Quy hoạch mạng lưới các trường đại học không đơn giản là phép cộng
“Khi hợp nhất các trường không chỉ đơn giản là một phép cộng, mà là sắp xếp lại để trở thành trường đa ngành, đa lĩnh vực”.
Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 209/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Quyết định 209), giao Bộ GD-ĐT xây dựng kế hoạch thực hiện.
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học ( Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã có trao đổi với PV VOV.VN về những vấn đề liên quan đến quy hoạch mạng lưới các trường đại học, sư phạm hiện nay.
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học. (Ảnh: KT)
PV: Bộ GD-ĐT được Chính phủ giao triển khai quy hoạch mạng lưới các trường đại học, sư phạm trên cả nước, ông có góp ý gì cho đề án này?
TS Lê Viết Khuyến: Hệ thống các trường đại học hiện nay đang có sự lộn xộn, khi nói đến quy hoạch mạng lưới, chủ yếu nói đến quy hoạch các trường công lập. Quy hoạch trường công sử dụng nguồn lực từ ngân sách nhà nước, do đó cần tính đến hiệu quả hoạt động ra sao, đảm bảo yếu tố công bằng.
Khi quy hoạch, cần đảm bảo 3 tiêu chí quan trọng nhất là công bằng, chất lượng và hiệu quả. Công bằng là mạng lưới các trường này phải phục vụ tất cả người dân, phải được phân bố sao cho đồng đều cân xứng. Như vậy sẽ phải chia ra các trường trung ương có nhiệm vụ giải quyết nhu cầu phát triển nguồn nhân lực ở tầm quốc gia. Các trường này được đầu tư và chịu trách nhiệm chỉ đạo từ trung ương, bám sát chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước, không nhằm cho riêng vùng miền nào.
Nhưng khi chú ý đến tầm vĩ mô, lại không thể đáp ứng yêu cầu riêng của từng địa phương, lúc này cần có các trường đại học vùng, quy mô nhỏ hơn, gắn với những đặc thù riêng của từng vùng miền. Trường đại học vùng lập ra với những khu vực chậm phát triển về kinh tế như Tây Bắc, Tây Nguyên… Những trường đại học vùng thường đầu tư vào những ngành phát triển kinh tế của vùng đó, tạo nguồn nhân lực để đưa kinh tế xã hội vùng phát triển nhanh hơn.
Tuy nhiên, thời gian vừa qua, quá trình thành lập các trường đại học vùng nhiều người lại chưa hiểu được tính chất của trường vùng, khiến các trường này phát triển lung tung. Trường đại học vùng rất cần thiết, nhưng lại chưa đáp ứng được các mục tiêu đề ra.
Video đang HOT
Tiếp theo là các trường địa phương, gắn liền với từng tỉnh, đáp ứng nhu cầu phát triển nhân lực đa dạng, cụ thể của từng tỉnh mà các trường trung ương hay vùng chưa thể đáp ứng. Các trường này cũng được mở ra để huy động thêm nguồn lực do địa phương đóng góp, phục vụ sự phát triển của cộng đồng, vì cộng đồng.
Nhưng hiện có nhiều quan niệm sai về các trường địa phương dẫn đến thực trạng có hàng loạt các trường ở tỉnh không thể phát triển. Một số đề xuất được sáp nhập để trở thành thành viên ĐH Quốc gia là không ổn. Tôi nói vậy bởi trường ĐH Quốc gia là trường trọng điểm của cả nước, thể hiện mặt bằng quốc tế, có những yêu cầu rất cao về cơ sở vật chất, chương trình… trong khi trường địa phương lại đáp ứng nhu cầu của địa phương mang một sứ mệnh khác và điều kiện khác.
PV: Thực tế hiện nay đang có nhiều trường đại học “vật vã” tuyển sinh, hoạt động kém hiệu quả, đặc biệt là các trường đại học địa phương như ông vừa nói, vậy đâu là lời giải cho nhóm trường này khi quy hoạch, thưa ông?
TS Lê Viết Khuyến: Trường công gắn liền với nguồn tiền của Nhà nước, số tiền ấy phải sử dụng có hiệu quả. Thông thường, khi nói về tính hiệu quả của các trường, người ta thường nhìn vào quy mô của trường đó, trường có đào tạo tốt không, có tuyển sinh được không. Các chuyên gia kinh tế giáo dục đại học từ nhiều năm trước đã chỉ ra rằng một trường có quy mô trên 3.000 sinh viên thì chi phí đào tạo cho mỗi sinh viên sẽ thấp hơn các trường dưới 3.000 sinh viên. Do đó, nhiều nước trên thế giới yêu cầu các trường có quy mô dưới 3.000 sinh viên sẽ phải sáp nhập để nâng quy mô lớn hơn.
