Quy hoạch cũng là nguyên nhân dẫn đến vi phạm xây dựng không phép, sai phép
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho rằng quy hoạch không phù hợp cũng là nguyên nhân dẫn đến vi phạm xây dựng không phép, sai phép. “Hiện tốc độ đô thị hóa cao, nhu cầu nhà ở rất lớn. Mình để đất nông nghiệp không xây dựng được thì người ta bức xúc, sẵn sàng lấn chiếm tìm cách xây dựng không phép”, ông Tuyến nói.
Tại hội nghị sơ kết tình hình thực hiện công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP diễn ra ngày 5/8, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, nhìn nhận tổng thể thì thấy bức tranh đô thị TP diễn ra hết sức phức tạp. Từ những nguyên nhân được chỉ ra, trong đó có nguyên nhân chủ quan, TP sẽ điều chỉnh.
Dự án Thảo Điền Shapphire vi phạm vì lấn không gian sông Sài Gòn, rạch Ông Hóa, vừa bị xử phạt 1 tỷ đồng (ảnh minh họa)
Theo ông Tuyến, TPHCM là một đô thị đặc biệt, không chỉ dân số đông (13 triệu người), tỷ lệ gia tăng dân số cơ học cao mà đô thị hiện hữu đa phần là khu dân cư cũ, ngay cả trung tâm quận 1 cũng là đô thị cũ. Do đó, nhu cầu xây mới, sửa chữa rất cao. Ngoài ra, những khu đô thị mới, hạ tầng cũng chưa thật sự hoàn chỉnh.
Bên cạnh đó, ông Tuyến cho rằng chuyển dịch cơ cấu kinh tế hiện nay của TP được đánh giá là chậm, thậm chí có những lúc chuyển dịch không rõ nét. Đánh giá chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh và bền vững thì thấy việc chuyển dịch so với quy hoạch đô thị có vấn đề.
“Bởi TP phát triển theo hướng công nghiệp – nông nghiệp công nghệ cao, theo hướng phát triển du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn, thương mại phải bao trùm tất cả lĩnh vực đời sống xã hội. Chúng ta làm công nghệ thông tin, viễn thông thì cũng phải đi theo hướng thương mại hóa, nhưng quy hoạch đô thị chưa bắt kịp sự chuyển dịch này”, ông Tuyến nói.
Phó Chủ tịch UBND TP cho rằng phải xem xét lại chiến lược phát triển kinh tế của TPHCM chuyển dịch như thế nào. Từ đó mới xác định hạ tầng đô thị đi kèm ra sao.
Theo ông Tuyến, việc dãn dân từ nội thành về ngoại thành như huyện Củ Chi cũng sẽ gặp khó khăn. Bởi vì, sinh sống ở đây mà việc làm ăn, học hành, chữa bệnh… phải vào trung tâm sẽ khiến không nhiều người chọn huyện Củ Chi là nơi an cư. Đây là bất cập trong quy hoạch, phát triển hạ tầng với định hướng, chiến lược dãn dân ra khỏi nội đô.
“Dân số huyện Cần Giờ, Củ Chi khoảng 1 triệu người mà chiếm hơn một nửa diện tích của TP. Trong khi đó, gần một nửa diện tích còn lại có tới 12 triệu người. Nhìn vào sơ đồ chúng ta thấy ngay hình chóp nằm ở trung tâm. Có thể thấy rằng quy hoạch của mình hiện có vấn đề. Do đó, bài toán đô thị phải tính toán lại”, ông Tuyến phân tích thêm.
Video đang HOT
Phó Chủ tịch UBND TP cho rằng quy hoạch không phù hợp cũng là một nguyên nhân dẫn đến xây dựng không phép, sai phép. Chỗ nào cũng quy hoạch cây xanh, đường, trường học, bệnh viện… Đó là ý thích chủ quan và có ý nghĩa nhưng có khả thi hay không là chuyện khác.
“Hiện tốc độ đô thị hóa cao, nhu cầu nhà ở rất lớn. Mình để đất nông nghiệp không xây dựng được thì người ta bức xúc, sẵn sàng lấn chiếm tìm cách xây dựng không phép. Nói không phép thì nghe có vẻ lớn nhưng có khi cũng chỉ là cái lều, mái nhà tôn thôi”, ông Tuyến nói.
Phó Chủ tịch UBND TP cho rằng cần phải tính toán lại chuyển dịch cơ cấu kinh tế để rồi xác định lại vấn đề quy hoạch. Có những vấn đề cần phải kiến nghị để điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp.
Trước đó, theo báo cáo của Sở Xây dựng TP, trong 7 tháng đầu năm 2017, Thanh tra Sở Xây dựng phối hợp với các địa phương kiểm tra 24.449 công trình xây dựng. Qua kiểm tra thì phát hiện gần 2.000 trường hợp xây dựng sai phép, không phép, tập trung chủ yếu ở các quận 7, 9 và huyện Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ.
Quốc Anh
Theo Dantri
Huy động 20.000 tỷ đồng trong dân để phát triển giao thông
Do tỷ lệ điều tiết ngân sách giảm, tiếp cận vốn ODA cũng khó khăn hơn trước, trong khi nhu cầu đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đang rất cao, TPHCM đang lên đề án huy động 20.000 tỷ đồng trong dân để bổ sung nguồn vốn phát triển giao thông.
