Quy định việc sinh viên bán dâm: Quá lạ lùng!
Mại dâm là vấn đề nhạy cảm trong xã hội. Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định vấn đề này trong quy chế đối với học sinh – sinh viên là thiếu thận trọng, phản cảm, thậm chí vi phạm quyền con người
Ngày 30-10, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ, khi trả lời câu hỏi về quy định đuổi học sinh viên nếu bán dâm 4 lần, đã khẳng định: “Sai phải sửa và kiên quyết sửa. Bộ GD-ĐT sẽ xem xét xử lý trách nhiệm cá nhân những người làm sai”.
Ban hành văn bản thiếu kiểm soát
Cùng ngày, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã có buổi làm việc với Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên – đơn vị soạn Dự thảo Quy chế Công tác học sinh – sinh viên các ngành đào tạo giáo viên trình độ CĐ, trình độ trung cấp hệ chính quy. Buổi làm việc không được thông tin cho báo chí. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cũng không trả lời các câu hỏi được phóng viên nêu ra trong ngày 30-10.
Theo ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh – sinh viên (Bộ GD-ĐT), dự thảo này không mới mà chỉ bổ sung quy định đã có từ năm 2007. Năm 2016 đã có quy định với khối ĐH, bây giờ ra tiếp đối với hệ CĐ và trung cấp sư phạm thì vẫn dựa theo nội dung cũ.
Trước đó, ngày 29-10, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa giải thích quá trình soạn thảo thông tư này, ban soạn thảo đã nhận thấy một số nội dung liên quan đến phụ lục quy định khung xử lý kỷ luật đối với một số hành vi vi phạm của học sinh – sinh viên, trong đó có hành vi vi phạm về hoạt động mại dâm không còn phù hợp cần phải điều chỉnh khi ban hành quy chế mới.
Tuy nhiên, trong quá trình cập nhật các phiên bản dự thảo để đưa lên cổng thông tin điện tử xin ý kiến rộng rãi của nhân dân, ban soạn thảo đã sơ suất, chưa cập nhật dự thảo phù hợp nhất. Bà Nghĩa khẳng định ban soạn thảo thông tư tiếp thu và sẽ hoàn chỉnh dự thảo một cách tốt nhất. Bộ cũng sẽ xem xét kiểm điểm trách nhiệm của ban soạn thảo và cá nhân có liên quan. Thông tư này cũng đã rút xuống khỏi Cổng thông tin điện tử của Bộ GD-ĐT đêm 29-10.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội – ông Bùi Sỹ Lợi – cho rằng không thể có một quy định lạ lùng về việc bán dâm đối với học sinh – sinh viên như dự thảo mà Bộ GD-ĐT đưa ra rồi vội rút xuống. “Văn bản đưa ra thì phải kiểm soát, không nên để xảy ra chuyện rồi lại xin lỗi. Đây là trách nhiệm của ngành GD-ĐT, phải kiểm soát văn bản khi công bố ra ngoài” – ông Lợi nói.
Video đang HOT
Phải thận trọng khi đề cập đến nhân phẩm
“Tôi cho rằng đây là việc cơ quan quản lý cần lưu ý rút kinh nghiệm. Dù dưới bộ trưởng có bộ máy giúp việc nhưng suy cho cùng, khi có vấn đề gì thì người trách nhiệm cao nhất là bộ trưởng” – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội – ông Phạm Tất Thắng – nêu ý kiến.
Ông Thắng cũng phân tích về mặt pháp lý quy định như trong dự thảo là không phù hợp. Thứ nhất, với hành vi dự thảo nêu mà dư luận phản ứng là bán dâm lần thứ 4 mới bị đuổi học, các lần vi phạm trước có các hình thức xử lý khác và mỗi lần như thế đều phải công khai. Quy định như thế là vi phạm quyền con người vì pháp luật cũng không quy định vấn đề đó phải công khai, nhất là trong môi trường trường học. Thứ hai, trong Pháp lệnh Về xử lý vi phạm hành chính thì hoạt động mại dâm cũng được quy định với hình thức xử lý hành chính. “Việc ban hành văn bản quản lý có nguyên tắc rất cơ bản là phải hợp hiến, hợp pháp, tức phải phù hợp với các văn bản có giá trị pháp lý cao là hiến pháp, các luật và những văn bản có giá trị pháp lý khác” – ông Thắng nhấn mạnh.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng mại dâm là vấn đề rất nhạy cảm của xã hội. Theo ông Quốc, việc có công nhận mại dâm là một nghề hay không đã được thảo luận rất nhiều lần. Các ý kiến đều rất thận trọng vì nước ta rất trọng nhân phẩm, trọng người phụ nữ. Ông nêu rõ quan điểm nếu cơ quan chức năng phát hiện học sinh – sinh viên bán dâm ngay lần đầu thì cần phải đuổi học ngay. “Nhà trường cần coi đó là nguyên tắc, cứ vi phạm là đuổi chứ không cần phải đưa vào quy chế” – ông Quốc nhấn mạnh.
TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT, nhìn nhận việc bộ quy định các hình thức xử lý đối với hoạt động mại dâm là ôm đồm. Theo ông, công dân phạm luật thì luật sẽ xử. Trường không phải là cơ quan tư pháp. Trách nhiệm lớn nhất của ngành giáo dục là tham gia giáo dục pháp luật cho học sinh – sinh viên, chứ không phải làm tăng nặng hoặc bổ sung các hình phạt cho các hành vi mà luật đã quy định hình thức xử phạt.
Phản cảm
Ông Trương Tiến Sĩ, giảng viên Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, cho rằng Bộ GD-ĐT nên thận trọng khi ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Cần tránh chi tiết hóa những quy định pháp luật đã có, thay vào đó, bộ nên hướng dẫn các trường quy trình xử lý. Và tùy vào từng sự việc cụ thể, hội đồng kỷ luật của trường sẽ ra quyết định và tự chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Ông Sĩ nói thêm hoạt động mại dâm trong môi trường giáo dục là không nên có, không nên tồn tại.
GS-TS Đặng Vũ Ngoạn, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, nhận xét dự thảo Bộ GD-ĐT đưa ra có quy định số lần hoạt động mại dâm là hết sức phản cảm. Theo ông Ngoạn, nếu hoạt động mại dâm bị cơ quan chức năng xử lý thì buộc thôi học chứ không cần phải quy định số lần.
H.Lân
YẾN ANH – THẾ DŨNG
Theo nld.com.vn
Dự thảo buộc thôi học sinh viên sư phạm bán dâm 4 lần: 'Khó quy trách nhiệm cho một ai đó'?
Liên quan đến dự thảo của Bộ GD&ĐT về việc sinh viên ngành sư phạm nếu hoạt động mại dâm đến lần thứ tư sẽ bị buộc thôi học, chiều ngày 30/10, trả lời PV Báo PNVN, bà Nguyễn Thị Kim Thoa, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp), cho rằng qua vụ việc trên cho thấy năng lực của cơ quan tham mưu về pháp luật và ban hành văn bản, chính sách của Bộ GD&ĐT có những yếu kém.
Bà Thoa nhận xét: "Khi Quốc hội ban hành Luật Giáo dục nghề nghiệp và Luật Giáo dục tách biệt nhau thì việc quản lý một số trường cao đẳng, trung cấp cũng có sự tách biệt, một bộ phận thuộc về đào tạo nghề do Bộ LĐ-TB&XH quản lý, còn bộ phận đào tạo sư phạm thì do Bộ GD&ĐT quản lý. Đúng lý ra, ngay sau khi đã phân cấp quản lý như vậy thì quy định số 42 cũng cần phải đưa ra xem xét và sửa đổi sao cho phù hợp".
Về vấn đề ai sẽ chịu trách nhiệm khi ban hành sự thảo không phù hợp với thực tế và "chênh" với pháp lệnh về phòng chống mại dâm (ban hành năm 2003), bà Nguyễn Thị Kim Thoa cho rằng đây thuộc về cơ quan tham mưu của Bộ GD&ĐT.
"Thực tế thì bây giờ truy tận cùng là ai phải đứng ra chịu trách nhiệm về dự thảo này rất là khó, bởi không thể quy trách nhiệm được. Nhưng rõ ràng ở đây cho thấy sự yếu kém của cơ quan tham mưu của Bộ GD&ĐT", bà Thoa nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp)
Tuy nhiên, theo bà Thoa, giải pháp để giải quyết vấn đề hiện nay không nên là "quy trách nhiệm" và "tìm cách đổ lỗi cho nhau" mà là nên tìm ra hướng giải quyết, tháo gỡ vấn đề.
