Quỹ HTND: Động lực để nông dân liên kết sản xuất, làm giàu
Đó là ý kiến đánh giá chung của nhiều đại biểu tại hội nghị tập huấn và tọa đàm trao đổi về việc tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND). Hội nghị do Ban điều hành Quỹ HTND Trung ương thuộc Trung ương Hội NDVN tổ chức ngày 6/9, tại TP.Cần Thơ.
Dự hội nghị có hơn 100 đại biểu đến từ Hội ND 21 tỉnh/thành phố khu vực phía Nam và tỉnh Kon Tum.
Nguồn quỹ liên tục tăng trưởng
Theo báo cáo tại hội nghị, tính đến 30/6/2019, tổng nguồn vốn Quỹ HTND của cả nước đã đạt hơn 3.284 tỷ đồng, tăng hơn 2.737 tỷ đồng so với 31/12/2010.
Nông dân quận Ô Môn (TP.Cần Thơ) trồng cam thoát nghèo từ nguồn vốn Quỹ HTND. Ảnh: Huỳnh Xây
Ông Nguyễn Xuân Thắng – Trưởng Ban điều hành Quỹ HTND Trung ương cho biết: Thời gian qua, Quỹ HTND đã được các cấp Hội trong cả nước quyết tâm xây dựng, đẩy mạnh. Tại nhiều địa phương, các cấp Hội đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, đề xuất chính quyền thực hiện tốt các nội dung Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ HTND giai đoạn 2011-2020″, đã đưa nguồn vốn Quỹ HTND từ hơn 500 tỷ đồng (trước khi thực hiện đề án) đến nay đạt trên 3.200 tỷ đồng, tăng gấp 6 lần so với năm 2010.
“Nguồn vốn Quỹ HTND đã giúp hàng vạn lượt hộ hội viên, nông dân mở rộng sản xuất kinh doanh, từng bước tiếp cận tiến bộ khoa học, công nghệ. Qua đó, thực hiện liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, đáp ứng yêu cầu của thị trường, giúp nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống” – ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Thông qua các dự án vay vốn Quỹ HTND, công tác hội và phong trào nông dân được đẩy mạnh, nâng cao năng lực, vai trò, vị trí Hội ND trong hệ thống chính trị và góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới… Các tỉnh, thành làm tốt công tác vận động tăng trưởng vốn từ ngân sách là: Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Vũng Tàu, Tiền Giang, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Nam, Lai Châu…
Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, hiện nay, phương thức hỗ trợ vốn cho nông dân đã có bước chuyển mạnh, từ cho vay nhỏ lẻ theo hộ, quy mô nhỏ sang cho vay theo dự án. Việc làm này nhằm mở rộng, nâng cao quy mô sản xuất, phát triển ngành nghề, tạo việc làm, thúc đẩy ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào nông nghiệp. Bên cạnh đó, cách làm này cũng giúp khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển các hình thức kinh tế tập thể ở nông thôn.
Hiện nay, mức vay quỹ đã được nâng từ 50 triệu đồng/hộ lên đến 100 triệu đồng/hộ, đối với dự án có thể vay từ 300 triệu đến đối đa 2 tỷ đồng, thời gian vay tuỳ vào loại hình sản xuất, kinh doanh. Quá trình xét duyệt cho vay phải qua 6 bước, trong đó bước lựa chọn mô hình, dự án để cho vay được xem là quan trọng nhất.
Video đang HOT
Ưu tiên hỗ trợ các dự án, mô hình hợp tác
Bên cạnh những những đơn vị làm tốt công tác vận động phát triển, quản lý nguồn vốn Quỹ HTND có hiệu quả, theo Ban điều hành Quỹ HTND Trung ương, vẫn còn một số đơn vị bộc lộ những tồn tại, hạn chế. Cụ thể, về công tác phát triển nguồn vốn, vận động tăng trưởng khá tích cực nhưng không đều giữa các địa phương trên cả nước và giữa các tỉnh, thành Hội trong từng vùng. Nguồn vốn Quỹ HTND các cấp tăng chủ yếu do ngân sách cấp, trong khi vận động ủng hộ, đóng góp vốn quỹ nguồn ngoài ngân sách rất tiềm năng nhưng kết quả còn khiêm tốn.
Về công tác cho vay, việc lựa chọn, xây dựng mô hình chưa thực sự điển hình, chưa đa dạng, còn dàn trải, chưa tạo được sự liên kết thực sự chặt chẽ giữa các hộ tham gia vay vốn nên một số nơi có xảy ra tình trạng nợ quá hạn. Về công tác quản lý, một số nơi sổ sách theo dõi hoạt động quỹ chưa đầy đủ, chưa đúng quy định của Bộ Tài chính.