Chiều 3/8, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến chủ trì cuộc họp về tình hình giải ngân kế hoạch vốn 7 tháng đầu năm 2017.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch - Đầu tư TP, tính từ đầu năm đến nay, tổng kế hoạch vốn ngân sách giao cho TP năm 2017 là 26.183 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 7, tổng số vốn TP đã giải ngân là 13.214 tỷ đồng, đạt 50,5%. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương đạt 22%, vốn ODA do Trung ương cấp phát đạt 72% và vốn ngân sách TP đạt 51%.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến chủ trì cuộc họp
Bên cạnh đó, Sở Kế hoạch - Đầu tư cho biết hiện nay, nhu cầu vốn ODA cho các dự án trên địa bàn năm 2017 là khoảng 7.700 tỷ đồng nhưng Trung ương cấp phát cho thành phố chỉ đạt 50%.
Với số vốn nêu trên TP rất khó triển khai và đưa các dự án vào sử dụng đúng thời gian để phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến các hợp đồng quốc tế đã ký kết, dễ gây phát sinh khiếu nại và các khoản tiền phạt, lãi do chậm thanh toán.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA cho các dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Sở Kế hoạch - Đầu tư đã tham mưu UBND TP kiến nghị Trung ương tiếp tục xem xét, bổ sung vốn ODA cho TP là 3.648 tỷ đồng.
Trong đó, dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) là 3.303 tỷ đồng, dự án cải thiện môi trường nước TP giai đoạn 2 là 345 tỷ đồng và cam kết sử dụng hết vốn được Trung ương giao.
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch - Đầu tư báo cáo hiện nay do dự án tuyến metro số 1 đang trong quá trình điều chỉnh dự án (tăng tổng mức đầu tư từ 17.400 tỷ đồng lên 47.325 tỷ đồng), chưa được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư nên chưa có cơ sở xem xét, bổ sung vốn ODA trung hạn và hàng năm theo quy định.
Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên tăng tổng mức đầu tư từ 17.400 tỷ đồng lên 47.325 tỷ đồng
Ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND TPHCM - cho biết dự án tuyến metro 1 vượt dự toán do khâu tư vấn có nhiều vấn đề phát sinh. TP giao cho chủ đầu tư hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo lên Trung ương để trình Quốc hội phê duyệt.
Theo ông Tuyến, hiện nay TP ứng vốn là để kịp thời thanh toán cho nhà thầu theo tiến độ thi công. Do đó, ông đề nghị các đơn vị phối hợp hoàn chỉnh thủ tục pháp lý đồng thời tham mưu làm việc với các bộ, ngành để có vốn thanh toán cho nhà thầu.
Tại cuộc họp, nhiều quận cũng báo cáo tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng đầu năm dưới 50%. Trong đó, nhiều quận đang chậm giải ngân vốn bồi thường giải phóng mặt bằng cho tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) vì chưa phê duyệt đơn giá.
Về vấn đề này, ông Trần Vĩnh Tuyến đề nghị các đơn vị liên quan sớm rà soát, phối hợp thông qua đơn giá bồi thường cho người dân. Ông cho rằng trong việc thẩm định giá bồi thường giải phóng mặt bằng có điểm nào hở thì phải điều chỉnh. Metro là dự án lớn của thành phố nên phải nỗ lực lớn để hoàn thành sớm.
"Việc phê duyệt đơn giá lại không biết trách nhiệm của ai, cứ sàn qua sàn lại. Quyết định lại không quyết nhưng trình lên trên thì cũng không trình. Phải xem lại vướng vấn đề gì thì báo cáo để sớm giải quyết", ông Tuyến nhắc nhở.
Ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết TP đang lên đề án huy động 20.000 tỷ trong dân để phát triển giao thông
Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu Sở Tài Chính với tư cách là đơn vị đứng đầu Hội đồng thẩm định giá, phải rà soát lại nhân sự, nếu thiếu thì bổ sung còn yếu thì phải thay đổi nhân sự để đáp ứng nhiệm vụ của TP.
Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị Sở Nội vụ sớm có ý kiến về phân cấp, ủy quyền cho địa phương liên quan đến thẩm định giá để giảm áp lực cho TP. "Quận, huyện nào phân cấp rồi mà không dám làm thì xem lại cách làm của địa phương. Phân quyền thì đi kèm với trách nhiệm nhưng địa phương phải mạnh dạn", ông Tuyến nói.
Ông Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu các địa phương có giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn, phát huy hiệu quả vốn đầu tư công, phải giải ngân 100% vào cuối năm. Trách nhiệm thuộc về thủ trưởng sở, ngành, chủ tịch quận huyện.
"Vốn ngân sách là tiền thuế của dân, sử dụng có hiệu quả là có trách nhiệm với người dân. Đề nghị HĐND TP giám sát, làm rõ trách nhiệm. Vốn xài không hết thì TP cũng giải trình trước Quốc hội. Vốn ai cũng muốn ôm nhưng xài không hết rồi cuối năm trả lại thì không có hiệu quả và làm tăng nợ công", ông Tuyến nói.
Ngoài ra, ông Tuyến cũng cho biết do hiện nay nguồn vốn cho đầu tư phát triển hạ tầng gặp nhiều khó khăn. Do đó, TP đang lên đề án huy động 20.000 tỷ đồng trong dân để phát triển giao thông.
Quốc Anh
Theo Dantri
Sai phạm xây dựng: Bề ngoài như cô gái mỹ miều, kiểm tra kỹ mới... hết hồn! Sau khi kiểm tra tình hình sai phạm xây dựng ở xã Đa Phước (huyện Bình Chánh), ông Võ Văn Hoan - Chánh Văn phòng UBND TPHCM - cho biết bên trong là sàn giả bê tông mỏng manh, chỉ cần lún một chỗ là sụp cả căn nhà. Tại buổi họp báo thường kỳ diễn ra ngày 28/7, Chánh Văn phòng UBND...