn Tỉnh có sự tiến bộ vượt bậc về PCI do lãnh đạo tỉnh ủy và UBND tỉnh thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với DN và công khai, minh bạch; thường xuyên nhận phản hồi của DN về những đơn vị chưa tạo điều kiện cho DN, từ đó có điều chỉnh, làm tốt hơn. Sở KH&ĐT tỉnh cũng luôn tham mưu cho lãnh đạo tỉnh về cải cách hành chính, xúc tiến đầu tư và làm đầu mối cho các dự án ngoài khu công nghiệp. Đồng thời giao ban quản lý trong các khu công nghiệp làm đầu mối một cửa giải quyết tất cả khó khăn cho DN... Ông LÊ VĂN QUANG, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Đắk Nông: Cải thiện những chỉ số còn yếu Tỉnh Đắk Nông mới thành lập, điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, địa lý xa xôi cách trở... Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến việc kêu gọi xúc tiến đầu tư. Có thể nói những điều kiện khó khăn này đã ảnh hưởng nhiều đến chỉ số PCI của tỉnh. Để cải thiện thứ hạng PCI của tỉnh, hiện Đắk Nông đang chỉ đạo các sở, ngành tập trung cải thiện những chỉ số còn yếu trong PCI. Tập trung thúc đẩy cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thông thoáng cho các DN đến đầu tư. Nơi tiến bộ, nơi tụt hạng PCI ghi nhận sự tiến bộ vượt bậc của nhiều tỉnh, thành. Điển hình như Nam Định, so với năm trước đó đã vượt 16 bậc, từ vị trí 33 lên vị trí 17. Ngoài Nam Định, những tỉnh có bước nhảy vọt là Hà Nam, Sóc Trăng (14 bậc), Điện Biên, Quảng Trị (10 bậc). Ngược lại, có những tỉnh đang từ thứ hạng khá cao, tụt xuống những thứ hạng khá thấp như: Ninh Bình từ vị trí 11 tụt xuống 33, Thừa Thiên-Huế, Bình Phước (tụt 16 bậc), Khánh Hòa, Hậu Giang, Bạc Liêu (tụt 11 bậc). Tỉnh Đắk Nông từ hạng 57 tụt sáu bậc để trở thành tỉnh có chỉ số PCI thấp nhất với vị trí 63.
Theo_24h
'Dựa vào FDI thì thế mặc cả của Việt Nam càng kém' 'Muốn tăng trưởng, muốn thành tích phải dựa vào FDI nhưng dựa vào thì thế mặc cả của Việt Nam sẽ càng kém, và rồi toàn những ông kiếm chác vào Việt Nam', PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết. PGS. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. Ảnh: TL Tại hội thảo...