Về phương hướng phát triển trong giai đoạn 2018 – 2023, Ban điều hành Quỹ HTND Trung ương xác định, nguồn vốn sẽ tăng trưởng bình quân từ 10%/năm trở lên. 100% cơ sở Hội có mô hình vay vốn Quỹ HTND. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào trong công tác quản lý điều hành Quỹ HTND. Phối hợp các ngân hàng, tổ chức tín dụng làm tốt dịch vụ hỗ trợ vốn cho nông dân.
Xây dựng phần mềm quản lý chung
“Quỹ HTND TP.HCM có 170 tỷ đồng, hỗ trợ cho nông dân phát triển các lĩnh vực như rau, cây kiểng, bò sữa, tôm nước lợ, cá cảnh và các dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Chúng tôi kiến nghị, thay vì cho vay hộ thì nên cho vay theo dạng cá nhân, nghiên cứu xây dựng phần mềm quản lý Quỹ HTND chung cả nước.
Ngoài ra, đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ HTND giai đoạn 2011- 2020″ sắp hết hạn, cần có hướng dẫn để các địa phương có kế hoạch cho giai đoạn sau. Hiện nay, nông dân áp dụng mạnh các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tăng gia sản xuất cần nhiều vốn nên tăng cường thêm nguồn vốn cho quỹ nông dân”.
Ông Đoàn Văn Thanh – Phó Chủ tịch Hội ND TP.HCM
Nâng mức vay đối với trang trại, HTX
“Tổng nguồn vốn Quỹ HTND của tỉnh Bình Dương là 140 tỷ đồng. Chúng tôi cho vay 338 dự án tương đương với 338 tổ hợp tác, những tổ hợp tác này phát triển rất thuận lợi. Đặc biệt, Hội ND tỉnh Bình Dương chú trọng mở rộng đối tượng cho vay, nâng mức vốn cho vay đối với các trang trại, hợp tác xã (có thể tính đến việc cho vay theo hình thức thế chấp). T.Ư Hội NDVN nên tổ chức cho nông dân đi học tập kinh nghiệm sản xuất ở nước ngoài, kinh phí các địa phương tự lo”.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung-Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Bình Dương
Bà con yên tâm tập trung sản xuất
“Các mô hình hỗ trợ vốn Quỹ HTND đều được thẩm định tốt. Sau đó, nhiều mô hình được nhân rộng, cụ thể từ 12 mô hình trước đây đã lên đến 113 mô hình với gần 25.000ha. Các mô hình phần lớn thực hiện theo chuỗi giá trị, bà con chỉ lo sản xuất. Quỹ HTND của thành phố không nhiều, chỉ ở mức 24 tỷ đồng, trong đó cấp T.Ư ủy thác là 5,7 tỷ đồng, nguồn vốn thành phố được 8 tỷ đồng, hàng năm, UBND thành phố bổ sung thêm 2 tỷ/năm, còn lại các quận, huyện quản lý khoảng 10 tỷ đồng.
Số hội viên vay vốn là trên 36.000 hộ, chiếm hơn 1/3 số hội viên hội ND, chưa phát sinh nợ quá hạn. Số vốn Quỹ HTND vẫn còn quá ít so với nhu cầu, chỉ ở dạng tiếp sức, chu kỳ vay còn ngắn, bà con khó khăn khi sử dụng vốn này. Vì vậy, cần nguồn vốn lớn hơn…”.
Bà Trần Thị Thiên Thư – Phó Chủ tịch Hội ND TP.Cần Thơ
Theo Danviet
Hiệu quả khi vừa cho vay vốn vừa hỗ trợ kiến thức sản xuất
Nhiều năm qua, Quỹ Hỗ trợ Nông dân (HTND) đã kịp thời hỗ trợ, đầu tư nguồn vốn giúp hội viên nông dân của tỉnh Lào Cai có điều kiện mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, từng bước thoát nghèo.
Tích cực tăng trưởng nguồn vốn
Thực hiện kế hoạch phát triển nguồn vốn Quỹ HTND nhằm giúp cho hội viên nông dân khó khăn về vốn trong đầu tư phát triển kinh tế gia đình được tiếp cận và vay vốn, ngay từ đầu năm, Hội ND Lào Cai đã tích cực xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện việc tăng trưởng Quỹ HTND theo quy định; giao chỉ tiêu tăng trưởng Quỹ HTND năm 2019 cho các huyện, thành Hội với số tiền 550 triệu đồng.