Nhưng khi hợp nhất các trường không chỉ đơn giản là một phép cộng, mà là sắp xếp lại để biến các trường đó thành trường đa ngành, đa lĩnh vực. Trước đây, trong nền kinh tế theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung, thường chỉ có các trường đơn ngành, nhưng trong nền kinh tế nhiều thành phần, cấu trúc nguồn nhân lực luôn biến động, các trường đơn ngành tồn tại không thuận lợi, có thời điểm thiếu, có lúc lại thừa số lượng lớn.
Các trường này chủ yếu là trường chuyên ngành, cần xác nhập lại thành các trường đa lĩnh vực. Nhưng việc xác nhập, hợp nhất cần có những tiêu chí rõ ràng, không chỉ đơn giản là một phép cộng cơ học.
PV: Mục đích sau cùng của các trường đại học là đào tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cho xã hội, đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường, vậy trong quá trình quy hoạch mạng lưới các trường, vai trò của việc dự báo cung cầu lao động ra sao, thưa ông?
TS Lê Viết Khuyến: Việc dự báo thị trường lao động là rất cần thiết, để từ đó điều chỉnh quy mô đào tạo cho từng trường. Song việc dự báo này chỉ mang tính chất chung, rất khó để đưa ra những dự báo sát sườn với từng vùng, từng tỉnh, do điều kiện kinh tế xã hội khác nhau.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, hiện nay các trường đều phải thống kê, điều tra về tình trạng việc làm của sinh viên sau 6 tháng tốt nghiệp. Từ tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm, các trường có thể điều chỉnh kế hoạch tuyển sinh trong những năm tiếp theo. Đây là cách làm hợp lý được nhiều chuyên gia giáo dục nước ngoài khuyến nghị.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Vẫn thiếu những trường đại học kiểu mới đáp ứng nhu cầu nhân lực để phát triển đất nước
Quy hoạch các trường công lập không phải là sự sáp nhập giải thể một cách cơ học để giảm số lượng trường công.
Sự sắp xếp lại mạng lưới giáo dục đại học cũng không nên chỉ thuần túy là giải pháp hành chính rằng trường nào còn, trường nào giải thể, trường nào sáp nhập, rằng cho trường nào là trọng điểm, trường nào không.
Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 209/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Quyết định 209).
Góp ý về vấn đề này, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, việc quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng trong bối cảnh hiện nay là cần thiết.
Cuộc CMCN 4.0 đang phát triển nhanh chóng đề ra những yêu cầu mới cho đào tạo và nghiên cứu khoa học, cũng đưa nhiều công nghệ mới làm thay đổi phương thức đào tạo và mô hình nhà trường.
Giáo dục mở đang mở ra nhiều khả năng to lớn để phát triển. Sự hội nhập sâu rộng cũng tạo sự giao thoa với thế giới trong giáo dục và khoa học. Bên cạnh đó, đất nước đang trong tình hình ,buộc phải phát triển sức mạnh, trước hết là sức mạnh trí tuệ như một lẽ sống còn.
Việc đánh giá, quy hoạch lại mạng lưới các trường đại học, sư phạm hiện nay là cần thiết. (Ảnh minh họa)
Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng cũng cho rằng việc quy hoạch lại các trường là cần thiết do ngân sách nhà nước đang quá tải nếu tiếp tục bao cấp cho hệ thống sự nghiệp to lớn trong đó có giáo dục.
"Nền đại học Việt Nam cũng có quá nhiều bất cập từ hệ thống đến các cơ sở đào tạo; có một số trường thực sự yếu kém về năng lực và chất lượng đào tạo. Rất thiếu những trường đại học kiểu mới đáp ứng nhu cầu nhân lực để phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
Nói chung hệ thống giáo dục của ta hiện nay mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng còn xa mới thỏa mãn được các tiêu chí cần có của một nền GDĐH tiên tiến là công bằng, chất lượng , hiệu quả và nhất thể hóa", Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam thẳng thắn chỉ rõ.
Hiệp hội này cũng cho rằng, tinh thần của Luật Quy hoạch việc sắp xếp lại các cơ sở GDĐH công lập không phải là sự sáp nhập giải thể một cách cơ học để giảm số lượng trường công lập. Sự sắp xếp lại mạng lưới giáo dục đại học cũng không nên chỉ bằng một thiết kế duy ý chí của người quản lý, không nên chỉ thuần túy là giải pháp hành chính rằng trường nào còn, trường nào giải thể, trường nào sáp nhập, rằng cho trường nào là trọng điểm, trường nào không. "Chuyện sáp nhập giải thể thường đụng đến rất nhiều người và hậu quả kéo theo nhiều việc đến vài năm chưa yên. Do đó cần có sự tính toán thận trọng, có bước đi phù hợp, có giải pháp thích hợp".
Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cũng kiến nghị những nội dung liên quan đến quy hoạch mạng lưới các trường đại học cao đẳng như:
Thực hiện tự chủ đầy đủ. Các trường sẽ tự khẳng định mình bằng phấn đấu bảo đảm chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, tự bảo đảm về tài chính, về nhân lực, tự xây dựng thương hiệu mà tồn tại và phát triển.
Hai là khuyến khích các trường phát triển theo hướng đa ngành , đa lĩnh vực, đa cấp, bảo đảm quy mô kinh tế về số lượng người học để thích hợp với nền kinh tế thị trường và thị trường dịch vụ giáo dục. Các trường đơn ngành có quy mô nhỏ là sản phẩm của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung trước đây, nay rất khó có điều kiện phát triển tốt trong điều kiện mới và trên thực tế các trường đang tự động từng bước đa ngành hóa, đa lĩnh vực hóa, đa cấp hóa. Đó là một xu thế nên chấp nhận.
Ba là thực hiện việc kiểm định chất lượng thực sự khách quan đáng tin cậy về cả đào tạo, nghiên cứu khoa học và minh bạch về tài chính. Lấy đó cùng với kết quả điều tra hàng năm tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp làm cơ sở cho sự đánh giá của cơ quan quản lý và sự tín nhiệm của xã hội. Điều này tối quan trọng khi ta "mở" nhiều mặt, xoá nhiều ràng buộc trong quản lý.
Bốn là chấp nhận sự sàng lọc các đơn vị đào tạo theo cơ chế thị trường thông qua uy tín của thương hiệu, có sự định hướng của nhà nước thông qua khen thưởng, đầu tư và chế tài. Chế tài của nhà nước có thể từ thấp đến cao tới mức quyết định đóng cửa trường.
Năm là thực hiện phân tầng (theo sứ mệnh) các cơ sở GDĐH, phân cấp quản lý triệt để cho các địa phương. Khuyến khích các trường đăng ký về sứ mạng, mục tiêu và tầm nhìn của trường tương xứng với năng lực của trường mình và có thể thay đổi trong quá trình phát triển. Về phía nhà nước cũng nên chấp nhận sự khác biệt tương đối rộng về năng lực giữa các trường, có nghĩa là chấp nhận một phổ tương đối rộng về năng lực từ các trường đầu đàn đến các trường yếu. Điều này cũng là một thực tế của quá trình phát triển .
Sáu là việc xuất hiện các trường top đầu trước hết phải do sự vận động tự thân vươn lên mà nổi trội bằng sự tự khẳng định mình thông qua thực hiện chủ trương tự chủ đại học. Nhà nước có thể tập trung đầu tư cho những trường này cũng như đầu tư vào một số ngành, một số lĩnh vực quan trọng ở những trường có sở trường tương ứng để tạo thành các trọng điểm quốc gia.
Bảy là việc sắp xếp điều chỉnh nên được chuẩn bị thật kỹ về về quan điểm, tư duy, đặc biệt là các chính sách cụ thể. Bộ Giáo dục Đào tạo nên thiết kế một hành lang pháp lý đủ rộng mà đủ chặt, xây dựng một kế hoạch toàn diện từ lộ trình đến sự giám sát. Không nên coi sắp xếp lần này như là một đợt cấp tập, làm thật nhanh rồi kết thúc mà nên coi đó là sự sắp xếp thường xuyên, giai đoạn đầu có thể làm nhiều việc hơn, sau đó còn có sự điều chỉnh tiếp tục theo hướng tự lựa chọn tốt nhất.
Tám là nên suy nghĩ toàn diện và tổng thể về phương hướng đổi mới cả hệ thống giáo dục đại học, từ đó mới tính được việc sắp xếp mạng lưới trường. Quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDĐH công lập phải được soạn thảo xuất phát từ Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và Chiến lược phát triển giáo dục của đất nước trong những năm tới./.
Lãnh đạo đại học tự chủ lo nhất thanh tra, kiểm toán vào nói kiểu nào cũng được Ngày 10/3, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức họp trực tuyến với các trường đã thực hiện tự chủ đại học. Về phía Hiệp hội có 2 Phó chủ tịch Hiệp hội đó là Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ và Tiến sĩ Lê Viết Khuyến. Cùng dự có đại diện 13 trường đại học, học viện...