Bà Thoa nhìn nhận: "Tôi cho rằng ở đây không phải là vấn đề chúng ta tìm lỗi để kết tội nhau mà vấn đề bây giờ mới khắc phục làm sao cho nó hợp lý. Bởi Bộ GD&ĐT cũng thừa nhận là có sơ suất và đã rút dự thảo xuống để sửa chữa lại, dự thảo cũng chưa ban hành.
Về dự thảo nói trên, rõ ràng là cấp dưới phải trình lên để thủ trưởng đơn vị xem xét và ký duyệt, mà thủ trưởng đơn vị ở đây sẽ là cấp Thứ trưởng. Sau khi Thứ trưởng xem xét, phê duyệt rồi bộ phận phụ trách cổng thông tin mới đẩy nội dung dự thảo lên. Do đó, quy trách nhiệm cho một ai đó cũng khó nói".
Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) cho rằng, trên thực tế, những văn bản ở dạng dự thảo hoặc đã được ban hành không phù hợp, thậm chí vi hiến không phải là hiếm và cũng không chỉ riêng ở Việt Nam. Tuy nhiên, ở một số nước, họ có cơ quan bảo vệ hiến pháp đứng ra chịu trách nhiệm thẩm quyệt các văn bản này.
Bà Thoa cho biết: "Hiến pháp như đạo luật cơ bản, đạo luật tối cao của mỗi quốc gia đòi hỏi sự bảo vệ đặc biệt về mặt pháp lý nhằm bảo đảm sự tuân thủ Hiến pháp, ngăn ngừa sự vi phạm hiến pháp của công dân và tổ chức cũng như của các cơ quan quyền lực nhà nước. Trên nguyên tắc, bảo vệ hiến pháp là nhiệm vụ và trách nhiệm của tất cả các cơ quan quyền lực nhà nước và các quan chức có liên quan, được thực hiện thông qua việc áp dụng những phương tiện pháp lý khác nhau trong khuôn khổ thẩm quyền của mình".
Bà Thoa dẫn chứng: "Lấy ví dụ là Pháp, vốn được cho là quốc gia có hệ thống luật pháp khá chặt chẽ, trên thực tế tôi được biết là có nhiều văn bản vi hiến. Nhưng vì họ có ủy ban bảo hiến nên những văn bản trái hiến pháp đều bị loại bỏ. Có lần tôi hỏi người Pháp là những văn bản vi hiến như thế loại bỏ bằng cách nào, đồng nghiệp người Pháp trả lời rằng nếu đã là văn bản vi hiến rồi công dân không có trách nhiệm phải thực hiện, nghĩa là văn bản đó sẽ coi như không có nữa".
Trước đó, như Báo PNVN đã phản ánh, trong dự thảo lấy ý kiến về việc Ban hành quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp hệ chính quy của Bộ GD&ĐT, tại phụ lục có nêu nếu sinh viên ngành đào tạo giáo viên hoạt động mại dâm lần đầu sẽ bị khiển trách lần 2 bị cảnh cáo lần 3 đình chỉ học có thời hạn và lần 4 sẽ buộc thôi học. Dự thảo đang trong thời hạn lấy ý kiến góp ý đến ngày 26/11.
Sáng cùng ngày, trả lời PV Báo PNVN, bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, thừa nhận đây là do "sơ suất" của Bộ khi trình dự thảo. Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho biết hiện nay nội dung bản dự thảo đã được Bộ này rút xuống và sẽ sửa đổi các quy định trong dự thảo sao cho phù hợp.
"Trong quá trình cập nhật các phiên bản dự thảo để đưa lên cổng thông tin điện tử xin ý kiến rộng rãi của nhân dân, ban soạn thảo đã sơ suất, chưa cập nhật dự thảo phụ lục quy định khung xử lý kỷ luật đối với một số hành vi vi phạm của HSSV bản dự thảo sao cho phù hợp. Phần nội dung quy chế kỷ luật liên quan đến hành vi vi phạm hoạt động mại dâm của HSSV sẽ được chỉnh sửa", Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho hay.
Hoàng Sơn
Theo phunuvietnam
'Bất kỳ sinh viên nào vi phạm là phải bị đuổi học chứ không phải 2, 3 hay 4 lần bán dâm' Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng bất kỳ sinh viên nào vi phạm là phải bị đuổi học chứ không nên quy định phải 2, 3 hay 4 lần bán dâm. Bộ GD-ĐT vừa ban hành dự thảo Quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trung cấp hệ chính...