Từ nguồn vốn Quỹ HTND, các hộ nông dân ở thị trấn Bắc Hà (huyện Bắc Hà) đã xây dựng mô hình trồng mận tam hoa cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Nguyễn Quỳnh
Tính đến ngày 30/5/2019, tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh là: 25 tỷ đồng (tăng 255 triệu đồng so với 2018). Đến ngày 30/5/2019, nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh là 25 tỷ đồng thông qua 39 dự án cho 498 hộ vay (tỷ lệ dự án đầu tư cho chăn nuôi chiếm 56%, trồng trọt chiếm 23%, thủy sản chiếm 18%, sản xuất kinh doanh 3%).
Hội ND các huyện, thành phố cũngđã ký kết văn bản liên ngành với chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng cấp tuyên truyền, hướng dẫn thành lập, kiện toàn các tổ vay vốn, tổ liên kết, đồng thời kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn vay đúng mục đích và có hiệu quả đồng vốn; thường xuyên nắm bắt, phản ánh tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, bất cập của nông dân.
Tính đến 30/4/2019, tổng dư nợ qua tổ chức hội đạt 1.154 tỷ đồng cho 13.215 hộ vay, tại 547 tổ vay vốn. Các huyện làm tốt công tác phối hợp có dư nợ cao và không có nợ xấu hoặc tỷ lệ nợ xấu rất thấp như: Bắc Hà, Bảo Thắng.
Vận động đi đôi hỗ trợ
Bà Đinh Minh Hà - Chủ tịch Hội ND Lào Cai cho biết: Các dự án Quỹ HTND được thực hiện đúng quy trình cho vay, đầu tư đúng hướng, làm tốt công tác khảo sát địa bàn, lập phương án sản xuất kinh doanh, xây dựng dự án, thẩm định và kiểm tra trước, trong và sau khi giải ngân; phối hợp với các ban, ngành chức năng chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới cho hộ vay để áp dụng vào sản xuất chăn nuôi, trồng trọt nên nguồn vốn đã phát huy được hiệu quả rõ rệt.
Bên cạnh đó, các dự án được đầu tư phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương, là điều kiện để xây dựng, phát triển các thương hiệu, nhãn hiệu nông sản góp phần gia tăng giá trị kinh tế, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Các dự án Quỹ HTND được thực hiện có hiệu quả đem lại lợi ích thiết thực cho hội viên nông dân, qua đó nâng cao vị thế và vai trò của Hội, thu hút nông dân tham gia vào tổ chức hội, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, thực hiện thắng lợi các chương trình phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước đối với phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Từ nguồn vốn Quỹ HTND cùng với vốn tự có của mình, các hộ nông dân đã xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả như: Nuôi cá chép lai thâm canh tại xã Cam Đường (TP.Lào Cai) và thị trấn Phong Hải (Bảo Thắng); chăn nuôi trâu sinh sản tại xã Xuân Giao (Bảo Thắng), xã Yên Sơn, Kim Sơn (Bảo Yên); mô hình nuôi gà thả đồi tại xã Phú Nhuận (Bảo Thắng); trồng và phát triển diện tích cây đào pháp, cây lê, hoa ly tại thị trấn Sa Pa; trồng cây cam tại xã Lương Sơn (Bảo Yên); cây bưởi múc tại xã Thái Niên (Bảo Thắng); cây mận tam hoa tại thị trấn Bắc Hà (Bắc Hà)...
Thông qua hoạt động vay vốn, Quỹ HTND đã kịp thời hỗ trợ, đầu tư nguồn vốn giúp hội viên nông dân có điều kiện mở rộng sản xuất, mở ra cơ hội mới cho người nông dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, từng bước thoát nghèo, đây là một trong những giải pháp quan trọng cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Xây dựng dự án nhóm hộ giúp hội viên, nông dân gắn bó với nhau, liên kết sản xuất góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn có hiệu quả và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Theo Danviet
Quỹ Hỗ trợ nông dân: "Tiếp sức" để nông dân vượt khó, làm giàu Từ kinh phí xây dựng nông thôn mới, tham gia khuyến nông, nhất là nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND, giai đoạn 2013-2018 vừa qua, các cấp Hội ND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thực hiện hỗ trợ xây dựng 115 mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm với trên 5.000 hộ nông dân tham gia. Nhiều...